Dầu giảm do đồng đô la mạnh lên, lo lắng về suy thoái và thái độ cứng rắn của Fed

09:07 | 13/10/2022

1,475 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Reuters ngày 13/10 đưa tin, hôm thứ Tư (12/10) giá dầu tương lai giảm ngày thứ ba, khi đồng đô la mạnh hơn, các lo ngại về nhu cầu yếu đi và lãi suất tăng cao mạnh hơn những lo ngại về nguồn cung sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu và đối tác (OPEC+) cắt giảm sản lượng mục tiêu.
Dầu giảm do đồng đô la mạnh lên, lo lắng về suy thoái và thái độ cứng rắn của Fed
Các bồn chứa dầu của công ty điều hành đường ống dẫn dầu Transneft tại cảng dầu thô Kozmino trên bờ Vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka, Nga. Ảnh Reuters/Tatiana Meel/Tư liệu

Tuần trước, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm nguồn cung 2 triệu thùng/ngày (bpd). Dầu thô Brent giao sau giảm 2,18 USD, tương đương 2,3% xuống 92,11 USD/thùng vào lúc 16h49 GMT. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 2,53 USD, tương đương 2,8%, ở mức 86,82 USD.

Cả OPEC và Bộ Năng lượng Mỹ đều cắt giảm triển vọng nhu cầu của mình. Hôm thứ Tư (12/10), OPEC đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng nhu cầu trong năm nay trong khoảng từ 460.000 thùng/ngày đến 2,64 triệu thùng/ngày, với lý do Trung Quốc áp dụng lại các biện pháp kiềm chế COVID-19 và lạm phát cao.

OPEC cho biết trong báo cáo hàng tháng của mình: "Nền kinh tế thế giới đã bước vào thời kỳ bất ổn và thách thức gia tăng".

Bộ Năng lượng Mỹ đã hạ thấp kỳ vọng đối với cả sản xuất và nhu cầu ở Mỹ. Hiện tại, dự đoán mức tiêu thụ chỉ tăng 0,9% vào năm 2023, giảm so với dự báo trước đó là tăng 1,7%. Sản lượng dầu thô dự kiến ​​tăng 5,2%, giảm so với mức 7,2% dự báo trước đó.

Thị trường năng lượng cũng đang chịu áp lực từ đồng đô la, vốn đang tăng giá so với các đồng tiền khác. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cam kết tiếp tục tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát cao đã thúc đẩy lợi suất, khiến đồng tiền của Mỹ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hôm thứ Tư (12/10), Chủ tịch Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari, cho biết Fed sẽ tiếp tục duy trì lộ trình hiện tại vì họ chưa thấy nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát giảm đi.

Đồng đô la mạnh hơn làm cho hàng hóa giao dịch bằng đô la trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác và có xu hướng đè nặng lên dầu và các tài sản rủi ro khác.

Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group ở Chicago cho biết: "Trong ngắn hạn, không thể chống lại việc tăng lãi suất của Fed. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, dầu sẽ ngắt kết nối với điều đó, khi bước vào mùa đông, bạn sẽ không còn quan tâm đến lạm phát nữa".

Quyết định của OPEC đã khiến Mỹ tức giận, với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden thề rằng sẽ có "hậu quả" đối với quan hệ với Ả Rập Xê-út sau động thái này, do nguồn cung hiện nay trên toàn thế giới bị thắt chặt.

Torbjorn Soltvedt, nhà phân tích của công ty tình báo rủi ro Verisk Maplecroft cho biết, phản ứng của Washington đã "khuếch đại tác động ban đầu lên thị trường dầu mỏ", mức độ ảnh hưởng đến sản lượng dầu có thể âm thầm hơn dự kiến về quyết định của OPEC+.

Trong hôm thứ Tư (12/10), một trong những hợp đồng năng lượng chính giao dịch tích cực là dầu sưởi, khi những hợp đồng tương lai tăng 1,7%, một tín hiệu cho các nhà giao dịch lo lắng về nguồn cung mùa đông.

Hôm thứ Ba (11/10), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023 và cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng tăng.

Thanh Bình