Để tránh sập bẫy “con tai nạn cần chuyển tiền gấp”

10:31 | 18/03/2023

167 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi nhận được cuộc gọi “con cấp cứu, chuyển tiền gấp”, người dân phải bình tĩnh xác nhận bằng cách liên hệ với con hay cô giáo chủ nhiệm, hoặc nhà trường, cuối cùng mới xác nhận đến bệnh viện.
Để tránh sập bẫy “con tai nạn cần chuyển tiền gấp”
Bệnh viện Chợ Rẫy liên tục nhận thông tin nhiều phụ huynh bị lừa chuyển khoản.

Mạng viễn thông phát triển giúp việc kết nối trao đổi thông tin giữa người với người trở lên hết sức nhanh chóng, thuận tiện. Mạng xã hội facebook, Zalo, Instagram, TikTok… giúp người sử dụng cập nhật trạng thái, suy nghĩ, tâm tư tình cảm và cả các mối quan hệ cá nhân một cách công khai. Chơi thì vui, nhưng không mấy ai nghĩ đó chính là lỗ hổng để kẻ xấu lợi dụng, sử dụng công nghệ thông tin khai thác thông tin cá nhân, tâm lý, sở thích nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người viết đã trải nghiệm qua rất nhiều vụ việc kẻ lừa đảo hack (chiếm quyền điều khiển) tài khoản mạng xã hội của bạn bè, người thân để nhắn tin vay tiền, nhờ chuyển khoản rất bài bản, chuyên nghiệp với các lý do hết sức hợp lý. Tuy nhiên, nhờ sự cảnh giác, cũng như làm các bước xác nhận điện thoại trực tiếp hỏi bạn bè, người thân nên người viết chưa bị mắc lừa.

Gần đây, ở các thành phố lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh..., bọn lừa đảo qua mạng táng tận lương tâm hơn, dùng cách gọi điện báo con bị tai nạn phải cấp cứu cần đến ngay hoặc chuyển tiền gấp để tiến hành phẫu thuật. Bọn lừa đảo dàn dựng rất chuyên nghiệp, nắm bắt và khai thác thông tin của bị hại cặn kẽ, chi tiết để tạo lòng tin, dàn dựng cả tiếng còi xe cứu thương, tiếng trao đổi của bác sĩ, y tá sau đó liên tục hối thúc gây sự hoang mang, hoảng loạn cho bị hại, lo lắng cho sức khoẻ tính mạng của con nên các bậc cha mẹ như bị thôi miên chuyển tiền cho bọn lừa đảo.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, đầu tháng 3 năm 2023 có những vụ kẻ lừa đảo giả danh giáo viên thông báo con bị tai nạn nguy kịch đề nghị chuyển tiền gấp. Như anh N.Đ.N có con học trường quốc tế Canada, nghe thầy giáo giả danh lừa gọi điện báo con tai nạn chấn thương sọ não đã chuyển mất 200 triệu, khi đến bệnh viện Chợ Rẫy anh mới biết mình bị lừa và không ít các vụ việc tương tự tại Hà Nội.

Phải rơi vào hoàn cảnh bị báo tin dữ mới biết bọn lừa đảo đã nghiên cứu phản ứng tâm lý rất chắc chắn của người bị hại, thông tin về con, lớp học, cô giáo chủ nhiệm…, đều được bọn lừa đảo nắm rõ. Người viết đã từng nhận tin khi bố bị ung thư phải nói là bị choáng váng, mất các phản ứng sáng suốt đơn thuần.

Để tránh sập bẫy “con tai nạn cần chuyển tiền gấp”
Tin nhắn số tài khoản mà đối tượng gửi cho phụ huynh đề nghị chuyển tiền. Ảnh: CTV

“Khôn khi vô sự, thảo khi no lòng”, khi nghe con bị tai nạn tính mạng nguy kịch với những người tâm lý yếu, ít va chạm hay rơi vào hoàn cảnh là các ông bà tuổi cao thương con, yêu cháu thì gần như bị hoảng loạn, sẵn sàng làm theo chỉ dẫn để cứu được con, cháu mình.

Lợi dụng tâm lý đó, kẻ gian liên tục hối thúc như kiểu yêu cầu đến ngay bệnh viện ký cam kết phẫu thuật, nếu không đến kịp thì phải uỷ quyền cho kẻ giả danh thầy cô giáo rồi chuyển tiền cho người được uỷ quyền. Kẻ gian tính toán thời điểm để thông báo là đang giờ học, bị hại khó có thể trực tiếp liên lạc với con hay thầy cô giáo (phần lớn đều tắt máy hoặc để chế độ yên lặng khi đang trong giờ học), tính toán cả khoảng cách chỗ làm việc của phụ huynh, đảm bảo chắc chắn không thể đến ngay được bệnh viện để hối thúc cấp bách chuyển tiền.

Vậy làm thế nào để tránh sập bẫy “con cấp cứu, cần chuyển tiền gấp” bởi không phải ai cũng hiểu khi trong tình trạng cấp cứu thì với phương châm “tính mạng con người là trên hết” hay “cứu người như cứu hoả”, các y bác sĩ sẽ sơ cứu, cấp cứu cho các cháu kể cả trong trường hợp không có người nhà, người thân đi kèm.

Khi nhận được cuộc gọi “con cấp cứu, cần chuyển tiền gấp”, người dân phải bình tĩnh xác nhận cho đúng bằng cách liên hệ với con hay cô giáo chủ nhiệm, hoặc nhà trường, cuối cùng mới xác nhận đến bệnh viện. Không bệnh viện nào bắt buộc đóng viện phí ngay khi bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch cả. Khi sử dụng hay đăng ký tài khoản, hay tham gia các hội nhóm, người dân yêu cầu cam kết bảo mật thông tin cá nhân của bản thân, không tuỳ tiện cung cấp thông tin cá nhân cũng như hình ảnh hoạt động cá nhân quá nhiều trên mạng xã hội, tạo tài nguyên cho bọn lừa đảo khai thác.

Cơ quan công an cần dùng các biện pháp nghiệp vụ kết hợp với ngân hàng truy tìm bắt giữ kẻ lừa đảo đưa ra xét xử nghiêm minh để răn đe những kẻ có ý định xấu không còn dám hành động. Nghiêm cấm, xử phạt nặng việc bán thông tin cá nhân từ các cơ sở, ngân hàng, câu lạc bộ…, mà người dùng phải cung cấp số điện thoại cũng như thông tin cá nhân.

Còn để triệt để thì cần làm như yêu cầu của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và truyền thông, đó là dẹp bỏ vấn nạn sim rác, số lạ. Các nhà mạng di động phải nhanh chóng rà soát, đối chiếu, triển khai việc chuẩn hoá thông tin người sử dụng thuê bao. Nếu thực hiện được chính xác nghiêm túc, từ tháng 4 năm 2023 các chủ thuê bao đều chính danh, chính chủ, thì việc lừa đảo qua điện thoại sẽ bị thu hẹp đất sống, dễ dàng bị công an tóm cổ vì dễ dàng bị tra cứu truy xét các hoạt động giao dịch trên điện thoại.

Làm được như vậy, người dân sẽ không còn nguy cơ sập bẫy “con tai nạn cần chuyển tiền gấp”.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Cảnh báo lừa đảo mang tên “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam” (kỳ 1)Cảnh báo lừa đảo mang tên “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam” (kỳ 1)
Cảnh báo lừa đảo mang tên “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam” (kỳ 2)Cảnh báo lừa đảo mang tên “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam” (kỳ 2)
Cảnh giác chiêu lừa đảo mới liên quan đến website petrovietnam.coCảnh giác chiêu lừa đảo mới liên quan đến website petrovietnam.co

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.