Để công nghiệp ô tô Việt Nam cất cánh

12:27 | 02/07/2018

548 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đã có thâm niên 20 năm xây dựng nhưng thực chất chỉ là những công xưởng lắp ráp, công nghệ và sản xuất linh kiện chỉ là con số không tròn trĩnh. Để công nghiệp ô tô thực sự cất cánh bắt buộc phải cơ cấu lại toàn ngành với mục tiêu và mục đích rõ ràng là ô tô của người Việt và dành cho người Việt.

Vừa qua, tại Hội thảo Phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết nối cung cầu, phục vụ cho sản xuất và lắp ráp ô tô thương mại và chuyên dụng tại Việt Nam, TS. Lê Huy Khôi - Phụ trách Phòng nghiên cứu và Dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương - cho biết: Việt Nam hiện có khoảng 173 doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm; xe sản xuất trong nước đáp ứng 70% nhu cầu thị trường.

de cong nghiep o to viet nam cat canh
Công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam chưa thể cất cánh khi thiếu công nghệ và công nghiệp phụ trợ.

Điều đáng mừng là hiện nay, một số DN sản xuất, lắp ráp ô tô lớn trong nước đang có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh với quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô bài bản, dài hạn, như Thaco đã khánh thành xây dựng nhà máy sản xuất ô tô Thaco - Mazda; nhà máy sản xuất xe máy điện và ô tô của Vinfast đang bắt đầu giai đoạn xây dựng đầu tiên… Các dự án này đều đặt mục tiêu nội địa hóa từ 40% trở lên để phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngoài những điểm sáng kể trên, nhìn chung, sau 20 năm hưởng ưu đãi của một ngành sản xuất mũi nhọn, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chỉ là ngành công nghiệp lắp ráp với công việc chính là nhập khẩu linh kiện, lắp ráp và phân phối trên thị trường nội địa.

TS. Lê Huy Khôi cho rằng, dây chuyền sản xuất ngành ô tô Việt Nam hiện nay chủ yếu gồm 4 công đoạn: Hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa thấp, từ 10% - 40%; giá xe ô tô của Việt Nam hiện cũng cao gấp 1,2 - 1,8 lần giá xe của các nước, nguyên nhân do giá bộ linh kiện đầu vào, chi phí sản xuất và thuế cao. Điều này phản ánh thực tế, công nghiệp phụ trợ ngành ô tô chưa phát triển. Hiện nay, Việt Nam chỉ mới có khoảng 40 DN FDI và khoảng 30 DN trong nước cung cấp các loại linh kiện, phụ tùng ô tô với quy mô nhỏ.

Đưa ra giải pháp vực dậy ngành công nghiệp ô tô, TS. Lê Huy Khôi cho rằng, Bộ Công Thương cần triển khai đánh giá một cách toàn diện về thực trạng sẵn sàng tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành sản xuất ô tô. Trên cơ sở đó, rà soát, xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp ô tô thật tốt; nghiên cứu, thiết kế chiến lược bám sát với chuỗi giá trị sản xuất ngành ô tô trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, tái cơ cấu trên cơ sở dự báo và xác định lại chuỗi giá trị ngành sản xuất ôtô; ưu tiên phát triển những khâu mà chúng ta có lợi thế; thúc đẩy mạnh các ngành công nghiệp hỗ trợ…

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính Nguyễn Thị Thanh Hằng cho rằng, muốn phát triển được ngành công nghiệp ô tô cần phải có hệ thống chính sách đồng bộ, đặc biệt là chính sách thuế. Trong thời gian tới, việc ban hành và hoàn thiện các chính sách thuế cần được xây dựng theo hướng ưu đãi, đặc biệt là với các dòng xe chiến lược. Hệ thống chính sách cũng cần được thiết kế đồng bộ, đảm bảo tính ổn định, nhất quán trong thời gian dài, phù hợp với xu thế hội nhập, tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Có thể thấy rằng, để công nghiệp ô tô thực sự trở thành ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, giá hợp khả năng tiêu dùng của người Việt Nam cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ thuế, phí đến đầu tư phát triển công nghệ, dòng xe phù hợp với người Việt và của người Việt. Để làm được những điều trên chỉ có sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ đến các bộ ngành liên quan.

Bộ Công Thương dự báo: Tăng trưởng sản xuất ô tô trong nước đạt bình quân 18,5% trong giai đoạn 2018-2025. Sản lượng sản xuất sẽ đạt khoảng 531.585 xe vào năm 2025 và 1.767.000 xe vào năm 2035.

Tùng Dương