Có một “Mường Tè mới”

11:32 | 28/05/2020

682 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chúng tôi đến Mường Tè (tỉnh Lai Châu) đúng vào dịp cả nước xoá bỏ “giãn cách xã hội” do đại dịch Covid-19. Một tuyến đường đôi chạy dài tít tắp. Hai bên là những cột đèn đường cao áp. Ban đêm đèn sáng lung linh. Cánh đồng ven suối Nậm Cấu san sát nhà cửa. Thị trấn Mường Tè tấp nập xe cộ. Xe của công ty đang thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong huyện. Xe của các đơn vị thi công các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ. Và tấp nập các xe chở hàng hoá thiết yếu từ dưới xuôi lên và chở đi những hàng hoá lâm thổ sản của địa phương. Những chiếc xe khách loại vừa, biển số nhiều tỉnh nối đuôi nhau ngược xuôi… Mấy khách sạn, nhà nghỉ trong thị trấn tiện nghi như các khách sạn ở các đô thị lớn. Thích nhất là mạng Internet rất mạnh, rất tiện cho khách sử dụng. Tiếng loa phóng thanh tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam đều đặn sáng tối vang vang, kéo Mường Tè lại gần với Hà Nội và cả nước.
co mot muong te moi
Ông Mai Văn Thạch - Chủ tịch UBND huyện Mường Tè.

Năm 1992, Mường Tè có diện tích tự nhiên bằng ba tỉnh Nam Hà, Thái Bình và Hưng Yên cộng lại. Từ thị xã Mường Lay của tỉnh Lai Châu, con đường men theo bờ trái sông Đà, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là sông Đà sâu thẳm.

Đi một trăm cây số chỉ qua 4 xã. Sông Đà (tiếng Thái là “Nậm Tè” - sông lớn) chảy từ Trung Quốc vào đất Việt quãng thác Cảnh Mỏ, chia đôi huyện. Không có cầu qua sông. Năm nào cũng có người chết khi bơi qua sông. Từ khi có đập thuỷ điện Hoà Bình, nước sông Đà dâng lên, thuyền máy loại nhỏ có thể chạy từng đoạn ngắn. Nhưng Mường Tè vẫn là nơi khó vào nhất Tây Bắc.

Vào thời điểm những năm 1990, tại Hà Nội, sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho lập dự án phát triển kinh tế - xã hội Mường Tè và giao Bộ trưởng Hà Quang Dự làm trưởng ban. Sau Bộ trưởng Lê Văn Triết, đồng chí Hà Quang Dự là vị Bộ trưởng thứ hai lên sống với dân Mường Tè. Tuổi còn trẻ, có sức khoẻ, Bộ trưởng Hà Quang Dự ráo riết đi tuyến, đốc thúc việc triển khai dự án, làm cầu treo qua sông Đà, tập trung làm đường bộ tới các xã khó khăn, xây dựng hệ thống thuỷ lợi vừa cấp nước sinh hoạt cho bà con, vừa lấy nước canh tác phục vụ chương trình định canh định cư, khoanh nuôi bảo vệ rừng… Chỉ trong một thời gian ngắn, bản Phìn Khò đã có hơn 50 hộ dân sống trong rừng trở về.

Sáng 7/5/2020, theo Quốc lộ 4H từ thị trấn Mường Tè, chúng tôi lên bản Mường Tè, xã Mường Tè. Nhìn dòng sông Đà lững lờ trôi bên trái tuyến đường với những cầu bê tông cốt thép dự ứng lực bắc ngang, nối những điểm định canh định cư vùng lòng hồ dự án thuỷ điện Sơn La – Lai Châu, nối các xã vùng sâu của huyện mà lòng nhớ tới ước mơ nay đã thành hiện thực của Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Bản Mường Tè cũ nay đã thuộc vùng lòng hồ. Bản Mường Tè mới khang trang, nhà sàn mái lợp tôn xanh san sát. Đoạn đường vào bản Giẳng, nơi có trường tiểu học mang tên cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tráng nhựa, hai ôtô tải nhỏ tránh nhau dễ dàng. Hàng hoá bày bán bên đường không thiếu thứ gì.

co mot muong te moi
Đường lên Mường Tè (Lai Châu) quanh co, đèo đốc.

Theo di nguyện của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, ông Nguyễn Hữu Châu con trai trưởng của Luật sư, đã xây tặng dân bản Giẳng ngôi trường, tri ân bà con trong bản đã cưu mang, đùm bọc Luật sư thời gian 1951 - 1952, ông bị thực dân Pháp bắt, đưa lên an trí nơi đây. Chúng tôi đến đúng giờ ra chơi, các cháu ùa ra sân trường chạy nhảy ồn ã. Thật là vui.

co mot muong te moi
Các cháu học sinh Trường Tiểu học thị trấn Mường Tè xịt khuẩn phòng chóng dịch bệnh Covid-19 trước giờ tan lớp.

Bản Giẳng đang vào cuối vụ gặt. Bà con mang máy tuốt lúa ra tận ruộng, gặt đến đâu tuốt lúa đổ bao, dùng xe máy, xe công nông chở về nhà. Hỏi thăm một phụ nữ đang xếp gọn các bao lúa ven đường, bà vui vẻ cho biết: Cũng thu như năm ngoái thôi…

Dẫn chúng tôi lên bản Giẳng hôm nay là Lê Thanh Tâm, người Hải Dương, phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý công trình - dự án xã hội huyện Mường Tè. Thấm thoát, Tâm đã có 17 năm sống ở Mường Tè. Tâm kể: Tốt nghiệp Đại học là lên Mường Tè làm việc. Vợ Tâm là một cô giáo mầm non, sinh ra và lớn lên ở Mường Tè. Trao đổi về “cái được” của Mường Tè mấy năm qua, Tâm cho biết thay đổi lớn nhất là về cơ sở hạ tầng, ổn định được dân cư. Đời sống người dân được nâng cao. Dân được hỗ trợ về sản xuất, về nhà ở, chuyển đổi nghề nghiệp từ phát nương làm rẫy truyền thống sang trồng lúa nước, các loại cây công nghiệp như cao su, quế… nuôi gia súc.

co mot muong te moi
Hai làn đường tại thị trấn Mường Tè thuận tiện cho đồng bào đi lại và giao lưu hàng hóa thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện nêu rõ: Kinh tế phát triển khá toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển theo hướng tích cực. Trong đó tỉ trọng dịch vụ tăng dần theo các năm. Thu nhập bình quân tính theo “tổng sản phẩm trên địa bàn” (GRDP) là 34 triệu đồng. Thu nhập bình ngân theo đầu người là 23 triệu 850 nghìn đồng một năm. Nhờ các công trình thuỷ lợi được xây dựng kiên cố mà các khu vực sản xuất được mở rộng. Cả huyện đã có hai xã là Mường Tè và Bum Nưa đạt chuẩn nông thôn mới. Xã Thu Lũm cũng đang được xét duyệt.

co mot muong te moi
Nhà báo Tào Khánh Hưng - Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng tới thăm gia đình chị Mào thị Thơ khu tái định cư thị trấn Mường Tè.

Tin tức về Mường Tè, thậm chí cả một vài xã bản được cập nhật trên hệ thống thông tin điện tử của tỉnh Lai Châu, của huyện Mường Tè. Chỉ cần nhấp chuột và làm một vài thao tác là những dòng tin ấy hiện ra. Nhưng mạng điện tử không cho chúng ta được hít thở không khí trong lành của hàng trăm km2 lòng hồ thuỷ điện Lai Châu trên đất Mường Tè, cũng như những lời tâm sự chân tình, mộc mạc của bà con trên nương lúa, trên đồi quế đồi cao su khi nói về sự chuyển đổi trong nếp sống hiện nay.

Tình cờ, trong bữa ăn sáng ở quán ăn cạnh bến xe huyện, tôi gặp Lý Văn Hiếu (người Cống) Chủ tịch UBND xã Nậm Khao. Hiếu khoe với chúng tôi khoai sọ Nậm Khao nổi tiếng vì củ to, đẹp mã, luộc lên rất bở. Nậm Khao có 43km đường trục xã đi qua 6 bản người La Hủ và người Cống, 19km đường liên bản, gần 6km đường nội bản. Chỉ còn thiếu 2 tiêu chí nữa là Nậm Khao đạt chuẩn nông thôn mới. Lý Văn Hiếu đã học xong Đại học, thuộc lứa cán bộ lớn lên nhờ dự án phát triển kinh tế - xã hội của Mường Tè những năm trước. Kinh nghiệm đi công tác địa phương của chúng tôi cho thấy muốn biết thực trạng xã hội địa phương, hãy cứ la cà ở bến xe và các quán ăn quanh bến.

Sáng sớm 7/5 vừa qua, tại quán bún - miến của một cặp vợ chồng người Nghệ An, chúng tôi đã gặp người của khá nhiều tỉnh thành Bắc - Trung – Nam với đủ dạng nghề nghiệp. Đất lành chim đậu. Một phụ nữ người Hướng Hoá, Quảng Trị khoe: Cả nhà em lên đây, tuy có chậm hơn nhiều gia đình, nhưng vẫn sống được.

co mot muong te moi
Khu tái định cư bản Mường Tè, xã Mường Tè giờ khang trang lung linh ánh điện.

Cũng trong quán ăn này, chúng tôi gặp một tốp thợ điện thuộc Tổng Công ty truyền tải điện. Họ từ Hà Nội lên, tiến hành điều chỉnh – thí nghiệm và kiểm tra lần cuối việc xây dựng trạm biến áp 22O KV - 250 MVA Mường Tè, nhằm thu gom và đưa lên lưới điện quốc gia nguồn điện từ các nhà máy thuỷ điện nhỏ và vừa đã và đang được xây dựng trong huyện.

Như vậy là không chỉ có điện lưới từ nguồn điện sông Đà, tiềm năng thuỷ điện ở Mường Tè đang được khơi dậy.

Có một tin vui khác là cộng đồng người La Hủ, từ chỗ chiếm “thiểu số” trong cư dân Mường Tè xưa kia, nay đã trở thành cộng đồng cư dân đông nhất huyện, người Hà Nhì đứng thứ hai và người Thái xếp thứ ba.

Trong nỗi vui mừng trước sự đổi thịt thay da của Mường Tè hôm nay, lòng tôi thoáng chút lo ngại: Vốn của Nhà nước đổ vào Mường Tè rất lớn liệu có tạo nên tâm lý “chờ vốn” của người dân? Trong hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp và người tứ xứ đến Mường Tè, làm sao phát hiện ra những kẻ đầu cơ trục lợi, muốn “đục nước béo cò”? Một vài năm nữa, khi nguồn vốn của các dự án cạn dần, người dân Mường Tè sẽ sống ra sao?

co mot muong te moi
Nhà văn hóa khu tái định cư thị trấn Mường Tè.

Lo ngại thế, nhưng khi lướt qua những đồi cao su, đồi quế bắt đầu lên xanh và nhìn những cánh đồng lúa nước, những nương lúa chín vàng, và nhất là dòng nước trong xanh của hồ thuỷ điện sông Đà trên đất Mường Tè, lòng lại thấy vui vì Mường Tè đã đi đúng hướng, đã làm ra hàng hoá toả đi các địa phương. Và lớp người trẻ Mường Tè hôm nay đã thật sự trưởng thành.

Lần này đến Mường Tè, chúng tôi không đi theo Tỉnh lộ 127 từ Mường Lay qua huyện Nậm Nhùn nơi có nhà máy thuỷ điện Lai Châu. Mà đi từ thành phố Lai Châu đến ngã ba Pa Tần, qua sông Nậm Na theo Quốc lộ 4H mà vào. Mường Tè đã phá vỡ thế độc đạo. Đoạn đường cấp 5 miền núi quanh co uốn khúc, “cua tay áo, đường ruột gà” vẫn còn. Một vài đoạn vách ta luy dương cao hàng trăm mét phơi màu đất đỏ làm chúng tôi lo lắng vì vào mùa mưa, đây là những vị trí dễ sạt lở nhất. Hôm nay, mùa mưa Mường Tè chưa tới và lái xe Nguyễn Lệ Hiếu, người Nam Đàn Nghệ An tay lái vững vàng, duy trì được vận tốc trung bình trên 50 km/h. Hiếu tâm sự: Tuy ít vào Mường Tè, nhưng cứ xác định chuẩn bị xe tốt, đi đúng phần đường của mình là mọi việc hanh thông.

co mot muong te moi
Sông Đà chảy từ Trung Quốc sang Việt Nam đi quan huyện Mường Tè giờ trở thành lòng hồ êm xuôi nơi nuôi tôm, cá.

Trên đường trở ra, trên xe tôi nghe vang lên lời một bài ca quen thuộc mà người thợ trị thuỷ sông Đà thường hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ sẽ dành phần ai?… Chân lý thuộc về mọi người không chịu sống đời nhỏ nhoi/ Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người/ Ngày đêm canh giữ đất trời rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân…”.

Như những lời ca ấy dành tặng lớp trẻ ở Mường Tè hôm nay. Có một Mường Tè thật trẻ, thật vui.

Theo Báo Xây dựng

co mot muong te moiY, bác sĩ bệnh viện Bạch Mai sẽ cách ly tại khách sạn Mường Thanh
co mot muong te moiHà Nội "thúc" xử lý sai phạm tại mương Phan Kế Bính, Nghĩa Đô
co mot muong te moiLong An: Phát hiện cùng lúc 2 thi thể trên một đoạn sông

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.