Cơ sở của niềm tin

07:00 | 20/01/2016

906 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Toàn bộ công việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XII của Đảng đã hoàn tất, chúng ta vui mừng chờ đón và gửi gắm niềm tin vào Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XII của Đảng khai mạc vào ngày 21/1/2016, trước thềm Xuân mới Bính Thân trong niềm hân hoan chào đón của toàn Đảng, toàn quân toàn dân.

Cả dân tộc ta gửi gắm niềm tin với đầy đủ cơ sở vào kỳ đại hội đặc biệt quan trọng này. Niềm tin đó bắt nguồn từ nhưng thành quả mà năm 2015 và của nhiệm kỳ 2011-2016 vừa qua. 

co so cua niem tin

Năm 2015 đã khép lại và đúng như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá: Năm qua, với sự nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, kết quả phát triển kinh tế - xã hội vẫn khá tích cực, tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt khá, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định; tiềm lực kinh tế của đất nước tăng lên. Tôi cho rằng, đó là một sự cố gắng rất lớn, tạo tiền đề cho năm 2016 và các năm tiếp theo.

Bước vào Đại hội XII, Đảng ta trải qua 11 kỳ Đại hội, nhưng lần này trong dư luận đã hình thành cách nghĩ, cách làm mới về vai trò và vị thế lãnh đạo của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong suốt chiều dài lịch sử lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước, quyền lãnh đạo của Đảng được quy định trong điều 4 của Hiến pháp 2013. Đây là dấu mốc cực kỳ quan trọng trong quá trình luật hóa việc lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp.

Các chuyên gia đã chỉ ra những điểm sáng của bức tranh kinh tế đất nước. Điểm sáng rực rỡ nhất là nền kinh tế đã tăng trưởng 6,68%. Trong nhiệm kỳ 5 năm, đây là lần đầu tiên mức tăng trưởng đạt cao hơn mức chỉ tiêu kế hoạch, với nhiều điểm rất tích cực và rất đáng chú ý. Hiệu ứng tích cực của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi…, hiệu ứng của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, giúp nước ta bội thu nhất về cơ hội hội nhập sâu với kinh tế thế giới.

Những yếu tố tăng trưởng này không chỉ là kết quả riêng của  riêng năm 2015 mà là của cả một nhiệm kỳ, một quá trình bắt đầu từ năm 2011 khi Đảng và Quốc hội điều chỉnh mục tiêu phát triển, chuyển từ mục tiêu phát triển nhanh, bền vững sang tăng trưởng mức hợp lý, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội để thích ứng với điều kiện suy thoái kinh tế thế giới và các bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.Đáng chú ý là chúng ta đã chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục đạt được kết quả tích cực trong những lĩnh vực trọng tâm như: Doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công, ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu nông nghiệp…

Dự báo của các chuyên gia cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh Á - Âu hằng năm sẽ tăng khoảng 18-20%. Ngoài ra, những FTA khác đang chờ đợi như Việt Nam - EU; TPP... sẽ đem lại thời cơ và triển vọng mới cho kinh tế Việt Nam.

Nhiệm kỳ này Đảng ta chắc chắn sẽ có kế hoạch rõ ràng hơn, cụ thể hơn để cho các ngành, từng doanh nghiệp, người dân nắm vững được cơ hội khi mà các hiệp định này mang lại và giao các cơ quan chức năng hướng dẫn cách làm thế nào để tận dụng cơ hội đó, đồng thời phải chỉ ra được những thách thức trong từng ngành, từng lĩnh vực. Đã đến lúc các hiệp hội không chỉ là nơi hiếu hỷ, hội hè đình đám mà phải xắn tay làm việc với doanh nghiệp, từ đó xây dựng những cơ chế chính sách thúc đẩy cho nội lực trong nước có thể tận dụng được những cơ hội mà FTA mang lại và có kế hoạch vượt qua những thách thức đó.

Ngay tại Hội nghị Trung ương 14, trong khi chuẩn bị những công việc cuối cùng cho Đại hội XII, Trung ương vẫn giành thời gian thảo luận và thống nhất nhận định, việc nước ta tham gia đàm phán TPP thể hiện sự chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tham gia các thể chế kinh tế đa phương, góp phần xây dựng quan hệ kinh tế công bằng, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi; xuất phát từ nhu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước, triển khai thực hiện các đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đất nước theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Trung ương nhận định, cơ hội mà Hiệp định TPP đem lại cho nước ta là rất lớn và cơ bản. Song thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, các thách thức này đã được nhận diện và với kinh nghiệm của 30 năm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, với nỗ lực, sáng tạo và ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta quyết tâm vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội do Hiệp định TPP mang lại để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Cương lĩnh dự thảo vẫn nhấn mạnh nội dung đoàn kết trong Đảng. Vấn đề không mới bởi đoàn kết trong Đảng xưa nay bao giờ cũng là hạt nhân đoàn kết toàn xã hội và đoàn kết quốc tế. Quan điểm đoàn kết trong Đảng như thế nào, sinh thời Bác Hồ đã nêu ra không chỉ một lần. Cho đến khi ra đi, trong Di chúc, Bác vẫn dạy phải gìn giữ sự đoàn kết trong Đảng như con người giữ gìn mắt mình. Người nhấn mạnh, phải thực hành dân chủ trong Đảng, phải từ thực hành dân chủ mới có thể đoàn kết tốt ngoài xã hội.

Đoàn kết trong Đảng có truyền thống hết sức tốt đẹp! Tuy nhiên, cán bộ, đảng viên vẫn thấy đâu đó những biểu hiện của hiện tượng mất đoàn kết, nhất là ở địa phương do mất dân chủ, do tham nhũng và do yếu kém trong công tác kiểm tra, thanh tra. Điều đáng lo ngại cho sự mất đoàn kết chính là việc núp bóng quy định, nấp sau quy trình. Cách làm việc máy móc theo “quy trình” đã vẽ đường cho hươu chạy, tiềm ẩn nguy cơ bè phái, dòng họ, mánh mung, khiến mất đoàn kết gia tăng. Nếu không thực hiện tốt di huấn của Bác Hồ về đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết thì “thành công tiểu” cũng khó bề thành đạt. Đoàn kết trong Đảng trước hết là sự gương mẫu đoàn kết ở Trung ương, ở các bộ, ngành, ở tỉnh ủy, huyện ủy xuống đến từng chi bộ cơ sở. Trung ương, Đảng bộ các cấp cần đưa ra khỏi hệ thống chính trị các cán bộ là “nhân tố đen” gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và biểu quyết thông qua nhân sự đề cử bổ sung một số đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XII; nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XII và danh sách đề cử các đồng chí ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XII với số phiếu rất tập trung.

Cùng với đồng bào và chiến sĩ cả nước, 60.000 người lao động trong ngành Dầu khí Việt Nam hướng về Đại hội XII của Đảng bằng ngọn lửa nhiệt tình, ý thức trách nhiệm và văn hóa Dầu khí. Tin rằng, Cương lĩnh của Đảng sẽ tiếp sức cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vượt lên trong giai đoạn thử thách cam go này. Những người làm Dầu khí Việt Nam có đủ cơ sở để hy vọng và gửi gắm niềm tin vào Đại hội XII của Đảng sẽ quyết định cương lĩnh phát triển trong thời kỳ mới. Và mong rằng Đại hội sẽ bầu được ban lãnh đạo và nhất là Tổng bí thư đáp ứng lòng dân, ý Đảng để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!

Bảo Dân

Năng lượng Mới 492