Đắm đuối mùa Ning Nơng

14:00 | 17/03/2023

716 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cao nguyên chùng chình gió chướng, nơi bắt đầu mùa Ning Nơng tháng Ba, lễ hội quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người dân Tây Nguyên.
Đắm đuối mùa Ning Nơng
Đắm đuối mùa Ning Nơng

Gió chướng đã nổi trên cao nguyên Tây Nguyên. Gió sớm trong lành mang hương thơm tràn về khắp miền cao nguyên, cho bầy ong rủ nhau đi hút mật, cho mẹ “theo dấu chân rùa đi tìm nấm mối”, cho lũ voi gọi nhau “xuống sông hút nước”... Nắng lạnh ban ngày và se sắt về đêm, gió cứ cần mẫn thổi xuôi một hướng suốt đêm ngày không ngưng nghỉ. Nắng gió cao nguyên thật riêng lạ. Những cơn gió trở mình mà không vật vã, không bùng lên thành những trận cuồng phong, không làm tơi tả cỏ cây như những cơn gió biển hoang tàn. Gió nơi đây cứ thổi dài mơn man trên đỉnh núi, qua triền đồi, qua mép sông, qua bầu thác. Gió chỉ đủ lan tỏa lên mặt đất tất cả những chất chứa ngàn năm trong lồng ngực đại ngàn sâu thẳm...

Đắm đuối mùa Ning Nơng
Nhiều người già đẽo tượng gỗ chuẩn bị cho mùa Ning Nơng

Mùa này, vùng đất đỏ bazan bung hoa cà phê trắng muốt, tỏa hương thơm tinh khiết, ngọt lịm, quyến rũ các loài ong từ muôn nơi tìm về hút mật, làm nên vị ngọt cho đời. Cơ man những cánh bướm rập rờn trong gió báo hiệu mùa nắng đã đến rất gần. Mùa xuân và hoa cà phê, với người Tây Nguyên, chan chứa tình, tình người và tình thiên nhiên hòa quyện làm một. Người Tây Nguyên vẫn gọi thời gian này là “khei mônh Yuăn” và “khei bar Yuăn”, tức là “tháng 1 và tháng 2 của người Kinh”, là mùa Ning Nơng - thời gian của lễ hội, vui chơi và giao đãi, là lúc tâm hồn con người rộng mở, thoải mái nhất. Mọi người có thể vui chơi, uống rượu và ca hát quên cả tháng ngày.

Đắm đuối mùa Ning Nơng
Những bông hoa cà phê trắng muốt

Đây cũng chính là lúc lễ hội của các buôn làng diễn ra, cầu mong lúa bắp tươi tốt. Những lễ bỏ mả (Pơ thi) của người Jrai, Bahnar, lễ cúng bến nước của đồng bào Ê Đê sau một mùa thu hoạch để cầu cho mưa thuận gió hòa. Rộn rã hơn là hội đua voi Tây Nguyên ở Buôn Ðôn bên những cánh rừng khộp ven sông Sêrêpốk (Ðắk Lắk), lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa..., cứ thế, mùa Ning Nơng diễn ra rộn ràng. Bao nhiêu chuyện vui buồn của con người dường như đều chờ để được “mở lòng” vào dịp này. Cúng làng ở nhà Rông vui rộn bản làng, bỏ mả ở mảnh đất phía cuối làng chung chiêng âm thanh của núi rừng vang đến tận cùng. Đó là một không khí rộn ràng khăn áo mới và tưng bừng những lời nói chan hòa, những nụ cười tươi rói như hoa Pơlang...

Đắm đuối mùa Ning Nơng
Những tâm tư của cả một trời quá vãng như hằn in lên đôi mắt của già làng khi vào mùa Ning Nơng

Tháng 2, tháng 3, sau khi hoàn thành việc trồng tỉa với lễ cúng Jơmul, lúa bắp còn đang cựa mình nảy mầm, khi mưa xuống thì bắt cá, soi ếch, đi săn... và vào mùa Ning Nơng. Giữa Ning Nơng, con người như tách hẳn khỏi cuộc sống tất bật hiện đại. Đó mùa của thiên nhiên, tình người và lễ hội. Dường như chính thiên nhiên định ra cái mùa tuyệt vời ấy và con người theo đó để tình cảm của mình nảy nở. Khi cây Pơlang trổ bông, trời hanh hao nắng, mùa vụ thu hoạch đã xong và cư dân đã sẵn sàng bước vào mùa lễ hội.

Mùa xuân Tây Nguyên là bức tranh đẹp nhất trong những bức tranh của vùng núi rừng đại ngàn, với điểm xuyết một làng M’Nông hay Ê Đê, Jrai hay Bahnar trên chập chờn mây nắng, cùng tình cảm nặng sâu thấm đẫm nét mộc mạc hiền hòa, cởi mở và da diết của những con người qua nhiều thế hệ vẫn nặng lòng với thiên nhiên.

Đắm đuối mùa Ning Nơng
Dựng nêu chuẩn bị mùa lễ hộ

Tháng 3 là mùa Ning Nơng, cũng là mùa Pơ thi, là mùa của ăn năm uống tháng, của vui chơi và lễ hội. Đó không chỉ đơn thuần là việc ăn uống vui chơi của một buôn làng cụ thể. Đó là ân nghĩa, là mạch nguồn văn hóa, là cách người sống tri ân gửi gắm tâm tình cho người quá cố, là biểu hiện sự thủy chung giữa con người với con người, níu kéo kỷ niệm, là thời điểm mà ý niệm thời gian hay không gian tạm thời bị quên lãng trong hơi men rượu cần, trong tiếng cồng chiêng vang vọng đầy tính nhân văn với hành vi ứng xử tốt đẹp của con người. Đó là âm hưởng mà những đứa trẻ chưa đến ngày thổi tai cũng nhận ra điều mà người già chưa nói rưng rưng trong mắt, cứ mênh mang trong đêm lửa đại ngàn hoang hoải mãi.

Đắm đuối mùa Ning Nơng
Cồng chiêng không thể thiếu trong mỗi mùa Ning Nơng (ảnh: Đinh Mỡi)

Buôn Bầu nằm cách xa phố thị Krong Pa (Gia Lai), nơi đó hồn bazan còn đọng lại vẹn nguyên trước sức tàn phá không ngừng nghỉ của văn minh thời đại. Khi những gùi lúa đã nằm yên trong kho, khi Pơlang thắm đỏ, Buôn Bầu lại tất bật cho mùa Ning Nơng. Mùa lễ hội, mọi người cứ mải miết đi về phía giữa làng nơi nhà Rông đứng sừng sững giữa trời. Người gùi rượu, người gùi cơm lam, gùi nước... từ khắp mọi ngả đường hướng về phía trung tâm của làng với những bóng cây cao. Những con trâu, con dê là lễ vật đưa đến được buộc lại dưới những chiếc cọc hướng về phía mặt trời mọc. Ngày hôm ấy là lễ hội lớn nhất của cả làng. Gác mọi công việc, mọi nhà chuẩn bị cơm lam, đồ ăn thức uống mang ra khu vực nhà Rông tham gia cuộc vui. Nơi mà ở đó, từ trăm năm trước, bao thế hệ người Jrai Buôn Bầu đã lớn lên cùng những mùa lễ hội như thế.

Đắm đuối mùa Ning Nơng Đắm đuối mùa Ning Nơng
Gái trai Jrai với rượu cần trong mùa Ning Nơng Cồng chiêng không thể thiếu trong mỗi mùa Ning Nơng (ảnh: Đinh Mỡi)

Trong đêm, những đống lửa thi nhau cháy lên ở khắp mọi nơi, chiếu sáng cả khoảng không dưới những tán cổ thụ im lìm. Không gian náo nhiệt bởi dòng người nườm nượp kéo về. Trong khi già làng làm lễ cúng thì bà con, dân làng đánh cồng chiêng, nhảy múa ở bên ngoài nhà Rông. Đoàn cồng, chiêng, trống vừa đi vòng tròn quanh đống lửa vừa biểu diễn. Già trẻ, trai gái cũng nhảy thành vòng tròn quanh đội cồng chiêng theo điệu nhạc. Các ghè rượu được buộc thành hàng vào những cây tre và được chia thành từng khu. Càng về khuya, các đống lửa càng rực sáng và cuộc vui càng đông người, càng sôi động.

Ở nhiều nơi trên miền cao nguyên này, dường như những mùa lễ hội như thế với lời cúng hòa trong ánh lửa rừng cháy bập bùng đang mất dần đi vẻ linh thiêng, bởi núi rừng đang mất dần vẻ huyền bí. Còn bao mùa Ning Nơng diễn ra rực rỡ khi thế hệ trẻ trong những plei, bon làng cũng như lũ trẻ Jrai, Ê Đê đã tìm thấy niềm tin khác?

Không chỉ có người Buôn Bầu, nhiều buôn khác cũng về tham gia lễ hội. Già trẻ gái trai hàng trăm người nối người khiến không khí lễ hội rộn ràng sôi động trong hơi người và men rượu. Đêm lễ hội, chiêng trống nổi lên dồn dập, thúc giục. Những người già, người trẻ, những gái những trai mắt sáng rực như sao trời không rời tai khỏi những nhịp chiêng mỗi lúc càng nhanh. Thanh niên kéo đến hội vui mỗi lúc một đông. Vòng xoang đã lên đến hàng chục, hàng trăm người nhưng vẫn không ngừng dài thêm, miên man mãi.

Người chủ lễ, già làng Rơ Châm Ngói, vẫn lặng lẽ theo dõi mọi thứ. Già ngồi yên lặng trước những vết thời gian được chạm khắc cẩn thận quanh nhà Rông, tay chống cằm khiến những nếp nhăn dồn đuổi làm gương mặt già nua của già chiu chắt lại trong nỗi nhớ thương vô tận. Già Ngói bần thần khi nhìn dòng người trong cuộc vui, ánh mắt già lạc vào miền mơ tưởng khi chạm vào những tượng mồ, những tâm tưởng cha ông nghìn đời, những huyền tích trong sử thi và thấy đâu đó bóng dáng mình thuở trước... vui buồn trộn lẫn.

Về giữa khuya, rượu vẫn chảy tràn từ đám lửa này đến đám lửa khác. Nhiều đứa trẻ đã ngủ trên lưng mẹ, hay trong chiếc địu với bầu vú chảy dài của bà, cũng có khi trong những chiếc lều dựng tạm. Thanh niên cũng tản đi đâu chẳng rõ. Chỉ những người già ngồi lại. Chưa bao giờ, trong lễ hội lại thấy nhiều người khóc và cũng lắm người cười đến thế. Không ai còn tỉnh. Dẫu vậy, họ vẫn không rời cần rượu. Họ vừa uống rượu, vừa hát dân ca, hát đối với nhau, kể chuyện rì rầm suốt đêm bên nhà Rông, trong tiếng chiêng trống càng lúc càng chậm rãi, bịn rịn, thầm thì như lời của người với đất, của đại ngàn và cuộc sống.

Đắm đuối mùa Ning Nơng Đắm đuối mùa Ning Nơng

Nhiều người bảo, trên miền cao nguyên này, dường như những mùa lễ hội như thế với lời cúng hòa trong ánh lửa rừng cháy bập bùng đang mất dần đi vẻ linh thiêng, bởi núi rừng đang mất dần vẻ huyền bí. Còn bao mùa Ning Nơng diễn ra rực rỡ khi thế hệ trẻ trong những plei, bon làng cũng như lũ trẻ Jrai, Ê đê đã tìm thấy niềm tin khác?... Ngay cả những chủ nhân Ning Nơng hôm nay cũng không trả lời được điều đó. Ngày càng ít người trẻ biết đánh cồng chiêng. Tại nhiều làng, bộ cồng chiêng truyền từ đời này sang đời khác đã bị thất lạc...

Già Ngói rưng rưng, bởi lẽ mỗi mùa Ning Nơng, già và những người già khác trong làng sẽ càng nhiều tuổi hơn, trong nỗi nhớ - quên của tuổi tác về văn hóa dân tộc mình, vẫn hằng có điều mà họ mong muốn cho họ và cho người làng còn trẻ về lệ tục nghìn đời. Một mai này, khi những người già về với Yàng, ai sẽ còn đủ hiểu biết để tiếp nối những mùa Ning Nơng sau này?

Những lễ bỏ mả (Pơ thi) của người Jrai, Bahnar, lễ cúng bến nước của đồng bào Ê Đê sau một mùa thu hoạch để cầu cho mưa thuận gió hòa. Rộn rã hơn là hội đua voi Tây Nguyên ở Buôn Ðôn bên những cánh rừng khộp ven sông Sêrêpốk (Ðắk Lắk), lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa..., cứ thế, mùa Ning Nơng diễn ra rộn ràng.

Tiêu Dao - Ksor H’yên

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps