Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 19)

11:47 | 28/11/2022

5,568 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cuối cùng, các bể chứa dầu ở vị trí cao nhất được mở ra và dầu được đổ xuống các bể chứa bên dưới. Tia lửa điện sẽ được sử dụng để làm nổ tung 4 hoặc 5 bể một lúc với hy vọng dầu bốc cháy sẽ khiến những bể dầu còn lại cháy theo.

CHƯƠNG 18: GÓT CHÂN ASIN CỦA NHẬT BẢN

Vào tuần đầu tiên của tháng 12 năm 1941, một hạm đội Mỹ đến thăm bến cảng lớn và tuyệt đẹp ở Balikpapan, Borneo, Đông Ấn Anh. Đầu thế kỷ XX, nơi này còn vô danh trên bản đồ, Marcus Samuel đã lệnh cho cháu trai xây dựng một nhà máy lọc dầu bên ngoài khu rừng nhiệt đới. Trong suốt bốn thập kỷ sau đó, điều tưởng chừng như giấc mơ ngớ ngẩn và liều lĩnh của Samuel không chỉ trở thành một trung tâm lọc dầu lớn trên hòn đảo này mà còn là một trong những viên ngọc lớn của Tập đoàn Royal Dutch/Shell và là một dấu mốc lớn trong lịch sử ngành công nghiệp dầu lửa thế giới.

Tháng 12 năm 1941, ban lãnh đạo nhà máy lọc dầu tổ chức một bữa tiệc dành cho các thủy thủ Mỹ thăm quan và để đáp lễ, các thủy thủ Mỹ đang lên kế hoạch tổ chức một bữa tiệc tại một câu lạc bộ địa phương. Khi các sĩ quan trẻ tuổi đang quây quần bên những thùng rượu, một sĩ quan cấp cao đột ngột xuất hiện và ra lệnh cho họ ngay lập tức trở lại tàu. Tàu nhanh chóng được tiếp nhiên liệu và rời khỏi cảng trước nửa đêm.

Đó là tất cả những gì mà người Anh và Hà Lan ở biết được về trận chiến Trân Châu Cảng. Cuối cùng, cuộc chiến tranh mà họ chờ đợi và chuẩn bị cũng đã bắt đầu.

dau mo tien bac va quyen luc ky 19
Trận Balikpapan

Một năm trước đó, năm 1940, khi một giám đốc của hãng Shell là H. C. Jansen đến Balikpapan, ông thấy các hầm trú ẩn máy bay đã được xây dựng và các kế hoạch sơ tán đã được vạch ra. Trong những tháng sau đó, thủy lôi đã được thả tại lối vào cảng và 120 binh lính đã luyện tập cách thức phá hủy kho dầu. Tất cả bọn họ đều biết Balikpapan và các mỏ dầu quanh đó là lý do khiến Nhật Bản tiến hành chiến tranh. Công việc của những người làm trong ngành dầu lửa ở đây là làm cho người Nhật không thể đoạt được chiến lợi phẩm đó.

Những ngày ngay sau khi vụ Trân Châu Cảng xảy ra, vợ con những người làm việc tại nhà máy lọc dầu đã được sơ tán khỏi Balikpapan. Trong những đêm sau đó, Jansen và các đồng nghiệp đã ngồi trên những chiếc ghế mây trong khu vườn và nhìn vào khoảng tối nơi có nhà máy lọc dầu và đại dương tối tăm và bàn luận về những bản tin trên radio đầy thất vọng về bước tiến của quân Nhật ở Đông Nam Á cho đến khi mặt trăng nhô lên khỏi mặt biển. Quân Mỹ sẽ làm gì? Khi nào quân Nhật sẽ đến Balikpapan? Tương lai của công ty dầu mỏ lớn này sẽ ra sao? Mỗi người trong số họ cũng tự hỏi số phận của mình rồi đây sẽ thế nào. Họ nói chuyện về cách thức tăng cường phòng thủ ở Balikpapan.

Tuy nhiên, trong suốt những ngày này, họ đã làm việc đến kiệt sức để lọc được nhiều dầu nhất ở mức có thể với hy vọng rằng sản phẩm của họ có thể phục vụ cho nỗ lực của quân Đồng minh trong cuộc chiến. Giữa tháng 1 năm 1942, khi quân Nhật đã tiến sát, những người tại các mỏ dầu xa trung tâm bắt đầu phá hủy các giếng dầu như ở đâu đó tại Đông Ấn. Họ rút các ống dẫn, cắt chúng ra rồi nhét xuống các giếng dầu tất cả những gì có thể như máy bơm, que hàn, bulông, ốc vít, mũi khoan và thuốc nổ TNT. Các giếng dầu đã nổ tung.

Họ bắt đầu cho nổ những giếng có sản lượng ít nhất nhưng rồi cuối cùng tất cả các giếng dầu đều bị phá hủy. Trong khi đó, các bước phá hủy nhà máy lọc dầu Balikpapan cũng được tiến hành. Người ta vận hành các thiết bị chưng cất và nồi hơi rồi để chúng hoạt động trong tình trạng không có nước cho đến khi hỏng. Không ai biết được việc này sẽ mất bao lâu nhưng sau 30 giờ, thiết bị đầu tiên đã bị phá hủy và chẳng mấy chốc, các loại máy khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ngày 20 tháng 1, những người làm việc tại nhà máy lọc dầu biết tin một hạm đội Nhật chỉ còn cách họ 24 giờ di chuyển.

Quân Nhật đã gửi một tối hậu thư thông qua những binh lính Hà Lan bị bắt giữ yêu cầu đầu hàng ngay lập tức, nếu không sẽ bị tiêu diệt. Một sĩ quan quân đội được điều tới nhà máy đã ra lệnh phá hủy nhà máy. Jasen và các đồng nghiệp đã cho nổ tung kho thuốc nổ. Tiếng nổ lớn khiến tất các cửa sổ của các khu nhà xung quanh vỡ vụn. Tiếp theo là những chiếc cầu tàu vốn thấm đẫm xăng dầu cũng đã bị đốt cháy và đến trưa, bến tàu đã chìm trong biển lửa. Kể từ đó, nhà máy lọc dầu khổng lồ đã bị phá hủy bằng những vụ nổ liên tiếp.

Những ngọn lửa bốc cao hơn 50m trong khi trạm nước biển, nhà máy đóng thùng, các máy móc lọc dầu, nhà máy điện và nhiều tòa nhà khác cũng chìm trong biển lửa. Mọi người đều ướt đẫm mồ hôi và dính đầy muội đen, chạy vào khoảng giữa những ngọn lửa theo đúng theo kế hoạch họ đã diễn tập nhiều lần. Họ di chuyển tới khu vực chứa dầu và gắn vào mỗi bể chứa 15 gói TNT.

Tuy nhiên, một vài thỏi thuốc nổ này đã bị hỏng do thời tiết ẩm ướt nên không nổ. Rất nhiều người không thể tiếp tục làm việc vì kiệt sức. Liệu họ có thể tìm được cách nào khác để khai hỏa các bể chứa dầu? Nhiều người tình nguyện cố gắng châm ngòi thuốc nổ bằng súng trường nhưng không có kết quả gì. Lựa chọn khác là mở van nhưng chìa khóa van lại ở trong văn phòng đã bị phá hủy của khu vực chứa dầu. Cuối cùng, các bể chứa dầu ở vị trí cao nhất được mở ra và dầu được đổ xuống các bể chứa bên dưới. Tia lửa điện sẽ được sử dụng để làm nổ tung 4 hoặc 5 bể một lúc với hy vọng dầu bốc cháy sẽ khiến những bể dầu còn lại cháy theo. Jansen và nhiều người khác nấp sau một bể chứa dầu rỗng khi phóng tia lửa điện.

Ngay lập tức, một quả cầu lửa khổng lồ vọt lên và theo sau là một tiếng nổ khủng khiếp. Khi lửa dầu cháy rừng rực lan sang những bồn chứa dầu khác, cả khu vực chứa dầu biến thành một biển lửa kinh hoàng. Sau khi làm xong, Jansen và những người khác chạy xuống đồi, tới trạm liên lạc không dây và được dân quân địa phương mặc đồng phục chỉnh tề chào đón. Với cổ họng khô rát và hoàn toàn kiệt sức, họ trèo lên những chiếc thuyền địa phương. Phản chiếu những cột lửa khổng lồ, nước biển xung quanh họ cũng có màu đỏ.

Nhiều tiếng nổ liên tiếp vang lên. Và bây giờ là phần tiếp theo của kế hoạch, phần chưa diễn tập bao giờ, đó là chạy trốn. Mọi người rời khỏi cảng, đi vào cửa sông Riko rồi ngược dòng sông tiến về phía có một trại sơ tán. Cuối cùng, ngọn lửa tàn phá tại khu vực nhà máy lọc dầu cũng biến mất trong tán lá rừng nhiệt đới tối tăm. Những tiếng nổ cũng chìm dần trong tiếng dế kêu không dứt. Họ đã chèo thuyền trong nhiều giờ đồng hồ. Đôi khi, họ vẫn nhìn thấy ánh lửa đỏ rực từ Balikpapan trên nền trời. Họ đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình, bốn thập kỷ gây dựng bị phá hủy chỉ trong vòng chưa đầy một ngày.

Cuối cùng, họ đã đến được trại sơ tán trong rừng sâu, cạnh một nhánh nhỏ của con sông Riko. Họ dành nhiều giờ chăm chú lắng nghe xem có tiếng của chiếc máy bay nào được phái đến để cứu họ. Nhưng không có âm thanh nào như vậy. Đêm tiếp theo, Jansen và một nhóm nhỏ trèo thuyền xuôi nhánh nhỏ của dòng sông để trở lại giao điểm giữa nhánh này và sông Riko. Họ nghỉ qua đêm trên thuyền với hy vọng đội giải cứu sẽ đến. Họ căng tai lắng nghe tiếng máy bay hoặc tiếng thuyền nhưng lại lo ngại đó là máy bay hoặc thuyền của quân Nhật. Một người trong số họ đã bị ngã xuống nước, khi đang ngủ trên một chiếc ghế cứng. Trong khi kéo anh ta trở lại thuyền, những người khác đã gây tiếng động lớn đánh động lũ cá sấu gần đó. Cách duy nhất để đuổi lũ muỗi ra xa là hút xì gà và thuốc lá.

Đối với Jansen, khoảng thời gian này dường như kéo dài mãi. Sáng hôm sau, khi bình minh lên, họ vẫn tiếp tục chờ đợi. Khoảng 1 giờ chiều, một chiếc thủy phi cơ của công ty xuất hiện trên bầu trời và hạ cánh xuống mặt nước. Viên phi công lái chiếc thủy phi cơ sau khi trao đổi với Jansen đã bay tiếp để đón một người bị thương tại một vị trí khác. Mọi người lại tiếp tục chờ đợi trong hy vọng. Sau đó, chiếc thủy phi cơ quay trở lại đón 4 người, nhưng Jansen không ở trong số đó. Ông và một vài đồng nghiệp phải quay trở lại vịnh Balikpapan. Đêm hôm đó, hai chiếc thủy phi cơ nữa xuất hiện và sơ tán thêm nhiều người, Jansen lên chiếc thủy phi cơ thứ hai. Có nhiều người đến nỗi ông hầu như không thể thở nổi. Khi ở trên không, một làn gió nhẹ tràn vào trong cabin và một vài người ngả ngay xuống sàn để ngủ. Khi những người sơ tán đến Surabaya ở bờ biển phía bắc của đảo Java, họ được viên chỉ huy căn cứ không quân ở đây chào đón. Ông nói: "Không thể phái máy bay đến Balikpapan thêm nữa, quân Nhật đang ở đó. Tôi đã cấm không cho chiếc Grumman quay lại." Có 75 người bị kẹt lại tại vịnh ở Balikpapan và vẫn đang chờ người đến cứu. Nhưng đã quá muộn, quân Nhật đã đổ bộ vào bờ phía nam của vịnh.

Một vài giờ sau đêm ngày 24 tháng 1, bốn người Mỹ đã tham gia vào phá hủy nhà máy lọc dầu trong trang phục màu đen lẻn lên nhiều phương tiện giao thông của quân Nhật đang di chuyển trước những ngọn lửa đỏ rực của những đám cháy. Trận chiến Balikpapan đã trở thành nổi tiếng, những người Mỹ này đã đánh đắm 4 tàu Nhật và một tàu tuần tra. Nhưng do ngư lôi hỏng, họ không thể đánh đắm thêm tàu thuyền nào của quân Nhật nữa. Đó là trận đánh trên biển đầu tiên giữa quân Mỹ và quân Nhật. Trên thực tế, đó là lần đầu tiên Hải quân Mỹ tham chiến trên mặt nước kể từ chiến thắng của Đô đốc Dewey tại Manila năm 1898.

Hầu như không thể làm chậm lại sự đổ bộ của quân Nhật vào Balikpapan. Những người bị kẹt lại không có lựa chọn nào khác ngoài việc rút vào trong rừng. Họ chia thành những nhóm nhỏ trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm tìm ra một con đường sơ tán khỏi khu rừng. Họ đi bộ hoặc dùng thuyền proas trong tình trạng đói lả, kiệt sức, bị mắc bệnh sốt rét, bệnh lỵ và luôn sợ hãi. Những người chết phải nằm lại dọc đường. Từ những người dân địa phương, họ biết quân Nhật đã đổ bộ lên toàn bộ Borneo. Mắc kẹt trong rừng, họ cảm thấy mình giống như những con chuột trong bẫy. Một vài người cuối cùng cũng thoát khỏi hòn đảo. Trong số 75 người bị bỏ lại, chỉ có 35 người sống sót thoát khỏi rừng rậm, súng đạn và nhà tù của quân Nhật.

"Kẻ say chiến thắng"

Việc phá hủy các nhà máy sản xuất dầu trước khi quân Nhật tới giống như ở Balikpapan cũng được thực hiện ở một số nơi khác tại Đông Ấn. Nhưng đây dường như chỉ là một cản trở nhỏ đối với làn sóng càn quét của quân Nhật ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Đến giữa tháng 3 năm 1942, Nhật Bản hoàn toàn kiểm soát Đông Ấn. Tiếp sau các cuộc xâm chiếm khác của quân Nhật, sự kiểm soát này đồng nghĩa với việc chỉ trong vòng 3 tháng, nước Nhật đã giành được quyền sở hữu tất cả các nguồn tài nguyên giàu có của khu vực Đông Nam Á và đặc biệt, dầu lửa là yếu tố khiến Nhật Bản tiến hành chiến tranh.

Cỗ máy chiến tranh của Nhật vẫn tiếp tục vận hành. Tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Tojo tuyên bố Hồng Kông đã thất thủ sau 8 ngày, Manila sau 26 ngày và Singapore sau 70 ngày. Một "cơn sốt chiến thắng" bao trùm khắp nước Nhật. Những chiến thắng quân sự lớn đã dẫn tới sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Nhật trong nửa đầu năm 1942 khiến chính phủ nước này buộc phải can thiệp để hạ nhiệt. Ai đó cho rằng nước Nhật đã trở thành "kẻ say chiến thắng". Chỉ có một vài người cảnh báo về những gì tất yếu sẽ xảy đến sau đó. Cùng với sự hân hoan của nước Nhật là sự thất vọng, choáng váng của nước Mỹ.

Ngày Giáng sinh năm 1941, Đô đốc Chester Nimitz, người mới được bổ nhiệm làm Tư lệnh Hải quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, đã đến Trân Châu Cảng trên một chiếc phi cơ để bắt đầu tập hợp lại những gì còn sót lại sau trận đánh. Trong khi đi phà ngang qua cảng đến chỗ tàu đậu, ông vượt qua những chiếc thuyền nhỏ đang tìm kiếm xác người. Đã hai tuần rưỡi kể từ sau vụ tấn công, xác người vẫn trôi nổi trên mặt nước. Quang cảnh u ám của Hawaii cũng chỉ là một phần của một bức tranh lớn, bức tranh về viễn cảnh ảm đạm mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Đó là cuộc chiến tranh trên cả hai bán cầu, một cuộc chiến toàn cầu thật sự. Gần như chắc chắn, Trân Châu Cảng là sự nỗi nhục lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Sự sợ hãi và hoang mang bao trùm cả nước Mỹ. Cuối cùng thì chiến tranh, điều mà bấy lâu nay khiến người Mỹ lo sợ và phấp phỏng, đã nổ ra tại đây và cả nước Mỹ nhanh chóng tập hợp lực lượng cho cuộc chiến lâu dài và cam go với Đức và Nhật. Lực lượng nào sẽ chịu trách nhiệm về cuộc chiến của nước Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, lục quân hay hải quân? Cả hai đều không muốn cam kết giao toàn bộ lực lượng của mình tại Thái Bình Dương cho chỉ huy lực lượng kia. Những xung đột và thù oán cá nhân càng làm cuộc cạnh tranh quyền lực trở nên tồi tệ hơn. Kết quả là, hai bộ tư lệnh và hai chiến trường được thiết lập. Sự bất đồng giữa các chỉ huy cấp cao của lục quân và hải quân rất lớn. Mặc dù là một chiến lược gia sắc sảo, nhưng Tướng Douglas MacArthur cũng đồng thời là một người ích kỷ, khoa trương và độc đoán.

Tại một cuộc họp trong thời gian chiến tranh, sau 3 giờ đồng hồ nghe MacArthur nói, Franklin Roosevelt nói với một phụ tá: "Cho tôi một viên aspirin… Thật ra, cho tôi thêm một viên nữa để uống vào sáng mai. Cả đời, tôi chưa gặp ai nói với tôi như cái cách của MacArthur." Về phần mình, Đô đốc Chester Nimitz là một người nói năng mềm mỏng, một đồng đội khiêm tốn, một người thường tập luyện trên sân tập bắn hoặc chơi trò tung móng ngựa ở ngay bên ngoài văn phòng của mình trong khi chờ tin tức về kết quả của một trận đánh. Một nhà báo nhận xét: "Đơn giản là ông ấy không đưa ra những lời tuyên bố to tát hoặc những câu trả lời màu mè." Tuy nhiên, quyền chỉ huy bị chia rẽ còn gây ra những điều tệ hơn cả sự khác biệt trong phong cách lãnh đạo quân sự. Sự chia rẽ này cũng dẫn đến những cuộc tranh giành quyết liệt và lãng phí để giành giật các nguồn tài nguyên khan hiếm và sự phối hợp không tốt giữa các hoạt động quân sự chủ chốt tại các chiến trường ở xa.

Các lực lượng của quân Mỹ phải trải qua những chặng đường lớn để cuối cùng gặp nhau tại quần đảo Nhật Bản. Chưa một cuộc chiến tranh nào lại diễn ra trên một quy mô lớn như vậy. Nước Mỹ có ưu thế lớn về các nguồn tài nguyên nhưng làm thế nào để các lực lượng của Mỹ được tiếp tế? Và làm thế nào để giành lại những nguồn tài nguyên phong phú mà quân Nhật đã chiếm được? Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ giúp hình thành chiến lược và có ý nghĩa lớn đối với việc quyết định đường lối cho cuộc chiến tại các chiến trường xa xôi trên Thái Bình Dương. Ngay từ đầu, Nimizt không hề băn khoăn xem chiến lược của ông sẽ như thế nào. Theo tiểu sử của Nimizt, ông và Đô đốc Ernest King, Tổng tư lệnh Hải quân đã thống nhất "mục tiêu hàng đầu của các lực lượng quân Đồng minh là bảo vệ các đường tiếp tế của mình và sau đó, hướng về phía Tây để chiếm các căn cứ mà từ đó chặn đường vận chuyển dầu thiết yếu của quân Nhật."

"Thời kỳ trưởng thành"

Trong khi quân Mỹ huy động lực lượng khá muộn cho cuộc chiến vào những tháng đầu tiên của năm 1942, thì quân Nhật đang tự hào về chuỗi chiến thắng đáng kinh ngạc. Nhật Bản cân nhắc các bước tiến tiếp theo. Họ trở nên quá tự tin đến nỗi các viên tư lệnh quân đội Nhật Bản đã nghiên cứu việc tấn công về phía tây qua Ấn Độ Dương để kết nối với các lực lượng quân Đức ở Trung Đông hoặc Nga và cắt nguồn cung dầu từ Baku và Iran của quân Đồng minh. Nhưng không phải ai trong quân đội Nhật cũng có ảo tưởng đó.

Tháng 4 năm 1942, Đô đốc Isoroku Yamamoto viết trong bức thư gửi người geisha mà ông yêu rằng: "Giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh cũng giống như thời niên thiếu và sẽ sớm chấm dứt; bây giờ sẽ đến thời kỳ trưởng thành. Do đó, có lẽ ta không nên ngủ mơ thêm nữa mà phải thức dậy hoạt động thôi." Yamamoto và các đô đốc hải quân khác của Nhật tiếp tục chia sẻ niềm tin sâu sắc và sự tận tâm đối với "trận đánh có tính chất quyết định", trận đánh sẽ đánh bại kẻ thù ra khỏi cuộc chiến tranh. Từng sống nhiều năm ở Mỹ, ông biết một chiến thắng nhanh chóng có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nước Mỹ có nhiều dầu cũng như các nguồn tài nguyên khác và một nền công nghiệp mạnh.

Do đó, quân Nhật quyết định tiến hành một cuộc tấn công lớn vào đảo Midway, một hòn đảo chỉ cách 1.100 dặm về phía Tây của Hawaii. Họ lên kế hoạch sử dụng cuộc tấn công vào Midway để mở rộng vành đai phòng thủ cho quân Nhật. Và nếu quân Mỹ ở đó phải rút đi càng nhiều càng tốt và quân Nhật có thể biến đây thành trận đánh quyết định và kết thúc công việc mà họ đã bắt đầu ở Trân Châu Cảng là xóa sạch Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương. Trận Midway diễn ra vào đầu tháng 6 năm 1942 có vẻ mang tính quyết định nhưng đã không diễn ra theo cách mà người Nhật mong đợi. Thay vào đó, trận đánh này là "giai đoạn trưởng thành" như Yamamoto từng lo ngại. Quân Mỹ đã phục hồi lực lượng đáng kể từ sau thiệt hại trong vụ Trân Châu Cảng, và yếu tố quan trọng khác là người Mỹ có thể đọc được mật mã của quân Nhật, Hải quân Mỹ đã giành thắng lớn trước quân Nhật đang tự mãn. Họ đã đánh chìm 4 tàu sân bay của quân Nhật trong khi chỉ bị thiệt hại 1 tàu.

Trận Midway là bước ngoặt thật sự của cuộc chiến tại Thái Bình Dương và là điểm kết thúc thế tấn công của quân Nhật. Sau đó, thế cân bằng đã dịch chuyển, thế thượng phong liên tục của quân Mỹ có được là nhờ tài nguyên, sức người, công nghệ, khả năng tổ chức và sự quyết đoán lớn và quân Nhật bị đẩy lui dần trên khu vực Thái Bình Dương sau những trận đánh đẫm máu liên tiếp. Hai tháng sau trận Midway, một trận phản công đã diễn ra khi quân Mỹ đổ bộ lên đảo Guadalcanal ngoài khơi New Guinea.

Trận đánh diễn ra ác liệt trong vòng 6 tháng nhưng cuối cùng, quân Mỹ đã chiếm được hòn đảo và lần đầu tiên, Mỹ nắm thế chủ động trong cuộc chiến tranh này. Sự bất khả chiến bại của quân Nhật đã bị xuyên thủng. Nhưng đó chỉ là một bước nhỏ và hao tổn của cuộc chiến lâu dài làm tiêu hao sinh lực, nếu không phải là ý chí, của một kẻ thù không dễ dàng khuất phục. Những nỗ lực đầu tiên để nước Nhật không thể có được dầu mỏ của Đông Ấn dường như không phải một chướng ngại vật đáng kể. Quân Nhật đã dự đoán trước được việc phá hủy các cơ sở sản xuất dầu. Mặc dù hãng Shell ở Balikpapan và Stanvac ở Sumatra ra sức phá hủy hoàn toàn các khu sản xuất dầu nhưng sự phá hủy không nghiêm trọng và lan rộng như họ tưởng. Ngay lập tức, quân Nhật bắt tay gây dựng lại ngành công nghiệp dầu lửa ở Đông Ấn.

Các đội khoan, chế biến dầu và các thiết bị được đưa đến. Khoảng 4.000 công nhân dầu lửa, trong số đó 70% là người Nhật, đã được nhanh chóng đưa xuống phía nam. Kết quả thu được rất bất ngờ. Trước khi chiến tranh nổ ra, quân đội Nhật đã lên kế hoạch lấy đủ dầu mỏ từ Đông Ấn – nơi được gọi là Khu vực Nam − trong vòng 2 năm để bù đắp cho nguồn cung bị thiếu hụt. Những gì họ làm được đã vượt trên mục tiêu đó. Năm 1940, sản lượng dầu ở đây là 65,1 triệu thùng. Năm 1942, quân Nhật chỉ có thể sản xuất 25,9 triệu thùng nhưng đến năm 1943, họ đã nâng sản lượng này lên mức 49,6 triệu thùng, tương đương với 75% mức sản lượng năm 1940. Trong 3 tháng đầu năm 1943, nhập khẩu dầu của Nhật Bản đã lên tới mức tương đương 80% khối lượng nhập trong cùng kỳ năm 1941, ngay trước khi Mỹ, Anh và Hà Lan áp đặt lệnh cấm vận dầu lửa đối với Nhật.

Như người Nhật đã lên kế hoạch trước đó, họ có thể sử dụng vùng Đông Ấn đã chiếm giữ được để bổ sung kho dầu mỏ của mình. Hơn nữa, dầu ở Khu vực Nam không thiếu. Quân Nhật ở đó có thể tự tiếp nhiên liệu tại chỗ bất cứ khi nào họ muốn. Quân Nhật cũng lợi dụng những nỗ lực của Caltex, đối tác ở Đông Bán cầu của Công ty Standard của California và Texaco. Ngay trước khi chiến tranh xảy ra, Caltex đã phát hiện một khu vực hứa hẹn có dầu ở Minas, trung tâm đảo Sumatra và đã chuyển một dàn khoan thăm dò cùng với các thiết bị cần thiết tới đây. Quân Nhật chiếm toàn bộ công trình này và sử dụng giàn khoan của Caltex để khoan một giếng thăm dò. Đây là hành động phiêu lưu duy nhất của quân Nhật trong toàn bộ Chiến tranh thế giới thứ hai. Họ đã phát hiện ra một mỏ dầu cực lớn, lớn hơn tất cả những mỏ dầu ở California và Trung Đông. Nỗ lực tổng thể ở Khu vực Nam đã thành công đến nỗi, trong năm 1943, Thủ tướng Tojo công bố rằng vấn đề dầu lửa – nguyên nhân khiến Nhật Bản gây chiến – đã được giải quyết. Tuy nhiên, Tojo đã phát biểu điều này quá sớm.

Trận Marus: Chiến tranh tiêu hao sinh lực

Trong quá trình xây dựng chiến lược quân sự, quân Nhật cho rằng các nguồn tài nguyên gồm dầu mỏ, các nhiên liệu thô khác cũng như nguồn cung cấp thực phẩm của Khu vực Nam có thể bảo đảm cho nền kinh tế và nhu cầu của quần đảo Nhật Bản. Nhờ vậy, nước này sẽ có được sức mạnh chống đỡ để xây dựng và duy trì một "bức tường Thái Bình Dương". Sau đó, Nhật có thể phản công lại Mỹ và Anh, bào mòn quyết tâm của họ cho đến khi nào Anh và Mỹ mệt mỏi và buộc phải dàn hòa, bỏ lại châu Á và Thái Bình Dương cho đế chế Nhật Bản.

Chiến lược đó là một ván bài mà thành công của nó không chỉ phụ thuộc vào việc làm suy yếu quyết tâm của đối phương mà còn phụ thuộc nhiều vào sự toàn vẹn của hệ thống vận tải đường biển của Nhật Bản. Nhật Bản đã tham gia cuộc chiến tranh này với kho dự trữ dầu đủ dùng cho 2 năm qua theo như dự báo của những chiến lược gia Nhật Bản.

Sau khoảng thời gian đó, Nhật Bản sẽ phải phụ thuộc vào nguồn cung dầu từ Đông Ấn. Theo bản nghiên cứu ném bom chiến lược của Mỹ, sự phụ thuộc này "chứng tỏ một điểm yếu chết người" và "khan hiếm dầu là gót chân Asin của Nhật Bản." Điểm yếu cụ thể ở đây là tuyến vận tải biển của Nhật Bản rất dễ bị tổn thương trước lực lượng tàu ngầm. Đáng ngạc nhiên là các nhà chiến lược quân sự không nghĩ đến rủi ro này. Họ đánh giá thấp tàu ngầm của Mỹ. Họ nghĩ người Mỹ quá mềm yếu và quen sống sung túc nên không thể chịu đựng được sự lạnh giá của cuộc sống dưới đáy biển và chiến tranh.

Trên thực tế, tàu ngầm của Mỹ là những chiếc tàu ngầm tốt nhất trong cuộc chiến tranh và một khi được trang bị ngư lôi hiện đại, chúng trở thành thứ vũ khí chết người, có thể làm suy yếu và rồi cắt đứt đường vận chuyển trên biển có tính chất quyết định từ Khu vực Nam đến Nhật Bản. Trận đánh kéo dài này đã được biết đến với cái tên "trận Marus", cách người Nhật dùng để gọi tàu buôn hàng. Đến cuối năm 1943, người Nhật bắt đầu chú ý đặc biệt đến việc bảo vệ đường vận tải trên biển trước sự tấn công của tàu ngầm, trong đó có việc thành lập các đội tàu hộ tống. Nhưng những nỗ lực của Nhật không thích hợp và cũng không đầy đủ. Một viên chỉ huy lực lượng hộ tống buồn bã cho biết: "Khi chúng tôi yêu cầu được không quân yểm hộ thì chỉ thấy toàn là máy bay Mỹ."

Những mất mát trên đường vận tải biển của Nhật Bản tiếp tục tăng lên. Ngoài ra, lực lượng hộ tống lại gây ra vấn đề cho chính mình và thật ra là đem lại lợi ích cho quân Đồng minh. Việc tập trung và định hướng việc di chuyển của các tàu hộ tống buộc phải tạo ra một mạng lưới tín hiệu radio, một trong những yếu tố cho biết chính xác vị trí đoàn tàu vận chuyển. Với những tín hiệu thu thập được và mật mã đã bị phá của quân Nhật, quân Mỹ đã có được những thông tin hữu ích quan trọng cho lực lượng tàu ngầm. Khoảng 86% tàu chở hàng của Nhật bị đánh chìm trong trận Marus và 9% tàu khác bị hỏng hóc nghiêm trọng do không thể sử dụng cho tới khi chiến tranh kết thúc. Lực lượng tàu ngầm chiếm chưa đầy 2% lực lượng Hải quân Mỹ đã gây ra 55% tổn thất của quân Nhật. Lực lượng tàu ngầm của các nước khác thuộc phe Đồng minh đóng góp 5% vào chiến thắng này. Thành công của chiến dịch này là một cuộc phong tỏa xiết chặt mãi, một cuộc chiến tiêu hao sinh lực – sau đó đã được một nhóm các nhà kinh tế Nhật Bản miêu tả như là "một đòn chết người giáng vào nền kinh tế chiến tranh" của nước này.

dau mo tien bac va quyen luc ky 19
Lực lượng tàu ngầm chiếm chưa đầy 2% lực lượng Hải quân Mỹ đã gây ra 55% tổn thất của quân Nhật

Tàu chở dầu nằm trong số những mục tiêu mà các tàu ngầm thích nhắm tới và số vụ đắm tàu chở dầu tăng rất nhanh kể từ năm 1943. Năm 1944, số vụ đắm tàu chở dầu đã vượt xa số tàu loại này được đóng mới. Nhập khẩu dầu của Nhật Bản đạt mức đỉnh điểm trong quý 1 năm 1943. Vào quý 1 năm 1944, lượng dầu nhập khẩu của Nhật giảm xuống chưa đầy một nửa so với cùng kỳ năm 1943. Đến quý một năm 1945, dầu không còn được nhập khẩu vào Nhật Bản nữa. Một thuyền trưởng người Nhật nói: "Càng về sau, chúng tôi càng gần như chắc chắn rằng bất kỳ chiếc tàu chở dầu nào cũng sẽ bị đánh đắm sau khi rời cảng. Chúng tôi không nghi ngờ gì nhiều về việc một tàu chở dầu nào đó sẽ không quay trở lại Nhật Bản nữa." Khi tình hình về dầu lửa của Nhật Bản ngày càng tệ, quân Nhật đã thử nhiều biện pháp và cách đối phó. Dầu được đổ vào những chiếc trống với nhiều kích cỡ và thậm chí cả những vật chứa làm từ sợi rồi được chất lên boong tàu chở hàng.

Người Nhật còn đổ từ 300 đến 500 thùng dầu vào những chiếc túi cao su lớn để các tàu dắt kéo về Nhật Bản. Mặc dù khá sáng tạo, song ý tưởng này đã thất bại vì xăng làm trương nở đối với cao su và khó khăn khi đổ dầu vào các chiếc túi. Mặt khác, các túi dầu làm giảm sự linh hoạt của các tàu kéo khiến chúng trở thành mục tiêu dễ dàng hơn cho các cuộc không kích. Trong cơn tuyệt vọng, quân Nhật thậm chí còn cố gắng chuyển dầu bằng tàu ngầm hoặc tìm cách buộc tàu ngầm của Đức phân phối dầu thay vì sửa chữa những phương tiện ở Nhật. Tại chính quốc, khi dầu nhập khẩu đã cạn kiệt, nước Nhật ngày càng túng quẫn.

Tiêu thụ xăng dân sự trong năm 1944 của nước này đã giảm xuống chỉ còn 257.000 thùng − chỉ bằng 4% so với lượng tiêu thụ trong năm 1940. Các phương tiện chạy bằng xăng quan trọng phải chuyển sang dùng than củi hoặc củi. Dầu sử dụng trong công nghiệp được làm từ đậu tương, lạc, dừa và hạt thầu dầu. Các kho khoai tây, đường và rượu vang ngọt phục vụ mục đích dân sự − thậm chí những chai rượu sake trên giá của các cửa hàng bán lẻ − cũng được đem chế biến thành cồn để sử dụng như một dạng nhiên liệu.

Năm 1937, quân Nhật đã đưa ra một cam kết đầy tham vọng và quyết tâm về các loại nhiên liệu tổng hợp. Chỉ vài tuần trước khi xảy ra vụ Trân Châu Cảng, một số người Nhật đã cho rằng nhiên liệu tổng hợp là một lựa chọn khác thay vì phải tiến hành chiến tranh. Tuy nhiên, những nỗ lực thực tế trong thời gian chiến tranh đã thất bại thảm hại vì không có đủ sắt thép và thiết bị cũng như do hàng loạt vấn đề không thể giải quyết dứt điểm về kỹ thuật, xây dựng, cơ khí và nhân sự. Năm 1943, tổng sản lượng nhiên liệu tổng hợp của Nhật Bản đạt mức 1 triệu thùng, tương đương vỏn vẹn 8% của mục tiêu 14 triệu thùng đặt ra cho năm đó và không thể đáp ứng được 5% nhu cầu đối với dầu lửa.

Hơn nữa, quá nửa sản lượng này được sản xuất ở Mãn Châu L‎ý, một khu vực đã bị phong tỏa, nên không thể được sử dụng trong thời gian cuối năm 1944 và đầu năm 1945. Nhiên liệu tổng hợp không chỉ là một sự thất bại mà còn là một sự thất bại tốn kém vì đã hút cạn các nguồn tài nguyên, nhân lực và quản lý − tới mức mà theo một nhà phân tích đã nhận định: "Xét về khối lượng nhiên liệu và nguồn nhân lực mà ngành công nghiệp nhiên liệu tổng hợp của Nhật Bản đã tiêu thụ và sản phẩm nghèo nàn của ngành này, đây đúng là một món nợ chứ không phải là một thứ tài sản trong thời gian chiến tranh."

"Giữ hải quân chẳng để làm gì"

Thực tế dự trữ dầu ngày càng trở nên cạn kiệt đã làm suy giảm khả năng quân sự của Nhật Bản và ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến của các trận đánh. Người ta nhận thấy tình hình trở nên gay go ngay từ chiến dịch Midway vào tháng 6 năm 1942. Về chiến dịch này, một đô đốc đã nói: "Khi đó, chúng tôi sử dụng quá nhiều nhiên liệu, nhiều hơn những gì chúng tôi nghĩ là cần thiết và chúng tôi đã nhận thấy ngay hậu quả." Sau chiến thắng Midway, các lực lượng quân Đồng minh đã chuyển sang thế tấn công.

Họ tiến quân trên khắp các hòn đảo theo hướng tây, phối hợp các cuộc hành quân trên biển và trên bộ, nhanh chóng tiến sát Nhật Bản hơn bao giờ hết – Tarawa và Makin ở quần đảo Gilbert, Kwajalein và Eniwetok ở quần đảo Marshall, Saipan và Guam ở Marianas. Đối với cả hai bên, mỗi thước đất trên mỗi bãi biển đều được đánh đổi bởi hàng trăm sinh mạng. Nhưng quân Mỹ đã tạo ra một sức mạnh tàn phá bằng cách kết hợp cả chiến tranh trên bộ và trên biển với sức mạnh của lực lượng tàu sân bay và sức mạnh công nghiệp. Phía Nhật Bản không thể đấu chọi lại nguồn lực khổng lồ này.

Quân Mỹ còn quyết rửa mối hận trong trận Trân Châu Cảng năm 1943 khi lực lượng tình báo mật mã của họ biết được rằng Đô đốc Yamamoto, người đã lên kế hoạch vụ tấn công khủng khiếp đó, sẽ đến thăm Bougainville, một hòn đảo gần New Guinea. Các chiến binh Mỹ phục kích sẵn bất thần xuất hiện và thiêu chết đô đốc này trong rừng. Vào những tháng đầu tiên của năm 1944, chiến dịch tàu ngầm cuối cùng đã được triển khai nhằm khiến hải quân của đế chế Nhật Bản phải "thấm thía" sự thiếu thốn nhiên liệu.

Kho dự trữ dầu đang cạn kiệt dần với những hậu quả ngày càng khủng khiếp cũng bắt đầu ảnh hưởng đến các quyết định chiến lược. Trong chiến dịch Marianas diễn ra vào tháng 6 năm 1944, lực lượng tham chiến của Nhật không thể phối hợp hành động vì lý do không có đủ nhiên liệu. Ngoài ra, lực lượng tàu sân bay của Nhật tiến thẳng về phía quân Mỹ thay vì tiến theo hướng vây quanh nhằm mục đích tiết kiệm dầu. Sau này, một viên chỉ huy của Nhật cho biết: "Nếu đi đường dài hơn sẽ phải tốn nhiều dầu hơn." Bằng cách tiến thẳng, quân Nhật đã phải trả giá đắt. Trong chiến dịch này, quân Mỹ tiêu diệt 273 máy bay của Nhật trong khi chỉ thiệt hại 29 máy bay. Với chiến thắng ở Marianas, quân Mỹ cuối cùng đã xâm nhập được vào bên trong vành đai phòng thủ của Nhật Bản.

Sau khi thua trận, đáng lẽ Nhật Bản phải bố trí hai bộ phận chiến đấu của Hải quân tại hải phận của chính quốc như tại Okinawa hoặc các hòn đảo chính của nước này để sẵn sàng đánh theo bất kỳ hướng nào. Tuy nhiên, sự gián đoạn của tuyến đường vận chuyển dầu về quần đảo Nhật Bản và tình trạng cạn kiệt nhanh chóng của nhiên liệu dự trữ đã không cho phép quân Nhật bố trí lực lượng như vậy.

Do đó, một phần của Hải quân Nhật cùng với hàng không mẫu hạm được đặt tại Nhật để đợi thêm máy bay và phi công mới trong khi những kho dầu cuối cùng đang cạn dần. Còn các tàu chiến cỡ lớn được đặt gần Singapore để gần nguồn cung dầu từ Đông Ấn. Nhưng ở Singapore, khi hoạt động, những con tàu này sẽ không được tiếp thêm nhiên liệu và không thể tiếp tục hoạt động trong vòng khoảng một tháng.

Hậu quả của tình trạng thiếu nhiên liệu là sự chia cắt sức mạnh hải quân trong khi quân Nhật cần lực lượng này thật sự thống nhất để có đủ sức mạnh đẩy lùi bước tiến của quân Mỹ. Hoạt động của lực lượng không quân Nhật Bản cũng bị rút ngắn đáng kể do thiếu nhiên liệu. Thời gian đào tạo phi công trong năm 1944 đã bị rút ngắn xuống còn 30 giờ, bằng một nửa so với thời gian cần thiết.

Do tình hình thiếu hụt nhiên liệu ngày càng trở nên nghiêm trọng nên năm 1945, việc đào tạo bay trên không hoàn toàn bị bãi bỏ và các phi công chỉ biết theo sau máy bay dẫn đường để đánh vào các mục tiêu. Ít ai trong số họ có hy vọng quay trở lại. Xăng dùng làm nhiên liệu cho máy bay được chế biến từ một nguồn có sẵn duy nhất là nhựa thông. Thứ nguyên liệu này được trộn với một tỷ lệ cồn ngày càng lớn. Sự kết hợp giữa nhiên liệu kém chất lượng, phi công không được đào tạo bài bản và máy bay không được kiểm tra kỹ càng là một sự kết hợp chết người. Quân Nhật đã bị thiệt hại tới 40% số máy bay ngay trong lần bay đầu tiên. Để giải quyết vấn đề về dầu, không ít tàu của quân Nhật sử dụng cả dầu thô chưa được lọc của Borneo. Nhiều năm trước, Marcus Samuel đã cho rằng thứ dầu này thật sự là một loại nhiên liệu trực tiếp khá tốt. Tuy nhiên, đây là thứ nhiên liệu rất dễ cháy nên khi được sử dụng, nó lại trở thành một mối đe dọa đối với các con tàu.

Không còn cách nào khác, quân Nhật buộc phải đảo ngược tiến trình phát triển của lịch sử hải quân bằng cách đóng lại những con tàu đang được sử dụng để có thể chạy bằng than ở những nơi có thứ nhiên liệu này. Những con tàu đang được đóng mới cũng được chuyển sang dùng động cơ chạy than trước khi hạ thủy. Biện pháp này giúp bảo đảm nguồn cung tương đối ổn định, nhưng lại làm giảm tốc độ và sự linh hoạt của các con tàu.

Cuối cùng, chính tầm quan trọng của nhiên liệu đã khiến Hải quân Nhật dồn tất cả sức mạnh vào trận Vịnh Leyte ngoài khơi Philippines vào tháng 10 năm 1944. Đến thời điểm đó, quân Nhật rơi vào tình trạng ngày một cùng quẫn hơn. Việc Mỹ chiếm lại Guam tháng 8 năm 1944, khiến nhiều thành phố ở Nhật trở thành mục tiêu của máy bay ném bom B29 mới. Lui xuống phía Nam, ngày 15 tháng 9, Tướng MacArthur bay tới Motorai ở Moluccas, cách Philippines 300 dặm. Nhìn về phía Nam, ông tuyên bố: "Chúng đang đợi ta ở đó." Đối với quân Nhật dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dùng tất cả những gì còn lại để nỗ lực ngăn chặn Mỹ chiếm lại Philippines, nơi mà từ đó Nhật Bản có thể bị tấn công bằng không quân, đồng thời cũng là vùng đất chặn giữa tuyến đường biển nối Nhật Bản và các thuộc địa của nước này ở khu vực Đông Nam Á.

Đô đốc Soemu Toyoda, Tổng tham mưu trưởng Hải quân đã ra lệnh tiến hành trận đánh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh trên biển này. Sau này, ông nói: "Nếu chúng tôi bị thất thủ ở Philippines, dù cho Hải quân Nhật Bản vẫn còn nguyên vẹn, thì tuyến đường vận tải biển xuống phía Nam sẽ hoàn toàn bị cắt và khi đó, nếu Hải quân Nhật Bản có quay trở lại lãnh hải Nhật Bản thì họ cũng không được tiếp nhiên liệu. Còn nếu hải quân vẫn ở lại vùng biển phía nam, họ cũng không thể nhận được tiếp tế vũ khí và đạn dược. Không có nghĩa lý gì khi giữ hải quân mà phải mất Philippines.

dau mo tien bac va quyen luc ky 19
Trận đánh ở Vịnh Leyte

Đó là lý do khiến tôi ra lệnh tiến hành trận đánh." Nhưng do không có đủ nhiên liệu, Nhật Bản liên tục gặp bất lợi trong trận đánh nhằm giữ lại Philippines. Do được bố trí ở nhiều căn cứ, Hải quân Nhật phải cố gắng để tập trung lực lượng tại những điểm có tính chất quyết định từ các hướng tách biệt. Hai tàu chiến của quân Nhật, thậm chí còn chưa bao giờ tập luyện cho trận đánh lớn này vì thiếu nhiên liệu. Thay vào đó, các tàu này di chuyển đến Singapore để tiếp nhiên liệu rồi lại trở về Nhật. Các tàu khác đến muộn mất một vài giờ vì không thể chạy nhanh do không được tiếp đủ nhiên liệu. Ngày 25 tháng 10 năm 1944, Đô đốc Takeo Kurita, chỉ huy lực lượng hải quân số 2, đã ở vị trí tiến vào Vịnh Leyte. Tại đây, đô đốc này có thể tiêu diệt những binh đoàn phòng thủ sơ sài của Tướng MacArthur và thay đổi cục diện trận đánh.

Tuy nhiên, khi chỉ cách bờ biển nơi quân Mỹ chiếm đóng 40 dặm, Kurita đột ngột cho dừng tàu rồi quay lại. Sau chiến tranh, khi được hỏi về nguyên nhân của hành động này, một đô đốc của Nhật cho biết: "Đó là vì thiếu nhiên liệu." Kéo dài suốt ba ngày, trận đánh tại Vịnh Leyte là một thất bại ghê gớm đối với quân Nhật. Họ mất 3 tàu chiến, 4 tàu sân bay, 10 tàu tuần dương và 13 tàu khu trục.

Trong cơn tuyệt vọng, quân Nhật đưa vào sử dụng trong trận đánh này một thứ vũ khí mới – các phi công cảm tử mang tên kamikaize. Từ kamikaize có nghĩa là "ngọn gió thần", tên một cơn bão lớn đã tiêu diệt đạo quân xâm lược khổng lồ của Hốt Tất Liệt (Mông Cổ) trước khi đạo quân này đặt chân lên nước Nhật vào thế kỷ XIII. Những phi công cảm tử này được lệnh đâm máy bay của mình (là những máy bay được thiết kế đặc biệt có gắn bom rocket) vào các tàu Mỹ. Họ được coi là hiện thân tối cao của tinh thần Nhật Bản, thôi thúc mọi người dân Nhật khác hy sinh tất cả vì đất nước.

Nhưng đồng thời, họ cũng phục vụ cho một mục đích rất thực tế của một quốc gia đang ở trong tình trạng kiệt quệ nhiên liệu, máy bay và cả những phi công giỏi. Quân Nhật đã tính toán kỹ rằng trong khi phải cần tới 8 máy bay oanh tạc và 16 phi công để đánh chìm một tàu sân bay hoặc tàu chiến của Mỹ, thì chỉ cần 1 hoặc 3 máy bay cảm tử cũng có thể hoàn tất được việc này. Một phi công cảm tử chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho đối phương nhiều hơn nếu anh ta đâm máy bay của mình xuống. Những lời cam kết và tinh thần tự nguyện hy sinh của anh ta sẽ khiến kẻ thù, vốn không hiểu được tinh thần của hành động cảm tử đó, mất hết nhuệ khí và lượng nhiên liệu của máy bay sẽ giảm xuống một nửa vì anh ta sẽ không trở lại nữa.

Hồi kết của Hải quân Nhật

Quân Nhật hầu như không làm được gì đáng kể để ngăn chặn dòng tiếp tế dồi dào bao gồm nhiên liệu và các mặt hàng khác cho các lực lượng quân Mỹ ở Thái Bình Dương, dù cho nguồn tiếp tế ở rất xa. Quân Mỹ đã xây dựng những căn cứ nổi khổng lồ bao gồm xà lan chở nhiên liệu, tàu sửa chữa, tàu liên lạc, tàu kéo, cầu tàu nổi, xà lan bốc dỡ hàng và tàu kho chứa. Những căn cứ này đã đem lại cho Hải quân Mỹ một "cánh tay dài" có thể vươn khắp Thái Bình Dương.

Lực lượng hậu cần lưu động bao gồm hai hoặc ba tàu chở dầu khổng lồ cộng với tàu khu trục hộ tống đặt trạm tại những những khu vực nhất định, tạo thành những khu vực hình chữ nhật có chiều rộng là 25 dặm và chiều dài là 75 dặm, nơi tàu của quân Mỹ có thể tập trung tiếp nhiên liệu. Vào nửa cuối năm 1944, khi Guam trở thành căn cứ chính cho việc ném bom nước Nhật của quân Mỹ, mỗi ngày tại đây cung cấp hơn 120.000 thùng xăng hàng không. Quân Nhật đã bị đẩy lui trên hầu hết mọi hướng.

Đến đầu năm 1945, quân Mỹ đã chiếm lại Manila của Philippines và Iwo Jima, mặc dù phải trả một giá rất đắt để giành lại hòn đảo chỉ dài 4,5 dặm và rộng 2,5 dặm này. Trong trận đánh này, 6.800 lính Mỹ và 21.000 lính Nhật thiệt mạng, 20.000 lính Mỹ bị thương. Tại Nam Á, quân Anh tiến hành cuộc tấn công cuối cùng vào Miến Điện. Quân Nhật phải bỏ Balikpapan và cảng dầu lớn còn lại ở Đông Ấn.

Phần lớn các nhà máy lọc dầu tại nước Nhật đều cạn dầu. Tháng 3 năm 1945, đoàn hộ tống tàu chở dầu cuối cùng của quân Nhật rời khỏi Singapore nhưng không bao giờ cập bến Nhật Bản vì bị đánh đắm. Tại Nhật, dầu mỏ gần như đã biến mất khỏi nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, đó chỉ một phần của bức tranh lớn hơn về tình trạng túng quẫn. Gas, điện, than và củi cũng thiếu nghiêm trọng. Người ta không còn được tắm riêng và các nhà tắm công cộng trở nên rất đông đúc. Mọi người gọi cách tắm này là "rửa khoai tây trong thùng" với những mảnh gỗ được gom lại trên đường phố để đốt.

Nhiều người Nhật đã phải đốt sách vở của mình với ý nghĩ những cuốn sách đó cuối cùng cũng sẽ bị tiêu hủy trong đợt không kích tiếp theo. Việc phân phối nhiên liệu ở Tokyo vào mùa đông lạnh giá năm 1944 - 1945 chỉ có thể bắt đầu ngày 21 tháng 5 năm 1945, rất lâu sau khi phần lớn dân chúng học được cách nấu thức ăn bằng những mẩu than nhặt nhạnh được trong một thành phố bị bom phá hủy.

Mức năng lượng bình quân đầu người giảm xuống dưới 1.800 calo mỗi ngày, rất thấp so với mức yêu cầu tối thiểu là 2.160 calo. Tình hình tiếp nhiên liệu cho quân đội Nhật trở nên nghiêm trọng đến nỗi lực lượng hải quân Nhật quyết định thực hiện một cuộc tấn công kamikaze khiến người ta phải bất ngờ − hy sinh Yamamoto, con tàu chiến lớn nhất thế giới và là niềm tự hào của Hải quân Nhật.

Là hạt nhân của Lực lượng tấn công đặc biệt, con tàu sẽ lao thẳng vào giữa các tàu Mỹ để hỗ trợ việc đánh chiếm Okinawa và gây tổn thất nặng nề nhất có thể. Sau đó, nó sẽ dùng những nòng súng có đường kính 18 inch khổng lồ để bảo vệ hòn đảo. Đô đốc Toyoda nói: "Khó có thể nghĩ tới một cuộc hành quân quy mô lớn đòi hỏi nhiều nhiên liệu. Huy động 2.500 tấn nhiên liệu cần thiết cho việc tập trung đội tàu chiến cũng là một việc làm rất khó khăn. Tuy nhiên, làm thế còn hơn là cứ để những con tàu đó nằm dài ở bến cảng mà chẳng đem lại lợi ích gì. Ngoài ra, sẽ là trái với truyền thống của Hải quân Nhật nếu không phái những con tàu đó đi ngay cả khi không thể nhận thấy rõ cơ hội thành công đầy rủi ro của chúng. Tình trạng nhiên liệu cấp bách như vậy đó."

Đây rõ ràng là một nhiệm vụ cảm tử. Tàu Yamamoto chỉ đủ nhiên liệu cho một chiều đi. Theo yêu cầu đối với một chiến dịch kamikaze, con tàu chiến khổng lồ này cùng với các tàu hộ tống rời Tokuyama vào buổi sáng ngày 6 tháng 4 mà không được không quân yểm trợ. Trưa ngày 7 tháng 4, giữa những đám mây u ám, nặng nề, 300 máy bay Mỹ hiện ra và bắt đầu bắn chặn. Đến giữa buổi chiều, tàu Yamamoto và hầu hết các tàu khác đã bị bắn chìm. Đối với nhiều người, vụ đắm tàu Yamamoto, con tàu bị phá hủy thậm chí trước cả khi nó thực hiện hành động cảm tử đã đánh dấu "sự kết thúc của Hải quân Đế chế Nhật Bản". Hải quân Nhật, lực lượng vốn tự hào về việc làm chủ toàn bộ phía tây Thái Bình Dương, giờ thậm chí đã bị đẩy xa khỏi vùng biển liền kề hải phận nước Nhật.

Trận đánh để kết thúc?

Tình hình của Nhật Bản tiếp tục xấu đi. Vì không đủ nhiên liệu, máy bay của Nhật không thể bay nhiều hơn 2 giờ mỗi tháng. Chẳng lẽ không còn cách nào khác để có dầu? Trong cơn tuyệt vọng vì thiếu nhiên liệu, Hải quân Nhật phát động một chiến dịch kỳ lạ về việc sử dụng rễ cây thông. Theo khẩu hiệu: "200 rễ thông giúp một chiếc máy bay bay trong vòng 1 giờ", người người trên khắp nước Nhật bắt đầu đào thứ rễ cây này.

Trẻ em cũng được đưa đến nông thôn để tìm rễ thông. Rễ thông có thể đốt trong vòng 12 tiếng đồng hồ để tạo ra một loại nhiên liệu thay thế cho dầu. Có 34.000 ấm đun, máy chưng cất và thiết bị chưng cất nhỏ đã được huy động nhằm mục đích mỗi thiết bị sẽ sản xuất 3 hoặc 4 gallon dầu mỗi ngày. Nỗ lực này không hiệu quả vì sử dụng quá nhiều lao động. Mỗi gallon dầu được sản xuất ra cần tới 2,5 ngày công.

Để đáp ứng được mục tiêu chính là sản xuất 12.000 thùng dầu mỗi ngày, phải cần tới 1,25 triệu ngày công! Một trong những hậu quả của chiến dịch rễ thông hiển hiện trước mắt: những cây thông, cả lớn lẫn bé, đều biến mất khỏi các sườn núi, từng đống rễ cây lớn nằm bên đường. Đến tháng 6 năm 1945, sản lượng dầu từ rễ thông đạt mức 70.000 thùng mỗi tháng, nhưng những khó khăn trong việc lọc dầu vẫn chưa được giải quyết.

Thật ra, cho đến khi chiến tranh kết thúc, mới chỉ có 3.000 thùng xăng dự kiến sử dụng cho máy bay được sản xuất từ dầu rễ thông và không có bằng chứng nào về việc thùng xăng nào loại này đã được thật sự dùng thử cho máy bay. Một kết thúc đang đến gần với nước Nhật. Dưới những trận bom không ngớt của quân Mỹ, những thành phố được xây bằng gỗ của Nhật cháy rụi. Nền kinh tế vận động chậm chạp hơn bao giờ hết và khả năng quân sự để phản kháng gần như không còn.

Tháng 7 năm trước, Hideki Tojo với biệt hiệu là Razor (dao cạo) đã buộc phải trở thành Thủ tướng Nhật và vào mùa xuân năm 1945, một chính phủ mới được thành lập. Ít nhất, trong chính phủ mới này cũng có một vài thành viên quan tâm đến việc tìm cách kết thúc chiến tranh sao cho ít thiệt hại nhất.

dau mo tien bac va quyen luc ky 19
Hideki Tojo với biệt hiệu là Razor (dao cạo) đã buộc phải trở thành Thủ tướng Nhật

Một bộ trưởng nói: "Mọi thứ gần như đã trở nên cạn kiệt. Nhìn về đâu chúng tôi cũng thấy mình đã ở vào đường cùng." Người đứng đầu chính phủ mới là một vị đô đốc về hưu 80 tuổi tên là Kantaro Suzuki, một người có chút uy tín và khá khiêm tốn. Cuộc chạy đua thậm chí còn căng thẳng hơn giữa những ai muốn tiếp tục cuộc chiến tranh và những ai muốn chấm dứt nó. Tuy nhiên, những người muốn chiến tranh kết thúc là những người thận trọng và rất sợ đảo chính hoặc bị ám sát.

Ngày 5 tháng 4 năm 1945, Liên Xô phá bỏ hiệp ước không tấn công lẫn nhau ký với Nhật Bản. Hiệp ước này có hiệu lực tới tháng 4 năm 1946. Giờ đây, các sĩ quan cấp cao của quân Nhật đã hình thành trong đầu một ý tưởng mới không kém phần kỳ quặc so với chiến dịch rễ thông, đó là trực tiếp xích lại gần Liên Xô và yêu cầu nước này trung lập giữa Tokyo, Washington và London, đồng thời đổi những nguồn tài nguyên từ Khu vực Nam lấy dầu của Liên Xô. Cựu Thủ tướng Koki Hirota, đồng thời là đại sứ Nhật Bản tại Nga được giao nhiệm vụ đối thoại với Đại sứ Liên Xô tại Nhật Bản. Nhưng quân Nhật không biết được rằng tại Yalta vào tháng 2 năm trước, Stalin đã hứa với Roosevelt và Churchill về việc Liên Xô sẽ tham chiến để đánh lại Nhật Bản sau khi chiến tranh kết thúc tại châu Âu khoảng 90 ngày.

Hơn nữa, Stalin đã vạch ra một vụ trao đổi còn hấp dẫn hơn nhiều so với việc đổi lấy những nguyên vật liệu thô. Như một cái lợi trả cho việc Liên Xô tham chiến, Stalin đã đạt được sự nhân nhượng lớn về lãnh thổ: sự cai trị của Liên Xô đối với Mãn Châu Lý được thiết lập trở lại, quần đảo Sakhalin được trả về cho Liên Xô, đồng thời Liên Xô cũng có được quần đảo Kurile. Mặc dù là một người thiểu số Georgie, song Stalin là một người theo chủ nghĩa dân tộc Nga kiệt xuất. Với những đặc điểm đó, ông sẽ đòi lại món nợ khi nước Nga dưới thời Sa Hoàng chịu thất bại trước Nhật Bản năm 1905.

Bởi thế, vị đại sứ Liên Xô tại Tokyo đã từ chối mọi đề xuất chính trị của Hirota khi họ gặp nhau vào cuối tháng 6. Về vấn đề xuất khẩu dầu mỏ sang Nhật, vị đại sứ nói rằng điều này là không thể vì bản thân Liên Xô cũng đang rất thiếu dầu. Thủ tướng Suzuki ra lệnh tiến hành điều tra khả năng chiến đấu của nước Nhật để xác định xem liệu họ còn có thể tiếp tục cuộc chiến nữa hay không. Kết quả của cuộc điều tra được đưa ra vào giữa tháng 6 năm 1945 là bức tranh về một nền kinh tế chiến tranh kiệt quệ vì thiếu nhiên liệu và những trận không kích kinh hoàng của quân Mỹ. Những con số là bằng chứng xa hơn cho tình cảnh tuyệt vọng của nước Nhật.

Dự trữ dầu của nước này là 29,6 triệu thùng vào tháng 4 năm 1937 nhưng đến ngày 1 tháng 7 năm 1945, kho dự trữ này chỉ còn 0,8 triệu thùng. Với chưa đầy 1 triệu thùng dầu, Hải quân Nhật không thể hoạt động. Nước Nhật đã không còn dầu cho tất cả các mục đích thiết thực. Đối với một số người trong Chính phủ Nhật, "sự tuyệt vọng hoàn toàn" đã rõ ràng. Nhưng không phải ai cũng nghĩ như vậy. Khả năng đầu hàng vẫn là điều khó chấp nhận đối với những người đứng đầu chính phủ và nhiều người phản đối gay gắt khả năng này.

Chính phủ Nhật vẫn tuyên truyền khẩu hiệu "100 triệu người đoàn kết và sẵn sàng chết vì dân tộc." Lục quân và một số bộ phận của Hải quân Nhật vận động Nội các của Suzuki tiến hành một cuộc chiến để đi tới cái kết cục cay đắng. Quân Nhật chống trả dữ dội và cuồng tín trước việc Mỹ tấn công Okinawa vào tháng 4 năm 1945 và sự phản kháng này chỉ kết thúc ngày 21 tháng 6 năm 1945. Tỷ lệ thương vong của quân Mỹ trong trận này lên tới 35%. Cho rằng sẽ có một tỷ lệ thương vong tương tự khi thực hiện việc chiếm các đảo chính của Nhật, các viên chỉ huy quân Mỹ dự tính đã có khoảng 268.000 lính Mỹ thiệt mạng và bị thương trong giai đoạn đầu của cuộc tấn công. Họ dự tính số thương vong của quân Mỹ và quân Nhật sẽ lên tới 1 triệu cho mỗi bên và nhiều triệu dân thường sẽ phải thiệt mạng.

Sự đẫm máu và ác liệt của trận Okinawa là nguyên nhân chính khiến nước Mỹ quyết định sử dụng một loại vũ khí mới, bom nguyên tử. Các nhà lãnh đạo Mỹ biết khả năng chiến đấu của quân Nhật đang tan rã và họ cũng nhận thấy tinh thần chiến đấu của quân Nhật đang giảm sút. Trên thực tế, cả nước Nhật đang được huy động cho một cuộc chiến đấu cảm tử. Cả các em học sinh cũng được huy động vót những chiếc gậy tre nhọn để giết quân Mỹ. Những thông điệp bí mật giữa Tokyo và Matxcơva mà quân Mỹ nghe được cho thấy Chính phủ Nhật không theo đuổi biện pháp hòa bình bởi vì họ không sẵn sàng làm như vậy. Mặc dù tình hình ngày càng trở nên xấu đi, song Chính phủ Nhật vẫn ngập ngừng không quả quyết trong những dấu hiệu đầu hàng. Trong nội bộ chính phủ, phe chủ chiến tranh vẫn mạnh hơn.

Với thái độ thù địch, Tokyo đã từ chối Thông cáo Postdam của phe Đồng minh khi cho phép Nhật Bản kết thúc chiến tranh trên những cơ sở hợp lý, bao gồm việc duy trì ngôi vị Nhật Hoàng. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Nhật Bản không muốn thực hiện biện pháp này và phe Đồng minh không nhận được thông tin nào từ phía Tokyo cho thấy Nhật Bản sẽ từ bỏ quyết tâm chiến đấu tới cùng.

Quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống Hiroshima ngày 6 tháng 8 năm 1945. Ngày 8 tháng 8, một tuần sớm hơn so với dự kiến, Liên Xô tuyên bố chiến tranh với Nhật Bản và đổ quân xuống Mãn Châu Lý nhằm bảo đảm chiến tranh sẽ không kết thúc trước khi có sự tham gia của họ. Ngày 9 tháng 8, quả bom nguyên tử thứ hai được thả xuống Nagasaki. Thậm chí cho tới tận khi vụ nổ bom ở Nagasaki xảy ra, Tham mưu trưởng Lục quân Nhật vẫn nhắc nhở các sĩ quan cấp cao rằng các binh sỹ và thủy thủ Nhật không được phép đầu hàng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chỉ có hành động cảm tử là được chấp nhận.

dau mo tien bac va quyen luc ky 19
Quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống Hiroshima ngày 6 tháng 8 năm 1945

Ngày 13 tháng 8, bốn ngày sau khi Nagasaki bị ném bom nguyên tử, Phó Đô đốc Takijiro Onishi, người đưa ra sáng kiến kamikaze, vẫn chủ trương Chính phủ Nhật không cho phép đầu hàng. Viên Phó đô đốc này còn nói, người Nhật phải chiến đấu tới cái kết cục cay đắng cuối cùng và 20 triệu người Nhật cần hy sinh trong các cuộc tấn công cảm tử chống lại quân xâm lược. Nước Nhật đã rơi vào tình cảnh hết sức tuyệt vọng và cú sốc từ những quả bom nguyên tử kinh hoàng càng trở nên khủng khiếp hơn trước sự đe dọa mới từ phía Liên Xô, đến nỗi phe chủ trương kết thúc chiến tranh cuối cùng đã vượt lên được sự phản đối gay gắt trong quân đội Nhật. Đêm ngày 14 tháng 8, Nhật Hoàng đã tiến hành ghi âm thông điệp đầu hàng. Thông điệp này dự kiến sẽ được phát đi trong ngày hôm sau.

Trong đêm đó, các binh sỹ nổi loạn đã ám sát người đứng đầu lực lượng bảo vệ Nhật Hoàng và đột nhập vào cung điện Nhật Hoàng với mục đích cướp băng ghi âm để thông điệp đầu hàng không thể được phát đi, đồng thời giết chết Thủ tướng Suzuki. Cuộc bạo động này đã bị đẩy lùi. Ngày hôm sau, người Nhật nghe trên radio một giọng nói buồn thảm, ngắt quãng vì điện chập chờn, một giọng nói mà họ chưa từng được nghe. Đó là giọng nói của Nhật Hoàng trong thông điệp kêu gọi họ đầu hàng.

Cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương cuối cùng đã kết thúc. Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng nghe theo lời kêu gọi này. Sáng sớm cùng ngày, Bộ trưởng Chiến tranh Korechika Arami mổ bụng tự sát. Ngày hôm sau, Đô đốc Onishi cũng tự sát. Ngoài ra, Onishi vẫn tiếp tục chuẩn bị đáng kể cho các cuộc tấn công kamikaze cuối cùng. Sau khi Nhật đầu hàng và Mỹ thiết lập sự chiếm đóng tại nước này, giới quân đội Mỹ đã phát hiện 316.000 thùng dầu do Lục quân và Hải quân Nhật giấu kín trong những hang núi xa xôi nhằm mục đích duy nhất là sử dụng cho các chuyến không kích cảm tử nhằm vào những kẻ xâm lược. Một vài kho chứa xăng sản xuất từ nhựa thông − một trong những niềm hy vọng phản kháng cuối cùng của Nhật – cũng được tìm thấy sau khi nước này đầu hàng. Quân đội Mỹ đã thử nghiệm với xe jeep và kết quả cho thấy đây là một loại nhiên liệu tồi vì động cơ liên tục bị chết máy.

Xe cứu thương

Ngay từ khi mới bắt đầu chiếm đóng nước Nhật, quân Mỹ đã biết thế nào là thiếu nhiên liệu. Ngày 30 tháng 8, Tư lệnh tối cao của Mỹ là Tướng Douglas MacArthur hạ cánh xuống Nhật Bản tại sân bay Atsugi. Các máy bay tại sân bay này đã bị tháo mất cánh quạt để không bị sử dụng cho các cuộc tấn công cảm tử. Vị tướng ngay lập tức lên đường với một đoàn xe môtô hộ tống lộn xộn có gắn động cơ cháy đỏ tương tự như chiếc Toonerville Trolley. Đích đến của viên tướng này là Yokohama và chiếc tàu chiến Missouri đang đậu ở cảng, và ba ngày sau, các văn kiện đầu hàng đã được ký.

Con đường mà đoàn môtô của MacArthur đi qua có các binh lính Nhật đứng xếp hàng cúi rạp, biểu hiện của sự tôn kính vốn trước đây dành cho Nhật Hoàng. Mặc dù quãng đường chỉ dài có 20 dặm, song đoàn môtô đã đi mất 2 giờ đồng hồ. Những chiếc xe méo mó này là thứ tốt nhất mà quân Nhật có thể sử dụng. Vì thiếu nhiên liệu nên các xe này phải chạy bằng than và bị hỏng liên tục. Mười hai ngày sau, ngày 11 tháng 9 năm 1945, các quan chức Mỹ ở Tokyo đã đến bên ngoài ngôi nhà một tầng khiêm tốn nằm bên ngoài những thửa ruộng thâm canh. Đó là ngôi nhà của Tướng Hideki Tojo, người có biệt danh Razor, Thủ tướng nước Nhật thời chiến tranh. Tojo được thông báo đã bị bắt nên sẵn sàng đi với những người Mỹ ngay lập tức. Tojo đồng ý và một lát sau có một tiếng súng vang lên.

dau mo tien bac va quyen luc ky 19
Chiến dịch Marianas năm 1944

Khi những người Mỹ xông vào nhà, họ thấy Tojo đang ngồi trên một chiếc ghế lớn và máu đang chảy ra từ một vết đạn ngay dưới tim. Bốn năm trước, năm 1941, với tư cách là Bộ trưởng Chiến tranh và sau đó là Thủ tướng, Tojo đã thúc đẩy nước Nhật quyết định tiến hành chiến tranh với Mỹ với lập luận rằng số phận của đế chế Nhật Bản đã tới hồi kết vì lý do nước này thiếu dầu. Cái giá của những gì mà Tojo và các cộng sự của ông ta gây ra quá lớn. Toàn bộ cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương đã cướp đi mạng sống của 20 triệu người, bao gồm 2,5 triệu người Nhật. Giờ đây, năm 1945, sự sống của chính Tojo đã tới hồi kết vì vết thương mà ông ta gây ra cho mình chắc chắn sẽ dẫn tới cái chết.

Sau khi tự sát, Tojo chưa chết và lúc này không tìm được một bác sỹ cũng như khó có thể tìm được một chiếc xe cứu thương còn xăng để chạy. Tình trạng cạn kiệt nhiên liệu lan rộng đến nỗi tìm một bác sỹ người Mỹ còn dễ dàng hơn là kiếm một chiếc xe cứu thương có xăng. Nhưng cuối cùng, một chiếc xe có đủ nhiên liệu đã được tìm thấy và đi tới nhà Tojo hai giờ đồng hồ sau khi ông ta tự bắn mình. Tojo đã được đưa tới bệnh viện để chăm sóc phục hồi sức khỏe. Năm sau, ông ta bị đưa ra tòa với tư cách là tội phạm chiến tranh, bị kết án tử hình và hành quyết.

(Còn tiếp)

Nam Hà (giới thiệu)

Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 10)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 10)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 11)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 11)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 12)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 12)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 13)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 13)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 14)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 14)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 15)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 15)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 16)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 16)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 17)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 17)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 18)Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 18)