Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 35)

09:00 | 14/12/2022

7,383 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hàng ngày nước Mỹ đọc tin "Giam giữ nhân viên Mỹ". Mỗi đêm, nước Mỹ theo dõi trên truyền hình hình ảnh "Những con tin Mỹ" kèm theo điệp khúc mà những kẻ quá khích lặp đi lặp lại trong bài hát thánh ca "Cái chết dành cho Mỹ".

CHƯƠNG 34: CHÚNG TÔI CÙNG ĐƯỜNG RỒI

Ngày 14 tháng 1 năm 1979, ngay sau khi đồng hồ điểm 3 giờ sáng, giờ Washington, Elizabeth Ann Swift, nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, đã liên lạc bằng điện thoại với Trung tâm điều hành, đầu não liên lạc nằm tại tầng 7 tòa nhà liên bang ở Washington DC. Những điều Swift nói đã khiến các quan chức ở Washington choáng váng. Đó là thời điểm giữa buổi sáng ở Tehran, và Swift thông báo là có một đám đông thanh niên Iran đã đột nhập vào khu vực đại sứ quán, bao vây tòa nhà làm việc của ngài đại sứ, và đang chuẩn bị tiếp cận những tòa nhà khác. Một giờ rưỡi sau đó, Swift lại cho biết những kẻ tấn công đã đốt cháy một phần đại sứ quán. Và nửa giờ sau đó, thông tin tiếp tục được bà cập nhật, một số kẻ đột nhập đã đe dọa giết hai người Mỹ không có vũ khí ở bên ngoài văn phòng, bàn ghế và sofa để chắn đường đã bị xô đổ, mấy tay súng Iran nhảy vào văn phòng, ngay cả khi các nhân viên đại sứ quán cố hết sức để liên lạc qua điện thoại với một nhà chức trách trong chính quyền Iran. Những người Mỹ lúc này đều đã bị trói tay, Swift tiếp tục tường thuật đầy đủ, rõ ràng và trung thực về diễn biến tình hình cho những người đang choáng váng ở đầu dây bên kia. "Chúng tôi cùng đường rồi" là lời cuối cùng của bà, trước khi bị một thanh niên Iran, mặc chiếc áo có in hình giáo chủ Khomeini, giật chiếc điện thoại khỏi tay. Và rồi Swift, cùng với những người Mỹ khác, bị bịt mắt, giải đến nơi giam cầm. Đường dây điện thoại vẫn thông nhưng không có ai nhận điện, một lúc sau, điện thoại hoàn toàn mất liên lạc. Khoảng 63 người Mỹ, là số nhân viên cốt cán còn lại sau đợt cắt giảm nhân sự từ 1400 người vào thời Shah, đã bị bắt làm con tin bởi những kẻ quá khích và thô bạo, mà sau này được cả thế giới biết đến là "tông đồ." Một vài người Mỹ sớm được phóng thích, 50 người vẫn bị giam giữ. Cuộc Khủng hoảng con tin Iran đã bắt đầu, và cú sốc dầu mỏ thứ hai bước sang giai đoạn mới với tầm ảnh hưởng địa chính trị nghiêm trọng hơn.

Hành động chống đối của những kẻ bắt cóc con tin là nhằm vào Mohamed Pahlavi và mối quan hệ thân Mỹ của ông ta. Cha Mohamed, Reza Shad, sống lưu vong ở Nam Phi, và không lâu sau đó, Mohamed cũng "lênh đênh" trên một con tàu vô định. Không một bến cảng nào cho phép ông trú chân và dường như số phận của ông là cuộc hành trình rong ruổi. Ông tới Ai Cập, Marốc, tới Bahamas, và Mexico, nhưng không nơi nào muốn ông ở lại. Ông là một kẻ bị chối bỏ, một người bị ruồng rẫy, một số phận không được thế giới cảm thông, và không một chính phủ nào muốn mạo hiểm đùa giỡn với sự giận giữ của Iran khi tiếp nhận ông. Mọi lời tán dương, mọi sự ca ngợi, thái độ lấy lòng, kính cẩn của các vị thủ tướng, sự khẩn khoản các vị bộ trưởng ở những nước công nghiệp, cũng như sự cúi mình của những quốc gia quyền lực nhất thế giới trước đây như chưa bao giờ từng xảy ra. Bên cạnh đó, ung thư và những căn bệnh liên quan đang tàn phá cơ thể ông khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Đáng chú ý, cuối tháng 9 năm 1979, hơn tám tháng sau khi ông buộc phải rời Iran, các quan chức cấp cao của Mỹ đã phát hiện ông đang mắc bệnh nặng, và chỉ sau đó ít lâu, ngày 18 tháng 10, họ chẩn đoán đó là căn bệnh ung thư. Carter cương quyết không cho ông nhập cảnh vào Mỹ để chữa trị. Nhưng sau nhiều lần tranh cãi gay gắt giữa các quan chức cao nhất trong bộ máy chính quyền kèm theo cả chiến dịch vận động quyết liệt do Henry Kissinger, John McCloy, David Rockfeller và những người khác tổ chức, Mohamed Pahlavi đã được chấp thuận chữa bệnh tại Mỹ. Ông đến New York vào ngày 23 tháng 10. Mặc dù đăng ký tại bệnh viện New York, Trung tâm Y tế Cornell bằng cái tên David Newsom là tên của vị Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, nhưng sự có mặt của ông đã ngay lập tức bị bại lộ và được đưa tin rộng rãi, và việc này đã gây rắc rối cho ngài thứ trưởng.

dau mo tien bac va quyen luc ky 35
Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter

Một vài ngày sau đó, khi Mohamed điều trị tại New York, cố vấn an ninh quốc gia của Carter, ông Zbigniew Brzezinski đang tham dự buổi lễ kỷ niệm 25 năm Cách mạng Angiêri tại thủ đô Angiê. Tại đó, ông gặp tân Thủ tướng Iran, Mehdi Bazargan, cùng bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao nước này. Chủ đề của cuộc thảo luận là phạm vi mối quan hệ giữa Mỹ và chính quyền mới của Iran. Nước Mỹ, như lời khẳng định của Brzezinski, cương quyết không tham gia cũng như ủng hộ bất cứ âm mưu nào chống lại chính quyền mới của Iran. Bazargan cùng các bộ trưởng, đã lên tiếng phản đối việc Mỹ cho phép Mohamed lưu trú để chữa bệnh. Họ bảo đảm sẽ cho phép các bác sỹ Iran khám bệnh cho Mohamed, để chẩn đoán xem có đúng ông ta mắc bệnh nặng không, hay đó chỉ là một âm mưu. Tin tức về cuộc họp tại Angiêri lấn át thông tin Mohamed đến Mỹ đã khiến đối thủ của Bazargan – những người theo chủ nghĩa thần quyền và cực đoan cũng như những sĩ quan theo trào lưu chính thống lo sợ. Đối với tân Chính phủ Iran, Mohamed là kẻ thù và là tội đồ. Sự có mặt của ông tại Mỹ khiến người ta nhớ lại sự sụp đổ của Mossadegh, chuyến bay của Mohamed tới Rome, và sự hân hoan trở lại ngôi vị của ông vào năm 1953 đồng thời dấy lên mối lo ngại rằng Mỹ sắp sửa làm một việc táo bạo, và một lần nữa có ý định khôi phục lại vị thế của Mohamed. Sau tất cả, Mỹ, với sức mạnh uy quyền của mình, hoàn toàn có thể làm điều mà người khác không dám. Và đây lại là câu chuyện Bazargan gặp gỡ Zbigniew Brzezinski, một trong những nhân vật quyền lực nhất nước Mỹ chỉ một tuần rưỡi sau khi Mohamed đến New York. Vậy, mục đích của cuộc hội đàm này là gì?

"Cái chết dành cho Mỹ"

Nhiều lý do đã được đưa ra để lý giải cho hành động tấn công vào Đại sứ quán Mỹ. Có thể ý định ban đầu chỉ là một cuộc biểu tình ngồi, nhưng nó nhanh chóng biến thành một vụ chiếm cứ, bắt cóc hàng loạt cũng như một vụ huyên náo kỳ quặc. Những người bán hàng rong trước tòa đại sứ bán cho quân cách mạng những băng cát-sét, giày, áo thấm mồ hôi, mũ và củ cải đường luộc. Thậm chí những kẻ chiếm đóng còn trả lời điện thoại gọi đến đại sứ quán: "Đây là tổ trinh sát." Có vẻ như Ayatollah Khomeini và các tín đồ của mình đã lên ý tưởng, lập kế hoạch và kích động cuộc tấn công xảy ra. Rõ ràng là họ đã lợi dụng vụ việc này vì mục đích riêng của mình, một chiêu bài bảo đảm nhằm lật đổ Bazargan, và tất cả những người có liên quan cùng với phương Tây và rửa sạch những điều nhơ bẩn để củng cố quyền lực của mình, loại bỏ địch thủ, bao gồm những kẻ mà Khomeini cho là "những bộ não thối tha thân Mỹ," và thiết lập một chế độ thần quyền. Sau khi tất cả mọi chuyện kết thúc, người ta nhẩm tính cuộc khủng hoảng con tin đã kéo dài gần 15 tháng − chính xác là 444 ngày. Hàng ngày nước Mỹ đọc tin "Giam giữ nhân viên Mỹ". Mỗi đêm, nước Mỹ theo dõi trên truyền hình hình ảnh "Những con tin Mỹ" kèm theo điệp khúc mà những kẻ quá khích lặp đi lặp lại trong bài hát thánh ca "Cái chết dành cho Mỹ". Mỉa mai thay, nhờ những chương trình phát về đêm về cuộc khủng hoảng con tin, BBC đã hạ bệ thành công Johnny Carson và chương trình Tonight show.

Cuộc khủng hoảng con tin đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ rằng sự chuyển giao quyền lực trên thị trường dầu mỏ vào những năm 1970 chỉ là một phần nhỏ trong vở kịch lớn hơn về những gì đang xảy ra trên chính trường thế giới. Có vẻ như nước Mỹ và phương Tây đang ngày càng yếu kém trong phòng ngự, và hình như, không thể làm gì để bảo vệ các lợi ích kinh tế và chính trị đúng như bình luận ngắn gọn của Carter sau hai ngày cuộc bắt cóc con tin được tiến hành, "chúng ta đang nằm trong tay họ". Iran không phải là nơi duy nhất hỗn loạn. Mỹ cũng "không ngủ" khi bị các thế lực chống đối ở Trung Đông tấn công nhằm hất cẳng Mỹ khỏi khu vực này. Tháng 11 năm 1979, một vài tuần sau khi vụ bắt cóc xảy ra, khoảng 700 người chính thống giáo có vũ trang đã chống đối Chính phủ Arập Xêút và mối quan hệ của nước này với phương Tây bằng cách bao vây nhà thờ Hồi giáo Great Mosque ở Mecca. Đây được coi là hành động châm ngòi cho cuộc nổi loạn về sau này. Sự nổi dậy chống lại Arập Xêút chưa bao giờ trở thành hiện thực nhưng đã khiến cả thế giới Hồi giáo choáng váng. Đầu tháng 12, phong trào phản kháng nhóm hồi giáo Shia đã xảy ra tại al-Hasa, trung tâm khu vực dầu mỏ nằm ở phía Đông Arập Xêút và vài tuần sau đó, lại xảy ra một cú sốc khác mạnh hơn và trầm trọng hơn. Liên Xô đưa quân vào Afghanistan, quốc gia láng giềng của Iran về phía Đông, làm chấn động các quốc gia Vùng Vịnh và phương Tây. Và một nước Nga giờ đây, trong suy nghĩ nhiều người, vẫn còn đang nuôi tham vọng từ một thế kỷ rưỡi đến nay quyền kiểm soát khu vực Vùng Vịnh, và đang lợi dụng sự bất ổn trong chính trường phương Tây để thu được tối đa lợi ích có thể tại vùng đất Trung Đông này. Người Nga ngày càng trở nên táo bạo hơn. Lần đầu tiên, Liên Xô sử dụng sức mạnh quân sự ở ngoài phạm phi khối cộng sản kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tổng thống Carter đã phản ứng vào tháng 1 năm 1980 bằng một phát biểu mà sau này được gọi là học thuyết Carter: "Chúng ta hãy thể hiện một quan điểm rõ ràng. Bất kỳ nỗ lực từ lực lượng bên ngoài nào nhằm kiểm soát Vùng Vịnh đều bị xem là hành vi xâm phạm đến quyền lợi thiết yếu của Hoa Kỳ và do đó sẽ bị ngăn chặn bằng bất cứ giá nào, kể cả dùng sức mạnh quân sự. " Học thuyết Carter thể hiện rõ điều mà các Tổng thống Mỹ đã nói trước đó, như cam kết của Harry Truman với Arập Xêút năm 1950. Xa hơn, học thuyết này có điểm tương đồng với Tuyên bố Lansdowne năm 1903, trong đó Ngoại trưởng Anh cảnh báo Nga và Đức hãy tránh xa khỏi Vùng Vịnh.

Carter cũng đã giành được sự kính nể trong thế giới dầu mỏ năm 1977, năm khởi đầu sự nghiệp tổng thống của ông, khiến Shah buộc phải từ bỏ lời cam kết của mình. Carter đã tài tình thuần phục được Shah, biến ông từ một con chim ưng kiêu căng trở thành một con chim bồ câu biết phục tùng. Ông đã thúc đẩy để đi đến Hiệp ước trại David giữa Israel và Ai Cập. Giờ đây, tất cả những chiến tích ấy đã bị cho vào quên lãng. Shal trở thành một kẻ vô gia cư. Cuộc cánh mạng Iran đã bất ngờ gây ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1979 và nhiệm kỳ tổng thống của Carter bị phủ bóng đen vì vụ bắt giữ con tin xảy ra ở Iran liên quan đến vấn đề chính trị do một nhóm tín đồ ở Tehran tổ chức.

Sau khi vụ việc xảy ra, Shal hấp hối và mau chóng cùng đoàn tuỳ tùng của mình ngậm ngùi rời khỏi nước Mỹ, trải qua những giây phút cuối đời, trong một phòng bệnh tâm thần chỉ toàn khung sắt cửa sổ đặt tại một căn cứ không quân của Mỹ, tách biệt với thế giới bên ngoài. Nhóm người di chuyển đến gần vùng Panama và sau đó trở về Ai Cập nơi Shal, kẻ bị ruồng bỏ, đã trút hơi thở cuối cùng vào tháng 7 năm 1980 trong nghiện ngập sau một năm rưỡi kể từ ngày rời khỏi Tehran. Không một ai thực sự quan tâm. Vào thời điểm đó, Mohammed Pahlavi, con trai của một quan chức ở lữ đoàn Cô-dắc đã không còn dính dáng đến hậu quả của cuộc khủng hoảng con tin, sự hoang mang trên thị trường dầu mỏ, và trong trò chơi quốc tế của các quốc gia mà ông từng đóng vai trò nổi bật.

Trước hậu quả tức thì ngay sau vụ bắt giữ con tin, Carter đã phản ứng lại bằng việc ra lệnh cấm vận nhập khẩu dầu mỏ từ Iran và làm đóng băng tài sản nước này. Iran cũng phản công bằng cách ra lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ cho bất kỳ công ty nào của Mỹ. Việc cấm nhập khẩu và đóng băng tài sản thực chất chỉ là công cụ mà Carter dễ dàng có được trong tay. Tuy nhiên, Iran chỉ bị tổn thất do việc đóng băng tài sản gây ra chứ không bị ảnh hưởng từ lệnh cấm nhập khẩu vào Mỹ. Nhưng quốc gia này phải tái phân phối việc cung ứng dầu trên toàn thế giới, làm gián đoạn hơn nữa các kênh cung cấp, khiến khách hàng trên thị trường giao ngay ngày càng trở nên quá khích, góp phần đẩy giá dầu tăng lên. Một số lô hàng đã áp dụng mức giá 45 đô-la một thùng; Iran còn báo giá 50 đô-la một thùng cho các công ty thương mại Nhật Bản hiện đang rất hoang mang. Sau vụ bắt giữ con tin, thông tin này càng khiến sự hoang mang lan ra khắp thị trường, góp phần làm hỗn loạn chu kỳ tiêu thụ vốn đã không ổn định và đẩy giá dầu tăng. Bốn ngày sau vụ bắt giữ giám đốc điều hành một công ty lớn đã nhận xét: "Trong tình cảnh này mới thấy các công ty cần phải có kho dự trữ lớn hơn bình thường để "đảm bảo cung ứng", hay tự bảo hiểm cho mình"

Cuộc khủng hoảng con tin còn gây ra những tác động rộng lớn hơn. Nó chứng minh cho sự yếu kém rõ rệt, thậm chí không được phòng vệ, của các quốc gia tiêu thụ dầu – đặc biệt là Mỹ, quốc gia mà quyền lực của nó là nền tảng trật tự kinh tế và chính trị thời hậu chiến. Và dường như đã hình thành một nhận định cho rằng quyền bá chủ thế giới mới thực sự nằm trong tay những nhà xuất khẩu dầu mỏ. Ít nhất điều đó đã được thể hiện ở biểu hiện bên ngoài. Trên thị trường dầu mỏ có những yếu tố còn mạnh hơn các chính phủ. Và bây giờ là lúc các nước xuất khẩu thực hiện những toan tính sai lầm chết người của mình.

Thị trường

Giá dầu tăng đã trở thành mục tiêu chú ý thường xuyên của các nhà lãnh đạo các nước và là chủ đề xuất hiện trên các trang nhất trong nhiều tháng. Điều này cũng gây quan ngại cho các nhà lãnh đạo Arập Xêút từng được cảnh báo về nguy cơ bị mất quyền kiểm soát thị trường. Thực tế, quyền lực đã rơi vào tay các lực lượng thù địch là Libya và Iran. Họ cho rằng giá cả gia tăng đột biến sẽ đe dọa đến nền kinh tế thế giới, dẫn đến sự suy thoái, khủng hoảng, hoặc thậm chí phá sản kinh tế và do đó đe dọa lợi ích riêng của họ. Thời kỳ tương lai nền kinh tế Arập Xêút được quyết định bởi số người hành hương đến Mecca đã là điều xa vời; giờ đây chỉ "tỷ lệ" mới có ý nghĩa với Riyadh − tỷ lệ lãi suất thế giới, tỷ giá hối đoái, tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ tăng trưởng. Arập Xêút cũng lo sợ vị thế của mình sẽ bị đánh đổ vì một lý do khác, giá cả tăng sẽ làm người tiêu dùng mất lòng tin, thúc đẩy cạnh tranh kéo dài với tổ chức dầu mỏ OPEC cũng như xuất hiện các loại nhiên liệu thay thế mới. Điều đó trở thành mối đe dọa đặc biệt với một đất nước có trữ lượng lớn về dầu mỏ và tương lai còn phát triển xa hơn nữa trong thế kỷ XXI.

Trước tình hình này, Arập Xêút đã phản ứng lại. Yamani trở nên hiếu chiến hơn bất kỳ các lãnh đạo phương Tây nào trong việc ngăn giá dầu tăng. Arập Xêút cố gắng khống chế mức giá chính thức của mình theo giá mà các nhà xuất khẩu khác yêu cầu ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với từ bỏ một món lợi. Họ cũng tìm cách đối phó với mức giá tăng bằng cách tiếp tục thúc đẩy sản xuất. Mục tiêu của họ rất rõ ràng: tăng cung ứng để buộc giá giảm. Nhưng hiệu quả vẫn chưa thể thấy ngay. Giữa tháng 10 năm 1979 sau khi Libya và Iran đẩy giá dầu mỏ lên, Yamani xót xa tuyên bố: "Chúng ta đang mất dần khả năng kiểm soát mọi thứ. Thật đau lòng. Chúng ta không muốn điều đó xảy ra." Sau một vài tuần, thảm kịch bắt giữ con tin đã xảy ra. Trong một thị trường nhiều biến động, mặc dù Arập Xêút đã tiến hành các biện pháp đối phó, giá cả vẫn liên tục dao động. Liệu khả năng bình ổn có thể xảy ra? Mọi sự tập trung đều hướng về hội nghị OPEC thứ 55, dự tính tổ chức tại Caracas vào cuối tháng 12 năm 1979.

Khi Juan Pablo Perez Alfonzon lần đầu tiên trở thành Bộ trưởng dầu khí Venezuela những năm 1940, thì sườn đồi phía nam Caracas mới chỉ là một cánh đồng trồng mía đường. Giờ đây, khu vực này đã trở thành địa phận của Tamanaco, một khách sạn quốc tế với phong cách cổ kính và một bể bơi ngoài trời tuyệt đẹp, một công trình thể hiện sự phát triển của ngành dầu khí Venezuala. Đó là nơi giới kinh doanh dầu mỏ dừng lại khi đến Caracas và là nơi hội họp của các bộ trưởng OPEC. Vấn đề được đưa ra bản thảo là phải thống nhất một mức giá chung cho OPEC, chấn chỉnh lại tình trạng lộn xộn về giá. Giá dầu chính thức của Arập Xêút là 18 đô-la một thùng, các nơi khác xấp xỉ 28 đô-la, trong khi giá giao ngay dao động khoảng 40 - 50 đô‑la. Trước cuộc họp, Arập Xêút tuyên bố tăng lên 24 đô-la/thùng, vì cho rằng các quốc gia khác sẽ hạ giá xuống cho phù hợp. Nhưng điều đó tỏ ra vô tác dụng; Iran ngay lập tức tăng giá thêm 5 đô-la/thùng. Một lần nữa, cũng giống như điều đã xảy ra những năm 1950, đó là sự rạn nứt sâu sắc giữa Arập Xêút và Iran. Arập Xêút đã sản xuất thêm dầu mỏ để đối phó với tình trạng dầu tăng giá. Năm 1979, sản lượng OPEC đạt 31 triệu thùng một ngày. Nếu chưa kể việc Iran tạm ngừng sản xuất, con số này vẫn nhiều hơn năm 1978 3 triệu thùng. Vậy lượng dầu sản xuất thêm sẽ đi đâu? Theo Yamani, chúng sẽ không được tiêu thụ mà chủ yếu để các công ty dự trữ phòng trường hợp nguồn cung trong tương lai bị gián đoạn. Trong một vài trường hợp, lượng dầu dự trữ này có thể đem ra tiêu thụ nhằm hạ bớt giá dầu. Sau này, Yamani giải thích: "Những quyết sách chính trị không thể phủ nhận quy luật cung cầu. Giá lên tất yếu nhu cầu sẽ giảm. Đó là điều dễ hiểu như 1 + 1 = 2 vậy."

Tại Tamanaco, Yamani đã rời lên tầng trên của dãy nhà tổng thống, hủy bỏ yêu cầu của Bộ trưởng dầu mỏ Venezuela, và bắt đầu chiến dịch bảo vệ quan điểm của mình. Các bộ trưởng dầu mỏ đã gặp gỡ riêng tại Arập Xêút để bàn thảo về cuộc chạy đua giá cả. Yamani đã cảnh báo họ rằng chính họ đã và đang phá hoại lợi ích của nhau, và có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu về dầu mỏ đang giảm dần, và rằng việc nhảy giá liên tục sẽ dẫn đến "Thảm họa cho nền kinh tế thế giới". Chỉ số ít các bộ trưởng đồng ý với quan điểm của ông, còn đại đa số thì không. Khi Yamani nói rằng nhu cầu về dầu mỏ của OPEC sẽ sụt giảm nghiêm trọng, các bộ trưởng sẽ phải cắt giảm sản lượng để giữ giá, và dự báo dầu mỏ có thể mất giá vào bất cứ lúc nào; họ đã cười nhạo ông. Một vị bộ trưởng cho rằng Yamani hẳn đang đùa cợt họ, một vị khác thì nói có lẽ do ông say rượu. Trong suốt 11 tiếng đồng hồ, các vị bộ trưởng đã tranh luận gay gắt nhưng rút cuộc chẳng đi đến sự nhất trí nào. Thực tế đã không có một mức giá chính thức nào được đưa ra. Yamani thất vọng nói rằng OPEC và thị trường dầu mỏ đã trở thành quầy tạp hóa. Lời cảnh báo mà ông đưa ra cho các nhà sản xuất lại là lời hứa hẹn với người tiêu dùng. "Sắp sửa diễn ra một cuộc khủng hoảng thừa." Giá dầu sẽ tụt xuống.

Tuy nhiên các quốc gia xuất khẩu dầu đã phớt lờ lời cảnh báo bởi họ tin vào những lý lẽ của riêng mình. Theo lời của Bộ trưởng dầu mỏ Iran: "Nhân danh Chúa toàn năng, sẽ chẳng có sự dư thừa nào ở đây cả. Và giá dầu sẽ không giảm". Phần lớn các quốc gia xuất khẩu đều cho rằng nhu cầu về dầu mỏ sẽ không bao giờ thay đổi và họ có thể áp bất cứ mức giá nào họ muốn. Sự tự tin của họ được chứng minh ngay sau cuộc họp, khi Libya, Angiêri, và Nigeria tiếp tục nâng giá dầu lên. Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác ngay lập tức theo sát động thái này.

Những ngày cuối cùng của năm 1979 tại Caracas nhiều biến động cũng là lúc các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ xa rời với thực tế thị trường. Nhu cầu dầu mỏ giảm sút trong khi các nguồn cung cấp mới đang được phát triển. Cơn sốt dầu trên thị trường lắng xuống, giá giao ngay giảm và các công ty tích cực dự trữ dầu mỏ trong khi Arập tiếp tục sản xuất tràn lan. Tuy nhiên, các nước sản xuất khác tiếp tục đẩy giá lên cao, một số quốc gia tiến hành cắt giảm sản lượng, điều này giúp bình ổn giá dầu. Lúc này thị trường đã dự báo một cuộc "tiểu khủng hoảng thừa", nhưng điều này còn khả dĩ hơn là cái thực tế sau này được biết đến với tên gọi là "tiểu khủng hoảng". Đối mặt với cuộc khủng hoảng con tin, Washington cùng các nước phương Tây và Nhật Bản phải tìm cách áp đặt lệnh cấm vận toàn diện hay luật trừng phạt chống lại Iran, một nỗ lực khiến thị trường càng thêm căng thẳng. Sau đó đến tháng 4 năm 1980, giận giữ trước vấn đề con tin đi vào ngõ cụt, chính quyền Carter đã sắp đặt một kế hoạch quân sự nhằm giải cứu con tin bị giam giữ ở Iran. Từ con tàu sân bay Nimitz, tám chiếc trực thăng đã được điều tới một địa điểm xa xôi, hẻo lánh ở Iran, mang mật danh Desert One tác chiến với sáu chiếc C-130 ngay trong đêm. Những chiếc máy bay vận tải lớn sẽ tiếp nhiên liệu cho trực thăng và chở theo đội biệt kích. Đội này sau đó sẽ bay đến Tehran, chiếm lại đại sứ quán Mỹ, giải phóng các con tin rồi đưa họ đến thẳng một sân bay ở gần Tehran, nơi được không lực Hoa Kỳ hỗ trợ.

Tuy nhiên, rất nhanh chóng mọi thứ diễn ra thật tồi tệ. Một chiếc trực thăng bị lạc khỏi đội do gặp trục trặc trong việc xác định phương hướng; một chiếc khác thì hỏng hóc kĩ thuật. Sau đó, đến nửa đêm, một trong ba phương tiện của Iran, chiếc xe buýt trở 44 người đã tiếp cận và quan sát được máy bay của Mỹ. Một trong những chiếc trực thăng còn lại gặp bão cát và bị nổ tung do vướng phải một chiếc C-130, làm một số quân nhân thiệt mạng. Chỉ còn lại năm chiếc trực thăng, trong khi để thực thi nhiệm vụ thì tối thiểu phải có đủ sáu chiếc. Kế hoạch buộc phải ngừng lại theo lệch trực tiếp của Tổng thống Carter. Thất bại này, ngay lập tức bị bại lộ và được đăng tải trên khắp các phương tiện truyền thông. Và Iran đã ngay lập tức phân tán toàn bộ con tin ra khắp Tehran đề phòng trường hợp Mỹ giải cứu lần nữa. Thực trạng vụ giải cứu con tin và thất bại ê chề của Mỹ đã làm tăng thêm sự căng thẳng trên thị trường dầu mỏ. Thêm vào đó, lượng xuất khẩu dầu của Iran lại giảm xuống. Tất cả những điều này đã gây ra một cơn sốt dầu mới. Các công ty vẫn tập trung vào những mặt dễ bị tổn thương và khả năng phát sinh những vấn đề mới, nên tiếp tục tích trữ dầu để "bảo đảm".

dau mo tien bac va quyen luc ky 35
Biệt kích Mỹ Delta và cuộc khủng hoảng giải cứu con tin ở Iran

Triển vọng chung trở nên ảm đạm. Và theo quan sát thị trường, thì đợt khủng hoảng nhỏ này sẽ kết thúc vào mùa xuân năm 1981. Ủy ban chiến lược dài hạn của OPEC đề xuất ý kiến mỗi năm tăng giá dầu lên thêm khoảng từ 10 đến 15%, dựa trên mức giá hiện thời. Điều này có nghĩa là trong vòng năm năm tới, giá dầu sẽ tăng đến sáu mươi đô-la mỗi thùng. Trong thời điểm u ám này, dường như chẳng có lý gì để nghi ngờ họ lại không thể làm được điều đó. Năm ngày sau khi nỗ lực giải cứu con tin trở thành thảm họa tại sa mạc Iran, giám đốc CIA xác nhận trước một ủy ban của Thượng viện: "Về mặt chính trị, vấn đề chính ở đây là mức độ sai lầm của cuộc đấu tranh giành nguồn cung cấp năng lượng." Không khí ảm đạm lúc đó đã được tóm lược trên tiêu đề một bài báo của Bộ Ngoại giao vào mùa hè năm 1980: "Dầu mỏ và sự suy thoái của phương Tây".

Tháng 6 năm 1981, OPEC lại nhóm họp tại Angiê. Các quốc gia Arập, giờ có thêm sự ủng hộ của Côoét, tiếp tục cố gắng chấm dứt tình trạng hỗn loạn về giá dầu trên thị trường và bình ổn giá cả. Tuy nhiên, một lẫn nữa nỗ lực này vẫn không mang lại kết quả. Giá dầu mỏ ở mức trung bình là 32 đô-la một thùng, tăng gần gấp ba lần so với giá ở thời điểm một năm rưỡi trước. Ở cuộc họp lần này, trong quán cà phê của một khách sạn ở Angiê, trong khi bị nhiều đoàn đại biểu xa lánh và vẫn suy nghĩ về "quy luật cung cầu thần thánh của thị trường", Yamani đã trút bầu tâm sự với một người bạn: "Họ quá tham lam và sẽ phải trả giá vì điều đó."

Trên thực tế, thị trường dầu mỏ lại tụt xuống dưới cả mức lo ngại mà Yamani đã dự đoán. Qua đánh giá xu thế thị trường mùa hè năm 1980, lời tiên đoán của ông khi ở Angiêri đang sớm trở thành hiện thực. Lượng tích trữ dầu ở mức cao; kinh tế suy thoái; giá dầu và lượng cầu ở các quốc gia tiêu thụ dầu đang giảm xuống; thặng dư tích trữ dầu tiếp tục tăng. Các công ty thậm chí còn bắt đầu trữ dầu ở các siêu tàu dầu. Làm vậy tuy tốn kém nhưng còn hơn là bán lỗ trên thị trường. Bây giờ đến lượt người mua phá hợp đồng khiến lượng cầu đối với dầu của OPEC giảm xuống. Đến giữa tháng 9, một số quốc gia OPEC, trong nỗ lực giữ giá, đã đồng ý tình nguyện cắt giảm sản lượng xuống mức còn 10%.

Trong khi đó, lễ kỷ niệm 20 năm thành lập OPEC đang đến rất gần. Qua hai thập kỉ, tổ chức này từ con số không đã phát triển lớn mạnh trong nền kinh tế thế giới. Và một lễ kỷ niệm quy mô được lên kế hoạch sẽ diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh OPEC vào tháng 11. Một uỷ ban đặc biệt đang hoạch định chiến lược dài hạn như mong đợi. Một nghìn năm trăm nhà báo sẽ được mời tham dự sự kiện lớn sẽ diễn ra tại Baghdad, nơi OPEC được thành lập vào năm 1960. Sáng ngày 22 tháng 9 năm 1980, các Bộ trưởng Dầu mỏ, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Ngoại giao của các quốc gia OPEC tự tin nhóm họp tại cung điện Hapsburg, Viên để tiếp tục lên kế hoạch cho buổi lễ kỷ niệm sẽ diễn ra tại Baghdad. Nhưng chỉ trong vòng vài phút ngay sau lễ khai mạc đã nổ ra những tiếng xôn xao bày tỏ sự hoang mang, bối rối và tức giận. Và hội nghị chung đã nhanh chóng trở thành một phiên họp kín. Lý do là vì đã có một kế hoạch khác được lên ở Baghdad.

Mặt trận thứ hai của Qadisiyah: trận chiến giữa Iraq và Iran

Cũng trong ngày hôm đó, ngay khi các bộ trưởng đang chuẩn bị ngồi vào bàn họp tại Viên, phi đội của Iraq đã tấn công vào hàng chục mục tiêu ở Iran mà không có bất kỳ lời cảnh báo nào trước. Quân đội Iraq bắt đầu tràn qua Iran dọc theo một mặt trận rộng lớn, dùng pháo hạng nặng để đánh vào các thành phố và cơ sở trọng yếu của Iran. Chiến tranh nổ ra, một lần nữa lại làm rung chuyển vịnh Ba Tư, đẩy hệ thống cung cấp dầu mỏ lâm vào tình trạng nguy cấp, đe dọa gây nên cú sốc dầu mỏ lần thứ ba.

Trong hàng tuần liền trước thời điểm ngày 22 tháng 9 đã xảy ra nhiều vụ xô xát dọc theo biên giới Iraq - Iran. Thực chất, chiến tranh đã leo thang kể từ hồi trước tháng 4. Với mối xung đột đã tồn tại từ lâu giữa Iraq và Iran, người ta cho rằng cuộc chiến hiện tại giữa hai nước đơn giản chỉ là tái hiện lại những cuộc chiến trong lịch sử cách đây gần năm nghìn năm về trước trong buổi sơ khai của nền văn minh Lưỡng Hà. Khi đó, những người lính từ Mesopotamia, mà bây giờ là Iraq và Elam – Iran ngày nay, đã luôn tàn sát lẫn nhau. Một bài thơ cổ viết về cảnh bi ai của thành phố Ur vĩ đại, ngạo nghễ một thời, nơi mà những bức tường thành được xây cao "ngang với đỉnh núi lấp lánh ánh mặt trời", đã bị cướp bóc, tàn phá bởi quân đội của Elam bốn nghìn năm về trước.

Xác người, không phải mảnh vỡ

Phủ đầy lối đi

Những khối tường đổ

Những cổng cao, những con đường

Chất đầy tử thi

Bên hè phố, nơi đám đông đáng lẽ đang tụ tập

Họ nằm đó

Thân thể ruỗng nát dưới ánh mặt trời

Cảnh tượng trên không khác gì 4.000 năm sau khi người Mesopotamia và người Elam chém giết lẫn nhau trên những vũng lầy và sa mạc bỏng rát nơi xưa kia đã xảy ra cuộc chiến giữa tổ tiên họ.

Chiến tranh bị khơi mào bởi sự mâu thuẫn giữa sắc tộc và tôn giáo, chính trị và kinh tế, chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa cá nhân; bởi sự tranh giành quyền lực ở Vùng Vịnh; bởi sự không bền vững của các khối liên kết trong nước; bởi quan niệm độc đoán về sự hình thành của "các dân tộc" và bởi sự biến mất của những đường biên giới ở vùng Trung Đông từng trải trên bản đồ của đế chế Ottoman. Nhưng, vấn đề địa lý mới là tâm điểm của cuộc xung đột.

