Công bố 10 kỷ lục về biển đảo Việt Nam

08:05 | 30/05/2014

1,188 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chào mừng tuần lễ biển đảo Việt Nam (1/6-8/6/2014), Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa công bố 10 kỷ lục về biển đảo khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Đất nước Việt Nam có rất nhiều đảo, khoảng hơn 2.770 đảo ven bờ với tổng diện tích là 1.721 km2. Đặc biệt, Hoàng Sa và Trường Sa là quần đảo xa bờ đã được xác định chủ quyền của Việt Nam cách đây hơn 500 năm.

Biển đảo là một phần máu thịt không thể thiếu của đất nước và con người Việt Nam, nơi từ ngàn xưa đã có cư dân Việt sinh sống. Biển đảo Việt Nam hiền hòa, đẹp thơ mộng, là những bức tranh thiên nhiên sống động thu hút du khách khắp toàn thế giới như: Vịnh Hạ Long, Bạch Long Vỹ, biển Lăng Cô, Mỹ Khê, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu… đảo Phú Quốc, Côn Đảo… và ngay cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa xa xôi vẫn có nhiều du khách tìm đến.

Trong số hàng ngàn hòn đảo và hàng trăm bãi tắm đẹp hoang sơ ở Việt Nam, có nhiều nơi, nhiều vùng đã được quốc tế khảo sát công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố 10 kỷ lục về Biển đảo:

1. Hoàng Sa, Trường Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam được đặt nhiều tên nhất (Hoàng Sa, Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa, Đại Trường Sa, Cát (Kát) Vàng, Cồn Vàng; Phương Tây gọi là Paracel).

Hoàng Sa, Trường Sa cùng nằm trong một biển có nhiều tên nhất là Giao Chỉ Dương (bản đồ Trung Hoa), Đông Dương Đại Hải, Biển Champa ( Champa từ thế kỷ 16 theo các bản đồ Phương Tây), Biển Đông, Nam Hải, South  China Sea, Biển Đông Nam Á…

Người Bồ Đào Nha, Hà Lan đặt tên Hoàng Sa là Parcel (có nghĩa là ám tiêu); người Anh đặt tên Trường Sa là Pratlys; người Pháp đặt tên Trường Sa là Spratleys.. .

Và đặc biệt ghi chú rõ ràng Paracel là Cát Vàng (bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ, 1838 của Taberd; hoặc Kát Vàng, Cồn Vàng) trong  bài báo “Geography of the Cochinchine Empire” của GutzLaff naeng trong The Journal of the Geographical Society of London, vol. the 19th,1849, trang 97).

2. Hoàng Sa - Trường Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam có không gian lớn nhất, dài nhất, rộng nhất, sâu nhất, xa nhất, có nhiều đảo đá nhất.

Quần đảo Hoàng Sa nằm trong một phạm vi rộng khoảng 15.000 km2, giữa kinh tuyến 111oĐ đến 113oĐ, khoảng 95 hải lý, từ 17o5’B xuống 15o45’B, khoảng 90 hải lý; xung quanh là vùng biển có độ sâu hơn 1.000m, song giữa các đảo có độ sâu thường dưới 100m.

Cột mốc chủ quyền Trường Sa

Về khoảng cách với đất liền, quần đảo Hoàng Sa nằm gần đất liền Việt Nam: Từ đảo Tri Tôn đến Mũi Ba Làng An (Cap Batangan:15oB, 108o6’Đ), cách đất liền lục địa Việt Nam 135 hải lý, cách Cù Lao Ré chỉ có 123 hải lý.

Trong khi đó khoảng cách đảo gần nhất tới bờ đảo Hải Nam (Trung Quốc) xa tới 140 hải lý (đảo Hoàng Sa - Pattle:16oB, 111o6’Đ và Ling-Sui hay Leong Soi: 18oB, 110o3’Đ); nếu tính tới đất liền lục địa Trung Hoa còn xa hơn nhiều, tối thiểu là 235 hải lý.

Quần đảo Trường Sa cách quần đảo Hoàng Sa hiện nay tính đến đảo gần nhất vào khoảng 350 hải lý, đảo xa nhất 500 hải lý, cách Vũng Tàu 305 hải lý, Cam Ranh 250 hải lý, đảo Phú Quốc 240 hải lý, cách Bình Thuận (Phan Thiết) 270 hải lý.

Quần đảo Trường Sa trải dài từ vĩ độ 60 2’B tới 11028’B, từ kinh độ 1120Đ đến 1150Đ trong vùng biển chiếm khoảng 160.000km2 - 180.000km2. Biển tuy rộng nhưng diện tích các đảo, đá, bãi nổi lên khỏi mặt nước lại rất ít, chỉ tổng cộng khoảng 11 km2.

3. Hoàng Sa, Trường Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam được vẽ nhiều nhất trên tất cả các bản đồ cổ và hiện đại của Việt Nam và Quốc tế.

Với 50 bản đồ mô tả nước Việt Nam với thềm lục địa và Biển Đông ấn hành suốt từ 1525 đến 1886, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có cả những bản đồ do người Trung Quốc vẽ như: Bộ sưu tập bản đồ Võ bị chí, Hải quốc đồ chí (1842) của Ngụy Nguyên ghi rõ ngoài khơi phía Đông Việt Nam là Đông Dương đại hải (biển Đông rất lớn) hay ngoài khơi nước An Nam có ghi rõ Đông Nam hải (biển Đông Nam).

Cũng có những bản đồ vẽ về Hoàng Sa, Trường Sa tức Paracel có tọa độ rất sớm như An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ do giám mục Taberd vẽ, in năm 1838 là phụ bản của cuốn tự điển Latin- Annamiticum có ghi rõ “ Paracel seu Cat Vang” ( seu tiếng La tinh có nghĩa “hay là”).

4. Lễ hội dân gian duy nhất có từ xa xưa mô tả những khó khăn, gian khổ nhưng rất oai hùng của những người lính Việt Nam canh giữ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa.

Lễ hội Hoàng Sa được tổ chức tại Miếu Hoàng Sa ở làng An Vĩnh, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 20/2, âm lịch.

Lễ hội Hoàng Sa

Thời Chúa Nguyễn (Thế kỷ 17-18) đến thời vua Gia Long, Minh Mạng…(TK 19), tại Lý Sơn, Quảng Ngãi có thành lập một đội lính Hoàng Sa để vượt biển bằng những chiếc thuyền nhỏ bé, đi tuần tra ở những hòn đảo xa xôi ngoài khơi Thái Bình Dương, đó là quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Đội lính này một đi không trở lại vì ngoài khơi sóng gió, bão bùng làm tàu thuyền bị đắm. Người lính Hoàng Sa nhận nhiệm vụ ra đi là coi như đã chết.

Bởi vậy, trước khi lên thuyền ra khơi, đội lính này làm lễ tế thần tại một ngôi miếu có thờ Cốt ông Hoàng Sa (xương cá voi), gọi là Thần Hoàng Sa do những người lính Hoàng Sa đưa về từ quần đảo này cách đây chừng 300 năm.

5. Cuốn sách viết về Quốc hiệu, Cương vực và tập hợp số lượng bản đồ cổ và hiện đại về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nhiều nhất. (Xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2013)

Cuốn sách Việt Nam Quốc hiệu và Cương vực Hoàng Sa - Trường Sa của tác giả, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu do Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2012, dày 205 trang, khổ 15,5 x 23cm. Cuốn sách là công trình vừa mang tính khoa học, vừa phổ thông, khái quát suốt chiều dài lịch sử hơn 4.000 năm của dân tộc Việt Nam, từ thuở Vua Hùng dựng nước đến nay.

Đặc biệt, để cập nhật vấn đề thời sự, tác giả bổ sung phần về Lãnh hải Việt Nam gồm nhiều tư liệu và bản đồ cổ của thế giới ghi nhận Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam suốt hơn 500 năm qua.

6. Người có công trình nghiên cứu và hồ sơ, tài liệu về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam được dịch sang tiếng Anh nhiều nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu sử địa nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh năm 1939 tại Ninh Bình, sống và làm việc tại TP HCM.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã

TS Nguyễn Nhã đã tổ chức cuộc triển lãm sử liệu minh chứng chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam và ra mắt Tập san Sử Địa số 29, đặc khảo về Hoàng Sa - Trường Sa.

Năm 2003, ông trình đề tài nghiên cứu luận án Tiến sĩ cấp quốc gia với chủ đề về “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa”. Sau đó, ông đã tham gia viết nhiều tác phẩm, dự nhiều hội thảo trong nước và quốc tế. Trong  đó có 4 hội thảo quốc tế về Biển Đông ở Việt Nam và hội thảo tại Đại học Temple, Philadelphia năm 2010, hội thảo tại Đại học Harvard năm 2012…

Ngoài ra, ông còn tập hợp hồ sơ, tài liệu về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam để dịch ra tiếng Anh hơn 500 trang. Ông đã đưa tập hồ sơ tài liệu này đến Hội Địa lý quốc gia Mỹ, văn phòng Thượng Nghị sĩ J. Mc Cain, Jim Web và sẽ đưa tới thư viện các trường  Đại học trên thế giới.

7. Đạo diễn thực hiện nhiều phim tư liệu và phim truyện có nội dung về biển đảo Việt Nam nhất (Xác lập kỷ lục năm 2012)

Nguyễn Văn Lượng sinh năm 1957, tại Hải Phòng, là đạo diễn chuyên nghiệp của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng từ năm 1985. Ông đã thực hiện 221 bộ phim về đề tài đất nước, con người vùng biển đảo Việt Nam từ năm 1988 đến nay, trong đó có các thể loại: phim truyện, phim tài liệu, phim phóng sự...

Đạo diễn Nguyễn Văn Lượng

Phim của ông mang đậm nét biển đảo quê hương, với nhiều tình tiết, nhiều phân đoạn, phân cảnh… lột tả hết tâm trạng nhân vật, nói lên tình yêu quê hương miền biển đảo của người Việt Nam một cách nồng nàn, sâu sắc.

Với thành quả đó, năm 2012, đạo diễn Nguyễn Văn Lượng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: "Đạo diễn có số lượng phim về đề tài đất nước, con người miền biển đảo nhiều nhất”.

8. Bài thơ được cộng đồng Kỷ lục gia Việt Nam bình chọn để các nhà thư pháp kỷ lục gia viết thành Bức lụa thư pháp có độ dài kỷ lục đang được trưng bày tại Nhà Truyền thống huyện đảo Trường Sa.

Bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của tác giả Nguyễn Việt Chiến, được viết năm 2009 trong lần dự Trại sáng tác Văn học của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Hạ Long do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Cục chính trị quân chủng Hải quân tổ chức với đề tài sáng tác "Biển, đảo và người chiến sĩ hải quân” với sự tham gia của đông đảo các cây bút sung sức trong và ngoài quân đội.

Bức trướng lụa thư pháp

Bài thơ thể loại 8 chữ, có tất cả 40 câu, được đăng trên báo Thanh Niên. Sau đó có sức lan tỏa rất nhanh, được rất nhiều trang mạng điện tử trong và ngoài nước cùng hàng nghìn blog đưa lại. 

9. Thuyền trưởng, Nhạc sĩ viết nhiều ca khúc về biển đảo nhất (Xác lập kỷ lục năm 2013)

Thuyền trưởng, nhạc sĩ Tôn Huy (Tôn Quang Huy) sinh năm 1942 tại Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại trường để giảng dạy. Thời gian sau, ông xuống tàu lênh đênh trên biển khơi đi đây, đi đó và đã từng là thuyền trưởng trong suốt một thời gian dài.

Thuyền trưởng, nhạc sĩ Tôn Huy

Khi lên thuyền ra khơi, ông đã viết những ca khúc trữ tình, lãng mạn về biển đảo và sóng trùng dương mênh mông. Trong hơn 30 năm sáng tác, ông đã viết trên 100 ca khúc, trong đó có 12 ca khúc mang chủ đề về biển đảo tổ quốc Việt Nam gồm: Biển gọi, Khúc hát biển xanh, Em gái đảo xanh, Tình khúc đại dương, Mùa xuân với biển, Đường Bác Hồ trên biển, Sài Gòn mưa nắng, Hải Phòng và em, Chiều Quy Nhơn, Biển tình, Với biển, Tình khúc người đi biển.

10. Ca khúc viết về biển đảo cùng một lúc được hai giải thưởng âm nhạc cao nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc TP HCM.

Ca khúc Tổ quốc gọi tên mình của tác giả Đinh Trung Cẩn (phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai). Đây là tác phẩm hưởng ứng phong trào phát động viết ca khúc về biển đảo. Bài hát được viết cung La muneur, nhịp 6/8, điệu thức chậm, nồng nàn, tha thiết... và được các ca sĩ thành danh, nổi tiếng như NSƯT Tạ Minh Tâm, NSND Quang Thọ... trình bày.

Cuối năm 2011, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc TP HCM đều công bố quyết định trao tặng Giải A (giải cao nhất) cho ca khúc Tổ quốc gọi tên mình.

Võ Hiển