Dịch sốt xuất huyết: Cẩn trọng biến chứng phức tạp ở trẻ

20:22 | 02/08/2017

789 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong thời gian gần đây, số lượng bệnh nhi mắc các bệnh như sốt xuất huyết, virus, cúm, tiêu chảy do rotavirus… tăng đột biến. Theo TS.BS Lương Thị Thu Hiền, Trưởng Khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện E, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận và điều trị cho 30-40 trường hợp bệnh nhi mắc các bệnh trên, cao điểm những ngày tiếp nhận tới 6 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết trong đêm.

TS.BS Lương Thị Thu Hiền cho biết, hiện nay, các bệnh nhi nhập viện chủ yếu mắc các bệnh cấp tính: nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm amidan; nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi, đặc biệt là sốt xuất huyết. Theo BS Hiền, đối với các bệnh nhi này, khi nhập viện thường là muộn, do gia đình không tự hạ nhiệt được nên mới phải nhập viện, lúc này các cháu sốt rất cao, có cháu đã bị co giật.

dich sot xuat huyet can trong bien chung phuc tap o tre
Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện E

Ngoài các bệnh đường hô hấp là các bệnh tiêu hóa như tiêu chảy do rotavirus, rối loạn tiêu hóa. Điển hình như trường hợp bệnh nhi (1 tuổi, ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng nôn nhiều, phân lỏng đi nhiều lần/ngày, dẫn đến tình trạng mất nước nặng. Các bác sĩ phải điều trị theo hướng cấp cứu cho bệnh nhi bù nước điện giải. Kết quả xét nghiệm phân của bệnh nhi, các bác sĩ xác định, bệnh nhi này tiêu chảy do rotavirus. Điều đáng nói, bệnh nhi này mắc bệnh do không uống vắc xin phòng bệnh.

Lượng bệnh nhi bị sốt xuất huyết cũng tăng. Hiện tại Khoa Nội nhi có 18/42 bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết. Trong đó, có một bệnh nhi (7 tuổi, ở Đồng Xa, Cầu Giấy, Hà Nội) mắc sốt xuất huyết nặng có biểu hiện sốc kèm theo tiểu cầu và bạch cầu đều giảm thấp, huyết áp dao động. Các bác sĩ phải điều trị tích cực, chống sốc cho bệnh nhi.

Tuy nhiên, khi bệnh nhi qua cơn nguy kịch thì xuất hiện thoát huyết tương gây ra tràn dịch màng bụng và đa màng. Các bác sĩ căng mình ra túc trực bên bệnh nhi theo dõi sát sao 24/24h, áp dụng các biện pháp chống sốc đặc biệt. Đến ngày thứ 8, bệnh nhi mới có dấu hiệu phục hồi, ăn, ngủ được và cắt sốt, tràn dịch màng bụng giảm, các chỉ số sinh hóa dần về bình thường.

BS Hiền khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết sẽ nguy hiểm trên cơ địa là trẻ em do hệ miễn dịch kém. Vì vậy các bậc phụ huynh phải theo dõi sát sao con em mình khi có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc sốt xuất huyết nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong.

Nhằm hỗ trợ bệnh nhi được tốt nhất, hiện khoa có 40 giường bệnh điều trị với đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu hiện đại như máy thở, oxy và khí nén áp lực, các máy theo dõi monitoring, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, siêu âm, điện tâm đồ… cùng với đội ngũ bác sĩ là những bác sĩ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cao hằng ngày chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhi.

Theo thống kê của Khoa Nội nhi tổng hợp, từ đầu mùa dịch đến nay, có khoảng 50 bệnh nhi mắc tiêu chảy nhập viện điều trị thì có tới hơn 30% bệnh nhân mắc tiêu chảy do rotavirus.

Vì thế, BS Hiền nhấn mạnh, cách phòng bệnh tốt nhất đối với những căn bệnh này là tiêm hoặc uống vắc xin phòng bệnh, hạn chế cho trẻ ra ngoài nắng, để nhiệt độ điều hòa không quá chênh lệch với môi trường và quan trọng giữ gìn môi trường xung quanh cho trẻ an toàn, sạch sẽ… Bệnh viện E có Phòng tiêm chủng với đầy đủ các loại vắc xin như Pentaxim (5 trong 1: Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván - Bại liệt - Hib), Influvac (phòng cúm mùa), MMR II (Sởi - Quai bị - Rubella), Varivax (phòng thủy đậu)…

Theo ThS. BS Vũ Mạnh Cường, Phó Khoa Bệnh nhiệt đới, phụ trách Phòng tiêm chủng: Nguồn vắc xin cung cấp dồi dào nên bệnh nhân không còn phải xếp hàng hay đăng ký qua mạng, nhất là đối với các loại vắc xin có nhu cầu lớn như Pentaxim, Influvac... nhằm hạn chế các dịch bệnh mùa hè.

Nguyễn Bách