Ai là “ông vua" trên phim trường?

06:00 | 10/01/2015

1,228 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đạo diễn là người chị trách nhiệm toàn bộ về mặt nghệ thuật của phim, Giám đốc hình ảnh (D.O.P) là người đảm bảo về khía cạnh hình ảnh. Song, việc ai là “ông vua trên phim trường” xem ra vẫn còn lấn cấn!

Trong câu chuyện NSƯT Chánh Tín bỏ ngang việc làm đạo diễn cho phim CKC – Thợ săn biệt kích có chi tiết đáng quan tâm là sự nhập nhằng giữa vai trò của người đạo diễn phim và giám đốc hình ảnh. Cụ thể, NSƯT Chánh Tín cho hay, D.O.P đã nhiều lần chỉ đạo diễn xuất của diễn viên như một người đạo diễn, thường xuyên cãi lại ông và không đáp ứng yêu cầu của đạo diễn. NSƯT Chánh Tín cho biết rất bất bình trước việc này.

Thực tế, mâu thuẫn giữa đạo diễn và D.O.P trên phim trường là chuyện rất dễ xảy ra, nhất là khi trong một đoàn phim mà cả hai không có chung quan điểm thẩm mỹ, không hiểu ý nhau, không tôn trọng nhau.

NSƯT Chánh Tín chỉ đạo diễn xuất trong Thợ săn biệt kích

D.O.P Nguyễn Tranh – người được mệnh danh là “tay máy vàng” của điện ảnh Việt đã chia sẻ với PetroTimes về vai trò của D.O.P, đặc biệt là trong mối quan hệ với người đạo diễn trên phim trường.

Anh nói: “D.O.P là người thực hiện câu chuyện bằng hình ảnh. Đạo diễn vẫn là người chịu trách nhiệm và quyết định mọi thứ đối với một bộ phim. Khi người đạo diễn muốn cảnh này ra sao thì người D.O.P phải nắm bắt được để thực hiện đúng ý đồ. Giữa đạo diễn và D.O.P khi ra phim trường chắc chắn sẽ có rất nhiều những “va chạm”. Vì vậy, theo tôi thì phải có một êkip làm phim thật sự hiểu nhau, có sự đồng cảm, đồng điệu thì mới có thể làm ra một bộ phim có hình ảnh đẹp, diễn xuất của diễn viên tốt nhất được.

Mặc khác, đạo diễn và D.O.P phải có sự tôn trọng nhau trong công việc, nên hỏi ý kiến của nhau để tìm ra cách tốt nhất làm bộ phim hay hơn. Nếu chưa có tiếng nói chung thì D.O.P vẫn phải thực hiện đúng ý của đạo diễn, sau đó có thể thực hiện thêm theo ý đồ của mình để đạo diễn lựa chọn. Còn với đạo diễn, họ có quyền quyết định tất cả những gì họ muốn. Còn cảm thấy không hợp thì tốt nhất là không nên làm việc với nhau lần sau nữa!”

D.O.P Nguyễn Tranh

- Trên phim trường, đạo diễn là một “ông vua”, thưa anh?

- Trong điện ảnh quan niệm, đạo diễn là “ông vua trên phim trường”, họ là người quyết định hoàn toàn cho bộ phim. Tuy nhiên, làm D.O.P cũng có những trăn trở riêng, như trường hợp khi có những đoạn hình ảnh rất đẹp, mình rất hài lòng nhưng diễn viên diễn chưa đạt. Ngược lại là khi diễn viên diễn quá đạt, nhưng hình ảnh chỗ đó lại chưa được đẹp. Khi đó, người đạo diễn chọn đoạn diễn viên diễn đạt hơn và D.O.P cần tôn trọng.

Tôi nghĩ, D.O.P có tài giỏi thế nào nhưng để làm theo cách chuyên nghiệp của mình, theo cái tôi của mình thì nên tìm người đạo diễn nào cũng có suy nghĩ giống mình để hợp tác.

Cũng nói thêm rằng, có khi đạo diễn làm ẩu và D.O.P phản ứng lại, đó cũng là chuyện bình thường. Ví dụ như đang quay lúc trời tối mà đạo diễn lại yêu cầu D.O.P làm giả cảnh ban ngày. Là người chịu trách nhiệm về hình ảnh, người D.O.P khó chấp nhận thực hiện điều đó.

- Vậy, rõ ràng chuyện cậy là giám đốc hình ảnh nên D.O.P “ép” đạo diễn quay theo góc máy của mình là không hợp lý?

- Đúng vậy! Trừ những trường hợp đặc biệt, người đạo diễn sẽ yêu cầu rõ ràng chỗ này họ muốn như thế nào, còn không thì sau khi chọn cảnh, êkip sẽ cùng nhau ngồi lại để bàn bạc. D.O.P phải làm việc trước với đạo diễn để biết được người đạo diễn muốn gì trong không gian này, muốn quay cảnh nào trước, bắt đầu câu chuyện ra sao, nhân vật ở đâu, đi qua đi lại thế nào trong từng phân đoạn; rồi đến ánh sáng, thiết bị xung quanh như thế nào...?

- Về vấn đề đạo cụ, chẳng hạn như súng thì nên dùng súng thật, đạn mã tử để quay cảnh bắn nhau hay chỉ cần dùng súng gỗ và sau đó D.O.P sẽ “phù phép”, thưa anh?

- Về mặt hình, bao giờ cũng phải cố gắng dùng những đạo cụ thật nhất có thể. Còn về đạn thì không nhất thiết phải dùng đến đạn thật vì thứ nhất là quá nguy hiểm, thứ hai là khi bắn ra, cũng không quay được đạn bay thế nào. Từ khi làm nghề, tôi chưa từng gặp trường hợp nào dùng đạn thật trên phim trường, mà chỉ dùng đạn mã tử thôi.

Còn về chi phí thì việc dùng súng thật, đạn thật để quay cũng không phải là tốn kém gì. Như khi làm về phim chiến tranh, mình có thể liên hệ với bên quân đội để được họ giúp cho mượn một vài cây súng trong những phân đoạn cần quay cảnh cận. Còn lại, sử dụng những đạo cụ giả nhưng được làm như thật là bình thường.

- Cảm ơn chia sẻ của đạo diễn!

Trúc Vân (Tổng hợp)