Cộng đồng quốc tế đề cao giá trị pháp lý của UNCLOS và phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông

20:47 | 13/07/2021

|
(PetroTimes) - Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ở La Hay (gọi tắt là Tòa PCA) đã ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, theo đó Trung Quốc không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý cho cái gọi là "đường 9 đoạn". Sau 5 năm, phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông vẫn là một cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.

Nhân dịp kỷ niệm 5 năm Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông ra phán quyết cuối cùng, ngày 12/7/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát biểu về lập trường của Việt Nam “luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”.

Cộng đồng quốc tế đề cao UNCLOS và phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông
Phiên điều trần của Tòa trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông (Ảnh: Tòa PCA, La Hay, Hà Lan)

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin phản ánh một số quan điểm của chính giới và học giả quốc tế ủng hộ trật tự trên biển dựa trên luật lệ, kêu gọi tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, giải quyết hòa bình các tranh chấp, nội dung như sau:

Cộng đồng quốc tế ủng hộ trật tự trên biển dựa trên luật lệ

Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodor Locsin Jr. hoan nghênh phán quyết của Tòa trọng tài là “một dấu mốc quan trọng” trong luật pháp quốc tế và khẳng định “Philippines tự hào đã đóng góp vào trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 11/7/2021 tuyên bố: “Tự do hàng hải là lợi ích lâu dài của tất cả các quốc gia và là yếu tố sống còn đối với hòa bình và thịnh vượng toàn cầu. Cộng đồng quốc tế từ lâu đã được hưởng lợi từ trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, trong đó luật pháp quốc tế, được phản ánh trong Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc, đặt ra khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên đại dương và biển. Công ước UNCLOS tạo cơ sở cho các hoạt động và hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải và là yếu tố quan trọng để đảm bảo dòng chảy tự do của thương mại toàn cầu”.

Ngoại trưởng Blinken ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12/7/2016: “5 năm trước, Tòa trọng tài được thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 đã ra phán quyết thống nhất và có giá trị lâu dài, khẳng định bác bỏ các yêu sách bành trướng trên Biển Đông do không có cơ sở theo luật pháp quốc tế”. Ngoại trưởng Mỹ Blinken tái khẳng định ủng hộ quan điểm của chính quyền tiền nhiệm trong tuyên bố ngày 13/7/2020 liên quan đến yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông; theo đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài, bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, coi các yêu sách là “bất hợp pháp”, trừ những vùng biển được luật pháp quốc tế thừa nhận; nhấn mạnh các tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua cơ chế trọng tài của Liên Hợp Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, ngừng các hành vi khiêu khích và thực hiện các bước đi để đảm bảo với cộng đồng quốc tế rằng nước này cam kết tuân thủ trật tự trên biển dựa trên luật lệ, tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ”.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu ngày 12/7/2021ra tuyên bố khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài là cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý đối với các bên tranh chấp, các bên liên quan cần phải tuân thủ phán quyết. “Do phán quyết của Tòa trọng tài là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên liên quan tới tranh chấp dựa trên các điều khoản của UNCLOS, các bên liên quan tới vụ kiện này, gồm Philippines và Trung Quốc, cần tuân thủ phán quyết đó”. Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi khẳng định, việc Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận phán quyết là đi ngược lại nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS và làm suy yếu pháp quyền như một giá trị cơ bản của cộng đồng quốc tế: “Tuyên bố không chấp nhận phán quyết đó của Trung Quốc đi ngược nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế trong UNCLOS và làm suy yếu nguyên tắc thượng tôn pháp luật, vốn là giá trị cơ bản của cộng đồng quốc tế”.

Nhật Bản hy vọng sự tuân thủ phán quyết của Philippines và Trung Quốc sẽ dẫn tới việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông. Nhật Bản cũng đánh giá cao cam kết của Philippines giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông theo phán quyết của Tòa trọng tài như Tổng thống Rodrigo Duterte đã khẳng định tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2020 và tuyên bố tháng 6/2021 của Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin liên quan tới phán quyết này.

Bộ Ngoại giao Canada ngày 11/7/2021 ra tuyên bố: “Tái khẳng định sự cần thiết của tất cả các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Phán quyết là dấu mốc có ý nghĩa và là cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông”, “Tất cả các bên trong khu vực phải thể hiện sự kiềm chế và tránh hành động đơn phương, vì điều này sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng và đe dọa sự ổn định của khu vực”. Bộ Ngoại giao Canada bày tỏ “đặc biệt quan ngại trước các hành động leo thang và gây bất ổn của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông”, “kêu gọi tất cả các nước, bao gồm Trung Quốc, tuân thủ các cam kết trước đó được đưa ra trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và bày tỏ “vui mừng nhận thấy các thành viên ASEAN và Trung Quốc đã nối lại đàm phán để xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Canada tuyên bố: “Canada ủng hộ các quyền thương mại, hàng hải và hàng không hợp pháp, cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông, được thực hiện theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Những nguyên tắc này là cần thiết cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn, ổn định và thịnh vượng”. Bộ Ngoại giao Canada nhấn mạnh: “Canada cam kết bảo vệ và phục hồi một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiệu quả, bao gồm cả các vùng biển và đại dương, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông trên cơ sở Công ước Luật Biển 1982

Các tọa đàm, hội thảo về Biển Đông nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nêu bật vai trò của UNCLOS trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông, khẳng định giá trị pháp lý phán quyết của Tòa trọng tài PCA năm 2016.

Cộng đồng quốc tế đề cao UNCLOS và phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông
Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12: “Duy trì hòa bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Ngày 9/7, Viện Á - Phi thuộc Đại học Hamburg của Đức tổ chức hội thảo trực tuyến về Biển Đông nhân dịp 5 năm Tòa trọng tài thường trực PCA ra phán quyết.

Giáo sư Thomas Engelbert thuộc Đại học Hamburg cho rằng, từ sau khi Tòa PCA ra phán quyết về Biển Đông, tình hình tại vùng biển này tiếp tục có nhiều diễn biến căng thẳng trên thực địa. Theo Giáo sư Engelbert, thời gian qua, Mỹ đã đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia thành viên cũng đã ban hành các chiến lược riêng về khu vực này. Đầu năm nay, Nhật Bản đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc bác các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Australia, New Zealand, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam đã bày tỏ lo ngại về những diễn biến căng thẳng trên vùng biển này. Giáo sư Engelbert cho rằng các bên đều mong muốn Biển Đông sẽ là một vùng biển an toàn, ổn định và đảm bảo tự do hàng hải; cộng đồng quốc tế đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối mạnh mẽ các hành động vi phạm UNCLOS, cũng như việc không tuân thủ phán quyết của Tòa PCA.

Giáo sư Suzette Suarez từ Đại học Khoa học ứng dụng Bremen khẳng định, phán quyết của Tòa PCA là văn bản pháp lý có giá trị quốc tế cao và có vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp cũng như phân định giới hạn bên ngoài của thềm lục địa ở Biển Đông. Việc phân định các giới hạn của thềm lục địa là thủ tục ràng buộc và bắt buộc trong UNCLOS. Theo luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa trọng tài PCA, yêu sách “đường 9 đoạn” cũng như các yêu sách chủ quyền khác trên Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố là hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Quan ngại còn đó

Trong bài phân tích đăng trên Cổng thông tin pháp lý Porady của giới luật sư Ukraine, chuyên gia Sergey Tolstov, Giám đốc Viện Phân tích chính trị và Nghiên cứu quốc tế nêu rõ, Tòa PCA đã đưa ra phán quyết rõ ràng về yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích ở Biển Đông. Tòa PCA tuyên bố, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định "quyền lịch sử" đối với các tài nguyên ở Biển Đông trong phạm vi cái gọi là "đường 9 đoạn". Điều đó có nghĩa là, Trung Quốc không thể nêu yêu sách đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), cũng như không có "quyền lịch sử" để tuyên bố chủ quyền đối với hoạt động khai thác tài nguyên trong khu vực này. Về ý nghĩa của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, chuyên gia Sergey Tolstov nhấn mạnh nghĩa vụ của các bên trong khuôn khổ UNCLOS năm 1982, bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương không tuân thủ luật pháp quốc tế đã gây sự bất ổn về an ninh tại khu vực. Theo chuyên gia này, "các bên cần tự nguyện tuân thủ UNCLOS và phán quyết của PCA".

Tại hội thảo trực tuyến quốc tế cấp cao lần thứ 4 với chủ đề: “Sự phát triển tình hình Biển Đông hướng tới hòa bình và an ninh khu vực: Quan điểm của ASEAN” do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Indonesia tổ chức ngày 8/7/2021, Nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á Indonesia Veeramalla Anjaiah cho rằng, bất chấp đại dịch Covid-19, hành vi gây hấn của Trung Quốc ngày càng gia tăng trên Biển Đông, xâm phạm chủ quyền của các nước ASEAN, vi phạm luật pháp quốc tế và gây ra mối đe dọa lớn đối với hòa bình và an ninh trong khu vực. Học giả Veeramalla khẳng định: “Đã đến lúc ASEAN cần phải đoàn kết để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài cũng như UNCLOS năm 1982 mà Trung Quốc là một bên ký kết. Đồng thời, ASEAN phải nhanh chóng thúc đẩy các cuộc đàm phán về COC một cách thực chất, hiệu quả và có tính ràng buộc pháp lý phù hợp với UNCLOS".

Thanh Bình