Cổ phần hóa… văn hóa!

15:22 | 03/10/2017

1,022 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có lẽ câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) sẽ là một bài học đắt giá cho việc cổ phần hóa (CPH) một giá trị không thể đo đếm được, đó là lịch sử, là văn hóa, là ký ức của một thương hiệu tầm cỡ quốc gia.

Bởi rằng, dường như chưa có một cuộc CPH nào mà khiến một vị Phó Thủ tướng phải xuống hiện trường khảo sát, gặp gỡ và trực tiếp lắng nghe ý kiến của những người trong cuộc.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thực hiện CPH một đơn vị trực thuộc. Cách đây hơn 1 năm, Tổng Công ty Phát hành sách Việt Nam (Savina) cũng đã được CPH thành công. Ở đấy cũng có “đất vàng”, cũng có thương hiệu, cũng có những giá trị về lịch sử, văn hóa, ký ức… và cuộc CPH đã diễn ra suôn sẻ. Theo phương án CPH, Savina có vốn điều lệ 679 tỉ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 10% vốn, người lao động nắm giữ 0,36%, bán cho nhà đầu tư chiến lược 65%; đấu giá công khai 24,6% và bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 16,73 triệu cổ phần, tương đương 24,6% vốn.

co phan hoa van hoa

Điều khác biệt là trong cuộc CPH Savina, Bộ VH-TT&DL đã chọn đúng “mặt” để “gửi vàng”, đó là nhà đầu tư chiến lược Vingroup với sức mạnh vượt trội về mọi mặt, kể cả về vật chất và tinh thần, cả về văn hóa doanh nghiệp (DN) và năng lực quản trị.

Còn với VFS thì sao, hẳn nhiều người đã biết qua giới truyền thông thời gian vừa qua bởi những cuộc gặp gỡ đẫm nước mắt, đầy bức xúc của nhiều nghệ sĩ, nhiều đạo diễn, nhà biên kịch và diễn viên điện ảnh nổi tiếng.

Ở bài viết này không có ý định đề cập chuyện đúng hay sai của các cơ quan liên quan vì còn phải đợi kết quả từ cơ quan thanh tra, mà chỉ xin dẫn lời của những chuyên gia liên quan đến việc định giá thương hiệu của VFS là 0 đồng.

Khi nói về con số 0 lạnh lẽo này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Bộ VH-TT&DL Trần Hoàng giải thích: Theo quy định tại khoản 7, Điều 18, Thông tư 127/2014/TT-BTC thì giá trị lợi thế kinh doanh được tính vào giá trị DN gồm giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển.

“Ở đây chúng tôi cũng muốn giải thích rõ các căn cứ quy định hiện hành của Nhà nước về xác định giá trị thương hiệu. Giá trị thương hiệu ở đây bao gồm cả những chi phí thành lập DN, chi phí liên quan đến việc quảng cáo, giữ bản quyền thương hiệu và chi phí đào tạo… trong quá trình hoạt động của DN trước thời điểm xác định giá trị DN 5 năm.

Giá trị lợi thế kinh doanh tính vào giá trị DN CPH là tiềm năng phát triển của DN được đánh giá trên cơ sở khả năng sinh lời của DN trong tương lai khi so sánh tỷ suất lợi nhuận của DN với lãi suất trái phiếu Chính phủ”.

Và cuối cùng, một công thức đã được định vị: Giá trị lợi thế kinh doanh của phần Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam = giá trị thương hiệu + giá trị lợi thế kinh doanh = 0 đồng.

Đại biểu Quốc hội, Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: “CPH là xu thế tất yếu, nhưng CPH mỗi cơ quan, đơn vị phải dựa trên tính chất đặc thù của lĩnh vực, một đơn vị văn hóa không thể giống với nhà máy, công xưởng. Nhìn vào câu chuyện của Hãng phim truyện Việt Nam để thấy, dường như không ai quan tâm đến giá trị phi vật thể của nó. Hãng phim truyện Việt Nam có bề dày lịch sử gắn liền với cả một thời kỳ phát triển của đất nước. Nó góp sức rất nhiều cho đời sống văn hóa và tinh thần của dân tộc trong giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất”. Theo ông, điều này đáng lẽ ra cần phải được trân trọng, không thể nhân danh xã hội hóa mà hy sinh một phần giá trị văn hóa và lịch sử.

GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian, đã đặt ra câu hỏi: “Sau khi cổ phần rồi, những giá trị như hàng trăm tác phẩm, rất nhiều giải thưởng giờ nên thuộc về đơn vị nào quản lý, là Bộ VH-TT&DL hay là DN mới cổ phần? Như chiếc máy quay phim thì có thể định giá được nhưng những danh hiệu, giải thưởng đã đạt được thì giá bao nhiêu, ai sẽ sở hữu nó?”.

Phát biểu về vấn đề này, nhà văn quân đội Chu Lai đã nói rằng, thế hệ của ông khi ra trận đã mang theo trong từng tế bào hình ảnh của cả một thế hệ “vàng” của nền điện ảnh Việt Nam cùng vượt Trường Sơn, cùng xông vào chiến trận và cùng làm nên những chiến thắng lẫy lừng.

Những giá trị ấy không thể định lượng bằng tiền bạc.

PGS.TS Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

co phan hoa van hoa

Trong ký ức tôi vẫn nhớ, hình cô Trà Giang đạp chiếc xe màu xanh coban đi trên con đường Phan Đình Phùng đẹp đến nao lòng hay hình ảnh “em bé Hà Nội" chạy xe ngoài đường đã khiến bao nhiêu người dõi theo. Đó là bởi những thước phim mà họ đóng đã đi vào lòng người, theo cùng năm tháng.

Vì thế, giờ khi giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam bị định giá 0 đồng, những người nghệ sĩ cảm thấy tổn thương ghê gớm. Họ coi trọng việc tôn vinh thương hiệu chứ không quan tâm đến việc khu đất vàng được định giá bao nhiêu. Vì vậy, khi nhắc đến những thương hiệu văn hóa, đừng đem giọng "con buôn" ra để ứng xử”.

Nguyễn Long Vân