Có nên để doanh nghiệp tự quyết giá bán lẻ xăng dầu?
Theo quy định hiện hành, nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế thu vào ngân sách nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), định hướng cho việc tính giá xăng dầu. Cụ thể, nhà nước công bố mức giá trần để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống của doanh nghiệp, không cao hơn mức giá nhà nước công bố.
![]() |
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ chủ động cân đối chi phí nếu được tự quyết về giá bán lẻ |
Theo Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu thời gian qua có nhiều biến động và nguồn cung xăng dầu có thời điểm bất ổn là do các chi phí kinh doanh chưa tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do nhà nước điều hành, dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan quản lý đề xuất hai phương án.
Phương án 1, vẫn điều hành giá xăng dầu như hiện nay, nhưng sửa công thức giá cơ sở theo hướng bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp chưa được tính, như premium trong nước. Các quy định về phương thức, tần suất xác định chi phí... sẽ được rà soát để đảm bảo tính đúng, đủ vào giá cơ sở xăng dầu.
Phương án 2, nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế, lợi nhuận định mức, mức trích, sử dụng BOG... Đây được coi là giá định hướng, các doanh nghiệp trên cơ sở dữ liệu này sẽ cộng các chi phí kinh doanh, vận chuyển, premium... để tự xác định và công bố giá bán lẻ của mình. Doanh nghiệp tự kê khai khi thay đổi giá bán, báo cáo Liên bộ Công Thương - Tài chính để giám sát.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đề nghị chọn phương án 2 với lý do cần đưa giá xăng dầu dần về sát với thị trường, giảm dần sự can thiệp nhà nước. Mặt khác, phương án này đảm bảo các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh của từng doanh nghiệp, hạn chế đầu cơ, găm hàng và khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.
Theo Bộ Công Thương: "Khi doanh nghiệp đầu mối được tự quyết định các chi phí kinh doanh, họ sẽ cân đối, duy trì chiết khấu trong hệ thống phù hợp với thực tế cung cầu trên thị trường, nên vấn đề bất cập về chiết khấu được giải quyết".
Tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng, với một hệ thống cồng kềnh nhiều tầng nấc từ doanh nghiệp đầu mối, các tổng đại lý, đại lý đến cửa hàng bán lẻ, việc xảy ra chênh lệnh giá cùng một mặt hàng, tại các khu vực khác nhau trên cả nước chắc chắn sẽ diễn ra. Bởi vậy, việc giám sát kinh doanh xăng dầu của Liên bộ Công Thương - Tài chính chắc chắn sẽ khó kiểm soát. Đặc biệt là tình trạng bán lẻ xăng dầu không có hóa đơn như hiện nay có thể dẫn đến khiếu nại trên diện rộng, hay cơ quan quản lý không thể giải thích việc "đứt gãy cung ứng" khi đất nước không thiếu xăng. Mong rằng Bộ Công Thương sẽ không phải lâm vào cảnh "thả gà ra đuổi".
Tùng Dương
![]() |
![]() |
![]() |
-
Phê duyệt khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay tiếp tục giữ sắc đỏ
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 11/4: Equinor dự báo giao dịch dầu khí yếu trong Quý I
-
Khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu: Ả Rập Xê Út không bỏ lỡ cơ hội
-
Các nhà máy lọc dầu Mỹ sẽ không thúc đẩy đầu tư trong bối cảnh bất ổn