Đã chi 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác chống dịch 

14:00 | 03/07/2020

251 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bộ Tài chính cho hay, đến nay NSNN đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, chi hỗ trợ cho khoảng 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vừa mới tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo tóm tắt một số vấn đề về tình hình tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Theo đó, chi NSNN 6 tháng đầu năm cơ bản theo tiến độ dự toán, đảm bảo các nhiệm vụ quan trọng phát sinh về phòng chống thiên tai, dịch bệnh, y tế, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Luỹ kế 6 tháng, chi NSNN đạt 41,8% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán; chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, giảm 0,9%; chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán.

Đã chi 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác chống dịch
Đã chi 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác chống dịch

Về số NSNN chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Tài chính cho biết đến nay NSNN đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Trong đó, 4,1 nghìn tỷ đồng chi cho công tác phòng chống dịch, chi hỗ trợ cho khoảng 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, NSTW đã trích 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch tả lợn châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn...); xuất cấp 13,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.

Về giải ngân vốn đầu tư phát triển, mặc dù đạt tiến độ khá so cùng kỳ năm 2019 (33,1% so với 28,6% của năm 2019), song nếu so với số vốn đầu tư công được phép giải ngân trong năm 2020 bao gồm cả nguồn các năm trước chuyển sang thì số giải ngân 6 tháng mới đạt 28,94% kế hoạch. Đặc biệt, giải ngân vốn ngoài nước mới đạt 10,2% dự toán năm 2020.

Đến nay, còn 33 bộ, cơ quan Trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%; trong đó 17 bộ, cơ quan Trung ương đạt dưới 10%, thậm chí còn 10 bộ, cơ quan trung ương có mức giải ngân dưới 5%.

Báo cáo thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự tính sẽ thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công vào tháng 9. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng cần phải điều chỉnh ngay từ tháng 7, bởi nếu đến tháng 9 mới điều chỉnh thì việc thực hiện thủ tục giải ngân nhanh nhất là đến cuối năm chỉ có thể tạm ứng theo hợp đồng. Mà nếu tạm ứng thì không có GDP vì chưa có khối lượng. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị nên phải đẩy nhanh tiến độ và điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư sớm để có thời gian triển khai theo quy định.

Về cân đối NSNN, cân đối NSTW và ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm được đảm bảo. Bộ Tài chính đã chủ động phát hành 96,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, với kỳ hạn bình quân 14,01 năm, lãi suất bình quân 2,99%/năm, thấp hơn vay ưu đãi nước ngoài, đảm bảo nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi. Đồng thời, đàm phán một số khoản vay có chi phí thấp từ các tổ chức quốc tế nhằm giảm áp lực vay trong nước. Công tác trả nợ được tổ chức thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

P.V

Dịch bệnh khó khăn, thu ngân sách nhà nước vẫn tăng gần 2% so với cùng kỳ
Nửa tháng đầu năm mới, thu ngân sách nhà nước đã ước đạt hơn 39.000 tỷ đồng
Địa phương chỉ được phép vay ngân sách để bù đắp bội chi và trả nợ gốc