Danh dự của người Nhật trong vụ Carlos Ghosn?

07:22 | 16/12/2018

442 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vì sao lãnh đạo tập đoàn xe hơi Renault Pháp, liên doanh với Nissan, bị tư pháp Nhật Bản bắt giam từ một tháng nay? Nhà phân tích Jean-Marie Bouissou, sử gia thông thạo văn hóa Nhật, cho rằng “đó và vấn đề danh dự”.  

Viện Công Tố Nhật Bản ngày 10/12/2018 chính thức khởi tố cựu lãnh đạo tập đoàn xe hơi Nissan Carlos Ghosn vì tội che giấu tài sản trong thời gian từ năm 2010 đến 2015. Doanh nhân Pháp tiếp tục bị tạm giam.

Ngày 19/11/2018, ông Ghosn bị bắt tại sân bay Tokyo vì bị nghi ngờ không khai báo với cơ quan quản lý chứng khoán Nhật Bản 38 triệu euro thu nhập trong thời gian 2010 đến 2015. Nhưng giới điều tra vừa mở rộng phạm vi điều tra và Carlos Ghosn tiếp tục ngồi tù. Là người từng cứu hãng xe Nissan của Nhật bị đe dọa phá sản, nhưng công luận Nhật không mấy thiện cảm với doanh nhân Pháp gốc Liban và Brazil, Carlos Ghosn.

danh du cua nguoi nhat trong vu carlos ghosn
Vụ Carlos Ghosn được tường thuật trên truyền hình Nhật Bản

Carlos Ghosn đến với Nhật như một cứu tinh vào lúc Nissan thua lỗ, kinh tế Nhật suy trầm. Thế mà trong liên doanh, Nissan phải đóng góp vốn nhiều hơn Renault, lại bị “chiếm đoạt” công nghệ nên ngậm đắng nuốt cay dù rất bất bình.

Trong giai đoạn đó, nhiều ngôi sao công nghiệp của Nhật bị rơi vào tay nước ngoài, Mỹ và Đài Loan, như Takana, Toshiba và Sharp.

Giờ đây, kinh tế Nhật có dấu hiệu phục hồi, thất nghiệp giảm, tội ác hình sự xuống thấp. Người Nhật có quyền hãnh diện về thành quả này. Thế giới cũng sắp đổ dồn nhìn về Nhật Bản với Cúp Bóng Bầu Dục 2019, Thế Vận Hội Tokyo 2020 và Triển lãm Toàn cầu 2025. Ngày 22/11/2018, Nissan bãi chức chủ tịch của Carlos Ghosn. Theo sử gia Bouissou, đằng sau vụ cách chức Carlos Ghosn là xu hướng dân tộc chủ nghĩa hồi sinh.

Đối với chưởng lý toà án Tokyo, bắt lãnh đạo tập đoàn Renault cung khai tội trốn thuế là một chuyện danh dự. Nếu thất bại, thì nền tư pháp Nhật Bản và nước Nhật sẽ mất mặt với báo chí quốc tế, thường chỉ ra những bất cập của các quyết định pháp lý. Điển hình là vụ tạm giam 6 tuần lễ bà Julie Hamp, tân giám đốc giao tế của Toyota, một phụ nữ người Mỹ với “tội danh dùng ma túy” vì bà dùng thuốc chống đau khớp có chứa một ít nha phiến trong công thức. Ngay chủ tịch Toyota, vì lên tiếng bên vực bà Julie Hamp mà văn phòng cũng bị lục soát.

Tại Nhật Bản, một nghi can từ chối khai báo có thể bị giam đến ba tuần. Carlos Ghosn có thể ngồi tù đến ngày ra tòa. Năm 2006, doanh nhân Takafumi Horie, cũng bị cáo buộc tội danh tương tự và bị nhốt hai năm rưỡi vì tính khí cương cường. Luật sư của Carlos Ghosn biết viên chưởng lý này, người chiếu cố Takafumi Horie và nay đang chiếu cố lãnh đạo Renault.

Trong tình huống này, theo sử gia Jean-Marie Bouissou, Paris khó mà can thiệp. Tổng thống Pháp không lẽ cứu một nghi can bị tố trốn thuế 38 triệu euro. Về phía Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe cũng không dám đi ngược lại công luận mà đa số chống Carlos Ghosn. Cả hai nhà lãnh đạo Pháp Nhật chỉ còn có giải pháp gồng mình lãnh búa rìu báo chí.

Nếu bị kết án, ông Carlos Ghosn có thể lĩnh án tù 10 năm và phải nộp phạt lên tới 10 triệu yên (88.750 USD). Nissan cũng đang đối diện với án phạt lên tới 700 triệu yên (6,2 triệu USD) nếu bị kết luận vi phạm các quy định tài chính của Nhật.

Th.Long

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc