Công ty Than Mông Dương: Cải thiện điều kiện làm việc của thợ lò

10:11 | 21/01/2015

1,388 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù gặp không ít khó khăn trong sản xuất, nhưng kết thúc năm, công nhân, cán bộ Công ty Cổ phần Than Mông Dương đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đời sống và việc làm của người lao động ổn định với mức thu nhập khá cao đạt bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng thợ lò, bình quân đạt gần 13 triệu đồng/người/tháng.

Năng lượng Mới số 392

Thách thức “hầm lò hóa”

Hiện nay, Công ty Cổ phần Than Mông Dương gặp không ít khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ như: Diện sản xuất ngày càng xuống sâu, khó khăn về địa chất, làm tăng các chi phí sản xuất như đi lại, bơm nước, kéo than, vật liệu; công tác quản lý ranh giới mỏ phức tạp do địa bàn nằm trên khu vực có nhiều dân cư... Tuy nhiên, do linh hoạt trong công tác điều hành, đầu tư sản xuất cũng như chăm lo đời sống người lao động nên công ty đã kịp thời tháo gỡ để ổn định sản xuất, việc làm và đời sống cho người lao động. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đặt ra cơ bản hoàn thành, sản lượng khai thác than nguyên khai đạt 1,6 triệu tấn, bằng 101,9% so kế hoạch năm, bằng 98,8% so kế hoạch điều hành, doanh thu 1.650 tỉ đồng, thu nhập bình quân 9,4 triệu đồng/người/tháng.

Khai thác than hầm lò tại Công ty Than Mông Dương

Theo ban lãnh đạo công ty, thách thức lớn nhất hiện nay là đưa mỏ xuống sâu. Từ mấy năm trước, công ty đã chủ động lập dự án và tiến hành đào lò, đầu tư thiết bị mở rộng khai thác. Hiện nay, vị trí khai thác sâu nhất của công ty đã xuống đến mức -250. Tại khu vực này, các thiết bị được đầu tư khá hiện đại, tiết kiệm năng lượng như hầm bơm, trạm điện, thiết bị chuyên chở vật liệu, vận tải than…

Hầu như các loại thiết bị đều được đầu tư cơ giới hóa. Do vậy, công tác khai thác hầm lò dù cho đã xuống sâu nhưng được duy trì về sản lượng. Song song với đó, để đảm bảo các chi phí sản xuất không đội giá thành khai thác lên cao, công ty đồng loạt áp dụng nhiều giải pháp như tính toán khấu hao mức đầu tư phù hợp, phát động công nhân và người lao động tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, không để tổn hao vô ích về động lực, tổ chức lao động hợp lý…

Công ty ra quy chế thưởng, phạt cụ thể cho từng công trường, phân xưởng, tổ đội hay cá nhân về khâu sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết giảm chi phí, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất… nên đã khuyến khích được người lao động vào cuộc cùng với công ty tháo gỡ những khó khăn chung. Trong năm, toàn công ty đã có hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu… được áp dụng trong thực tế sản xuất làm lợi hàng tỉ đồng.

“Giữ chân” thợ lò

Đứng trước thực trạng việc khai thác than càng ngày càng vất vả, hầm lò phải đào sâu hơn vào lòng đất từ -300m đến -500m. Trong khi đó, tiêu thụ than cũng khó khăn, khiến thu nhập của công nhân cũng giảm sút rõ rệt, số lượng công nhân bỏ việc gia tăng. Là một trong những đơn vị mạnh hiện nay trong ngành than, nhưng Công ty Than Mông Dương cũng không thể tránh khỏi thực tế này. Tuy nhiên, Công ty Than Mông Dương đã có những cách làm riêng để chủ động tuyển sinh được thợ lò và khuyến khích họ làm việc lâu dài. Một mặt, công ty cử cán bộ đến một số vùng trong tỉnh cũng như một số tỉnh bạn để vận động, giải thích cho các em học sinh sau khi học hết phổ thông ra học nghề mỏ để về công ty làm việc.

Mặt khác, công ty luôn tổ chức gặp gỡ, trao đổi tâm tư nguyện vọng với thợ lò trẻ để nắm bắt tâm lý và các động thái chăm lo phù hợp với nguyện vọng của thợ lò. Công ty duy trì mức thu nhập cao hơn tất cả các ngành nghề khác cho thợ lò. Đồng thời duy trì chế độ ăn tự chọn, bữa ăn định lượng, bồi dưỡng độc hại v.v… Do vậy, về cơ bản, công ty đã duy trì được sản xuất ổn định trong năm và vững vàng bước sang thực hiện kế hoạch 2015 một cách vững chắc.

Bên cạnh đó, một số công trình phúc lợi như: Nhà giao ca, khu tắm giặt, nhà ăn, sân bóng đá, công viên và tượng đài thợ mỏ… cũng được xây dựng và đầu tư các trang thiết bị đầy đủ. Khu nhà ăn tập thể 3 tầng, với 350 chỗ ngồi được xây dựng khang trang, rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát. Bữa ăn tự chọn hằng ngày của thợ mỏ Mông Dương có tới gần 20 món ăn, gồm cả hoa quả tráng miệng; mức ăn của cán bộ, công nhân viên là 30.000 đồng/suất; riêng thợ lò có mức ăn 65.000 đồng/suất và một suất ăn ca. Để phục vụ nhu cầu thông tin văn hóa, xã hội của cán bộ, công nhân, hệ thống đài truyền thanh, thư viện, nhà rèn luyện thể thao, nhà sinh hoạt văn hóa, công viên… được đầu tư nâng cấp và nâng cao chất lượng phục vụ. Cùng với đó, than Mông Dương cũng đặc biệt chú trọng đến việc cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân; bố trí các phương tiện hợp lý vận chuyển người trong hầm lò như trục tải, toa xe, tời hỗ trợ; tổ chức cơ giới hóa tối đa, hạn chế lao động thủ công.

Để đảm bảo nguồn nhân lực là đội ngũ thợ cho công ty trong hiện tại và những năm tiếp theo, công ty còn trực tiếp đến các địa phương để tuyển dụng thợ lò. Công ty đã cử cán bộ đến các gia đình, các cơ quan đoàn thể của địa phương để tuyên truyền chính sách ưu đãi đối với nam thanh niên ở độ tuổi lao động khi tham gia học nghề để ra trường trở thành thợ mỏ của công ty. Trong sản xuất, công ty đã cơ giới hóa trong công tác đào, chống lò và khai thác để giải phóng lao động cơ bắp, tăng năng suất đào lò 1,3-1,5 lần, bảo đảm an toàn cho người và thiết bị. Các bộ phận phục vụ luôn duy trì tốt việc cấp nước uống thông qua hệ thống lọc tinh khiết đưa xuống tận các gương lò và lò chợ phục vụ thợ lò…

Với tất cả điều kiện như vậy, hiện thu nhập người lao động Than Mông Dương luôn cao nhất nhì Tập đoàn. Trong kế hoạch năm 2015, Công ty Than Mông Dương xây dựng kế hoạch sản xuất 1,7 triệu tấn than nguyên khai, trong đó hầm lò 1,4 triệu tấn; doanh thu 1.804 tỉ đồng. Đặc biệt, phấn đấu đảm bảo và nâng cao đời sống người lao động với mức bình quân đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng.

Nguyễn Kiên

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps