Đà Nẵng mùa ruốc muộn

06:55 | 07/03/2020

580 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ở các tỉnh miền Trung và miền Nam gọi con tép biển là con ruốc, một số nơi khác gọi là moi. Mùa ruốc ở Đà Nẵng thường diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán, thế nhưng, năm nay mùa ruốc đến muộn khoảng 1 tháng. Khi mùa ruốc đến, ngư dân ở ven biển Sơn Trà, Đà Nẵng lại dong thuyền với tấm lưới mành lớn phía trước, lùi lũi tiến vào biển đêm lạnh giá với mong muốn khi trở về là những mẻ ruốc lấp lánh, tươi hồng dưới nắng mai.

1. 3 giờ sáng, tôi theo tàu của ngư dân Lê Văn Thương (Thọ Quang, Sơn Trà) đi bắt ruốc. Nhà tôi cách nhà ngư dân Thương một dãy phố. Với ông, đi biển là công việc hằng ngày, nhưng hiếm khi nào tôi thấy ông đi biển với tâm thế thảnh thơi, nhẹ nhàng như lúc này. Hỏi ông thì ông bảo, con ruốc dễ đánh bắt hơn những loại khác, lại bắt được nhiều, nên khi vào mùa ruốc mà ra khơi thì thu nhập cũng cao hơn ngày thường, lại đỡ vất vả hơn.

da nang mua ruoc muon
Ngư dân chuyển ruốc vào bờ

Sinh ra và lớn lên ở vùng biển này, quen từng con sóng, nên chỉ chừng hơn nửa tiếng đồng hồ, ông Thương đã điều khiển con tàu nhỏ ra vùng có ruốc. Đằng sau lưng chúng tôi, thành phố Đà Nẵng vẫn rực rỡ ánh đèn. Những ồn ào, náo nhiệt ở thành phố hiện đại, sôi động nhất miền Trung này dường như không thể chạm đến vùng biển này - nơi những người ngư dân đang chăm chú soi luồng ruốc. Đây mới chính là lúc họ sống đời sống của họ, đời sống biển khơi mà họ đã gắn bó mấy mươi năm.

Ngư dân Đà Nẵng có 2 cách bắt ruốc. Cách thứ nhất là bủa lưới (loại mắt lưới nhỏ), sau đó chong đèn suốt đêm để thu hút luồng ruốc tìm đến. Cách thứ hai là dùng thuyền di chuyển, nháy đèn pha và sử dụng một chiếc vợt lớn để xúc khi gặp luồng ruốc, vì bắt được nhiều ruốc hơn nên đa phần ngư dân sử dụng cách này. Anh Thành, một ngư dân đi cùng tàu ông Thương nói, thuyền cứ chạy dọc biển, thấy luồng ruốc thì hạ lưới, vừa xúc vừa chạy, cất lên, hạ xuống, nhìn thì đơn giản, nhưng không phải dễ ăn. Mành lưới nhấc lên khỏi mặt nước, có khi thu về cả chục ký ruốc, cũng có những lần không đầy một vốc tay...

da nang mua ruoc muon
Chợ bán ruốc ven chân sóng

Xung quanh tàu của ông Thương, hàng chục tàu khác cũng đang hạ giàn lưới, chạy dọc biển xúc ruốc. Với những ngư dân lâu năm, họ nhìn luồng nước là biết năm nay ruốc ít hay nhiều, biết đánh bắt đâu, được bao nhiêu. Trên khắp mặt biển Sơn Trà, loang loáng ánh đèn pin. Những ánh đèn pin soi đường, ngó sóng, giúp những ngư dân nhìn xuyên xuống dưới con sóng để thấy luồng ruốc di chuyển. Như một cuộc rượt đuổi giữa biển, cứ thế, những con tàu di chuyển liên tục suốt đêm.

Mùa ruốc năm nay đến muộn, nhưng khá nhiều, là nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân sau dịp Tết chi tiêu nhiều và nghỉ dài ngày. Nghề biển có cả trăm kiểu khai thác, có những ngư dân khai thác xa bờ, đi những chuyến biển cả tháng, thu về hàng trăm triệu đồng. Nhưng thuyền to thì sóng to, họ cũng chịu những rủi ro lớn hơn những người đánh bắt gần bờ. Những ngư dân chọn cách đánh bắt gần bờ, đi buổi đêm, sớm mai về, thường là những ngư dân lớn tuổi, hoặc trẻ tuổi nhưng chọn lối đi biển nhẹ nhàng hơn, dù thu nhập ít. Những người bắt ruốc là những người như thế, những người đánh bắt gần bờ, hoàn toàn phụ thuộc vào sự hào phóng của biển cả. Điều đó quyết định cuộc sống của gia đình họ.

da nang mua ruoc muon
Mùa ruốc năm nay đến muộn, nhưng ngư dân khai thác được nhiều

2. 5 giờ sáng, bãi biển Mân Thái, Thọ Quang lao xao kẻ bán người mua. Chợ họp ở ngay vòng cung mép biển nơi chân bán đảo Sơn Trà. Giữa ồn ào những tiếng bán mua là ngan ngát vị ruốc biển lẩn khuất đâu đó nơi cả trăm người đứng chen chân chờ từng chiếc thuyền thúng chở ruốc vào bờ. Từ phía xa, những thuyền thúng chuyển ruốc từ tàu vào bờ lũ lượt kéo vào. Hôm nay, luồng ruốc lớn, ai cũng đánh bắt được nhiều ruốc. Từng mẻ ruốc tươi hồng, lấp lánh dưới nắng mai. Mỗi khi có mẻ ruốc mới, các tiểu thương lại chen chúc kiểm tra chất lượng xem to hay nhỏ, tươi hay không, rồi trả giá để giành mua. Ruốc tươi ngon được trả giá 40.000-50.000 đồng/kg. Những ngày này, nhiều ngư dân thu tiền triệu sau mỗi đêm đi biển bắt ruốc. Các tiểu thương có thể bán lẻ ngay tại chỗ hoặc gom ruốc đưa đến các chợ. Năm nay do dịch Covid-19 nên sức mua giảm hơn năm trước, giá ruốc vì thế cũng thấp hơn, tiểu thương tên Tư nói.

Ruốc có thể ăn tươi, cũng có thể phơi khô. Nếu được nắng thì chỉ một ngày là ruốc có thể ra thành phẩm. Ruốc một nắng có thể bán với giá 150.000-200.000 đồng/kg. Ngoài ra ngư dân cũng có thể dùng ruốc làm mắm, hoặc muối xổi. Mỗi lọ ruốc muối xổi có thể dùng được vài ba ngày, ăn với rau sống hoặc chấm thịt luộc, là đặc sản mà người dân Quảng Nam - Đà Nẵng rất thích mỗi khi mùa ruốc đến.

Tôi chuyển đến vùng biển này ở được chừng 2 năm, xung quanh là những ngư dân lâu năm, cả đời gắn với biển. Vùng này trước kia có tên là làng chài Nam Thọ, là 1 trong 5 làng chài lâu đời nhất Đà Nẵng. Nhưng địa danh đó đã biến mất trong các văn bản hành chính. Ở vùng biển này, trên con đường chạy sát chân sóng, những nhà hàng, khách sạn cao tầng mọc lên ngày càng nhiều. Những ngư dân như ông Thương đêm đêm phải đi qua những con hẻm nhỏ, những con đường ở khu tái định cư, lách qua bên hông những khách sạn lấp lánh ánh đèn để đi ra biển. Chỉ chừng 2 năm ở đây, tôi cũng đủ cảm nhận tâm tính của họ. Họ kiệm lời, ít nói trong đời sống hằng ngày, nhưng lại sang sảng khi ra biển. Bởi nhẽ lúc đó họ mới sống đời sống thực của họ, đời sống biển khơi. Họ chọn neo mình với sóng, chứ không bán mảnh đất hương hỏa đi để kiếm tìm một cuộc sống khác an nhàn hơn.

Săn ruốc như một cuộc hành trình kiếm tìm và rượt đuổi, gom nhặt từng con ruốc biển nhỏ nhoi giữa đại dương muôn trùng. Khoảng 1 triệu đồng một ngày, nhiều người nghĩ đó là một khoản thu nhập lớn. Nhưng đó là may, còn rủi thì về bờ tay trắng. Mà đời sống hoàn toàn phụ thuộc vào biển khơi thì may hay rủi cũng không thể nói trước. “Biển khơi giờ cũng khó đoán, được chừng nào, hay chừng đó”, ông Thương nói với tôi lúc châm điếu thuốc lá trong nghỉ săn ruốc. Và, suốt những đêm dài đằng đẵng, quãng thời gian nghỉ ngơi của ngư dân chỉ bằng đúng khoảng thời gian hút một điếu thuốc.

Săn ruốc như một cuộc hành trình kiếm tìm và rượt đuổi, gom nhặt từng con ruốc biển nhỏ nhoi giữa đại dương muôn trùng. Khoảng 1 triệu đồng một ngày, nhiều người nghĩ đó là một khoản thu nhập lớn. Nhưng đó là may, còn rủi thì về bờ tay trắng.

Thanh Hiếu

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps