Cử nhân thất nghiệp, Bộ Giáo dục nhận trách nhiệm

14:26 | 11/06/2014

1,189 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận đã trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trong báo cáo gửi tới Quốc hội trước phần chất vấn trực tiếp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tập trung vào 2 nhóm vấn đề là chất lượng đào tạo đại học và cải cách về giáo dục; đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

72.000 cử nhân thất nghiệp là lỗi do đào tạo?

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm trong việc để một số lượng học sinh- sinh viên sau tốt nghiệp đại học cao đẳng chưa có việc làm.

Bộ trưởng cho biết Bộ GD-ĐT đã kiểm điểm và thấy có những khuyết điểm sau:

Thứ nhất là trong một thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục trong đó có giáo dục đại học của chúng ta chú trọng quy mô, số lượng mà chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Thứ hai, nội dung, chương trình, phương pháp dạy học thi cử của các trường đại học chủ yếu xuất phát tử khả năng hiện có của các nhà trường tổ chức đào tạo theo khả năng mình có. Chưa chú ý, chưa có hoạt động thiết thực để tổ chức hoạt động đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Thứ ba, quy trình mở trường, cấp phép hoạt động cho các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) còn thiếu các quy định chặt chẽ, chưa chú trọng đến nhu cầu thực tế của xã hội, của địa phương. Các chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, trong nước và thế giới.

Nội dung đào tạo nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, nhẹ thực hành, chưa chú trọng đến rèn luyện các kĩ năng mềm về khả năng làm việc nhóm, ví dụ công nghệ thông tin, ngoại ngữ và hoạt động xã hội.

Theo Bộ trưởng, những yếu kém đó đã dẫn đến quy mô tuyển sinh và theo đó là quy mô sinh viên tốt nghiệp hàng năm tăng lên trong khi chất lượng đào tạo còn thấp và chưa được chú trọng nâng cao.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng Bộ GD-ĐT cùng với các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ có trách nhiệm chính trong các yếu kém nói trên.

Để chấn chỉnh, Bộ trưởng cũng đưa ra các giải pháp như dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp, thành lập mới các trường đại học, cao đẳng đến năm 2015. Với nhiều ngành thừa sinh viên, dừng việc mở rộng các ngành đào tạo đó. Bộ đã yêu cầu dừng mở ngành đào tạo trong lĩnh vực kinh tế, kế toán, tài chính ngân hàng ở các khu vực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Bộ đã phối hợp tích cực hơn với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thẩm định thực tế các điều kiện thành lập trường một cách chặt chẽ, không để tình trạng trường mới thành lập không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đất đai, đội ngũ giảng viên được hoạt động đào tạo.

Vẫn là chuyện đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Trong phiên chất vấn này, một đại biểu QH đặt câu hỏi: “Dư luận cho rằng Bộ trưởng không kiểm soát được tình hình trong vụ Bộ GD-ĐT trình UB Thường vụ Quốc hội đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa với chi phí trên 34.000 tỷ đồng, làm xôn xao dư luận.

Dù là con số khái toán, nhưng do một Thứ trưởng trình, phát ngôn. Là một đề án của Bộ, chắc chắn Bộ trưởng phải biết, phải chỉ đạo cụ thể trước khi trình ra UB Thường vụ Quốc hội. Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào về việc này?”.

Chương trình, sách giáo khoa sau 2015 sẽ được cải tiến

Giải trình của Bộ trưởng GD-ĐT là Bộ có tổ chức nghiên cứu, xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới nhưng không đề cập đến số tiền 34.000 tỷ đồng này.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Bộ đã tổng kết, đánh giá chương trình và sách giáo khoa để rút kinh nghiệm trong việc tổ chức xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới và đã nghiên cứu, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức xây dựng, thẩm định, triển khai chương trình này. Trong thời gian tới Bộ sẽ hoàn thiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội. 

Bộ trưởng cũng cho biết sẽ nghiên cứu, xây dựng và ban hành chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất với Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo, với Thủ tướng về phương án tổ chức biên soạn chương trình và sách giáo khoa theo hướng: Nhà nước tập trung nghiên cứu, biên soạn và ban hành chương trình chuẩn, trên cơ sở đó huy động sự tham gia của toàn xã hội vào việc biên soạn sách giáo khoa (gồm sách in và sách điện tử) để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức thẩm định và lựa chọn sử dụng.

Khánh An (ghi)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.