Đài phát thanh thứ hai trong thời kỳ chống Pháp

07:00 | 30/07/2024

345 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau Đài Tiếng nói Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội, từng có một đài phát thanh thứ hai đặt tại tỉnh Quảng Ngãi mang tên Đài Tiếng nói Nam Bộ. Đây là cầu nối, “mắt xích” quan trọng với nhiệm vụ thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và tuyên truyền, cổ vũ tinh thần quân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở thập niên 40 của thế kỷ XX.
Di tích Đài Tiếng nói Nam Bộ được đặt tại thôn Thọ Lộc Đông,  xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi
Di tích Đài Tiếng nói Nam Bộ được đặt tại thôn Thọ Lộc Đông, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi

“Đây là tiếng nói Nam Bộ, tiếng nói đau đớn…”

Cách trung tâm TP Quảng Ngãi chừng 5 cây số, tại thôn Thọ Lộc Đông, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) là Trường Tiểu học Số 02 Tịnh Hà - Phân hiệu Thọ Lộc. Nơi đây, tiền thân là đình Thọ Lộc, một trong những đình làng lớn nhất vùng Quảng Ngãi ngày xưa. Cũng tại đây, trụ sở của Đài Tiếng nói Nam Bộ được chọn đặt và phát sóng những số đầu tiên vào năm 1946.

Ngược về quá khứ, năm 1945 là thời điểm bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) vào ngày 2-9. Đến ngày 23-9, thực dân Pháp bành trướng, nổ súng tấn công Sài Gòn - Gia Định. Bấy giờ, chính quyền Nam Bộ buộc phải xin ý kiến Chính phủ để tiến hành đáp trả, chiến đấu với quân xâm lược và được Trung ương đồng ý. Ngay sau đó, đoàn quân Nam tiến, Quỹ Nam Bộ kháng chiến, cán bộ, tướng lĩnh và cán bộ làm công tác tuyên truyền được Chính phủ thành lập và tiến vào miền Nam.

Quảng Ngãi lúc bấy giờ là nơi đặt trụ sở của Chính phủ ở Nam Trung Bộ do đồng chí Phạm Văn Đồng làm đại diện. Trước tình hình bành trướng của thực dân Pháp và sự đồng ý của Chính phủ để nổ súng đấu tranh, Quảng Ngãi được chọn đặt trụ sở Đài Tiếng nói Nam Bộ để thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và cổ vũ lòng dân đứng lên khởi nghĩa ở Nam Bộ.

Tam quan đình Thọ Lộc nay đã xuống cấp trầm trọng, nứt vỡ, mọc đầy cây cỏ dại…
Tam quan đình Thọ Lộc nay đã xuống cấp trầm trọng, nứt vỡ, mọc đầy cây cỏ dại…

Theo tư liệu của nhà cách mạng Nguyễn Văn Nguyễn, ngày 1-6-1946, các máy móc phục vụ cho Đài Tiếng nói Nam Bộ được lắp đặt thành công và ngày 20-7-1946, chương trình đầu tiên được chính thức phát sóng. Vào mỗi buổi sáng và tối, câu nói “Đây là tiếng nói Nam Bộ, tiếng nói đau đớn, tiếng nói căm hờn, tiếng nói chiến đấu” được xướng lên mở đầu chương trình, sau đó là nhạc hiệu của bài hát “Thanh niên hành khúc”. Lời hiệu triệu đồng bào miền Nam đứng lên chiến đấu và tuyên bố về sự ra đời của Đài Tiếng nói Nam Bộ đã được đồng chí Phạm Văn Bạch - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ cất lên trong chương trình.

Thời điểm mới hoạt động, ông Nguyễn Văn Nguyễn - nhà báo nổi tiếng trước Cách mạng tháng Tám làm Giám đốc Đài. Ông Huỳnh Văn Tiểng - Ủy viên Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam, phụ trách Ban Tuyên truyền cùng ông Nguyễn trực tiếp thực hiện các bài ở mục bình luận, câu chuyện thời sự… Các nhà báo Lương Hưng, Trần Châu, Dương Đức Khôi, Nguyễn Văn Giỏi và một người Pháp đi theo cách mạng làm biên tập viên. Các phát thanh viên lúc bây giờ là Minh Lý, Cẩm Ba, Tuyết Minh. Các ca sĩ Hồng Lan, Minh Nguyệt và các nhạc công Võ Bài, Quách Vinh Chương, Phan Huỳnh Tấn... đảm nhiệm phần âm nhạc của các chương trình. Ông Cao Văn Hóa - kỹ sư tốt nghiệp tại Pháp đảm nhiệm vai trò kỹ thuật...

Ảnh tư liệu về những người dân từng giúp đỡ xây dựng Đài Tiếng nói Nam Bộ năm 1946
Ảnh tư liệu về những người dân từng giúp đỡ xây dựng Đài Tiếng nói Nam Bộ năm 1946

Bước ngoặt mở ra trang mới cho báo chí - phát thanh

Ban đầu, Đài Tiếng nói Nam Bộ phát đi các chương trình bằng tiếng Việt, sau đó có tiếng Pháp và Anh. Bên cạnh nhiệm vụ thông tin về tình hình chiến sự trong nước và thế giới cùng các chỉ thị của Chính phủ, những bình luận về các âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, Đài cũng là kênh để kêu gọi toàn dân, khơi dậy tinh thần ái quốc, đoàn kết để chống lại giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước.

Trong thời đạn bom khói lửa, hoạt động của Đài gặp không ít khó khăn do phải hoạt động bí mật nhằm tránh những đợt truy lùng của quân địch. Cuối năm 1946, Đài phải di chuyển địa điểm từ đình Thọ Lộc lên xã Sơn Tân (huyện Sơn Hà) và nay là xã thuộc huyện Sơn Tây. Năm 1947, từ ngày 7-10 đến 19-12, Đài Tiếng nói Nam Bộ được lệnh của Trung ương làm thay nhiệm vụ của Đài Tiếng nói Việt Nam khi Đài quốc gia phải di chuyển địa điểm để giữ bí mật.

Năm 1948, do chưa thể hoạt động ổn định ở Quảng Ngãi, Đài Tiếng nói Nam Bộ được dời vào huyện An Lão (Bình Định) và được đổi tên thành Đài Tiếng nói miền Nam, mật danh là Ban Tây Sơn, trực thuộc Liên khu V. Thời điểm này, Đài được tăng cường phát sóng 3 buổi sáng, trưa và tối, mỗi buổi 30 phút và một buổi đọc chậm. Sau này, Đài được thu hẹp phạm vi phủ sóng và cũng dần thu hẹp các chương trình để phù hợp với tình hình cách mạng.

7 năm sau số phát sóng đầu tiên của Đài Tiếng nói Nam Bộ, Đài Tiếng nói Việt Nam đặt tại Hà Nội phát triển, phủ sóng mạnh, đồng thời Đài Phát thanh Nam Bộ và Đài Phát thanh Sài Gòn - Chợ Lớn cũng đã hoạt động ổn định trong năm 1953. Thời điểm này, Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 bắt đầu mạnh mẽ, đưa cuộc chiến chống Pháp đi đến hồi kết. Từ đây, Đài Tiếng nói miền Nam được chủ trương giảm dần tần suất và dừng hoạt động vào cuối năm 1953, khép lại thời kỳ truyền thanh mạnh mẽ, góp phần đánh đuổi thực dân tại miền Nam Việt Nam. Cũng qua đó, lịch sử dân tộc nói chung, ngành báo chí - phát thanh đã mở ra bước ngoặt, chuẩn bị bước sang trang mới.

Sau nhiều lần di chuyển vị trí, tại đình Thọ Lộc chỉ sót lại những di tích cuối của Đài Tiếng nói Nam Bộ thời gian đầu hoạt động. Đến năm 1994, di tích này được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia. Đến nay, di tích được xây dựng mới bên cạnh di tích cổng đình Thọ Lộc cũ.

Tuy thời gian hoạt động không lâu, nhưng Đài Tiếng nói Nam Bộ đã là kênh thông tin, tuyên truyền đi đầu trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Đài phát đi tiếng nói của Đảng, Chính phủ và tiếng nói kháng chiến. Đài cũng đi trước, vạch trần những âm mưu hiểm ác của thực dân xâm lăng, kêu gọi người dân ái quốc, một lòng đánh đuổi quân Pháp. Với những chiến tích hào hùng, di tích Đài đến nay vẫn để lại những giá trị lịch sử quý giá, song hành cùng đó là những giá trị về sự đóng góp quan trọng của một thời kỳ báo chí - phát thanh cách mạng.

Đài Tiếng nói Nam Bộ phát đi tiếng nói của Đảng, Chính phủ và tiếng nói kháng chiến. Đài cũng đi trước, vạch trần những âm mưu hiểm ác của thực dân xâm lăng, kêu gọi người dân ái quốc, một lòng đánh đuổi quân Pháp.

Phúc Nguyên