Quốc vương Iran bất hòa với chế độ Ba'th ở Baghdad ngay từ khi đảng này lên nắm quyền vào năm 1986. Và một trong những vấn đề quan trọng giữa hai quốc gia là con sông Shatt-al-Arab và vùng châu thổ ở điểm giao hòa giữa hai con sông, sông Tigris và sông Euphrates của Iraq với một vài con sông khác của Iran. Con sông Shatt-al-Arab đã đóng vai trò là đường biên giới tự nhiên dài 120 dặm giữa hai quốc gia Iran và Iraq. Với Iran sông Shatt-al-Arab không phải là duy nhất nhưng nó lại là tuyến đường quan trọng nhất dẫn ra vịnh Ba Tư. Nhà máy lọc dầu Abadan cũng được xây dựng trên vùng châu thổ lầy lội. Với Iraq, sông Shatt-al-Arab có ý nghĩa sống còn bởi nó là tuyến đường duy nhất dẫn ra biển. Toàn bộ đường bờ biển của Iraq chỉ kéo dài khoảng 23 dặm trong khi đường bờ biển của Iran dài 14 nghìn dặm. Basra, thành phố cảng chiến lược của Iraq, cách hạ nguồn sông Shatt-al-Arab 50 dặm ngược lên phía trên và phải thường xuyên được nạo vét do mực nước nông và bị bồi nhiều phù sa. Do vậy việc xác định chủ quyền con sông là vô cùng quan trọng. Những vấn đề khác đáng quan tâm nữa là cơ sở hạ tầng dầu mỏ của cả hai quốc gia bao gồm các mỏ khai thác, các trạm bơm, đường ống dẫn dầu, các phương tiện khai thác, thùng chứa dầu đều tập trung bên bờ sông Shatt-al-Arab. Quốc vương Iran đã tính toán khá khôn ngoan khi cho xây dựng các đường ống dẫn dầu như một hình thức giao thông đường thủy cũng như làm đường mốc ngoài khơi ở đảo Kharg, vị trí có thể dùng làm nơi neo đậu cho tàu chở dầu. Về phần Iraq, mặc dù đường ống dẫn dầu qua Syria và Thổ Nhĩ Kì đã bị thay thế nhưng nước này cũng xuất khẩu được một lượng lớn dầu mỏ thông qua vùng hạ lưu hẹp của sông Shatt-al-Arab với vùng lân cận sát đó.

dau mo tien bac va quyen luc ky 35
Saddam Hussein và Khomeini năm 1980

Quốc vương Iran và quân đội của Ba'th qua nhiều tuyên bố tranh chấp cuối cùng cũng đi đến một thỏa thuận được kí kết tại Algier vào năm 1975 và người đại diện phía Iraq là Saddam Hussein. Xét về mặt chủ quyền con sông, Iran có lợi thế hơn. Người Iraq đã chịu từ bỏ tính cố chấp và chịu thừa nhận sau 40 năm rằng bờ phía đông của dòng sông đường biên giới tiếp giáp với Iran thuộc về Iran. Để đổi lại, quốc vương Iran đã đáp ứng một yêu cầu khẩn thiết khác của Iraq. Đó là đồng ý cắt giảm một phần đáng kể viện trợ cho người Kurds, một nhóm dân tộc thiểu số chiếm khoảng 20% dân số Iraq và hiện đang đấu tranh quyết liệt với chính quyền Ba'th để đòi quyền tự trị cho vùng đất chứa phần lớn chữ lượng dầu mỏ của nước này. Việc quốc vương Iran cắt giảm viện trợ là điều kiện sống còn đối với chế độ Ba'th. Baghdad đã không để lãng phí thời gian, lập tức tiến hành một cuộc phòng thủ có tính quyết định chống lại người Kurds chỉ sau 6 tiếng khi thông cáo chung với Iran được công bố ở Angiê. Ba năm sau, năm 1978, Iraq đền đáp lại bằng một cử chỉ không mấy đáng kể. Theo yêu cầu từ phía Iran, Iraq trục xuất giáo chủ Ayatollah Khomeini, kẻ bị đi đầy ở Iraq trong 14 năm. Tuy nhiên những gì xảy ra sau đó lại biến cử chỉ này thành hành động không có lợi.

Bản thân Khomeini chất đầy lòng thù hận với chế độ của người Iraq và khao khát trả thù cho những gì mà người Iraq đối xử với ông. Cơn giận dữ của ông nhằm vào Saddam Hussein. Không thể phủ nhận một điều là Hussein đã chứng tỏ mình là một kẻ chủ mưu xuất sắc trong lịch sử những âm mưu của đảng Ba'th. Còn phong trào của người Ba'th đã lớn mạnh lên từ Hội Sinh viên Arập được hai trí thức người Syria thành lập trong khoảng thời gian tham gia học tập tại Paris vào đầu những năm 1930. Một thập kỷ sau, họ thành lập đảng Ba'th – hay "đảng phục hưng", có căn cứ tại Damascus. Đó là một cuộc chiến liên Arập, nhằm tạo ra một quốc gia Arập riêng rẽ và kịch liệt phản đối phương Tây cũng như chủ nghĩa đế quốc. Bao bọc trong lý tưởng và khát vọng đó, đảng Ba'th khinh thường và hoàn toàn thù nghịch với những kẻ chống lại cũng như đứng ngoài hàng ngũ đảng. Tổ chức này hưởng ứng đấu tranh bạo lực và chính thể chuyên chế song song với việc theo đuổi các mục tiêu của mình. Đảng Ba'th chia thành hai nhánh, trong đó một nhánh lên cầm quyền ở Syria và nhánh kia cầm quyền ở Iraq. Mặc dù có chung nguồn gốc nhưng hai nhánh dần trở thành những đối thủ không đội trời chung vì mục đích địa vị chính trị.

Cha của Saddam Hussein mất ngay trước khi cậu con trai chào đời năm 1937. Khi lớn lên, tính cách cậu bé đã được hình thành trong môi trường chủ nghĩa dân tộc cực đoan và trong thế giới đầy âm mưu, bạo lực của chủ nghĩa Ba'th. Người có tầm ảnh hưởng quyết định tới Saddam là ông chú ruột Khayr Alla Talfah, người đã nuôi dưỡng và bảo trợ Saddam. Là người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xuất thân từ tộc người thiểu số dòng Sunni, ông chú Talfah ghét cay ghét đắng và khinh miệt nền văn hóa phương Tây. Đối với cả hai chú cháu, sự kiện đóng vai trò then chốt là vụ nổi loạn của Rashid Ali, người theo chủ nghĩa dân tộc phát xít và cuộc tấn công của máy bay Đức vào lực lượng quân sự Anh ở Iraq cũng trong thời gian đó. Khi quân đội Iraq đe dọa phóng hỏa một máy bay sơ tán gồm toàn phụ nữ và trẻ em, lính Anh đã tấn công dập tắt vụ nổi loạn. Talfah có tham gia vụ nổi loạn đó và bị kết án năm năm tù, mang theo những dư vị cay đắng, phẫn uất và căm thù mà sau này ông ta đã truyền lại cho đứa cháu trai của mình. Nhờ vụ nổi loạn, Rashid Ali trở thành một huyền thoại của phong trào Ba'th. Tính cách của Saddam Hussein còn được định hình bởi nền văn hóa quê nhà Tikrit, một vùng xa xôi hẻo lánh, nằm trên sa mạc khắc nghiệt. Người Tikrit đề cao giá trị những quy luật sinh tồn trên sa mạc. Đó là sự đa nghi, yếu tố bất ngờ, và sử dụng vũ lực để đạt được mục đích.

Trong không khí chiến thắng ồn ào, náo nhiệt của Nasser ở Suez vào năm 1976, Saddam Hussein, khi ấy vẫn còn là một thiếu niên đã được kết nạp vào đảng Ba'th. Kể từ đó, những âm hưởng chống chủ nghĩa đế quốc của Nasser đã ăn sâu vào suy nghĩ của ông. Một thời gian ngắn sau khi gia nhập đảng, Saddam đã tham gia vụ ám sát đầu tiên nhằm vào một nhân vật chính trị người địa phương của Tikrit. Saddam nguyện gắn bó với đảng Ba'th và danh tiếng của ông bắt đầu từ đó. Năm 1959, ông ta là một trong những kẻ tham gia vụ ám sát Abdul Karim Kassem ngay trên đường phố chính của Baghdad. Vụ ám sát bất thành. Hussein bị thương trong một trận đọ súng, bị kết án tử hình và phải bỏ trốn sang Ai Cập. Mãi cho đến năm 1963, ông mới trở lại. Sau đó ông phụ trách hoạt động dân quân ngầm của đảng người Ba'th. Mặc dù là người có quyền thế trong nội bộ đảng Ba'th kể từ khi đảng này lên cầm quyền năm 1968, nhưng chỉ đến năm 1979 Hussein mới đảm đương cương vị tổng thống thay thế cho người em họ Ahmad Hasan-al-Bakr, con trai người chú ruột. Cũng năm đó đã diễn ra cuộc thanh trừng khiến nhiều thành viên của đảng Ba'th bị hành hình. Để bảo đảm những người của đảng Ba'th đang bị giam cầm đưa ra lời khai chính xác, Saddam Hussein đã bắt người nhà của họ làm con tin. Từ trước năm 1979, Hussein đã được ví với Shaqawah, một con người chuyên chế, cứng rắn và đáng sợ. Ông ta tàn nhẫn và vô cảm với những gì ông ta coi là mạo hiểm, là mối đe dọa, cản trở mục đích của ông ta, hay những điều mà ông thấy hữu dụng hoặc thuận lợi để nắm bắt. Trong chế độ mới của Iraq, quân đội, lực lượng an ninh và đặc biệt là đảng đều nằm trong tay những người Tikrit có quan hệ với Hussein theo cách này hay cách khác. Thế nên chẳng có gì là lạ khi những năm 1970 chính phủ đưa ra lệnh cấm dùng tên có gốc chỉ tộc người hay nguồn gốc quê quán. Nắm giữ những vị trí chủ chốt trong chính quyền là các thành viên gia đình Talfah và thêm hai gia đình khác có quan hệ với Hussein. Đó là những người duy nhất Hussein có thể tin tưởng. Ông ta đã cưới cô em họ, con của người chú Kahyr Allah Talfah. Adnan Khayr Alah Talfah – ông anh vợ đồng thời cũng là em họ của Hussein giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng (cho đến khi ông này qua đời trong một vụ nổ máy bay trực thăng đầy bí ẩn). Còn Hussein Kamil al-Majid, người vừa là em họ vừa là con rể của Hussein thì chịu tránh nhiệm chính trong việc mua bán vũ khí, phát triển vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và tên lửa. Bản thân người chú Khayr Alla Talfah vẫn có tầm ảnh hưởng rộng lớn. Năm 1981, nhà xuất bản quốc gia đã phát hành một cuốn sách của Talfah. Bản thân tiêu đề của cuốn sách đã phần nào nói lên tư tưởng chính trị của ông: "Ba hạng mà Chúa Trời lẽ ra không nên tạo ra: người Ba Tư, người Do Thái và loài ruồi."

Mặc dù bị trục xuất khỏi Iraq vào năm 1978, trước khi Hussein lên nắm toàn quyền, nhưng Khomeini vẫn buộc Hussein phải chịu trách nhiệm về những gì ông ta phải chịu và xếp Hussein vào thành phần những đối thủ đáng gờm. Một lần khi được đề nghị liệt kê danh sách kẻ thù, Khomeini đã đáp: "Đầu tiên là quốc vương Iran, kế đến là những con qủy người Mỹ, và cuối cùng là Saddam Hussein với đảng người Ba'th". Khomeini và nhóm thân cận coi đảng xã hội ngoại đạo Ba'th là kẻ thù không đội trời chung về mặt tín ngưỡng và gán cho đảng này cái tên "Lý tưởng chủng tộc của bọn Arập". Như thể thế vẫn còn chưa đủ, Khomeini thậm chí còn đặt cho Hussein cái tên "Gã pharaon lùn".

Saddam Hussein có đầy đủ lý do để lo ngại trước sự bài trích của Khomeini, bởi ước tính có gần một nửa dân số Iraq là người hồi giáo dòng Shia. Trong khi chế độ đảng người Ba'th là những kẻ ngoại đạo và dựa trên thiểu số dòng Arập Sunni. Hơn nữa, Iraq lại là thánh địa của người Shia. Sự kích động gia tăng trong lòng những người thuộc dòng hồi giáo Shia còn được Iran khơi thêm. Sau vụ ám sát nhằm vào vị phó thủ tướng tháng 4 năm 1980, Hussein đã đáp trả bằng cách ra lệnh hành hình một nhà thông thái người Shia nổi tiếng nhất ở Iraq và chị của ông này, tuyên chiến và gọi thủ lĩnh tôn giáo của Iran là "Khomeini mục nát" và "Vị Shah khoác tấm áo choàng tôn giáo".

Khi xảy ra xô xát và tố cáo giữa hai nước, Iraq cho rằng họ đã nhìn ra cơ hội của mình. Iran dường như rất hỗn loạn và vô tổ chức. Ở Baghdad lưu truyền câu ngạn ngữ sau: "Ngóc ngách nào trên góc phố Iran cũng có một chính quyền riêng". Quân đội Iran đã mất hết tinh thần, rơi vào tình trạng lộn xộn và nằm trong vòng vây của một cuộc thanh trừng đẫm máu. Iraq có thể làm mạnh tay với Iran, lật đổ Khomeini, đập tan âm mưu nổi dậy của người Shiite chống lại Iraq, và xác lập chủ quyền trên toàn tuyến thủy lộ Shatt-al-Arab, bảo vệ vị thế của Iraq về lĩnh vực dầu mỏ. Và điều này giúp Iraq thu được nhiều mối lợi béo bở hơn. Hussein có thể lôi kéo các tộc người Arập sinh sống tại Khuzistan, Iran (mặc dù chưa đầy một nửa dân số ở khu vực tây nam này là người gốc Arập) với tư cách là "người giải phóng" của họ và có thể sáp nhập vùng đất mà người Iraq gọi là Arabistan đó vào lãnh thổ Iraq, hoặc ít nhất là đặt dưới quyền cai trị của Iraq. Mục đích của tất cả những kế hoạch này không chỉ là thống nhất các dân tộc anh em với nhau mà còn bởi vì 90% trữ lượng dầu mỏ của Iraq nằm ở Khuzistan. Và quan trọng hơn cả là những người dòng Ba'th có thể quên đi vết thương lòng khi phải ngậm ngùi để Iran nắm chủ quyền đối với tuyến thủy lộ Shatt-al-Arab năm 1975. Ngoài ra còn nhiều việc khác cần giải quyết. Shah, người kiểm soát Vùng Vịnh đã ra đi. Iraq có thể chiếm vị thế hàng đầu, cũng như Hussein có thể là người quyền lực nhất tại khu vực có tầm quan trọng về mặt quốc tế này. Hơn thế nữa, trong bối cảnh Ai Cập bị các quốc gia khác trong cộng đồng Arập cô lập do hiệp ước Trại David, Iraq có thể nổi lên như là thủ lĩnh mới và là nhà quân sự hàng đầu trong thế giới Arập đồng thời đè bẹp âm mưu đe dọa từ phía Đông. Bên cạnh đó, Iraq cũng có thể trở thành một trong những quốc gia thống trị về dầu mỏ. Tất cả đều là những cơ hội không thể mười mươi trong tầm tay Iraq.

Ngay từ những ngày đầu, Hussein đã khoác lên mình vai trò của một nhà lãnh đạo thế giới Arập, điều đó phù hợp với ý thức hệ của công đồng người Bath về Liên minh Arập. Nếu Khomeini căn cứ vào những sự kiện xảy ra vào thế kỷ VII để khẳng định vai trò hợp pháp của mình, thì Hussein cũng thế. Ông gọi cuộc chiến tranh mới là "Trận đánh Quadisiyal thứ hai" khi quân Arập đánh bại dân Vùng Vịnh năm 636/637 sau công nguyên, gần Najaf, nay nằm ở trung tâm phía nam Iraq. Điều này tiếp tục mang đến một chiến thắng lớn hơn trước người dân Vùng Vịnh năm 642 mà sau này là ngày kỷ niệm "Chiến thắng của các chiến thắng" của người Arập. Nó cũng đặt dấu chấm hết cho số phận Đế chế Sassanid Persian, buộc nhà vua phải chạy trốn về phía đông và bị các cận thần ám sát tại đó. Một thế kỷ sau, Baghdad ra đời và trở thành trung tâm nổi bật nhất khu vực trong hàng trăm năm sau. Đến năm 1980, một lần nữa, vị thế của Baghdad được khôi phục trở lại. Hay chí ít người ta cũng cho là như thế.

Hussein lên kế hoạch tấn công vào hai thành phố được coi là trung tâm dầu mỏ của Iran là Abadan và Ahawaz, chính nơi đây đã mở đầu cho trận quyết tử đối với đế chế Ba Tư cách đây 1300 năm. Hussein cho rằng, ông ta có thể đạt được mọi mục tiêu nhờ vào một loạt vụ "tấn công chớp nhoáng", dồn dập, mau lẹ. Tại Viên, nơi cuộc họp liên bộ trưởng OPEC bị gián đoán do những tin tức về cuộc tấn công, người ta cho rằng cuộc chiến của Iraq sẽ kết thúc trong vòng một hoặc cùng lắm là hai tuần. Nhưng chiến lược của Iraq đã phạm những sai lầm chết người, bởi vì quân Iran không những kháng cự ngay từ trận đầu tiên mà còn ngay lập tức phản công quyết liệt không kém vào các mục tiêu của Iraq. Cuộc tấn công có thể giúp giáo chủ Ayatollah củng cố hơn nữa quyền lực của mình, xoa dịu những người chỉ trích ông, đánh bại những kẻ không phải là giáo sĩ trong chính quyền của ông, và tiếp tục công cuộc xây dựng Cộng hòa Hồi giáo cũng như huy động nhân dân tham gia kháng chiến. Quân đội Iran ở hầu hết các trại chính trị ồ ạt đứng lên phòng vệ. Quân Arập tại Khuzistan không mong muốn sẽ được quân đội Iraq giải phóng và cũng chẳng mặn mà chào đón "người anh em" của mình, thậm chí còn coi quân đội Iraq là những kẻ xâm lược. Quân đội Iraq đã không được chuẩn bị để đối phó trước làn sóng tấn công vũ bão mà họ vấp phải tại chiến trường. Hàng nghìn thanh niên bị cuốn theo tư tưởng "tử vì đạo" của người Shiite, bất chấp mạng sống đã xung phong có mặt trên những trận địa của Iraq, đối mặt với lực lượng Iran. Một vài người thậm chí đã mang theo cả quan tài của mình ra chiến trường, họ phấn khích trước lời cổ vũ của Khomeini rằng: "Niềm vui trong sáng nhất của Đạo Hồi không gì sánh bằng được chết và chiến đấu vì Chúa." Họ được trao những chiếc chìa khóa bằng nhựa để lên thiên đàng và đeo nó quanh cổ. Trẻ em thậm chí còn được huy động dọn sạch các bãi mìn để làm đường cho những chiếc xe tăng giá trị và kết quả là, hàng nghìn trẻ em đã phải bỏ mạng.

Đoạn cuối của con đường

Chiến tranh bùng nổ đã làm chấn động thị trường dầu mỏ. Ngày 23 tháng 9 năm 1980, ngày thứ hai của cuộc chiến, máy bay chiến đấu của Iraq bắt đầu các đợt tập kích liên tiếp vào nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới của Iran tại Abadan. Cuộc tập kích kéo dài hơn hai tháng nhằm phá hủy hoàn toàn nhà máy này. Iraq cũng tấn công vào tất cả các cảng dầu và trung tâm dầu mỏ của Iran. Ngược lại, phía Iran đã phản công lại bằng cách tấn công vào các cơ sở của Iraq, chặn đứng con đường xuất khẩu của quốc gia này thông qua Vùng Vịnh. Hơn thế nữa, Iran đã kịp thời thuyết phục Syria, lúc bấy giờ do đảng đối nghịch với đảng người Ba’th lãnh đạo, cắt đứt đường ống dẫn dầu xuất khẩu của Iraq chạy qua Syria, để lại duy nhất một đường ống dẫn dầu chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc chiến tranh đã khiến xuất khẩu dầu mỏ của Iran giảm xuống, nhưng xuất khẩu của Iraq cũng gần như đình lại, điều mà Hussein không tính đến.

Trong giai đoạn đầu, cuộc chiến Iran - Iraq đã làm lượng dầu xuất ra thị trường thế giới giảm khoảng 4 triệu thùng mỗi ngày – chiếm 15% tổng sản lượng của OPEC và 8% nhu cầu dầu mỏ trung bình của thế giới. Giá dầu tại các quốc gia này ngay lập tức tăng vọt trở lại. Arập chạm mức giá cao chưa từng thấy – 42 đô-la một thùng. Mối lo lăng bao trùm lên thị trường. Đây có phải là Cuộc khủng hoảng thứ ba, tiếp sau sự sụp đổ của Trung Đông và ngành công nghiệp dầu mỏ của khu vực này rơi vào tình trạng hỗn loạn và tranh chấp gay gắt? Một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Iran có biến mất lần nữa? Cuộc chiến giữa hai phe Sunny và Shia, giữa Arập và Ba Tư (nay là Iran) có làm đảo lộn tình hình toàn bộ khu vực Vùng Vịnh không? Hay thậm chí nghiêm trọng hơn? Iran với số dân nhiều gấp ba lần Iraq có chiến thắng và đưa cuộc cách mạng của phe chính thống, chống phương Tây đang len lỏi ngày càng sâu rộng vào trung tâm khu vực Trung Đông? Chính nhờ những câu hỏi như vậy mà người ta có thể đọc từ các chỉ số kinh tế cơ bản ra hai kết quả: hoặc một cuộc khủng hoảng mới hoặc theo hướng ngược lại. Vậy kết quả nào sẽ đúng?

Nhu cầu về dầu thực tế đang giảm. Tuy nhiên, người ta vẫn không thể biết đó có phải là kết quả của suy thoái kinh tế – vốn là một sự suy giảm tạm thời, hay là kết quả của việc dự trữ (dầu), vốn có tác động lâu dài hơn. Sự co bóp kinh tế đã bắt đầu, việc tăng giá càng trở nên rắc rối do một số nước phương Tây đưa ra giải pháp mới cho vấn đề lạm phát bất chấp những giải pháp này có thể khiến tình hình khủng hoảng nghiêm trọng hơn. Nhưng dù vì lý do gì, rõ ràng nhu cầu về dầu đang giảm xuống.

Trong khi đó, theo khuôn khổ pháp lý của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, chính phủ các nước đã rút kinh nghiệm từ những bài học năm 1979 và nỗ lực thuyết phục các công ty không mua hàng trong tình trạng hoang mang, không tranh giành nguồn cung cấp dầu, không tăng giá, mà ngược lại, nên giảm lượng dự trữ. Thông điệp mà cơ quan năng lượng quốc tế đưa ra một lần nữa bảo đảm: Mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát, tình trạng như năm 1979 sẽ không tái diễn, bình tĩnh tránh "mua hàng không mong đợi" (nghĩa là mua dầu giá cao). Thông điệp này rất có ý nghĩa vào thời điểm mà các công ty giữ vai trò cung cấp khác nhau. Từ đầu năm 1979, các công ty đã đổ rất nhiều tiền bạc để mua sạch các kho dự trữ dầu với bất cứ giá nào, trong đó số thùng dầu bổ sung vượt xa nhu cầu thực tế. Các thùng dầu bổ sung này không phải để cung cấp cho động cơ xe hơi, nhà máy sản xuất, hay các nhà máy điện, mà là để dự trữ. Khi chiến tranh bùng nổ, các tàu chở dầu dự trữ sẽ tràn ngập khắp thế giới và các công ty dầu mỏ sẽ sử dụng các tàu siêu tải chở dầu làm phương tiện dự trữ nổi bổ sung. Chi phí dự trữ dầu là cực đắt. Trong giai đoạn bình ổn hiện tại, buộc phải lựa chọn giữa việc mua dầu bổ sung hay dựa vào các kho dự trữ dầu hiện có, các công ty thường chọn cách thứ hai.

Nhưng nay cuộc chiến Iran - Iraq đã đảo lộn sự bình yên, một lần nữa châm ngòi cho tình trạng mua dầu vì lo lắng. Và không phải mọi công ty đều có ý định nghe theo thông điệp của Cơ quan năng lượng quốc tế và tránh "mua hàng không như mong muốn". Tháng 11 năm 1980, một nhà máy lọc dầu phàn nàn: "Bất kể chúng tôi đã kìm hãm như thế nào, vẫn có người sẵn sàng mua với mức giá cao hơn, và do đó, đẩy giá thị trường lên theo". Điều băn khoăn nhất là các công ty sẽ làm thế nào để quản lý được khối lượng hàng dự trữ của mình trong cuộc khủng hoảng mới này. Cùng với nỗi hoang mang lo lắng thì xu hướng tất yếu là giữ và tích trữ hàng để theo dõi diễn biến tình hình. Chi phí cao khiến nguồn cung giảm, đặc biệt trong tình trạng giá dầu vẫn tiếp tục tăng cao như hiện tại. Vì vậy, một lần nữa, rất nhiều công ty đã hối hả tìm kiếm nguồn dự trữ trên khắp thế giới. Trong số đó có các công ty thương mại và dầu khí Nhật Bản. Điều này phản ánh mối quan ngại rằng Tokyo sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm dầu trên diện rộng. Tuy nhiên, Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất gánh chịu số phận đen đủi. Giám đốc điều hành một công ty của Mỹ đã tổng kết vấn đề khi nhận định việc tiếp tục dự trữ dầu "có thể khiến chúng ta lún sâu hơn vào những rắc rối sau này". Ông giải thích: "Các tập đoàn thương mại không đủ khả năng thanh toán chi phí dự trữ dầu. Những đề xuất giảm dự trữ dầu sẽ giúp liên quan đến thời gian kết thúc khủng hoảng. Nếu tôi biết sản lượng dầu của Iraq và Iran vào tháng 7 này có thể đạt bằng mức trước chiến tranh, chắc chắn tôi sẽ ngừng dự trữ dầu". Nhưng vấn đề là, ông không biết chắc về điều đó.

Tháng 12 năm 1980, bộ trưởng các quốc gia dầu mỏ OPEC đã nhóm họp tại Bali, tiếp tục thảo luận về vấn đề giá cả. Tuy nhiên một vấn đề khó xử đã xảy ra và cần được giải quyết trước khi tiến hành thảo luận. Hồi tháng 11, bộ trưởng dầu mỏ Iran đã có chuyến tham quan chiến trường gần Abadan. Tuy nhiên, ông không hề được thông báo là khu vực này đã bị Iraq chiếm đóng. Kết quả là ông bị bắt và giam cầm. Bất kể là thành viên OPEC hay không, Iraq cương quyết không thả tự do cho ngài bộ trưởng. Iran giận giữ tới độ tẩy chay tất cả các cuộc họp của OPEC. Trong tình trạng ấy, cuộc họp tại Bali còn có thể tiếp tục? Và bộ trưởng dầu mỏ Indonesia, Tiến sỹ Subroto, đã phải viện đến nghệ thuật ngoại giao để tiến hành hòa giải nhằm xoa dịu hai bên. Theo thông lệ, chỗ ngồi được sắp xếp theo thứ tự Alphabet. Và Iran cũng như Iraq không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải ngồi cạnh nhau. Tiến sỹ Subroto đã phá tiền lệ và ngồi vào giữa Iran - Iraq. Điều này khiến một vài người vốn quan tâm đến tuyến thủy lộ giữa hai quốc gia cho rằng Indonesia đang chiếm đóng Shatt-al-Arab. Mặc dù vấn đề này đã được giải quyết nhưng lại nảy sinh nhiều rắc rối khác. Đoàn đại biểu Iran bước vào phòng hội nghị với bức chân dung cỡ lớn của ngài bộ trưởng dầu mỏ bị bắt giữ, và khăng khăng nói rằng ông vẫn là trưởng đoàn đại biểu của Iran. Họ kiên quyết làm những điều mình muốn. Tiến sỹ Subroto cho phép Iran đặt bức ảnh lên chiếc ghế dành cho vị bộ trưởng vắng mặt để khích lệ tinh thần các thành viên trong đoàn dù ông vắng mặt. Rắc rối giải quyết và hội nghị có thể bắt đầu. Hội nghị đi đến kết luận sẽ tiếp tục tăng giá dầu. Cú sốc thứ ba về giá có vẻ đang rất gần kề.

Cùng thời điểm nhưng cách đó nửa vòng trái đất, bộ trưởng năng lượng các nước công nghiệp nhóm họp tại Paris. Ulf Lantzke, Giám đốc IEA, theo thông lệ, sẽ tổ chức một cuộc hội đàm thân mật tại văn phòng của mình, sau bữa tối dành cho các bộ trưởng, để thảo luận nhẹ nhàng và trao đổi ý kiến chuẩn bị cho phiên họp chính thức vào buổi sáng hôm sau. Không khí tại cuộc họp tối khá ảm đạm. Nỗ lực của Cơ quan năng lượng quốc tế trong việc khuyến khích sử dụng dầu dự trữ thay vì đi mua trong tình trạng bất ổn không đạt được thành công như mong đợi. Theo quan sát của một quan chức MITI, cụm từ "mua hàng không như mong muốn" là " không chính xác và có ý nghĩa khác nhau đối với từng người". Cụ thể tình trạng mua bán bừa bãi ở một số công ty thương mại Nhật Bản rất nghiêm trọng trong buổi tối của whiskey và xì gà tại văn phòng Lantzke hôm đó, nó là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Cuối cùng, khi gần đến nửa đêm, vị bá tước oai nghiêm Etienne Davignon đến từ Thụy Sĩ, đồng thời là ủy viên cao cấp và có tầm ảnh hưởng lớn trong Cộng đồng châu Âu, đã mất hết kiên nhẫn. Ông quay về phía người đại diện Nhật Bản và nói thẳng thừng: "Nếu các ngài không giám sát các công ty thương mại của mình thì các ngài có thể quên chuyện đưa sản phẩm Toyota và Sony vào thị trường châu Âu."

Căn phòng trở nên im lặng. Vị quan chức Nhật Bản trầm tư trong giây lát, cân nhắc câu trả lời. Cuối cùng, ông lên tiếng: "Tôi biết ngài có tầm ảnh hưởng lớn đến thế giới." Và ông không nói thêm câu nào nữa.

MITI tăng cường "hướng dẫn quản lý" để tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty. Những công ty này nhận thông điệp, và mua dầu có kiểm soát hơn giống như các công ty dầu mỏ của Mỹ và Anh đã làm. Tuy nhiên, khi đã tham gia thị trường, họ trở nên nhạy bén hơn các quyết sách của chính phủ. Nhờ vậy, cuối năm 1980, tình hình trở nên sáng sủa hơn. Mặc dù dầu dự trữ vẫn ở mức cao, nhưng nhu cầu về dầu giảm nhanh và giá thị trường suy yếu. Điều này khiến việc tích trữ dầu không phải là một biện pháp tiết kiệm kinh tế, do đó, động cơ sử dụng nguồn dầu dự trữ thay vì mua bổ sung trở nên mạnh hơn.

Suốt thời gian kể từ cuối năm 1978, Arập Xêút đã sản xuất dầu với tốc độ chóng mặt nhằm ngăn chặn giá dầu tiếp tục tăng cao và với mục đích áp đặt quy định đối với các nước thành viên khác của OPEC. Yamani từng nói: "Chúng ta đã kiểm soát được tình trạng dư cung, và đó là điều chúng ta mong muốn để có thể ổn định giá cả." Arập Xêút sẽ không để sự việc bất lợi nào như cuộc chiến giữa Iraq ‑ Iran làm đổ bể chiến lược của họ, vì thế ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, Arập Xêút thông báo sản lượng của họ đã tăng thêm 900 nghìn thùng dầu một ngày. Đối với Arập Xêút, sản lượng tăng thêm này tương đương với gần một phần tư sản lượng bị mất của hai bên tham chiến Iran - Iraq. Các nước xuất khẩu dầu mỏ khác của OPEC cũng đẩy nhanh sản lượng, thậm chí, một vài công ty dầu mỏ của Iran và Iraq cũng bắt đầu quay trở lại thị trường. Cùng lúc, sản xuất dầu mỏ của Mexico, Anh, Na Uy, và các quốc gia ngoài OPEC khác cũng như khu vực Alaska tiếp tục gia tăng. Tình trạng dư cung đã hoàn toàn chấm dứt. Người ta không còn phải sử dụng dầu dự trữ e dè nữa mà tiêu dùng hết sức thoải mái. Người mua hiện tại cũng bắt đầu phản đối tình trạng giá cao. Các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC sốt ruột tăng thị phần bằng cách giảm giá thật mạnh. Nhưng thành quả mà các quốc gia này thu được lại là những tổn thất mà OPEC phải gánh chịu, dẫn đến nhu cầu về dầu do các quốc gia OPEC sản xuất lại giảm sút. Sản lượng của OPEC năm 1981 chỉ đạt 27%, thấp hơn so với sản lượng năm 1979, và thực tế là thấp nhất kể từ 1970. Lời tiên đoán của Yamani cuối cùng cũng thành sự thực.

OPEC đã đi gần đến phía cuối con đường, mặc dù cả các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC lẫn các nước tiêu dùng dầu mỏ ở phương Tây cũng như các quốc gia công nghiệp khác đều không biết phải làm gì tiếp theo. Nhiệm kì tổng thống của Carter kết thúc. Cuối cùng, Iran cũng có cơ hội làm bẽ mặt Carter. Các con tin bị bắt giữ tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran sẽ không được trả tự do cho tới ngày Carter rời khỏi Nhà Trắng, nhường ghế lại cho Ronald Reagan, vị chính khách sôi nổi và đầy tự tin đã để lại nhiều thiện cảm với ủy ban bầu cử hơn so với Carter.

Trong khi đó, thị trường dầu mỏ đã có phản ứng với hiện tượng giá dầu tăng cao trong suốt những năm 1970 và tâm lý lo sợ tương lai của người tiêu dùng. Tuy vậy các nước xuất khẩu vẫn chưa sẵn sàng đối mặt với thực tế là hiện đang có sự chuyển biến đối với các "điều kiện khách quan" của thị trường. Họ sẽ không tính tới việc giảm giá. Giá cả vẫn rất bất ổn cho đến tận tháng 10 năm 1981, các nước này mới đạt được thỏa thuận mới. Arập Xêút tăng giá từ 32 đô-la lên 34 đô-la một thùng, trong khi các nước khác đồng ý giảm giá từ 36 đô-la xuống còn 34 đô-la một thùng. Do đó, giá cả đã được thống nhất lại. Khi diễn ra những thay đổi này, giá dầu trung bình trên thị trường thế giới cũng tăng từ 1 đến 2 đô-la do ảnh hưởng của việc Arập Xêút tăng giá. Đối với các nhà sản xuất khác, thỏa hiệp này đồng nghĩa với việc cắt giảm giá. Cuối cùng, Arập Xêút đã đồng ý với bản hợp đồng thương mại sẽ giảm mức sản xuất trần xuống như cũ là 8.5 triệu thùng một ngày. Iran và Iraq vẫn đóng cửa giao thương sau cuộc chiến cay đắng. Nhưng cuộc chiến giữa hai trong số những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này chỉ cản trở chứ không thể xóa bỏ sức ảnh hưởng của hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Tháng 10 năm 1981 sẽ là thời điểm cuối cùng mà giá dầu OPEC tăng, ít nhất là trong một thập kỷ. "Quy luật tự nhiên về cung cầu" là động lực để giảm giá, mặc dù, chắc chắn vẫn còn nhiều đe dọa. Điều này Yamani nói, đơn giản như 1 + 1 = 2 vậy.

Còn tiếp

Nam Hà (giới thiệu)

Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 29)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 29)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 30)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 30)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 31)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 31)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 32)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 32)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 33)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 33)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 34)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 34)