Đấu thầu thuốc, hai mặt của một vấn đề!

15:00 | 17/03/2016

1,791 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Đấu thầu thuốc như thế nào cho đúng?” hiện nay là vấn đề không chỉ được dư luận quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, mà cả những người đang quản lý và hành nghề y dược cũng đang “vắt óc” để tìm ra đáp án thỏa đáng.  

Cách đây hơn 2 năm, giá thuốc tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM có sự chênh lệch nhau rất lớn, cá biệt có trường hợp chênh nhau hàng chục lần. Nguyên nhân được chỉ ra chính là do đấu thầu riêng lẻ, lắt nhắt và các bệnh viện không thực hiện nghiêm những quy định về đấu thầu thuốc.

Trước tình trạng đó, Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành đấu thầu thuốc tập trung (ĐTTT) và mang lại nhiều hiệu quả.

Luật Đấu thầu quy định, các loại hàng hóa sử dụng từ ngân sách, từ bảo hiểm y tế phải thông qua đấu thầu. Vì vậy cơ quan bảo hiểm sẽ tham gia vào Hội đồng đấu thầu. Nếu các BV tự tổ chức đấu thầu, BHXH TP không đủ nhân lực để tham gia HĐĐT của từng BV. Hơn nữa, mỗi nơi một mức giá thuốc khác nhau sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, phê duyệt BHYT, dễ dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ.

Thực tế cũng cho thấy, sau hơn 2 năm triển khai đấu thầu tập trung, giá thuốc ổn định nên BHXH TP HCM năm 2015 kết dư hơn 1.000 tỷ đồng.

Ở các BV, thông qua ĐTTT có thể mua thuốc hàng sỉ với mức giá thấp hơn khi mua hàng lẻ, ngoài ra còn được hưởng nhiều chương trình hậu mãi nếu mua nhiều.

Các hãng dược là nhà thầu cũng được lợi từ ĐTTT do tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức khi lập hồ sơ dự thầu. Trước khi thực hiện đấu thầu tập trung, cứ BV nào mời thầu là các hãng dược phải đi mua hồ sơ mời thầu, chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Trong khi đó, thời điểm các BV tổ chức đấu thầu gần như đồng thời nên các hãng dược rất vất vả trong việc tìm nguồn cung.

ĐTTT đặc biệt được đánh giá mang lại lợi ích cho sự phát triển của ngành dược. Vì các doanh nghiệp muốn trúng thầu phải có giá bán hợp lý; đồng thời chất lượng thuốc cũng phải đạt chuẩn; sử dụng công nghệ tiên tiến để tăng sức cạnh tranh... Doanh nghiệp dược khi trúng thầu là đã đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm của mình, sở hữu số lượng đặt hàng lớn, hiển nhiên sẽ nâng cao năng suất.

ĐTTT với tất cả những ưu điểm trên dường là phương án tối ưu để ngành Y hướng đến lợi ích của người bệnh. Nhưng đó là đối với các tỉnh có một vài bệnh viện. Còn đối với các thành phố lớn, gần trăm cơ sở y tế công lập như TP HCM thì lại nảy sinh ra nhiều câu chuyện khác!

dau thau thuoc hai mat cua mot van de
Làm sao để giữ được sự minh bạch trong đấu thầu?

Điểm đầu tiên là Sở Y tế TP vừa phải triển khai ĐTTT cả thuốc lẫn trang thiết bị cho gần trăm cơ sở, trong khi nhân lực có hạn, gây chậm trễ trong việc triển khai các gói thầu. Điều này đã ảnh hưởng đến lộ trình mua sắm, bổ sung hoặc thay mới trang thiết bị tại các bệnh viện. Có những bệnh viện lớn mà suốt 3 năm không có thêm được thiết bị y tế nào.

Thứ hai, số doanh nghiệp trúng thầu không nhiều, mặt hàng ít dẫn đến hạn chế quyền lựa chọn thuốc của bác sĩ. Có khi chỉ có một loại thuốc chung cho cả thành phố đối với một bệnh lý.

Thứ ba, ngành Dược trong nước còn phát triển manh mún, nhỏ lẻ. Trước đây các doanh nghiệp nhỏ còn có cơ hội chen chân vào một số bệnh viện. Còn với mô hình ĐTTT, dù có may mắn trúng thầu nhưng với quy mô hạn chế, rất khó đủ sức cung ứng thuốc cho cả gói thầu lớn, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung cấp thuốc cho bệnh viện.

Đó là chưa kể, hoặc do thiếu thuốc, hoặc do bác sĩ cố ý “né” kê đơn thuốc BHYT có trong danh sách trúng thầu, khi đó người bệnh dù có BHYT cũng phải tự chi trả bằng cách mua thuốc bên ngoài.

Ở các mặt hạn chế này, người trực tiếp bị thiệt hai lại là người bệnh!

Nói như vậy cũng không có nghĩa các bệnh viện tự tổ chức đấu thầu thì sẽ tốt hơn. Bởi ưu điểm của ĐTTT thì lại là nhược điểm của đấu thầu riêng lẻ và ngược lại.

Xét cho cùng, với bất cứ loại hình đấu thầu nào, thì cũng có điểm ưu, điểm khuyết. Tuy nhiên, dù là đấu thầu tập trung hay đấu thầu riêng lẻ cũng đều tồn tại một nhược điểm cực lớn.

Đó là liệu có tiêu cực trong quá trình đấu thầu không?

Nhìn nhận một cách khách quan, bản chất của đấu thầu chính là vận dụng sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp để tăng lợi ích cho người tiêu thụ. Thông tin dự thầu của các bên phải được giữ kín cho đến khi công bố, đây là một tiến trình không chỉ thực hiện trong một hai ngày mà phải tốn vài tháng, có khi cả năm.

Chủ dự án thầu cũng là người nắm rõ nhất thông tin của toàn bộ các hồ sơ dự thầu, có những vấn đề liên quan đến các tiêu chí chọn thầu mà chỉ những người nắm quyền mới biết. Liệu đây có là kẽ hở để những người này “đi đêm” với các đơn vị dự thầu? Khi những thông tin bí mật bị “bật mí”, hiển nhiên sự khách quan sẽ bị triệt tiêu, mục đích lợi ích cho công chúng sẽ chỉ còn là lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm sở hữu thông tin ra đề bài đấu thầu.

Về phía các đơn vị dự thầu, là các hãng dược sẽ “tìm mọi cách” để sản phẩm của mình lọt được vào danh mục thuốc đấu thầu, kể cả những loại thuốc không cần thiết.

Các bên cũng có thể “ngầm” bắt tay nhau để đẩy giá thầu lên cao hơn so với giá trị thực tế. Một mặt loại được các đối thủ cạnh tranh, mặt khác cùng nhau “ăn chia” mức giá chênh lệch sau này.

Doanh nghiệp có thể “đi đêm” với chủ dự án thầu để biết được thông tin của đối thủ dự thầu. Ví dụ khi biết đơn vị A dự thầu với giá 10 đồng, đơn vị B chỉ cần chào giá 9 đồng là coi như thắng.

Việc đấu thầu thuốc và thiết bị y tế công nếu được thực hiện minh bạch sẽ mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên liên quan, từ nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng cho đến người bệnh. Nhưng nếu thiếu một qui trình thỏa đáng, chế độ giám sát chặt chẽ ắt sẽ sinh ra lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân từ những khoản “hoa hồng khổng lồ” mà các hãng dược luôn sẵn lòng chi trả. 

Nguyên Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc