Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV):

Đẩy mạnh sản xuất cuối năm

06:44 | 16/09/2015

612 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Do mưa lũ rất lớn xảy ra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua làm cho sản lượng khai thác của TKV bị tụt giảm do hầu hết các đơn vị phải dừng sản xuất từ 7 đến 10 ngày, cá biệt có đơn vị hiện vẫn chưa thể đi vào khai thác như Công ty CP than Mông Dương. Khắc phục tình trạng này, TKV đang tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh nâng cao sản lượng khai thác bù trong những tháng cuối năm. Đồng thời với đó, TKV cũng nỗ lực tìm các giải pháp để ổn định sản xuất lâu dài, đặc biệt là hàng loạt các mỏ lộ thiên tại vùng than Cẩm Phả.

Tháng 9, phấn đấu tiêu thụ 3 triệu tấn

Tại cuộc giao ban điều hành sản xuất mới đây, ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc TKV nhấn mạnh, TKV sẽ tập trung cao độ vào 3 nhiệm vụ: an toàn, an sinh và an ninh. Trong đó vấn đề an toàn luôn là mối lo nặng nề nhất sau các đợt mưa lũ. Lãnh đạo TKV cho biết, mặc dù đã chỉ đạo các đơn vị khoan thăm dò bục nước khá thận trọng, nhưng sau đợt mưa lũ vừa qua, vụ bục nước tại Công ty Than Hòn Gai cũng đã cướp đi sinh mạng của 2 thợ mỏ, một số người bị thương nặng. Còn nhớ, cách đây 6 năm (năm 2009), cũng tại than Hòn Gai, vụ bục nước cũng xảy ra sau đợt mưa lớn làm thiệt mạng 4 thợ mỏ.

day manh san xuat cuoi nam
Công nhân than Mông Dương khắc phục sự cố sau lũ

Về vấn đề an sinh, do thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, mưa lớn kéo dài; các đơn vị phải ngừng sản xuất tập trung phòng chống lụt bão và xử lý các sự cố do mưa lớn gây ra nên sản lượng than nguyên khai sản xuất và than tiêu thụ của Tập đoàn không đạt so với kế hoạch đề ra, làm doanh thu tụt giảm, ảnh hưởng lớn đến việc làm và thu nhập của thợ mỏ. Cụ thể, trong tháng 8, toàn Tập đoàn chỉ sản xuất được 2 triệu tấn than nguyên khai, than tiêu thụ đạt 2,85 triệu tấn (xuất khẩu 32 ngàn tấn, trong nước 2,7 triệu tấn); sản xuất khoáng sản: thiếc thỏi 62 tấn, tinh quặng đồng 4.450 tấn, đồng tấm 1.030 tấn; sản xuất và tiêu thụ điện 544 triệu kWh. Theo đó, doanh thu tiêu thụ than đạt 3.881 tỉ đồng; sản xuất, tiêu thụ khoáng sản 516 tỉ đồng; sản xuất, bán điện 715 tỉ đồng; sản xuất cơ khí 258,6 tỉ đồng; vật liệu nổ công nghiệp 286 tỉ đồng. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đều không đạt được theo kế hoạch với mức tụt giảm 10-20%. Về vấn đề an ninh, mặc dù tình hình an ninh trật tự trên địa bàn sản xuất của các đơn vị nhìn chung tương đối ổn định, tình trạng khai thác than trái phép được kiểm soát, ngăn chặn. Tuy nhiên, ông Đặng Thanh Hải chỉ đạo không được chủ quan và cần tiếp tục phối hợp với các địa phương làm tốt. “Càng trong khó khăn, công tác an ninh, trật tự càng cần phải được đẩy mạnh” - ông Đặng Thanh Hải nói.

TKV yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh chú trọng công tác điều hành nhằm tập trung cao nhất cho sản xuất, tiêu thụ. Các đơn vị bị thiệt hại nặng sau mưa lũ phải tập trung khắc phục sự cố tại đơn vị để sớm đi vào sản xuất ổn định và tăng sản lượng hơn các tháng trước để bù sản lượng. Đối với công tác an toàn, cần phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị sản xuất trong Tập đoàn tổ chức triển khai việc thực hiện các giải pháp, biện pháp đảm bảo bảo an toàn; các đơn vị hầm lò phải đặc biệt quan tâm đến công tác thoát nước hầm lò; các đơn vị lộ thiên phải thường xuyên kiểm tra các bãi thải để phát hiện kịp thời các nguy cơ sạt lở bãi thải giáp khu dân cư… Theo đó, trong tháng 9, Tập đoàn phấn đấu sản xuất 3 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 3 triệu tấn (xuất khẩu dự kiến 130.000 tấn, trong nước 2,87 triệu tấn); sản xuất khoáng sản, điện, cơ khí, vật liệu nổ công ghiệp, dịch vụ thương mại...

Cải tạo các mỏ khai thác lộ thiên

Sau đợt mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh vừa qua, dư luận quan tâm đặc biệt đến vấn đề an toàn đổ thải của các mỏ lộ thiên do TKV khai thác nhất là vùng Cẩm Phả. Ngay sau đó, TKV đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn và các đơn vị tập trung nghiên cứu các giải pháp nhằm cải tạo, thay đổi các công nghệ đáp ứng sản lượng, nâng cao hiệu quả và mức độ an toàn các mỏ than hầm lò, lộ thiên công suất lớn khi khai thác xuống sâu. TKV chỉ rõ, càng xuống sâu, công tác khai thác các mỏ hầm lò cũng như khai thác than lộ thiên càng gặp nhiều khó khăn bất lợi, trong đó vấn đề đổ thải lộ thiên luôn là bài toán đau đầu nhất.

Theo tính toán, hiện nay hệ số bóc đất của Than Cọc Sáu đã lên đến 12-13 m3/tấn than với cung độ vận chuyển gần chục km. Bình quân mỗi năm, công nhân, cán bộ công ty bốc xúc và vận chuyển khoảng 35 triệu m3 đất đá để khai thác trên 3 triệu tấn than nguyên khai. Do đặc điểm của khai thác lộ thiên là phá đất đá để đưa máy móc trực tiếp xuống lấy than nên cách duy nhất là phải mở rộng lòng moong. Đến nay, moong than ở Cọc Sáu đã khai thác ở mức -200m. Đây là điều không dễ dàng bởi, trung bình mỗi năm thợ mỏ Cọc Sáu phải bơm từ đáy moong lên hàng chục triệu m3 nước. Khó khăn của Than Cọc Sáu cũng là khó khăn chung của nhiều mỏ than lộ thiên khu vực Cẩm Phả hiện nay.

Trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp các điều kiện địa kỹ thuật các mỏ lộ thiên công suất lớn vùng Cẩm Phả gồm Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai, cho thấy, các mỏ này đều khai thác xuống sâu và mở rộng quy mô khai thác. Vì vậy, cung độ vận tải ngày càng tăng, chiều cao nâng tải lớn, hệ số bóc ngày càng cao. TKV đề xuất giải pháp kết nối chung công tác kỹ thuật các mỏ này để có chiến lược vận tải và đổ thải, lộ trình khai thác hợp lý.

Về kỹ thuật, đối với các tầng ngập nước, các chuyên gia tư vấn của TKV đề xuất áp dụng các giải pháp công nghệ nổ mìn hợp lý: nạp thuốc trong bao nilon, nạp thuốc nổ nhũ tương rời bằng xe chuyên dùng; áp dụng nổ mìn giảm chấn động; phá vỡ đá quá cỡ bằng đầu đập thủy lực... Đồng thời, lựa chọn và đầu tư đồng bộ thiết bị công suất lớn: máy khoan có đường kính 250 - 300mm, máy xúc (đất đá 6,7 - 15m3 than 3,5 - 6,7m3), tải trọng ôtô vận tải đất đá 58-140 tấn và than 30-55 tấn; áp dụng công nghệ khai thác theo lớp đứng; áp dụng vận tải liên hợp đối với mỏ Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu; tận dụng không gian kết thúc khai thác để đổ bãi thải trong hoặc bãi thải tạm... Đối với các mỏ xuống sâu, khi bờ mỏ không ổn định sẽ áp dụng các giải pháp: tháo khô bờ mỏ bằng hệ thống lỗ khoan; gia cường khối đá bằng bê tông phun, xi măng hóa; neo bờ mỏ; nổ mìn vi sai toàn phần, nổ tạo biên...

TKV đang xem xét việc khai thác các mỏ theo dạng cụm mỏ, trên cơ sở đó, lựa chọn trình tự khai thác tối đa tài nguyên, công suất mỏ hợp lý cho từng mỏ, từng khu vực để đổ thải, hoàn thổ; mở rộng công suất thiết bị tại các khâu công nghệ để làm cơ sở thay đổi hệ thống và các thông số hệ thống khai thác, sử dụng công nghệ vận tải liên hợp..., góp phần khai thác xuống sâu cho các mỏ lộ thiên. Bởi theo quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, trong vùng Cẩm Phả có sản lượng than khai thác từ 14-16 triệu tấn/năm, tương ứng khối lượng đất bóc lên tới 180-200 triệu m3/năm.

 

Mạnh Kiên