Chống xuất bản phẩm giả, in lậu

Cuộc chiến trường kỳ đầy cam go

07:05 | 06/07/2019

367 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chống xuất bản phẩm (XBP) giả, in lậu đã và đang trở thành “cuộc chiến trường kỳ” đầy cam go của các nhà quản lý, các nhà xuất bản (NXB). Vì sao XBP giả, in lậu lại ngang nhiên lộng hành, gây nhiều hệ lụy khôn lường? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Anh - Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam - về vấn nạn này.

Những thủ đoạn tinh vi

PV: NXB Giáo dục Việt Nam là nạn nhân của XBP giả, in lậu nhiều năm nay. Ông nhận định như thế nào về vấn nạn XBP giả, in lậu?

cuoc chien truong ky day cam go
Ông Lê Thành Anh, Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam

Ông Lê Thành Anh: Hoạt động in lậu, in nhái, tàng trữ và tiêu thụ XBP in lậu, in nhái, làm giả, trong đó có XBP phục vụ dạy và học trong trường phổ thông như sách giáo khoa, sách bổ trợ, các loại sách tham khảo… do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản, đã và đang là vấn đề nhức nhối chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả, thậm chí ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. XBP của NXB Giáo dục Việt Nam bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng, về địa bàn, mức độ công khai. Từ năm 2010 đến nay, NXB Giáo dục Việt Nam đã phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 8 tấn bán thành phẩm XBP giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước.

Những XBP giáo dục bị làm giả phần lớn là sách tiếng Anh, sách bổ trợ, sách khai thác bản quyền từ nước ngoài, bản đồ giáo dục, đĩa CD... Ngoài ra, các bản sách điện tử (ebooks) của sách giáo khoa, sách tiếng Anh... cũng bị phát tán trên mạng Internet tràn lan, với đủ các định dạng, các phiên bản, nguồn gốc khác nhau...

PV: Ông có thể cho biết thủ đoạn mà các đối tượng làm giả, in lậu XBP thường sử dụng như thế nào?

Ông Lê Thành Anh: Theo thông tin tôi được biết từ cơ quan công an, thủ đoạn mà đối tượng chủ mưu và đồng phạm tổ chức in lậu, làm giả, tiêu thụ XBP giáo dục rất tinh vi, dễ qua mắt các nhà chức trách.

XBP của NXB Giáo dục Việt Nam bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng, về địa bàn, mức độ công khai. Từ năm 2010 đến nay, NXB Giáo dục Việt Nam đã phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 8 tấn bán thành phẩm XBP giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước.

Cụ thể, họ phân chia các công đoạn làm sách ở các địa điểm khác nhau, ruột sách in một nơi, bìa sách được in nơi khác, sau đó gia công và hoàn thiện ở nhiều nơi. Sau khi in và hoàn thiện xong, sách lậu được phân tán nhanh về các nơi, tung ra thị trường.

Cách thứ hai là họ sử dụng quyết định xuất bản đã hết hiệu lực để in, hoặc in XBP vượt quá số lượng ghi trong quyết định xuất bản; in XBP không có quyết định xuất bản của cơ quan có thẩm quyền.

Cách làm nữa là chụp nguyên bản từ XBP thật rồi đưa vào in, đóng xén hoàn chỉnh. Phương thức này, đối tượng chủ mưu in lậu XBP thường thực hiện đối với các loại có giá trị cao, đang bán chạy trên thị trường để bán công khai cùng với XBP thật.

Hoặc một số đối tượng chủ mưu in lậu sách thực hiện in sách liên kết, bìa sách ghi tên NXB khi chưa có quyết định của giám đốc. Khi cuốn sách đó không được giám đốc NXB ký quyết định xuất bản và hợp đồng liên kết, họ vẫn tổ chức in và tung ra thị trường.

PV: Theo ông, sách giả, sách in lậu có khó phân biệt với sách thật không?

Ông Lê Thành Anh: Về hình thức, phần lớn sách giả, sách in lậu rất khó phân biệt với sách thật vì những thủ đoạn tinh vi làm cho việc phân biệt rất khó khăn, thậm chí không phân biệt nổi. Ngay cả mã số, mã vạch, một biện pháp để nhận diện hàng thật cũng bị làm giả rồi dán trên sách y như các NXB đã làm nhằm đánh lừa bạn đọc.

Tuy nhiên, cũng có những điểm có thể nhận ra sách in lậu, sách giả, đó là trong nội dung có những chỗ in sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức…, nhưng phải mở sách ra đọc kỹ mới nhận biết được, chỉ lướt qua thì khó nhận ra được sách giả.

cuoc chien truong ky day cam go
Cơ quan chức năng lập biên bản tại một cơ sở làm sách lậu ở Hà Nội

Lãi khủng, xử phạt thấp

PV: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng sách giả, sách lậu tràn lan như vậy?

Ông Lê Thành Anh: Theo tôi, đó là do lợi ích kinh tế quá lớn. Các tổ chức, cá nhân in lậu, làm giả, tiêu thụ XBP không phải đầu tư xây dựng đề tài, bản thảo; không phải chi tiền bản quyền, không phải nộp thuế; chất lượng mực, giấy in thấp... nên XBP giả, in lậu có giá thành rất thấp, lại bán với giá cao ngang bằng sách thật. Lợi nhuận bất chính này phải tính tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Và, với mức lợi nhuận đó, các đối tượng làm giả, in lậu XBP sẵn sàng vi phạm pháp luật để trục lợi, nhất là trong bối cảnh chế tài pháp luật không đủ sức răn đe. Ví dụ, lợi nhuận việc in, tiêu thụ XBP lậu tới hàng chục tỉ đồng, nhưng khi bị phát hiện chỉ bị phạt tối đa có 200 triệu đồng, thông thường chỉ phạt vài chục triệu đồng. Đã vậy, chế tài xử phạt mới chỉ áp dụng cho hành vi in lậu mà chưa áp dụng đối với hành vi phát hành XBP in lậu, giả.

Nguyên nhân nữa là các NXB chưa thật sự chủ động, tích cực phòng, chống làm giả và tiêu thụ XBP giả; thiếu chủ động tìm kiếm, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để tố cáo hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra thì chưa phát huy hết hiệu quả trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm; cơ chế phối hợp quản lý, xử lý chưa chặt chẽ, đồng bộ. Lực lượng thanh tra văn hóa còn có biểu hiện nể nang, né tránh khi xử lý, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Lợi nhuận việc in, tiêu thụ XBP lậu tới hàng chục tỉ đồng nhưng khi bị phát hiện chỉ bị phạt tối đa có 200 triệu đồng, thông thường chỉ phạt vài chục triệu đồng. Đã vậy, chế tài xử phạt mới chỉ áp dụng cho hành vi in lậu mà chưa áp dụng đối với hành vi phát hành XBP in lậu, giả.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, còn có một nguyên nhân khác, đó là ý thức người mua trong việc chấp nhận mua sách giả, sách in lậu với giá bán hợp với túi tiền, nhất là học sinh, sinh viên. Ông có đồng tình với ý kiến đó?

Ông Lê Thành Anh: Đúng vậy. Nhận thức, sự quan tâm, hành động của mỗi bạn đọc trong xã hội hiện nay còn dễ dãi, đơn giản, chưa nhận thấy hết các nguy hại, các tác động tiêu cực của hành vi tiêu thụ, sử dụng XBP in lậu, làm giả. Họ chỉ nghĩ nhiều về giá cả mà không nghĩ đến các hệ lụy như: Tiếp tay cho đối tượng làm ăn phi pháp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp cho các tác giả, dịch giả, các NXB, quan trọng hơn là làm triệt tiêu sự sáng tạo, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

PV: Theo ông, hậu quả của việc sử dụng XBP giả, in lậu như thế nào?

Ông Lê Thành Anh: Hậu quả của việc sử dụng XBP giả, in lậu rất nặng nề. Tôi lấy ví dụ, những XBP giáo dục giả nếu in sai sót về ký hiệu, nét chữ, kiến thức hay nghiêm trọng nhất là in thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin… thì khi học, học sinh, sinh viên sẽ hiểu sai lệch hoặc không hiểu về nội dung kiến thức cần tiếp nhận. Bên cạnh đó, sử dụng XBP giáo dục giả, học sinh sẽ không truy cập và sử dụng được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh, do mã code của thẻ cào giả bị chặn truy cập trang dữ liệu online. Hoặc, những XBP giáo dục giả thường có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật nên ảnh hưởng xấu đến thị lực của học sinh.

Tuy nhiên, hệ lụy mà tôi muốn nhấn mạnh nhất là việc sử dụng XBP giáo dục giả, vi phạm pháp luật ngay trong nhà trường sẽ ảnh hưởng xấu đến nhận thức, ý thức chấp hành kỷ cương, pháp luật của thế hệ trẻ về lâu dài.

PV: Theo ông, để giải quyết vấn nạn sách giả, sách lậu, phải có những biện pháp gì?

Ông Lê Thành Anh: Trước sự tinh vi trong làm XBP giả, in lậu, sự cấu kết chặt chẽ của các đối tượng làm XBP giả, in lậu..., các cơ quan quản lý Nhà nước cần tổ chức rà soát, bổ sung các quy định, chế tài xử lý hành vi in lậu, tàng trữ, tiêu thụ XBP giả sao cho đầy đủ, phù hợp thực tiễn, đủ sức răn đe. Cần coi hành vi sản xuất, in, tàng trữ, tiêu thụ XBP giả là sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng giả để có mức xử phạt nghiêm khắc. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống in và tiêu thụ XBP giả, in lậu cho mọi người dân, tạo sự chuyển biến trong xã hội thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, phản ánh những tác hại, hậu quả của việc sử dụng XBP in lậu, làm giả, lên án những hành vi vi phạm, kêu gọi toàn xã hội cùng quan tâm, chia sẻ các giải pháp góp sức ngăn chặn, từng bước đẩy lùi vấn nạn sách giả, sách lậu…

Song song với đó, phải nghiên cứu, áp dụng tiến bộ của công nghệ để ngăn ngừa, phát hiện hành vi in lậu, phát hành lậu XBP giáo dục và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản, như tem chống giả đặc thù, tem code, thẻ cào dán trên XBP để có quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu online, ứng dụng nhận diện sách thật, sách giả...

Về giải pháp kinh tế, cần giữ giá bán XBP giáo dục ở mức hợp lý để hạn chế việc in lậu (sách giáo khoa ít bị in lậu vì lý do cơ bản là giá bán rất thấp). Cũng cần tạo nguồn kinh phí thường xuyên để phục vụ công tác phòng, chống in lậu, làm giả và tiêu thụ XBP giáo dục giả.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Giám đốc First News - Trí Việt Nguyễn Văn Phước: Làm sách giả là ăn cắp, tham nhũng trí tuệ
cuoc chien truong ky day cam go
Giám đốc First News - Trí Việt Nguyễn Văn Phước chia sẻ về sách của First News bị làm lậu

Có nhiều bạn đọc vẫn chưa nhận ra tác hại sâu xa từ việc in lậu và phát hành, tiêu thụ sách giả, thậm chí ngoài thái độ bàng quan vô cảm, còn bày tỏ quan điểm ủng hộ sách in lậu, sách giả, vì dù có xấu một chút, đọc nhức mắt một chút, sai một chút, nhưng lại rẻ, có sao đâu? Nếu chúng ta cổ xúy hay bàng quan cho việc in sách giả - thực chất là ăn cắp, tham nhũng trí tuệ của người khác - thì tư duy, cách nghĩ đó phải xem lại nghiêm túc.

First News hiện có khoảng 1.000 đầu sách giá trị, trong đó có khoảng 400 đầu sách bán chạy, nhưng chúng tôi đã phát hiện tới 686 đầu sách bị in lậu, bị làm giả, bị vi phạm bản quyền dưới mọi hình thức. Có rất nhiều bộ sách của First News bị nhiều nơi cùng in lậu một lúc như: “Hạt giống tâm hồn”, “Chicken Soup for the Soul”, “Đắc nhân tâm”, “Quẳng gánh lo đi”, “Không bao giờ là thất bại - Tất cả là thử thách”, “Hành trình về phương Đông”, “Quà tặng diệu kỳ”... bị 16 trùm in lậu cùng cạnh tranh nhau in lậu, làm giả, rất nhiều trùm in lậu đã để giá sách giả cao hơn sách thật nhằm đánh lừa bạn đọc thích giảm giá nhiều.

First News chỉ in một phiên bản duy nhất cho một cuốn sách, nhưng các trùm in lậu lại in nhiều phiên bản khác nhau và cạnh tranh giá với nhau. First News có 1.000 tựa sách nhưng phải chiến đấu với trên 3.000 phiên bản sách lậu, sách giả khác nhau. Với trình độ in ấn cao, các nhà sách, đại lý và bạn đọc khó nhận biết được nếu không so sánh với một cuốn sách thật đặt ngay bên cạnh, so từng trang.

First News đã phải đổi hàng ngàn cuốn sách thật lấy sách giả khi bạn đọc bức xúc phản ánh sách kém chất lượng, sai sót. Có những đại lý bán hết sách First News rồi đặt mua sách giả giá rẻ trên các trang thương mại điện tử số lượng lớn để trả lại cho First News, một thời gian sau kiểm tra kho, các thùng hàng, bao sách, chúng tôi mới phát hiện được kiểu “chơi không đẹp” đó.

Thực ra, chúng tôi phát hiện các sàn thương mại điện tử bán sách lậu, sách giả những năm trước, đã gửi cảnh báo nhiều lần đến tất cả các sàn bán sách online, nhưng có những sàn vô cảm nói rằng: “Chúng tôi cho thuê cửa hàng, bán sách thu hoa hồng 13%, không chịu trách nhiệm ai bán sách giả hay bất cứ cái gì giả hết”. Có sàn còn nói: “Ai mua sách giả mang đến đây chứng minh được, chúng tôi sẽ trả lại tiền”. Nhưng sự thực là có không tới một phần nghìn bạn đọc mua sách giả từ các nhà sách và các sàn thương mại điện tử khi nhận sách biết đó là sách giả, vì giống y chang sách thật, đầy đủ logo First News, NXB đã đăng ký bảo hộ bản quyền, địa chỉ, số điện thoại, email của First News..., gọi điện, email cho chúng tôi để phản ánh.

Có một chuyện... cười ra nước mắt: Năm 2011, sau 2 tháng First News trực tiếp theo dõi và phối hợp với Công an Hà Nội đột kích phá vụ in lậu hơn 10 nghìn bản sách tại cơ sở gia công Huy Thi ở Hà Nội. Vụ sách lậu này đã được nhiều nhà báo chứng kiến, đưa tin. Sau khi First News từ chối lời đề nghị bồi thường 100 triệu đồng của cơ sở Huy Thi và khởi kiện Huy Thi. Tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân Hà Nội đã xử First News... thua kiện. Còn Huy Thi trắng án với lý do: “10 nghìn quyển sách đang làm giả tại cơ sở Huy Thi đã bị bắt trước khi tung ra thị trường nên không hề gây bất cứ thiệt hại nào”.

Những người làm sách chuyên nghiệp, chân chính đã và đang vô cùng mệt mỏi khi phải đấu tranh với nạn sách lậu, sách giả. Cuộc chiến cam go đó chưa biết bao giờ mới dừng lại.

Tú Anh