Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Vị tướng của hòa bình

16:13 | 08/10/2013

2,846 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Những ngày qua, các tờ báo lớn của Pháp như Le Monde, L’Humanité liên tục dành nhiều trang viết ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam như một chiến lược gia xuất sắc của thế kỷ XX, người duy nhất đánh bại Pháp và dám đối đầu với Mỹ, điển hình qua chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa xuân năm 1975. Một chiến lược gia mà ngay đến kẻ thù cũng phải nghiêng mình kính nể.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

“Ngọn núi lửa dưới lớp băng tuyết”

Ngoài tít lớn trên trang nhất “Thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chiến đấu cho độc lập tự do của dân tộc Việt Nam”, nhật báo L’Humanité (Nhân đạo) dành hẳn 4 trang phụ san để nhắc lại những hồi tưởng của Alain Ruscio - sử gia kiêm cựu phóng viên L’Humanité về Đại tướng trong bài viết “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những học trò ưu tú của Bác Hồ”.

Tờ báo còn đăng lại bài phỏng vấn của đặc phái viên Dominique Bari - thực hiện vào ngày 5/4/2004, 50 năm sau trận chiến Điện Biên Phủ qua dòng tựa “Võ Nguyên Giáp: Chiến lược của tôi là hòa bình”.

Trước câu hỏi: “Từ năm 1946-1975 , Việt Nam đã trải qua ba mươi năm chiến tranh. Sự khác biệt giữa hai cuộc chiến này là gì?” của Bari, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói:

“Chiến tranh là chiến tranh nhưng với người Mỹ, đó là một cuộc chiến khác. Trước tiên là cuộc chiến thực dân kiểu mới bằng sự can thiệp của quân đội Mỹ, sau đó là cuộc chiến Việt Nam hóa. Người Mỹ tin vào chiến thắng của họ mà không muốn nghe lời khuyên của Pháp về những gì họ đã trải qua trong chiến tranh Việt Nam. Do đó, họ đưa các lực lượng hùng hậu vào Việt Nam. Ít ai trên thế giới, ngay cả một số nước bạn bè của chúng tôi, tin tưởng vào khả năng Việt Nam có thể đánh bại Mỹ. Nhưng người Mỹ chẳng có chút hiểu biết gì về lịch sử, văn hóa, phong tục, nhân cách của người dân Việt Nam nói chung là những người lãnh đạo đất nước chúng tôi nói riêng. Tôi từng nói với McNamara hồi năm 1995 rằng, các ngài đánh chúng tôi bằng những vũ khí tối tân, máy bay, vũ khí hóa học nhưng các ngài không hiểu về nhân dân chúng tôi, những người khao khát độc lập tự do và muốn làm chủ đất nước, làm chủ dân tộc.

Đó là một sự thật mà thực tế lịch sử đã minh chứng. Suốt hơn 1.000 năm Bắc thuộc đến tận thế kỷ X mà Việt Nam vẫn không bị đồng hóa. Chiến thắng pháo đài bay B-52 là chiến thắng của trí tuệ Việt Nam trước công nghệ và tiền bạc. Nhân tố con người là quyết định. Đó là lý do tại sao khi một quan chức Mỹ hỏi tôi ai là vị tướng giỏi nhất, tôi đã trả lời ông ta, đó chính là nhân dân Việt Nam.”.

Hình ảnh Đại tướng trên tờ L’Humanité

Vị tướng huyền thoại nhấn mạnh thắng lợi là của nhân dân Việt Nam và ông chỉ đóng góp một phần khiêm tốn trong đó. 

Đại tướng kể: “Brezjinski cũng đặt câu hỏi về lý do tại sao chúng tôi chiến thắng Mỹ. Chúng tôi gặp nhau ở Algiers ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Ông ta hỏi tôi: “Chiến lược của ngài là gì?”. Câu trả lời của tôi rất đơn giản: “Chiến lược của tôi là hòa bình. Tôi là một vị tướng của hòa bình, không phải của chiến tranh”. Tôi cũng đã có dịp đón các cựu chiến binh Mỹ đến thăm Việt Nam. Họ cũng hỏi tôi câu hỏi này: “Chúng tôi không hiểu lý do tại sao các bạn Việt Nam có thể niềm nở chào đón chúng tôi như vậy?”. Trước đây, người Mỹ đến Việt Nam với vũ khí và tư cách kẻ thù, các bạn đã được đón nhận như vậy. Bây giờ, các bạn đến với tư cách khách du lịch và chúng tôi chào đón bạn với truyền thống hiếu khách của người Việt Nam”.

Những cuộc tiếp xúc với các ký giả phương Tây đã để lại trong họ những ấn tượng sâu đậm cho thấy ông không phải là một chiến thuật gia khô khan như người ta vẫn tưởng. Ông cũng có chút lãng mạn như bao con người khác, cũng thích thơ phú, văn chương; thích các tác giả Mỹ và nhất là các nhà văn Pháp như La Fontaine, Anatole France, Voltaire, Romain Rolland, theo như nhận xét của tác giả Daniel Roussel, cựu phóng viên thường trực của L’Humanité tại Việt Nam, trong bài viết “Giáp, người không khuất phục, yêu thích từ Voltaire đến Romain Rolland”.

Tác giả nhớ lại, đằng sau tính cách uy quyền tự nhiên đó, ông là một con người rất thoải mái, nhã nhặn, hay cười, quan tâm đến người khác, rất mô phạm nhưng cũng rất nhiệt tình.

Trong con mắt của người Pháp, Đại tướng như là “một ngọn núi lửa dưới lớp băng tuyết”, theo như hàng tựa nhận định của báo Le Monde. Tờ báo cho đăng lại bài viết này do tác giả Jean Lacouture thực hiện cho báo Le Monde ấn bản ngày 5/12/1952.

Nhà chiến lược sống cùng sử sách

Còn đối với tác giả Jean-Claude Pomonti, trong bài nhận định sâu sắc “Võ Nguyên Giáp: Đại tướng Việt Nam, người đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Sài Gòn năm 1975” trên tờ Le Monde ngay tối hôm Đại tướng từ trần, những chiến công lẫy lừng đó đã làm nổi bật các phẩm chất ngoại hạng của một nhà cầm quân đó là: uy tín lãnh đạo và tài điều động hậu cần - chiến lược ngoài tầm cỡ. Những thành công không thể nào phủ nhận được này, đưa tướng Giáp vào hàng ngũ những nhà chiến lược lớn của Việt Nam, những người đã chặn đứng thành công các cuộc xâm lược phía Nam của các triều đại Trung Quốc.

Nói về tài hậu cần, tác giả nhớ lại có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc đến một câu nói nổi tiếng của Napoléon: “Chỗ nào có con dê đi qua được, ở đó con người cũng có thể đi được. Chỗ nào một người đi được, ở đó một tiểu đoàn cũng có thể đi được”. Và trận chiến Điện Biên Phủ là một minh chứng điển hình cho tài điều binh khiển tướng, huy động nhân tài, vật lực của ông.

Thế nhưng, chiến lược ngạc nhiên nhất mà Đại tướng đã thực hiện trong suốt những năm 1960, đó chính là “đường mòn Hồ Chí Minh” nhằm vận chuyển binh sĩ, khí tài và lương thực dẫn đến chiến thắng lịch sử 1975. Con đường huyết mạch mà Mỹ đã phải hao tâm, tổn trí, mất bao nhiêu thời gian, tiền bạc và nhân lực nhưng vẫn không tài nào bẻ gãy được.

"Ông vẫn còn lưu lại trong lịch sử như một trong những tổng tư lệnh chiến tranh vĩ đại của thế kỷ XX, người duy nhất liên tục đánh bại Pháp và khiến Mỹ phải từ bỏ kế hoạch xâm lược Việt Nam”, tác giả nhận định.

Song Phương – Linh Linh (tổng hợp)