Cuộc chiến chống đại dịch AIDS đang ở đâu?

20:46 | 26/07/2017

1,466 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hội nghị quốc tế về AIDS (IAS 2017) khai mạc ngày 23/7 tại Pháp là dịp để hơn 6.000 bác sĩ và nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới tổng kết những thành quả nghiên cứu mới nhất về phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.  

Virus HIV đã được phát hiện từ năm 1983, nhưng tới nay các nhà nghiên cứu vẫn bất lực trước một con virus có khả năng ẩn mình trong một số tế bào của hệ miễn dịch, và chỉ chờ khi bệnh nhân ngưng điều trị là hoạt động trở lại.

Từ thập niên 1990, các nhà khoa học đã nghĩ ra phương thuốc kéo dài tuổi thọ cho người bị nhiễm AIDS, thuốc ARV. Loại thuốc này đã giúp nhiều bệnh nhân HIV sống thêm hàng chục năm. Nhưng để duy trì cuộc sống, họ phải uống hàng vốc thuốc mỗi ngày và phải chịu đựng rất nhiều phản ứng phụ (tiêu chảy, ngứa ngáy, nôn mửa, nhức đầu...). Đó là chưa kể bệnh nhân phải uống thuốc hằng ngày suốt đời và những thuốc này rất tốn kém đối với hàng triệu người, nhất là tại những nước nghèo, không có hệ thống bảo hiểm y tế tốt.

Tính đến cuối năm 2016, trên toàn thế giới chỉ có 19,5 triệu người nhiễm HIV đang được điều trị, tức là mới hơn phân nửa tổng số người bị lây nhiễm (36,7 triệu), theo các số liệu của Liên Hiệp Quốc. Cũng trong năm ngoái, vẫn còn 1 triệu người chết vì AIDS và thêm 1,8 triệu người bị lây nhiễm. Tuy vậy, thế giới cũng đã đạt được nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống AIDS khi từ năm 2005 đến năm 2016, số người chết vì AIDS đã giảm một nửa.

cuoc chien chong dai dich aids dang o dau

Ngành y khoa một ngày nào đó có chữa trị được bệnh này không? Đó là câu hỏi mà ai cũng mong sớm có lời giải đáp. Tuy nhiên, sau 34 năm kể từ ngày phát hiện ra virus HIV, chưa có một phương pháp điều trị nào có thể tận diệt được con virus này. Thi thoảng cũng có những công bố nói rằng virus HIV đã bị tiêu diệt hoàn toàn trong cơ thể bệnh nhân sau một số phương pháp điều trị mới. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, người ta lại thấy chúng “lù lù xuất hiện”. Mọi phương pháp nghiên cứu và điều trị căn bệnh này hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào việc “ru ngủ” con virus trên càng lâu càng tốt và phải càng gây ra ít phản ứng phụ cho bệnh nhân.

Bên cạnh việc nhanh chóng tìm ra phương pháp điều trị, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu một loại vắc xin phòng bệnh này thay vì phải sử dụng những biện pháp như dùng bao cao su như hiện nay.

Tuy nhiên, cuộc chiến của họ có vẻ đang hụt hơi vì thiếu tiền. Vì không có tiền thì các nhà khoa học không thể tiếp tục nghiên cứu về AIDS được.

Mới đây, Mỹ, quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho công cuộc phòng chống AIDS, thông báo cắt giảm nguồn tài trợ cho việc nghiên cứu này. Cho nên trong buổi khai mạc Hội nghị quốc tế về AIDS hôm 23/7, các nhà tổ chức đã kêu gọi Mỹ cố gắng duy trì mức đóng góp.

Trong năm 2016, các nhà tài trợ công và tư trên toàn cầu đã đóng góp tổng cộng 19,1 tỷ USD cho công cuộc phòng chống AIDS, nhưng phải cần có đến 26,2 tỷ USD để chắc chắn đạt được mục tiêu vào năm 2020 mà Liên Hiệp Quốc đề ra. Đó là 90% bệnh nhân nhiễm HIV biết là họ đã bị nhiễm, 90% trong số này được điều trị và 90% số người được điều trị có tiến triển trong việc ngăn chặn virus HIV phát triển.

Xem ra ngày thế giới chính thức tiêu diệt được virus HIV còn rất xa.

Th.Long

AFP