Đã đến lúc chấm dứt 'bao cấp' trong giáo dục!

07:08 | 09/11/2015

1,384 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm được thực hiện từ năm 1997 có thể coi là “cú hích”, góp phần tạo đột biến trong chất lượng đầu vào của ngành sư phạm. Nhưng đến nay, chính sách này dường như không còn phù hợp…!

Trả lời giới truyền thông Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Phụng nói: Hiện nay, nếu chính sách miễn học phí vẫn giữ thì chỉ là thứ động viên những người nghèo lựa chọn ngành sư phạm nhiều hơn. Trong khi mục đích của việc miễn học phí là chiêu mộ người giỏi vào ngành sư phạm, để cho ra “lò” những người thầy giỏi.

da den luc cham dut bao cap trong giao duc
Sinh viên đóng học phí

Nhận định này không phải không có cơ sở khi điều kiện thực tế đã thay đổi, nguồn nhân lực sư phạm thì đang rơi vào khủng hoảng thừa… giáo viên.

Trước đây, ở cái thời mà: “Chuột chạy cùng sào, không vào sư phạm”, thì chủ trương miễn, giảm học phí cho sinh viên ngành sư phạm thực sự là biện pháp cứu nguy cho việc thiếu giáo viên ở nước ta.

Công bằng mà nói, chính sách này đã góp phần lớn trong việc thu hút người tài vào phục vụ ngành, cùng với đó chất lượng đầu vào ngành sư phạm cũng có những đột biến, góp phần tạo ra thế hệ vàng cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, cơ chế đó chỉ thực sự mang lại kết quả tích cực khi số lượng giáo sinh và giáo viên thiếu.

Còn ngày nay, do biến động của nền kinh tế thị trường, vị trí của “nghề giáo” trong xã hội bị giảm sút, nhiều sinh viên dù yêu thích nhưng không chọn ngành sư phạm. Một lực lượng khác, vào sư phạm chỉ vì được đi học mà không phải đóng học phí. Những lý do này kéo theo chất lượng đầu vào của ngành sư phạm ngày một sụt giảm trầm trọng.

Trong khi đó, nguồn kinh phí dành để thực hiện chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm không hề nhỏ và tăng theo thời gian.

 Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thì hiện cả nước có 13 trường đại học (ĐH) sư phạm, 1 trường ĐH giáo dục và 33 trường cao đẳng (CĐ) sư phạm, chưa kể một số trường đa ngành cũng đào tạo sư phạm. Kinh phí ngân sách dùng để cấp bù học phí cho các trường sư phạm cứ tăng lên theo từng năm. Theo báo cáo từ các hội nghị kế hoạch ngân sách của Bộ GD&ĐT thì: Năm 2011, trong hơn 4.000 tỉ đồng ngân sách chi cho giáo dục thì riêng dự toán chi bù học phí cho các trường sư là gần 250 tỉ đồng.

Năm 2012, tổng mức chi bù học phí thực tế từ nguồn ngân sách cho các trường sư phạm đã nâng lên con số hơn 354 tỉ đồng. Năm 2013, dự toán của Bộ GD&ĐT về mức chi ngân sách bù học phí sinh viên sư phạm các trường ĐH, CĐ và cấp bù miễn giảm học phí tăng lên hơn 440 tỉ đồng.

Và đến năm 2014 dự toán ngân sách phân bổ cho nhiệm vụ này lại tăng lên hơn 484 tỉ đồng. Quả là số tiền không hề nhỏ.

Sẽ không đáng nói nếu các sinh viên sư phạm ra trường đều được hoặc có điều kiện phục vụ trong ngành. Thế nhưng, sự thật thì đang có một tỷ lệ không nhỏ sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường lại không làm hoặc không có điều kiện phục vụ ngành. Như vậy, một số lượng tiền ngân sách đã bị lãng phí?

Nói việc miễn học phí phần nào khiến nhiễu loạn nhân sự trong hệ thống giáo dục hiện nay cũng không phải không có lý. Vì đã có một bộ phận không nhỏ sinh viên dù không yêu nghề nhưng vào ngành và điều căn bản là trong khi nhà nước kêu gọi các trường ĐH cần phải tự chủ thì các trường ĐH trong ngành sư phạm lại đứng ngoài?

Thiết nghĩ, trong thời đại phát triển mang tính cạnh tranh như hiện nay, đã đến lúc cần chấm dứt sự bao cấp trong đào tạo mà phải tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong chính hệ thống ĐH, cũng như chính người học. Phí đào tạo sư phạm cần được tính đúng, tính đủ như mọi hệ đào tạo đa ngành khác.

Còn việc thu hút người tài vào ngành giáo dục trong thời đại này không còn nằm trong chính sách miễn giảm học phí mà nằm trong chính sách tiền lương, kèm các ưu đãi khác dành cho giáo dục…!

PGS Văn Như Cương: Miễn học phí không còn hấp dẫn

Nhìn về quá khứ, quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm khá nhân văn. Quả thực nó đã có

da den luc cham dut bao cap trong giao duc

những hiệu quả nhất định khi tạo ra bước ngoặt lớn cho ngành sư phạm, thu hút người giỏi vào ngành, thúc đẩy cả về chất và số lượng giáo viên vài năm sau đó. Nhưng giờ đã qua rồi, không rõ thống kê từ Bộ GD&ĐT cụ thể là bao nhiêu nhưng số lượng giáo viên trẻ ra trường tìm được việc làm rất ít.

Từ thập niên 80 trở về trước sinh viên sư phạm ra trường là có việc làm ngay nên ngành sư phạm vẫn còn hấp dẫn. Đến độ nhiều ý kiến cho rằng khi được miễn, giảm học phí, học viên còn phải cam kết ra trường sẽ công tác bao nhiêu năm trong ngành giáo dục. Nếu không phục vụ ngành thì nguyên tắc là anh phải bồi thường số tiền được miễn cho Nhà nước… Nhưng giờ thì không, số lượng giáo viên thừa nhiều. Trong khi đó nhiều người không yêu nghề nhưng vì không mất tiền học phí nên vẫn vào học với tâm lý không mất tiền thì… cứ học.

Sau mất tiền xin việc thì lại mang tâm lý mất tiền rồi lại thu hồi sau, nhiều người lại nghĩ giáo viên là một nghề nhàn hạ, ổn định chứ không phải vì yêu nghề. Nên tôi nghĩ rằng chúng ta cứ trở lại bình thường, những sinh viên không đủ điều kiện đóng học phí thì đã có Nhà nước cho vay tiền. Tôi cho rằng đó là tạo sự bình đẳng như các ngành nghề khác.

Rồi cứ nói ngành sư phạm đặc thù, có vai trò quan trọng nên phải được ưu tiên đào tạo. Nhưng có ngành nào mà không quan trọng? Còn về vấn đề thu hút nhân tài, tôi nghĩ cũng có nhiều cách chứ không chỉ là học phí. Bằng cách nào thúc đẩy thu nhập nghề nghiệp cao hơn chứ không phải trong trường. Lương giáo viên hiện nay cũng không phải là thấp. Như đối với các thầy cô tâm huyết đến tận các bản làng vùng xa, lương của họ thậm chí còn cao. Đó là công sức của họ được đáp đền xứng đáng. Vậy nên, ở thời điểm này miễn học phí không còn là vấn đề cốt lõi.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Lãng phí tiền của Nhà nước

Trước đây học phí được cho là số tiền lớn nhưng hiện nay, học phí, chi phí sinh hoạt mới là gánh nặng

da den luc cham dut bao cap trong giao duc

của sinh viên. Đặc biệt, ngành sư phạm hiện nay ra trường nhiều mà để bố trí việc làm thì rất khó, nên nhiều sinh viên đã không còn mặn mà nữa. Số đông sinh viên thức thời họ muốn vào ngành phù hợp với nhu cầu của thời đại mà thu nhập lại cao. Chưa kể, khi miễn học phí thì Nhà nước lại phải bù, đấy cũng là một khoản lớn. Trong khi nhiều sinh viên học xong ngành sư phạm nhưng ra trường lại không muốn làm nghề thì mục tiêu của chính sách là thu hút người giỏi đã không đạt được nữa. Có phải lãng phí số tiền Nhà nước bỏ ra? Nên dừng hoặc thay đổi chính sách này! Biện pháp để thu hút, hay hỗ trợ sinh viên sư phạm tôi thấy không quá khó.

Vấn đề quan trọng là cần giải quyết được khâu việc làm cho sinh viên khi ra trường. Làm được việc này là đã đảm bảo được mục tiêu thu hút nhân tài rồi. Khác với các ngành khác, ngành sư phạm hoàn toàn có thể tính toán được chỉ tiêu đào tạo, thông qua các chỉ số như: Số lượng trẻ sinh ra mỗi năm để biết năm nào địa phương nào cần nhiều giáo viên? Số học sinh, số lớp học là bao nhiêu? Chúng ta hoàn toàn có thể tính toán. Bộ GD&ĐT có thể phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán sao cho hợp lý, Nhà nước chỉ việc đảm bảo đầu ra.

Tiếp đến là cần cấp học bổng cho sinh viên giỏi, các em sinh viên thuộc diện gia đình chính sách… ít nhất là bằng số tiền học phí mà các em phải đóng. Tiếp tục tạo điều kiện cho sinh viên nghèo được đi học bằng cách cho vay quỹ tín dụng. Sau này các em ra trường sẽ có trách nhiệm phải hoàn trả lại số tiền này. Như vậy, khi vào trường các em cũng phải xác định yêu nghề mới vào và ra trường có động lực làm nghề tử tế để trả lại chi phí trong thời gian đi học. Nên có thể thay đổi bằng cách quy định trong thời gian công tác trong ngành, giáo viên phải có 5 năm đi vùng sâu vùng xa, còn công tác thế nào để giáo viên tự sắp xếp cho hợp lý.

 

Huyền Anh

Năng lượng Mới 472