“Cuộc đấu” tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc

21:25 | 02/04/2021

|
Theo CNBC ngày 1/4/2021, theo ý kiến các chuyên gia nghiên cứu năng lượng được Ngân hàng Mỹ (Bank of America) trích dẫn, sau một thời gian “đấu đầu” về thương mại, công nghệ và thị trường vốn, hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang hướng sự chú ý của mình tới vấn đề biến đổi khí hậu, coi đó như là con đường cạnh tranh tiếp theo để chiếm quyền thống trị thương mại.

Theo báo cáo tháng trước của Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Mỹ, hiện nay, Trung Quốc chi nhiều hơn Mỹ, với tỷ lệ gần gấp đôi (2-1) trong đầu tư chuyển đổi năng lượng trong giai đoạn từ 2010-2020. Các vấn đề gây áp lực cho nhau bao gồm cả ưu thế chuỗi cung ứng, các chính sách tập trung vào sản xuất nội địa, luật liên quan đến nhân quyền, các loại thuế thương mại liên quan đến các-bon.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong cuộc hội đàm với Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Khách sạn Captain Cook,  Anchorage, Alaska ngày 18 tháng 3 năm 2021. Nguồn: Frederic J. Brown | AFP | Getty Images
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong cuộc hội đàm với Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Khách sạn Captain Cook, Anchorage, Alaska ngày 18 tháng 3 năm 2021. Nguồn: Frederic J. Brown | AFP | Getty Images

Theo Giám đốc điều hành nhóm nghiên cứu Haim Israel, sau chiến tranh thương mại và công nghệ, sẽ là “cuộc chiến tranh khí hậu” giữa Mỹ và Trung Quốc; vấn đề biến đổi khí hậu sẽ trở thành chủ đề kinh tế và chính trị có tầm ảnh hưởng lớn trong những thập kỷ tới. Chuyên gia tin rằng các chiến lược khí hậu có thể tạo ra con đường dẫn tới vị trí thống trị toàn cầu, với lợi ích đặt cược là tác động kinh tế của biến đổi khí hậu, có thể đạt giá trị 69 nghìn tỷ USD trong thế kỷ 21; đầu tư vào chuyển đổi năng lượng có thể lên tới 4 nghìn tỷ USD/một năm. Sự phụ thuộc năng lượng và việc kiểm soát chuỗi nguồn cung, được đặt cược cùng với sự cân bằng địa chiến lược, có liên quan đến sự phát triển đỉnh điểm của dầu khí vào năm 2030.

Mỹ có thể đẩy mạnh việc xây dựng luật, sáng tạo và đưa dòng chảy vốn vào các năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, pin nhiên liệu và hydrogen; thúc đẩy xe điện. Hiện nay, 50% của các nguồn dầu trên thế giới được sử dụng cho thị trường giao thông, trong đó ô tô chiếm phần lớn. Do vậy, ai kiểm soát được xe điện và công nghệ xe điện sẽ giành được ưu thế để tiến lên phía trước.

Đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục dưới thời chính quyền Tổng thống Biden. Vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã có các cuộc thảo luận căng thẳng với các đại diện của Trung Quốc ở Alaska.

Harry Broadman, Giám đốc điều hành và chủ tịch các thị trường mới nổi, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Berkeley đã nói với CNBC rằng năng lực của các nước phát triển trong sáng chế, triển khai và bán các sản phẩm thúc đẩy chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu mà không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động sẽ định hình bức tranh kinh tế trong những năm tới. Theo chuyên gia này, cựu Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ thời chính quyền Clinton, trước khi diễn ra Hội nghị Cấp cao G7 ở Cornwall, Anh trong tháng 6/2021, G7 cần thúc đẩy mạnh mẽ các nghiên cứu và phát triển, hợp tác khoa học công nghệ giữa các quốc gia G7, để có thể cạnh tranh với Trung Quốc.

Về R&D, Broadman đang thúc đẩy để đưa mục “R&D” vào Chương trình làm việc của Hội nghị Cấp cao G7, với mục tiêu cải cách cơ cấu tiến hành đàm phán và thực hiện các thỏa thuận khoa học và công nghệ quốc tế giữa các nước G7; thành lập một cơ quan riêng biệt có nhiệm vụ đảm bảo rằng các thỏa thuận đó góp phần củng cố và điều chỉnh hợp tác R&D trong G7; cho rằng các nước phương Tây “làm tốt trong hợp tác đầu tư và thương mại nhưng còn rất kém trong R&D, là lĩnh vực mà Trung Quốc đang có ưu thế cạnh tranh lớn”; nhấn mạnh Trung Quốc “tiềm tàng là một mối đe dọa kinh tế to lớn, và có thể cả là mối đe dọa về địa chính trị”.

Trung Quốc đã cam kết cân bằng khí thải các-bon vào năm 2060. Các nước đã cam kết cân bằng khí thải các-bon hiện nay chiếm một nửa tổng số khí thải toàn cầu, trong số đó riêng Trung Quốc đã chiếm 2/3 lượng khí thải. Hiện nay, Trung Quốc là nước có lượng khí thải nhiều nhất thế giới, chiếm 30% tổng số khí thải các-bon toàn thế giới, hơn gấp đôi lượng khí thải của Mỹ.

Theo phân tích của Goldman, Trung Quốc sẽ cần đầu tư khoảng 16 nghìn tỷ USD cho cơ sở hạ tầng công nghệ sạch cho tới năm 2060. Khoản đầu tư như vậy có thể tạo ra 40 triệu việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dựa trên 3 công nghệ có liên quan lẫn nhau là: điện khí hóa, hydrogen xanh lá cây và thu giữ các-bon. Chi phí của Trung Quốc về nghiên cứu và phát triển tăng 10.3%, lên tới 2,44 nghìn tỷ NDT (378 tỷ USD) trong năm 2020, vượt qua Mỹ.

“Quỹ đạo mà Trung Quốc là trung tâm” và “Quỹ đạo G7 là trung tâm”: châu Âu là quê hương của 8 trong số 10 công ty “công nghệ sạch” lớn nhất trên thế giới, với tiềm năng tăng gấp 4 lần khả năng công nghệ sạch toàn cầu vào năm 2030. Các nhà đầu tư đang thể hiện mối quan tâm ngày càng tăng vào các công ty đi đầu trong việc chuyển đổi năng lượng, từ xe điện sang năng lượng sạch.

Trung Quốc thấy mình ngày càng bị ngăn cản tiếp cận các công nghệ từ Mỹ và các nước G7 khác. Do vậy, sẽ diễn ra quá trình tách rời tiêu chuẩn giữa hai bên, hình thành “một quỹ đạo Trung Quốc là trung tâm” và “một quỹ đạo G7 là trung tâm”. Tuy nhiên, đó sẽ là một sự phát triển không bền vững.

Từ phương diện thuần túy kinh tế, chỉ nên tồn tại một hệ thống tiêu chuẩn duy nhất trên thế giới. Quy mô các nền kinh tế trên là rất lớn do đó, sẽ rất tốn kém nếu tồn tại hai hệ tiêu chuẩn. Do vậy, dù là ai thắng trong cuộc đua này, người đó sẽ cố gắng giành quyền quyết định. Cuộc chạy đua này đã bắt đầu, nhưng các nước G7 chưa có hành động theo cách tiếp cận tập thể. Nhìn từ góc độ này, vấn đề biến đổi khí hậu đang trở thành chủ đề đặc biệt quan trọng./.

Thanh Bình