Cuộc hội ngộ sau 37 năm: Hành trình dằng dặc tìm nhau

13:30 | 02/03/2016

2,337 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chị Hiền luôn có tâm nguyện tìm gặp lại được cô bộ đội trong bức ảnh năm xưa, bởi bản thân chị luôn coi đó là người mẹ thứ 2 của mình.
Cuộc hội ngộ sau 37 năm: Mong con trong cả giấc mơ

Đối với chị Hoàng Thị Thu Hiền (40 tuổi, xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng), dù bà Bùi Thị Mùi không phải là người đã dứt ruột đẻ ra mình, nhưng chị vẫn luôn coi cô bộ đội đã bế mình trong tấm hình chụp vội của nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường là người mẹ thứ 2.

Trong buổi gặp gỡ ngày 28/2/2016 tại xã Hanh Cù (Thanh Ba, Phú Thọ), chị Hiền nghẹn ngào nước mắt, bảo rằng nếu như không có bà Bùi Thị Mùi cùng các chiến sĩ đã giúp đỡ trong ngày 24/2 của 37 năm về trước đó, có lẽ hai mẹ con chị sẽ không thoát khỏi họng súng tàn bạo của quân xâm lược Trung Quốc.

buc anh co bo doi be chau be chay giac tau hanh trinh dang dac tim nhau
Tấm ảnh cô bộ đội và em bé của nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường

Chị chỉ kể lại những ký ức còn ghi nhớ, và những chuyện sau này được mẹ ruột của mình kể lại, chúng tôi xin trích dẫn lời kể của chị:

Từ năm mới 2 tuổi, vì điều kiện công tác, bố mẹ đã phải gửi chị cho ông bà nội ở thôn Ngọc Quyến (Hưng Đạo, TP Cao Bằng) để chăm sóc, còn 2 người vào mỏ thiếc Tĩnh Túc cách đó gần trăm km để làm việc.

Trong một lần về thăm con, mẹ chị là bà Hoàng Thị Phiến đã cõng cô con gái đi bộ về thăm quê ngoại ở Đức Long (Hòa An, Cao Bằng). Hai mẹ con đi mới được 1 ngày thì chiến tranh biên giới nổ ra, quân Trung Quốc nhanh chóng tràn qua biên giới chém giết thường dân vô tội.

Trong ngày 17/2, pháo Trung Quốc bắn sang mảnh đất Cao Bằng như mưa. Ngớt tiếng pháo là xe tăng và cả bộ binh ngập tràn đánh chiếm khắp dọc biên giới. Mọi người bỏ lại hết tất cả đồ đạc, tài sản cùng nhau chạy tán loạn.

buc anh co bo doi be chau be chay giac tau hanh trinh dang dac tim nhau
Cuộc dời của cô bộ đội Bùi Thị Mùi khá hẩm hưu

Mẹ con chị cũng hòa vào đoàn người chạy loạn đó, suốt mấy ngày liền. Khi cõng chị Hiền đến khu vực bản Tấn, bà Phiến bị lính Trung Quốc bắn bị thương vào bên chân phải, mất nhiều máu quá ngất đi. Bé Hiền ngồi gào khóc bên mẹ cả đêm.

Đến rạng sáng, nhóm chiến sĩ của Sư đoàn 346 đang trên đường rút lui về phía sau nhằm bảo toàn lực lượng đã bắt gặp 2 mẹ con bên vệ đường. Lúc đó mẹ chị đã tỉnh, các anh bộ đội liền tức tốc sơ cứu vết thương cho mẹ, rồi tìm cách đưa 2 mẹ con về trạm phẫu ở phía sau đèo Tài Hồ Sìn. Một lát sau, nữ chiến sĩ Bùi Thị Mùi cũng đi qua đó, họ liền tức tốc giao bé Hiền cho bà Mùi bế chạy theo đội hình.

Bức ảnh được nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường chụp vội, ít lâu sau đăng báo Quân đội nhân dân. Bố chị Hiền, ông Hoàng Quang Thái đã cắt lại bức ảnh đó và giữ nó từ ngày đó đến giờ. Sau này, khi hòa bình trở lại, bản thân chị cũng trở về với gia đình của mình. Đã rất nhiều lần, bố mẹ chị Hiền kể lại câu chuyện cũ thời chiến tranh, họ luôn có tâm nguyện tìm gặp lại được cô bộ đội trong bức ảnh năm xưa. Bản thân chị cũng coi đó là người mẹ thứ 2 của mình.

Chị cùng gia đình đã hỏi thăm rất nhiều nhân chứng của cuộc chiến năm 1979, tìm gặp các anh bộ đội. Nhưng, không một ai biết được tên tuổi cũng như địa chỉ, đơn vị của người nữ chiến sĩ ấy.

Câu chuyện tìm người thân của chị cũng từng được đăng lên báo chí. Tuy nhiên vào thời trước, internet chưa phát triển như bây giờ, bà Bùi Thị Mùi thì ở xa, những tờ báo giấy đã không đến được tay bà Mùi cũng như những người anh em họ hàng, nên tâm nguyện đi tìm người mẹ thứ 2 của chị hoàn toàn vô vọng.

Năm 2012, mẹ ruột chị mất. Trước khi qua đời, bà vẫn dặn dò con gái mình phải tiếp tục tìm bằng được cô bội đội trong tấm ảnh năm xưa.

Chị Hiền vẫn luôn trăn trở rằng, người mẹ thứ 2 đó còn sống hay là đã mất, hay đang ở nơi nào, có còn nhớ đến mình hay không? Chị chỉ mong có một lần được gặp lại, để sà vào lòng bà, cho thỏa nỗi niềm bao nhiêu năm qua chị đã đi tìm ân nhân cứu mạng mình.

Mọi hy vọng tưởng chừng như đã vụt tắt, thì bất ngờ tháng 2/2014, nhà báo Mai Thanh Hải cùng đoàn công tác báo Thanh Niên đã lên Cao Bằng gặp chị. Họ mang theo tấm hình mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường đã cung cấp. Nhìn thấy bức ảnh, chị đã giật mình: “Đó là tôi ngày xưa!”. Chị mở tủ lật tìm mẩu báo cũ ố vàng mà chị vẫn lưu giữ in hình cô bộ đội bế em bé, đưa ra để nhận diện, hoàn toàn trùng khớp.

Cũng từ lúc đó, chị Hiền cùng với sự giúp sức của báo Thanh Niên đã tiếp tục lên đường tìm kiếm. Chị tìm khắp Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình… nhưng đều không có kết quả. Nhiều cựu binh chiến tranh biên giới khi xem tấm hình đã nhận định: Cô bội đội trong bức ảnh rất có thể là chiến sĩ nhập ngũ năm 1978, mà những tân binh nhập ngũ năm đó phần lớn là ở đồng bằng Đông bắc bộ.

buc anh co bo doi be chau be chay giac tau hanh trinh dang dac tim nhau
Chị Hiền đã coi cô bộ đội năm xưa là người mẹ thứ 2 của mình

Khi câu chuyện tìm nữ chiến sĩ trong bức ảnh được đăng tải trên mạng, anh Nguyễn Văn Huy (đang công tác trong quân ngũ, là cháu của bà Bùi Thị Mùi) đọc được bài báo tìm “cô bộ đội trong tấm hình”, anh nhận ra đó là thím mình.

Anh Huy hỏi và được bà Mùi xác thực câu chuyện. Anh tức tốc liên hệ và để số điện thoại cũng như địa chỉ nơi gia đình nữ chiến sĩ năm xưa đang sinh sống.

Sáng này 28/2/2016, hai con người trong bức ảnh lịch sử đã gặp lại nhau trong nước mắt, sau 37 năm xa cách.

Ngẫm lại, thấy cuộc đời đã quá bất công với nữ chiến sĩ Bùi Thị Mùi: Vợ chồng bà không có con, bản thân bà tật nguyền, sống trong cảnh nghèo túng.

Thế nhưng, trong giai đoạn u buồn nhất, điều kỳ diệu đã xảy đến. Bà đã có một người con gái. 37 năm trước, bà đã một lần được làm mẹ trong 1 ngày đêm, giờ thì đã là người mẹ của chị Hiền mãi mãi. Với bản thân chị Hoàng Thị Thu Hiền, chị đã thỏa được niềm khát khao bấy lâu nay, là đã có thêm một người mẹ.

VTC news

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc