Đất đai đô thị phải được coi như “mỏ dầu” mới

09:25 | 27/05/2019

220 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Trong bối cảnh ngân sách quốc gia luôn thiếu hụt các nguồn tiền chi cho đầu tư phát triển, tài sản đất đai - trong đó chủ yếu là đất đai đô thị, phải được coi như “mỏ dầu” mới cần khai thác hiệu quả để mang về nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, từ đó tái đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế đô thị” - ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho hay.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, các vụ việc sai phạm liên quan đến “đất vàng” ở TP HCM làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng đáng lẽ ra phải được thu vào ngân sách, cho thấy đất đai đô thị thực sự là chủ đề lớn cần đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh ngân sách quốc gia luôn thiếu hụt các nguồn tiền chi cho đầu tư phát triển, tài sản đất đai - trong đó chủ yếu là đất đai đô thị, phải được coi như “mỏ dầu” mới cần khai thác hiệu quả để mang về nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, từ đó tái đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế đô thị.

dat dai do thi phai duoc coi nhu mo dau moi
(Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Quang Đồng có hai cách làm mới có thể áp dụng để tối ưu hóa nguồn thu đất đai đô thị: Thứ nhất, tổng kiểm kê, số hóa toàn bộ quỹ đất/diện tích công sản và công khai hóa, minh bạch hóa dữ liệu này, từ đó quản lý thống nhất và minh bạch đất đai và diện tích công sản sử dụng ở các đô thị. Và thứ hai, chấm dứt hoàn toàn giao đất không qua đấu giá; thay thế bằng đấu giá 100% diện tích đất đô thị được sắp xếp, tạo dựng lại và đưa vào quỹ đất sạch.

Ở nhóm vấn đề thứ nhất, theo ông Đồng, yêu cầu tổng kiểm kê, số hóa diện tích công sản đất đai phải đặt trong tư duy “xây dựng chính quyền điện tử”, đô thị thông minh, cũng như cải cách hành chính ở địa phương để bảo đảm đất đai và diện tích công sản trở thành một tài sản của địa phương và có cách tiếp cận, giải pháp quản lý phù hợp. Ở các đô thị, đặc biệt là 2 đô thị lớn Hà Nội và TP HCM, ngoài quỹ đất cần đặc biệt lưu tâm đến diện tích công sản mà các cơ quan công quyền đang nắm giữ. Cải cách hành chính không chỉ đơn thuần là sắp xếp lại bộ máy, công việc và nhân sự, tiến trình này, khi thực hiện hiệu quả cũng sẽ đồng thời tạo ra “quỹ diện tích công sản trống”.

Việc sắp xếp và dồn các đơn vị cung cấp dịch vụ hành chính vào một địa điểm tập trung; giải thể các đơn vị cung cấp dịch vụ công ích, đơn vị sự nghiệp công lập và sắp xếp lại các tổ chức chính trị xã hội đang ngày càng kém hiệu quả nhưng sử dụng nhiều đất đai và diện tích làm việc - toàn bộ các công việc này sẽ tạo ra quỹ diện tích sử dụng mới ở đô thị. Với tốc độ phát triển của khu vực tư nhân hiện nay, diện tích này hoàn toàn có thể khai thác kinh tế thông qua bán lại hoặc cho thuê. “4.0’’ mà thực chất là số hóa và áp dụng công nghệ thông tin cho quản lý - cần áp dụng triệt để vào tiến trình quản lý công sản - từ đó giúp HĐND nắm được “tài sản công” ở địa phương mình như thế nào, từ đó yêu cầu UBND có phương án khai thác hiệu quả. Ở cấp độ quốc gia, Chính phủ - nhờ minh bạch dữ liệu và thống nhất hóa dữ liệu - có thể kiểm soát được nguồn thuế, phí, thu về cho ngân sách và bảo đảm địa phương không thể qua mặt Trung ương.

Ở nhóm vấn đề thứ hai, ông Đồng cho rằng, đấu giá 100% và sau đấu giá, tài sản đất đai thuộc về tư nhân quản lý sẽ “chữa” từ gốc rễ bệnh “đất hoang”, dự án chậm triển khai. Và thuế tài sản, như một công cụ chính sách bổ sung, có thể giúp trị dứt điểm căn bệnh này. Bởi sau khi đấu giá, đất đai ở trong tay tư nhân ở mức giá thị trường. Đồng tiền liền khúc ruột - tài sản của tư nhân sẽ không bao giờ phải lo lắng chuyện sử dụng không hiệu quả. “Giao đất không qua đấu giá” - từ hàng loạt vụ việc ở TP HCM, Đà Nẵng - không chỉ làm thất thoát trực tiếp ngân sách, làm nhiều lãnh đạo, cán bộ địa phương vướng vào vòng lao lý mà còn làm tài sản đất đai bị sử dụng kém hiệu quả. Giải pháp đã quá rõ ràng: Không có cách thức nào khác là đấu giá để bán theo giá thị trường. Đấu giá được cũng sẽ giải quyết cái bẫy nhằng nhịt về khung giá đất và góp phần giúp thị trường đất đai vận hành như một thị trường hàng hóa bình thường. Nên nhớ đã là thị trường thì không còn “khung giá”, chỉ còn giá giữa người mua, người bán, theo cung cầu, theo thời điểm.

“Quốc hội đã đúng đắn khi chọn đất đô thị là chủ đề giám sát. Hy vọng cuộc giám sát công phu này sẽ làm rõ hiện trạng “bệnh tình” của lãng phí đất đai và công sản là bất động sản ở đô thị, từ đó, định hướng được các giải pháp chính sách tốt hơn. Cử tri đang chờ đợi Quốc hội làm tròn trách nhiệm ở vấn đề nóng bỏng và quan trọng này” - Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho hay.

P.V(t/h)

dat dai do thi phai duoc coi nhu mo dau moiSáng nay (27/5): Quốc hội thảo luận về chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai tại đô thị
dat dai do thi phai duoc coi nhu mo dau moiKiểm toán Nhà nước: Tiềm ẩn rủi ro thất thoát, tham nhũng trong quản lý đất đai
dat dai do thi phai duoc coi nhu mo dau moiQuốc hội giám sát về quản lý đất đai đô thị trong năm 2019