"Cơn sốt" năng lượng tái tạo ở xứ sở bò tót

15:14 | 29/06/2023

402 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tần suất khai thác và nhu cầu năng lượng tái tạo (NLTT) đang “lớn chưa từng thấy” tại Tây Ban Nha. Ở xứ sở bò tót, giá năng lượng tăng vọt đã thúc đẩy hoạt động lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho nhà ở riêng lẻ, các dự án sản xuất hydro mọc lên như nấm...
Tây Ban Nha - đất nước có nhiều nắng nhất ở châu Âu - từng là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về điện mặt trời

Tận dụng nắng mặt trời

Ở Pozuelo de Alarcón - một thị trấn khá giả ở ngoại ô vùng Madrid - bà Paloma Utrera tươi cười giới thiệu những tấm pin màu đen được lắp đặt trên mái nhà của mình. Bà nói: “Ở vùng này, chúng tôi có nắng gần như quanh năm. Tôi phải tận dụng điều đó”.

Như nhiều người Tây Ban Nha khác trong những tháng gần đây, người phụ nữ 50 tuổi làm việc trong lĩnh vực hàng không này đã bắt đầu lên kế hoạch “tự sản xuất và tiêu dùng” từ cuối tháng 9-2022, bằng cách lắp đặt 13 tấm pin quang điện tại nhà, với tổng công suất 4,5 kW. Bà nhận xét: “Đó là một khoản đầu tư lớn, nhưng nhà nước có hỗ trợ chúng tôi. Tôi cũng đã tiết kiệm được kha khá tiền điện. Đây là một quyết định thực sự đáng giá”. Thật vậy, bà Paloma Utrera đã có ý định cắt giảm một nửa hóa đơn tiền điện của mình từ mùa thu.

Engel Solar - một doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ và đội ngũ nhân sự gồm 200 người - đã thực hiện lắp đặt điện mặt trời áp mái cho bà Paloma Utrera. Theo họ, những tấm pin mặt trời có thể đáp ứng 50-80% nhu cầu sử dụng điện của một hộ gia đình. Ông Joaquín Gasca - Giám đốc thương mại của Engel Solar - cho biết: “Xét thấy với giá điện hiện nay, đây là một lựa chọn đầy thu hút”.

Engel Solar được thành lập năm 2005 tại Barcelona. Chỉ trong 2 năm, doanh thu của công ty tăng lên gấp 5 lần. Dự kiến năm 2023 sẽ là một bước nhảy vọt đối với họ. Thật vậy, ông Joaquín Gasca tâm sự: “Điện thoại công ty cứ đổ chuông không ngừng, thật là điên rồ và ngoạn mục!”.

Trong năm 2022, công suất lắp đặt điện mặt trời cho mục đích tự sản xuất và tiêu dùng trên toàn Tây Ban Nha vượt hơn 2.000 MW, cao gần gấp đôi so với năm 2021 (1.203 MW) và gấp 4 lần so với năm 2020 (596 MW).

Bỏ tiền vào mái nhà hơn ngân hàng

Chưa bao giờ, người Tây Ban Nha lại nhiệt tình tìm đến lối sống “tự cung tự cấp điện” như vậy.

Ông Francisco Valverde - chuyên gia về NLTT tại Công ty Menta Energia - cho biết: “1 năm trước, khi nhìn những mái nhà ở những thị trấn và làng mạc của Tây Ban Nha, chúng tôi thấy rất ít tấm pin quang điện, nhưng ngày nay, tình hình đã hoàn toàn thay đổi”.

Ông José Donoso - Tổng thư ký của Hiệp hội Quang điện Tây Ban Nha (UNEF) - giải thích: “Người Tây Ban Nha thấy hàng xóm của mình đang bắt đầu tự sản xuất và tự tiêu dùng điện, thấy hàng xóm có vẻ hài lòng và đang tiết kiệm được tiền. Điều này khuyến khích họ làm điều tương tự”. UNEF tập hợp 780 công ty trong lĩnh vực điện mặt trời. Theo UNEF, trong năm 2022, công suất lắp đặt điện mặt trời cho mục đích tự sản xuất và tiêu dùng trên toàn Tây Ban Nha vượt hơn 2.000 MW, cao gần gấp đôi so với năm 2021 (1.203 MW) và gấp 4 lần so với năm 2020 (596 MW).

Ông José Donoso chia sẻ: “Thị trường điện mặt trời đã trở nên rất cạnh tranh, với chi phí lắp đặt hiện nay rẻ hơn 90% so với 14 năm trước. Nhờ thế, người dân muốn để tiền trên mái nhà hơn là để trong ngân hàng!”.

Lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà ở Tây Ban Nha

“Dân chủ hóa nền năng lượng”

Lĩnh vực NLTT đã gặt hái được nhiều quả ngọt. Vào 15 năm trước, Tây Ban Nha - đất nước có nhiều nắng nhất ở châu Âu - từng là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về điện mặt trời. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năm 2008 đã cản trở sự tăng trưởng điện mặt trời, khiến Tây Ban Nha tụt lại sau lưng nhiều nước châu Âu khác, lý do: Chính phủ ngưng trợ cấp cho điện mặt trời. Sau đó, vào năm 2015, Chính phủ dưới thời cựu Thủ tướng Mariano Rajoy đã đánh thuế những hộ gia đình tự sản xuất điện và thu hồi một phần điện mặt trời để đưa vào lưới điện quốc gia. Nhiều người đã chế giễu đây là “thuế mặt trời”.

Theo những nhà môi trường, những tập đoàn năng lượng lớn lo lắng về nguy cơ cạnh tranh. Do đó, họ đã gây áp lực lên chính phủ để có được chính sách “thuế mặt trời”. Vào năm 2018, khi Tây Ban Nha có Thủ tướng mới, chính sách “thuế mặt trời” bị bãi bỏ, tạo điều kiện thúc đẩy điện mặt trời phát triển.

Vào cuối tháng 10-2018, Thủ tướng Pedro Sanchez đã khẳng định: Lối sống tự sản xuất và tiêu dùng điện sẽ giúp “dân chủ hóa nền năng lượng” và giúp người tiêu dùng thoát khỏi gọng kìm của “những gã khổng lồ năng lượng”.

Ông Pedro Sanchez kỳ vọng Tây Ban Nha sẽ đạt được thêm 39.000 MW công suất điện mặt trời từ nay đến năm 2030, trong đó có 9.000-14.000 MW đến từ nguồn điện mặt trời riêng lẻ. Theo ông, vào năm 2021, điện mặt trời chỉ chiếm 9,9% cơ cấu năng lượng của Tây Ban Nha, thua xa điện gió (23,3%), điện hạt nhân (20,8%) và nhiệt điện khí (17,1%).

Ông Joaquín Gasca cho biết thêm: “Ngày nay, Tây Ban Nha chỉ có 4-5% số căn hộ được trang bị hệ thống điện mặt trời. Do đó, khoảng cách vẫn còn rất lớn. Tôi hy vọng điện mặt trời sẽ trở thành nguồn năng lượng hàng đầu trong nước”.

Hãng vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk sẽ xanh hóa đội tàu của mình
Hãng vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk (Đan Mạch) và Chính phủ Tây Ban Nha đã công bố một dự án trị giá 10 tỉ euro sử dụng nhiên liệu cho đội tàu của Maersk, hướng tới việc phát triển sản xuất methanol xanh ở Tây Ban Nha.

Mục tiêu của Maersk là sản xuất 2 triệu tấn methanol xanh mỗi năm, nhằm khử carbon phát thải khi vận hành đội tàu của họ. Theo các dự báo, Maersk cần khoảng 6 triệu tấn methanol xanh mỗi năm để đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải CO2 vào năm 2030.

Đầu năm 2023, Maersk đã tiết lộ một kế hoạch quy mô lớn tập trung vào methanol xanh, hướng tới mục tiêu khử carbon cho đội tàu của mình bằng cách loại bỏ dần việc sử dụng dầu diesel. Ngoài Tây Ban Nha, Maersk dự định phát triển sản xuất methanol xanh tại Ai Cập.

Methanol xanh còn được gọi là E-methanol, được tạo ra bằng cách trộn carbon dioxide (CO2) và hydro xanh.

Nở rộ siêu dự án hydrogen xanh

Từ Andalusia đến xứ Basque, các siêu dự án hydrogen xanh đang trải rộng khắp Tây Ban Nha. Dù vậy, nhiều người nghĩ đây là một “canh bạc”, vì mô hình kinh tế tương lai cho loại năng lượng xanh này vẫn chưa xuất hiện.

Ông Miguel Angel Fernandez - Giám đốc Trung tâm hydrogen quốc gia (CNH2) của Tây Ban Nha - cho biết: “Mọi thứ đang diễn ra rất nhanh. Có rất nhiều sáng kiến mà chúng tôi không thể liệt kê ra hết”.

Vùng Puertollano, nơi đặt trụ sở CNH2, là một vùng nổi tiếng về hoạt động khai thác mỏ. Tại đây, gã khổng lồ năng lượng Iberdrola đã bắt đầu xây dựng một dự án thử nghiệm từ mùa hè năm 2022. Họ nói đây sẽ là nhà máy sản xuất hydrogen xanh lớn nhất châu Âu, dùng để phục vụ cho hoạt động công nghiệp. Sau khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm, những bể chứa khổng lồ màu trắng của cơ sở tiên phong này sẽ được kết nối vào trang trại điện mặt trời 100 MW. Cơ sở sẽ sản xuất tới 3.000 tấn hydrogen, giúp đáp ứng 10% nhu cầu tiêu thụ hằng năm của nhà máy sản xuất phân bón lân cận của gã khổng lồ Fertiberia.

Theo Iberdrola, cơ sở này sẽ giúp tránh phát thải tận 48.000 tấn CO2/năm. Iberdrola cũng đang muốn thử nghiệm năng lực sản xuất quy mô lớn hơn. Ông Javier Plaza - người đứng đầu bộ phận hydrogen xanh tại Iberdrola - cho hay: “Nếu dự án hoạt động, chúng tôi sẽ khởi động giai đoạn thứ hai với quy mô lớn hơn nữa nhằm đáp ứng 100% nhu cầu của nhà máy phân bón, trước khi mở rộng mô hình này sang những nhà máy khác của Fertiberia.

Sau Iberdrola, trong những tháng gần đây, nhiều đối thủ nặng ký trong ngành năng lượng Tây Ban Nha như Cepsa, Naturgy, Repsol... cũng đã tham gia vào cuộc đua hydrogen xanh, bằng cách tung ra những dây chuyền sản xuất sản phẩm từ điện tái tạo, thay vì từ điện nhiên liệu hóa thạch như hydrogen xám.

Ở Andalusia (miền Nam Tây Ban Nha), 3 tỉ euro sẽ được đưa vào đầu tư cho “Thung lũng hydrogen xanh Andalusia” - một khu phức hợp công nghiệp bao gồm 2 nhà máy khổng lồ, có khả năng sản xuất 300.000 tấn khí đốt không carbon kể từ năm 2027. Theo chủ dự án, loại khí này sẽ chỉ thải ra hơi nước khi đốt. Nhiều người đang đặt cược vào loại khí này để khử carbon trong ngành giao thông vận tải và công nghiệp.

Còn ở xứ Basque (miền Bắc Tây Ban Nha), 1,4 tỉ euro đã được rót vào một dự án với sự tham dự của 60 doanh nghiệp. Ở Asturias, 15 trang trại quang điện sẽ hoàn tất xây dựng vào năm 2030, công suất sản xuất hydrogen là 330.000 tấn.

Theo các chuyên gia, Tây Ban Nha có tiềm năng sản xuất hydrogen tái tạo với sản lượng lớn, không chỉ để phục vụ cho nhu cầu của chính Tây Ban Nha mà còn đủ để xuất khẩu sang Bắc Âu. Hiệp hội Hydro Tây Ban Nha (AeH2) cho biết, có gần 50 dự án đang được tiến hành.

Điện mặt trời áp mái

“Đánh bạc” với năng lượng xanh?

Tuy nhiên, đối với Tây Ban Nha, tham vọng tăng tốc hydrogen xanh có vẻ là một “canh bạc”. Trên thực tế, hydrogen xanh hiện có chi phí sản xuất cao hơn nhiều so với hydrogen xám. Như vậy, hydrogen xanh chưa chứng minh được tiềm năng kinh tế của nó, ngay cả khi chi phí biên đang giảm dần, giúp mang lại sự lạc quan.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nỗ lực phổ biến hóa việc sử dụng hydrogen xanh sẽ khiến mặt bằng phương tiện vận tải hoặc cơ sở công nghiệp trải qua “sự biến đổi sâu sắc”, làm thị trường hydrogen trở nên bấp bênh vì thiếu cân bằng giữa cung và cầu.

Vào tháng 1-2023, bà Cani Fernandez - người đứng đầu Cục Cạnh tranh Tây Ban Nha - đã lên tiếng cảnh báo: “Chúng tôi không thể tạo ra một nguồn cung hydrogen xanh quá lớn, vì lượng chi phí phát sinh sẽ làm mất khả năng cạnh tranh trên tổng thể ngành công nghiệp”. Để bảo đảm sản xuất hydrogen xanh, Tây Ban Nha trông cậy vào hệ thống đường ống dẫn ngầm tương lai giữa Barcelona và Marseille (có tên gọi là H2Med). Vào năm 2030, đường ống này sẽ giúp vận chuyển 2 triệu tấn hydro/năm.

Điện mặt trời và hydro tại Tây Ban Nha

Tuy nhiên, dự án này phải đối mặt với một loạt trở ngại, chủ yếu liên quan đến bản chất của khí hydro. Đó là những phân tử nhỏ, rất dễ bắt cháy và khó vận chuyển. Vì vậy, nhiều người nghi ngờ về thời hạn hoàn thành dự án H2Med. Dù vậy, gã khổng lồ Iberdrola cũng nhận thức được những khó khăn. Ông Javier Plaza nói: “Đây là một cuộc đua dài hạn, nhưng điều quan trọng là phải bắt đầu ngay từ bây giờ, bất chấp rủi ro, vì ai đi trước sẽ có lợi thế hơn”.

Năm 2021, Chính phủ Tây Ban Nha công bố kế hoạch hỗ trợ sản xuất hydrogen xanh dựa trên việc sử dụng quỹ kích cầu của châu Âu, với tham vọng đưa nước này trở thành trung tâm công nghiệp về loại năng lượng sạch này.

“Chính phủ Tây Ban Nha cam kết chắc chắn về hydrogen xanh”, Thủ tướng Pedro Sanchez khẳng định. Hydrogen xanh là một trong những lĩnh vực mục tiêu của kế hoạch phục hồi của Tây Ban Nha đã được gửi tới Liên minh châu Âu (EU) để hưởng lợi từ các quỹ đặc biệt của châu Âu, nhằm đối mặt với đại dịch Covid-19. Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết, khoảng 1,5 tỉ euro sẽ được rút từ các khoản tiền này trong vòng 3 năm tới, nhưng không nói rõ đây là khoản tài trợ hay khoản vay.

“Sự hỗ trợ vững chắc cho công nghệ hydrogen xanh sẽ kích thích các nhà đầu tư huy động tới 8,9 tỉ euro vào năm 2030” - Thủ tướng Tây Ban Nha cho biết trong một tuyên bố, trong đó nói rằng, sự hỗ trợ dựa trên quan hệ đối tác công tư. Tây Ban Nha đã đưa ra lời kêu gọi cho các dự án về hydrogen xanh như một phần của việc phân phối các quỹ châu Âu, tuyên bố đã nhận được hơn 500 đề xuất từ các công ty.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã khẳng định: Lối sống tự sản xuất và tiêu dùng điện sẽ giúp “dân chủ hóa nền năng lượng”. Ông Pedro Sanchez kỳ vọng Tây Ban Nha sẽ đạt được thêm 39.000 MW công suất điện mặt trời từ nay đến năm 2030, trong đó có 9.000-14.000 MW đến từ nguồn điện mặt trời riêng lẻ.

S.Phương