Cuộc chiến đấu giành đường biên, mốc giới

07:45 | 21/02/2016

6,590 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 1 tháng xua quân sang xâm lược Việt Nam, phía Trung Quốc rút quân đội về nước. Nhưng từ sau tháng 3/1979, cuộc chiến đấu giành đường biên, mốc giới bắt đầu diễn ra. Quân và dân ta vẫn tiếp tục hy sinh xương máu trong cuộc chiến dai dẳng hàng chục năm này.
cuoc chien dau gianh duong bien moc gioiNước mắt rơi bên 'lò vôi thế kỷ'
cuoc chien dau gianh duong bien moc gioi
Hàng vạn thanh niên Việt Nam mới 18, đôi mươi đã nằm lại nơi biên giới phía Bắc trong cuộc chiến bất ngờ chống lại quân xâm lược Trung Quốc. Ảnh tư liệu.

Dọc biên giới Việt-Trung, lính Trung Quốc lấn chiếm một số điểm cao thuộc lãnh thổ Việt Nam, bố trí các trận địa, đài ra đa và những ổ đề kháng khiêu khích Việt Nam. Nhiều cuộc pháo kích nhỏ lẻ vẫn diễn ra, đe dọa cuộc sống của nhân dân vùng biên giới. Và tiếp đó là những vụ chuyển dịch cột mốc chủ quyền từ đường biên vào sâu trong đất Việt Nam.

Bộ đội biên phòng Việt Nam đi tuần tra dọc đường biên thường bị lính Trung Quốc gây sự. Người dân đi làm nương cũng bị lính Trung Quốc ngăn chặn. Do đó, những vụ xô xát đã xảy ra. Có lúc lính Trung Quốc đóng giả dân thường dùng gậy gộc, mã tấu ra hành hung. Cũng có lúc chúng dùng vũ khí ra uy hiếp và một số vụ nổ súng khiến các chiến sĩ biên phòng và người dân thiệt mạng.

Có điều, khi Bộ ngoại giao Việt Nam gửi công hàm cho Trung Quốc thì lãnh đạo Trung Quốc lại giả điệu ngạc nhiên nói rằng không biết, hoặc nói đó chỉ là xô xát nhỏ của dân địa phương giáp biên với nhau. Ở nhiều cửa khẩu nhỏ và nơi có đường mòn qua biên giới hai nước, nhân dân đã qua lại buôn bán, giao thương. Nhưng cũng ở những địa điểm đó, thỉnh thoảng quân Trung Quốc cũng gây trở ngại, hành hung và cướp bóc hàng hóa, tiền bạc của dân.

Tình trạng như vậy còn kéo dài cả đến khi hai nước đàm phán về đường biên, mốc giới. Nhiều địa điểm trên biên giới đã bị quân Trung Quốc chiếm đóng năm 1979  được phía Trung Quốc đòi giữ nguyên hiện trạng để cắm lại mốc. Vì thế, cứ đêm đêm, lính Trung Quốc lại nhổ cột mốc, mang sang đất Việt Nam chôn ở vị trí mới. Rất nhiều cột mốc bị di dời sâu sang đất Việt Nam hàng trăm mét. Hôm sau, phía Việt Nam lại nhổ cột mốc chôn về chỗ cũ. Thế là lại xảy ra đụng độ, xô xát. Và máu lại đổ trên đường biên, cột mốc.

Ở những nơi có sông hoặc suối lấy đường phân thủy làm đường biên giới thì Trung Quốc giở trò thâm hiểm, xây đập bê tông nắn cho dòng chảy hướng sang bờ phía Việt Nam. Mùa mưa, nước chảy xiết, dòng nước cứ xoáy sang làm sụt lở bờ sâu về phía đất Việt Nam. Tiêu biểu nhất về trò bẩn này là ở Lục Lầm, xã Hải Hòa, Móng Cái (Quảng Ninh).

Quá trình đàm phán giữa hai nước về đường biên, mốc giới trên đất liền kéo dài khoảng chục năm. Trung Quốc cậy thế nước lớn, lấy thịt đè người nên ngoan cố giữ bằng được một số vị trí cắm mốc mới mà họ đã chiếm được.

Mốc 19 Nam quan ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) trên Quốc lộ 1, so với bản đồ AMS, biên giới đã lùi khoảng 290 m về phía Nam. Trên đường sắt Bằng Tường - Đồng Đăng, biên giới đã lùi khoảng 360 m về phía Nam. Giữa hai mốc 16 và 17 cũ (khoảng mốc 1103 và 1114 mới), Việt Nam đã mất khoảng 3/4 km2. Phía đông bắc của mốc 1129 Việt Nam cũng mất một vùng đất đáng kể. Địa hình biên giới mới cũng tương tự, chỉ khác là biên giới mới đi theo một sống núi khác nằm về phía Nam khoảng 300 m, và biên giới mới còn lùi thêm về phía nam vài chục mét nữa dọc đường sắt.

Biên giới Việt Nam - Trung Quốc vốn ổn định trước khi Việt Nam giành lại độc lập từ Pháp. Biên giới này dựa vào các Hiệp ước 1887 và 1895 giữa Pháp và Trung Hoa. Nhưng sau chiến tranh 1979, Trung Quốc ngang nhiên đòi hoạch định lại.

Thác Bản Giốc (Cao Bằng) có ngọn thác là biên giới tự nhiên của hai nước Việt – Trung. Với độ rộng khoảng 208m và chiều cao khoảng 60 – 70m, Thác Bản Giốc được xếp vào thác nằm trên đường biên giới lớn thứ tư thế giới. Bản Giốc thu hút được lượng khách du lịch lớn nhờ sự hùng vĩ tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng. Sau dòng thác là dòng sông Quây Sơn. Đây cũng là địa điểm bị Trung Quốc tranh chấp quyết liệt nhiều năm và xác định cột mốc biên giới mới tại đây lùi sâu sang đất Việt Nam.

Ở Vị Xuyên, Hà Giang, các ngọn núi như 1509, 772 trên biên giới cũng bị quân Trung Quốc lấn chiếm và khi hoạch định lại biên giới sau này, Trung Quốc đã đòi giữ nguyên hiện trạng.

Như vậy là cuộc chiến về đường biên, mốc giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã kéo dài gần hai chục năm trời. Từ năm 2000 đến nay, biên cương phía Bắc của chúng ta mới trở lại bình yên và ổn định. Đã bao xương máu của nhân dân biên giới và chiến sĩ ta đổ xuống trong quãng thời gian ấy. Và có một số điểm trên đường biên giới ấy đã bị Trung Quốc xâm chiếm, “vẽ” lại.

Giữ hòa khí, nhưng không được hèn!
Chiến tranh biên giới 1979: Ký ức kinh hoàng của những người sống sót
Tướng Phạm Xuân Thệ: Nói về chiến tranh biên giới không phải kích động thù hằn dân tộc!

Đức Toàn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc