Cú sốc nguồn cung dầu sẽ xảy ra ?

15:28 | 05/10/2022

829 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trên thực tế, nhu cầu dầu vẫn ổn định khi đối mặt với nhiều thách thức, ngay cả mức giá trên 100 USD/thùng cũng không quá ảnh hưởng đến nhu cầu vào đầu năm 2022.
Phản ứng của Nga với xuất khẩu dầu luôn tiềm tàng nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả thế giới
Phản ứng của Nga với xuất khẩu dầu luôn tiềm tàng nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả thế giới

Giám đốc điều hành Saudi Aramco mới đây cho rằng, chính việc thiếu đầu tư trong nhiều năm đã phá hỏng sự cân bằng cung - cầu trên thị trường dầu mỏ. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lại chỉ trích ngành công nghiệp dầu mỏ chạy theo lợi nhuận và kêu gọi các chính phủ buộc các công ty dầu mỏ phải trả giá.

Tháng 8-2022, sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn thấp hơn mục tiêu, ở mức 3,58 triệu thùng/ngày, khoảng 3,5% nhu cầu toàn cầu. Mỹ tiếp tục giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược (SPR).

Những thông tin đó là dấu hiệu cảnh báo về thực trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Ngoài ra, xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm khoảng 2,4 triệu thùng/ngày sau khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào tháng 12-2022, càng khiến tình hình khó khăn hơn.

Trên thực tế, nhu cầu dầu vẫn ổn định khi đối mặt với nhiều thách thức, ngay cả mức giá trên 100 USD/thùng cũng không quá ảnh hưởng đến nhu cầu vào đầu năm 2022.

Một khi lệnh cấm vận dầu Nga có hiệu lực, giá dầu nhất định sẽ tăng vì nguồn cung thay thế bị hạn chế, trong khi Mỹ sẽ cần phải xem xét bổ sung SPR.

Tuần trước, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, mức tồn kho tại SPR đã giảm thêm 7 triệu thùng tính đến ngày 16-9-2022, chỉ còn 427 triệu thùng. Đây cũng là mức tồn kho SPR thấp nhất kể từ năm 1984 đến nay.

Trước đó, Bộ Năng lượng Mỹ đã phủ nhận báo cáo cho rằng Mỹ đang chờ giá dầu xuống dưới 80 USD/thùng để bắt đầu bổ sung lại SPR. Điều này cho thấy Mỹ không có kế hoạch trong ngắn hạn đối với SPR và đây là nguyên nhân gây lo lắng vì những cú sốc về nguồn cung dầu chưa rõ ràng cho đến khi chúng trở nên nghiêm trọng. Một cú sốc nguồn cung dầu chắc chắn sẽ đến với châu Âu nếu không nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ.

Về phần mình, EU đã bắt đầu thảo luận về giới hạn giá đối với dầu của Nga. Ngoài lệnh cấm vận, các thượng nghị sĩ Mỹ đang thúc đẩy gia tăng trừng phạt đối với những người mua dầu Nga để bảo đảm việc áp giá trần dầu Nga có tác dụng.

Nga chắc chắn sẽ đáp trả EU đúng như những gì họ nói: “Không bán dầu cho những nước áp giá trần”, có nghĩa là nguồn cung dầu sẽ bị thắt chặt hơn nữa.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần trước, hạ nghị sĩ Rashida Tlaib đã hỏi những người đứng đầu các ngân hàng lớn rằng, họ đã nghĩ ra chiến lược để rút khỏi các khoản đầu tư dầu khí?

Giám đốc điều hành JP Morgan Jamie Dimon đã trả lời: “Hoàn toàn không. Tôi cho rằng đó sẽ là con đường dẫn đến địa ngục cho nước Mỹ. Các nền kinh tế đang chạy bằng dầu, khí đốt sẽ tiếp tục như vậy trong nhiều thập niên nữa, bất kể quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng nào”.

Châu Âu thịnh vượng thực tế không phải nhờ điện mặt trời và điện gió giá rẻ mà nhờ khí đốt rẻ và nguồn cung dầu dồi dào.

Thời điểm hiện tại, việc tránh một cú sốc nguồn cung dầu sẽ rất khó khăn

Bình An