Để quản lý, phát triển cây xanh đô thị phù hợp

10:30 | 21/08/2024

879 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thủ đô Hà Nội luôn được gọi là thành phố xanh với những hàng cây rợp bóng mát, tuy nhiên hiện tỉ lệ cây xanh đô thị vẫn chưa đáp ứng đủ. Do đó, TP Hà Nội tăng cường quản lý, phát triển cây xanh đô thị và nghiên cứu để tìm ra những chủng loại cây xanh đô thị phù hợp môi trường.

Nỗ lực để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh

Trong nhiều năm qua, Hà Nội đã liên tiếp cho trồng mới hàng vạn cây xanh. Tại các đường phố, nhiều đường phố được nâng cấp, mở rộng, trồng mới thêm nhiều loại cây ở hai bên đường. Đối với những cây xanh bị yếu, không bảo đảm an toàn cũng đã được kiểm tra, thay thế bằng loại cây khác. Những hàng cây không chỉ giúp mang lại bóng mát hiệu quả, mà còn mang lại một màu xanh tươi mát, dịu mắt, bình yên trong những ngày nắng gắt.

Phát triển không gian xanh góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy quá trình phục hồi và phát huy giá trị của hệ sinh thái đô thị. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Phát triển không gian xanh góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy quá trình phục hồi và phát huy giá trị của hệ sinh thái đô thị. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, trên các tuyến đường phố thuộc địa bàn 12 quận nội thành và 17 huyện, thị xã, khối lượng quản lý theo phân cấp của đơn vị là 2,4 triệu m2 thảm cỏ, cây mảng, hàng rào, hoa lưu niên, cây cảnh; 1.500 m2 hoa thời vụ; khoảng 194.000 cây bóng mát, 510.000 cây keo, tràm, bạch đàn trên 644 tuyến đường phố của 12 quận, 107 tuyến đường cao tốc, quốc lộ, vành đai, đường tỉnh, các đường trên địa bàn các huyện, thị xã Sơn Tây.

Qua số liệu thống kê chưa đầy đủ, UBND cấp huyện quản lý khoảng 460.900 cây tại các địa bàn còn lại. Ngoài ra, theo thống kê trên địa bàn 12 quận có hơn 8.000 cây cổ thụ (có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50 cm trở lên tại chiều cao 1,3 m của cây) gồm các loài chủ yếu như: bàng, bằng lăng, chẹo, đa, lan, lát hoa, lim xẹt (muồng thẫm), long não, muồng đen, hoa sữa, sao đen, sấu, sưa, xà cừ, phượng vĩ,...

TS.KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam cho biết, trên đường phố nội đô hiện có 198 loài cây, thuộc 53 họ thực vật. Trong đó, một số loài cây truyền thống được trồng với số lượng lớn, như xà cừ, sữa, sấu, muồng, bằng lăng, lim xẹt, chẹo, sếu, phượng vĩ, sưa đỏ,... Đặc biệt, sự phân bố về thành phần loài cây xanh bóng mát trên mỗi tuyến phố khá đa dạng. Số loài cây trồng trên mỗi tuyến đường không đơn thuần từ 1-2 loài như trước đây, mà trung bình từ 7-15 loài cây. Có những tuyến phố có trên 18 loài cây xanh.

Hà Nội đang rất nỗ lực để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh. Không chỉ chú trọng trồng cây xanh bóng mát trên các tuyến đường, Thành phố còn phát triển các không gian xanh, không gian công cộng theo dạng tích hợp công viên, vườn hoa, quảng trường và hồ nước... tạo nên những không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng của Thủ đô.

Những tồn tại, hạn chế trong phát triển cây xanh đô thị

Với nhiều nỗ lực, chỉ tiêu tăng trưởng xanh trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang được cải thiện. Tuy nhiên, việc trồng, phát triển cây xanh đô thị trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, giai đoạn vừa qua, thành phố đã trồng nhiều cây có đường kính lớn (trên 20 cm), do đó khi đánh từ vườn ươm, bộ rễ chính của cây bị ảnh hưởng, phải sử dụng cọc chống trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, việc một số đơn vị chưa xử lý kịp thời trường hợp cọc chống bị bung vòng thép, đai thép siết chặt vào thân cây... cũng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây.

Ngoài ra, việc lựa chọn thí điểm một số loài cây trồng chưa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng sẽ làm ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan đô thị và gây ra những dư luận không đáng có.

TS. KTS. Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam cho biết, trên một số tuyến phố vẫn còn xảy ra tình trạng lấp chỗ trống, trồng không đúng chủng loại cây theo quy định,khiến tuyến phố không chỉ đa dạng về loài mà còn đa dạng về lứa tuổi với chiều cao, đặc điểm hình thái khác nhau, dẫn đến sự lộn xộn. Có loài cây không phù hợp với điều kiện tự nhiên của Hà Nội vẫn được trồng đại trà không qua thử nghiệm như phong lá đỏ, phượng tím,... Nhiều loài không phù hợp với đặc điểm không gian như phượng vĩ được trồng trên dải phân cách hẹp, bàng lá nhỏ trồng dưới gầm đường sắt trên cao...

Về thực trạng trồng cây xanh tự phát, đặc biệt tại một số huyện, thị xã chưa có quy hoạch cây xanh, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội Nguyễn Đức Hưng lý giải, người dân trồng cây để lấy bóng mát nên thường chọn những loài cây lớn nhanh, tán rộng. Thậm chí, trên một số tuyến đường còn trồng nhiều loài cây hỗn tạp, không đáp ứng tiêu chí cây trồng đô thị, chưa bảo đảm cảnh quan.

Trong khi đó, qua thống kê sơ bộ, trên địa bàn 12 quận có trên 8.000 cây cổ thụ có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50 cm trở lên tại chiều cao 1,3 m của cây. Những cây này đã bước sang giai đoạn già cỗi, có biểu hiện sinh trưởng kém, bị sâu mục thân, gốc, thối rễ nên không còn khả năng chống chịu khi gặp mưa bão. Đáng lưu ý, một số loài cây không thuộc chủng loại cây bóng mát đô thị, như dâu da xoan, vông, dướng, trứng cá, có số lượng hơn 3.500 cây, dễ bị gãy đổ khi gặp mưa gió, quả chín rụng dễ gây mất vệ sinh môi trường...

Để quản lý tốt cây xanh đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, tháng 2/2023, thành phố đã ban hành quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn. Theo quyết định, Sở Xây dựng là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đối với toàn bộ hệ thống cây xanh đô thị; trồng mới cây xanh đô thị, quản lý, duy trì, chăm sóc, bảo tồn hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa và cấp phép chặt hạ, dịch chuyển đối với các cây xanh đô thị theo danh mục thuộc cấp thành phố quản lý.

UBND các quận, huyện, thị xã trồng mới cây xanh đô thị, quản lý, duy trì, chăm sóc, bảo tồn hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa và cấp phép chặt hạ, dịch chuyển đối với các cây xanh đô thị theo danh mục thuộc cấp huyện quản lý theo phân cấp.

Đối với cây xanh đô thị trên đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường và khu vực công cộng khác trên địa bàn thành phố do cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện chăm sóc, duy trì theo phân cấp. Đối với cây xanh trong khuôn viên đất của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc chủ thể quản lý của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thì công tác chăm sóc, duy trì sẽ do các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó chịu trách nhiệm thực hiện bảo đảm cảnh quan, an toàn.

Quy định về quản lý cây xanh đô thị đã được phân cấp rất rõ ràng, tuy nhiên theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn, TP Hà Nội cần có danh sách chính thức quy định về các loại cây bóng mát trồng, hạn chế trồng và cấm trồng trong khu đô thị. Bởi nếu không có danh sách này, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động trồng, thiếu cơ sở cho việc xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác trồng cây đô thị.

Nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo tồn và phát triển cây xanh đô thị

Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng để có được mạng lưới cây xanh hoàn chỉnh, phát huy được tác dụng, cần quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố; Quy hoạch mạng lưới cây xanh cho từng quận, huyện và những khu đô thị mới; Quy hoạch thiết kế trồng cây xanh, dựa trên phân loại các đường phố trong khu đô thị mới;...

Ngoài ra, TP Hà Nội cần sớm ban hành định mức kỹ thuật và giá dịch vụ công ích cho công tác quản lý, giám sát duy tu, duy trì hệ thống cây xanh đô thị, cơ chế và giá đền bù chặt hạ, di chuyển cây xanh.

Về việc lựa chọn cây đô thị phù hợp cho Hà Nội, TS.KTS Phạm Anh Tuấn đề xuất danh mục 20 cây bản địa dự tuyển từ Vườn quốc gia Ba Vì, có tiềm năng làm cây xanh bóng mát trên địa bàn thành phố. Theo ông Tuấn, đây là cơ sở khoa học cho việc bổ sung danh mục cây xanh bóng mát có khả năng trồng trong đô thị Hà Nội; đồng thời sẽ tạo lập giá trị bản sắc vừa gia tăng tính đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Trong khi đó, GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, việc lựa chọn chủng loại cây xanh đô thị cần được dựa vào việc phân bổ theo địa điểm, nơi trồng, theo từng điều kiện cụ thể, như dưới gầm cầu, trên nóc nhà, ngoài công viên, thậm chí với từng tuyến phố. Để bảo vệ cây xanh, dù cây xanh gắn với đất đai công cộng nhưng khi được trồng trước mặt tiền của mỗi nhà, cần gắn trách nhiệm với người dân.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, UBND thành phố đã ra Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND (ngày 28/2/2023) ban hành quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó có quy định các cây được trồng, hạn chế trồng và cấm trồng trong đô thị. Tuy nhiên, do Sở đang rà soát, chỉnh sửa nên danh mục này vẫn chưa được ban hành chính thức, gây một số khó khăn trong công tác quản lý và kiểm soát việc trồng cây xanh trên địa bàn Thủ đô.

Để thay thế một số chủng loại cây bóng mát đã già cỗi, sinh trưởng kém, không còn khả năng chống chịu mưa bão, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, thành phố cần xây dựng tiêu chí để phân loại, lập phương án thay thế, có sự tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học. Trong trường hợp xử lý cần công khai, minh bạch các nội dung và lấy ý kiến rộng rãi để đạt được sự đồng thuận của người dân.

Để nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo tồn và phát triển cây xanh đô thị, ông Nguyễn Đức Hưng cho rằng, các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế chính sách, bảo đảm việc thực thi được các quy hoạch, kiến trúc và kế hoạch phát triển hệ thống cây xanh đô thị đã được phê duyệt.

Đồng thời, xây dựng hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ để thực hiện việc quản lý, giám sát, duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị sau đầu tư nói chung và hệ thống cây xanh nói riêng; Giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các phường, công an, các đơn vị, tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị.

Ông Nguyễn Đức Hưng cho rằng, các đơn vị chức năng cần xây dựng và thực thi các chế tài nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân không thực hiện theo quy định quản lý, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cây xanh đô thị. Ngoài việc bồi thường để trồng lại cây mới thay thế cây chết do bị phá hoại, cây bị chặt trộm cần truy cứu trách nhiệm hình sự với các hành vi xâm hại nghiêm trọng và thường xuyên đến cây xanh.

Không gian xanh được coi như lá phổi của đô thị và là một trong những loại hình không gian công cộng có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của cư dân đô thị. Chúng càng trở nên đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội khi TP Hà Nội có định hướng chiến lược trở thành Thành phố "Xanh - Thông minh - Hiện đại" vào năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII.

Phát triển không gian xanh góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy quá trình phục hồi và phát huy giá trị của hệ sinh thái đô thị; đưa yếu tố tự nhiên vào sâu trong không gian và trong mọi hoạt động của cộng đồng xã hội, cũng như khôi phục môi trường sống lý tưởng. Sự thiếu hụt không gian xanh tại Hà Nội sẽ là trở ngại rất lớn cho chiến lược xây dựng thủ đô "Xanh - Thông minh - Hiện đại". Do đó, việc phát triển quy mô và nâng cao chất lượng không gian xanh cho Hà Nội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi có sự tham gia quyết liệt từ các cấp chính quyền tới sự hưởng ứng nhiệt tình của các tổ chức và cộng đồng xã hội.

Theo Báo Điện tử Chính phủ