Cuộc quyết đấu giữa 2 cơ quan tình báo KGB và CIA (Phần 11)

18:40 | 01/04/2019

1,574 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - So với “viên đạn bạc” của Milt Bearden, vụ Ojhri của Leonid Shebarshin có tác động kinh khủng bội lần. Sự kiện Ojhri không chỉ làm CIA hoang mang mà còn gây hỗn loạn chính trường Pakistan. Thủ tướng Pakistan Mohammed Khan Junejo chỉ trích quân đội và Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI).

Cùng lúc, quân đội lên án tướng- Giám đốc ISI Abdur Rahman Khan Akhtar. Rồi phần mình, Akhtar phê bình tướng Hamid Gul về việc cho phép chứa quá nhiều đạn dược tại Ojhri. Thời điểm xảy ra vụ nổ hàng chục ngàn tấn đạn dược - vũ khí tại Ojhri trùng với việc ký Hiệp định Geneva vào bốn ngày sau đã khiến CIA nghi rằng KGB có thể là kẻ chủ mưu.

Tuy nhiên, vài người khác đoán rằng gián điệp Ấn Độ – dưới sự kích động KGB – đã trực tiếp gây ra thảm họa. Lại có kẻ kể rằng mình thấy chiến đấu cơ Mirage của quân đội Ấn Độ bay sà thấp tại khu vực trước khi xảy ra vụ nổ.

cuoc quyet dau giua 2 co quan tinh bao kgb va cia phan 11
Điệp viên Aldrich Amesnổi tiếng của KGB

“Nhân chứng” cho biết máy bay Ấn Độ đã “bắn ra một tia sáng” vào kho đạn! Chưa hết, một giả thuyết cho rằng CIA chứ không ai khác đã tạo ra vụ nổ Ojhri như một mặc cả bí mật với KGB nhằm đưa đến “thế cân bằng cục diện chiến trường” để có thể đạt được thương nghị thuận lợi cho cả hai bên tại bàn đàm phán Geneva.

Sự kiện Ojhri tiếp đó kéo theo vài hậu quả. Tổng thống Pakistan Mohammed Zia ul-Haq bất ngờ cách chức Thủ tướng Mohammed Khan Junejo bởi tội danh “tham nhũng và bất lực”. Cuối cùng, cao điểm cuộc khủng hoảng chính trị Pakistan là vụ tai nạn máy bay gây tử nạn Tổng thống Zia.

Ngày 15-2-1989, các toán quân cuối cùng của 115.000 lính Liên Xô băng biên giới Afghanistan trở về Tajikistan. Sự triệt thoái quân đội Liên Xô đồng nghĩa việc Afghanistan sẵn sàng trở thành đồng minh Mỹ. Sự tan rã khối Liên Xô vào tháng 12-1991 khiến cơn lốc Mujahideen càng mạnh.

Tháng 4-1992, Mujahideen tiến vào Kabul, theo sau sự sụp đổ chính thể của Tổng thống Muhammad Najibullah. Tháng 8-1994, từ thành phần Mujahideen, Taliban (có nghĩa “môn sinh Hồi giáo”) được giáo sĩ Mohammed Omar khai sinh, tại thị trấn Kandahar phía Nam Afghanistan.

Chỉ hai năm sau, họ trở thành lực lượng chính trị - quân sự cực mạnh, làm chủ hoàn toàn Kabul, và tréo ngoe thay, họ lại trở thành kẻ thù không đội trời chung của Mỹ...

Trận chiến chưa kết thúc

Xóa sạch dấu vết CIA ở Đông Âu. Đông Berlin, 19 giờ, ngày 9-11-1989. David Rolph đã đi một chặng dài trong sự nghiệp 12 năm làm việc cho CIA. Bây giờ, 41 tuổi, Rolph trở lại mặt trận chiến tranh lạnh với chiến dịch tình báo nhằm vào Ministerium fur Staatssicherheit (Mfs), được biết dưới cái tên quen thuộc Stasi – Cơ quan Tình báo Đông Đức.

Khi Rolph đến Berlin phụ trách chỉ huy văn phòng CIA tại Đông Đức vào mùa hè 1988, CIA không có điệp viên nào cài trong bộ máy an ninh nội bộ Stasi, tức Hauptverwaltung Aufklarung (HVA, bộ phận tình báo hải ngoại Stasi) và gần như toàn bộ hoạt động tình báo CIA đều trông cậy vào thiết bị nghe trộm...

Bộ máy phản gián Đông Đức đã làm việc tốt để ngăn CIA lọt vào tổ chức nhà nước họ và Mỹ cũng không mua được viên chức Đông Đức cấp cao nào làm điệp viên cho mình. Sau khi bức tường Berlin bị đập phá, ba nhiệm vụ chính mà chỉ huy sở CIA yêu cầu David Rolph thực hiện cấp thời: xóa sạch dấu vết; đánh cắp tài liệu từ các cơ quan Chính phủ Đông Đức cũng như Stasi và tiếp cận điệp viên Stasi nhằm mua chuộc họ.

Trong khi David Rolph chưa kịp triển khai, tình hình chuyển biến ngày càng nhanh. Ngày 15-1-1990, trụ sở Stasi tại khu phức hợp Normannenstrasse bị dân Đông Đức tấn công. Người ta quẳng ra đường vô số tài liệu.

Sự kiện Normannenstrasse được tường thuật trực tiếp từ CNN và tại Mỹ, Tổng thống George H. Bush (nguyên giám đốc CIA) đã gọi Langley và chỉ trích nặng nề việc CIA không nhanh chân tiếp cận tài liệu. Không chỉ Đông Đức, tình hình tương tự cũng xảy ra tại Tiệp Khắc và Ba Lan...

Bang Virginia, ngày 12-4-1991. Aldrich Ames trở về trụ sở CIA vào mùa hè 1989 sau ba năm làm việc tại Rome (Ý) trong bối cảnh chính trị thế giới chuyển biến nghiêm trọng. Ames sắp làm bố lần đầu tiên, sau cuộc tình với cô gái Colombia Rosario. Gặp Aldrich Ames không lâu trước khi Ames sang Rome, Milt Bearden ngạc nhiên không ít về “con người mới” của Ames.

Trước khi sang Rome, Ames có hàm răng gớm ghiếc và bây giờ thay vào đó là hàm răng mới trị giá 1.500 USD. Một nhân viên CIA cũng cho Bearden biết về căn nhà Ames mới mua tại Arlington trị giá 500.000 USD.

Gặp Bearden, Aldrich Ames xin được chuyển sang bộ phận đặc trách Liên Xô-Đông Âu. Anh chính là điệp viên nhị trùng làm việc cho KGB. Yêu cầu KGB lúc đó là tìm hiểu xem CIA đóng vai trò như thế nào trong vụ tan rã khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng như những khả năng mà Mỹ lợi dụng tình hình hỗn loạn Đông Âu.

(Còn tiếp)

Thiên Phú

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc