Cơ khí TKV: Tiềm năng và triển vọng
Không ngừng sáng tạo, không ngừng đổi mới
Nhờ chủ trương đúng đắn của Chính phủ, ngành cơ khí mỏ được tập trung đầy đủ về năng lực, nằm trong một thể thống nhất điều hành và định hướng phát triển cùng với ngành khai thác mỏ và bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mới. Đến nay, khối công nghiệp cơ khí TKV đã phát triển với 12 đơn vị, trong đó có 11 công ty sản xuất cơ khí và 1 viện nghiên cứu chuyên ngành với tổng số lao động là 2.960 người có trình độ tay nghề cao.
Thực hiện “Chiến lược và quy hoạch phát triển cơ khí ngành Than giai đoạn 2003 - 2010, có xét triển vọng đến năm 2020”, với mục tiêu đưa “Cơ khí từ khâu phụ trợ của sản xuất than thành ngành chính trong chiến lược kinh doanh đa ngành của TKV bằng cách đẩy mạnh cơ khí chế tạo đi đôi với hiện đại hóa cơ khí sửa chữa”, ngày nay, bên cạnh việc đầu tư thiết bị, nâng cao chất lượng nhân lực để phục vụ công tác sửa chữa trung đại tu các thiết bị chuyên ngành trong sản xuất than - khoáng sản, cơ khí TKV chú trọng đổi mới công nghệ, đầu tư thiết bị để tăng năng lực cơ khí chế tạo, từng bước làm chủ về thiết kế, công nghệ để chế tạo các thiết bị, phụ tùng thay thế nhập khẩu. Nhiều dây chuyền công nghệ mới được đầu tư hiện đại như dây chuyền công nghệ lắp ráp xe tải nặng và xe chuyên dùng; dây chuyền sửa chữa tập trung xe gạt, máy xúc thủy lực; dây chuyền chế tạo cột chống thủy lực; dây chuyền cán thép SVP và uốn vì chống lò; chế tạo con lăn; đóng mới và sửa chữa các phương tiện vận tải thủy có trọng tải lên đến 15.000 DWT... Hơn 2,7 nghìn đầu thiết bị công nghệ theo nhóm chức năng được trang bị như: Nhóm thiết bị gia công cắt gọt kim loại; nhóm thiết bị chuẩn bị phôi; nhóm máy hàn các loại; thiết bị gia công áp lực; thiết bị thuộc công nghệ đúc thép, xử lý bề mặt.
Cùng với đó, cơ khí TKV đang từng bước hiện đại hóa thiết bị gia công và có kế hoạch tự động hóa trong từng khâu sản xuất. Một số công đoạn sản xuất đã sử dụng đồng bộ các máy gia công lập trình điều khiển (CNC) và robot để tăng độ chính xác trong gia công, nâng cao năng suất và cải thiện điều kiện lao động. Hiện nay, năng lực sản xuất của khối cơ khí khoảng 235.000 tấn thiết bị, phụ tùng chế tạo/năm và 105.000 tấn sản phẩm sửa chữa thiết bị/năm.
Phát triển cơ khí luôn song hành cùng hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) và phát triển các sản phẩm mới. Từ năm 2014 đến nay, công tác nghiên cứu các đề tài KHCN cũng như các hoạt động sáng kiến hợp lý hóa trong sản xuất tại các đơn vị cơ khí được chú trọng đẩy mạnh. Trên 150 nhiệm vụ KHCN các cấp được triển khai, trong đó có 131 nhiệm vụ cấp Tập đoàn, 16 nhiệm vụ cấp Bộ quản lý và 6 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia. Tổng giá trị các nhiệm vụ KHCN được giao nghiên cứu khoảng trên 300 tỷ đồng. Nhiều đề tài nghiên cứu được đưa vào sản xuất công nghiệp, dần thay thế các thiết bị nhập khẩu, nội địa hóa thiết bị để từng bước làm chủ về công nghệ chế tạo.
Doanh thu sản xuất của cơ khí TKV tăng trưởng đều và ổn định qua các năm. Việc làm và thu nhập của người lao động được bảo đảm. Năng suất lao động nâng cao qua từng năm, giá trị doanh thu gia tăng và thực hiện tái cơ cấu hiệu quả... Những kết quả trên là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực không mệt mỏi của người lao động đã đưa lĩnh vực cơ khí ngày càng hoàn thiện và phát triển ổn định, đáp ứng các yêu cầu trong sản xuất các ngành nghề chính của TKV.
Khai thác tối đa tiềm năng cơ khí TKV
Trong giai đoạn tới, với mục tiêu “An toàn - Bền vững - Hiệu quả”, gắn với quy hoạch phát triển, cơ khí TKV được kỳ vọng sẽ đáp ứng các yêu cầu trong Tập đoàn và dần vươn ra thị trường bên ngoài. Nhất quán trong định hướng phát triển, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, TKV sẽ tiếp tục xác định và ưu tiên phát triển các sản phẩm cốt lõi định hướng và mỗi doanh nghiệp sẽ căn cứ vào năng lực thiết bị, khả năng công nghệ và lợi thế trong sản xuất để phát triển nhóm sản phẩm chủ lực; Tuân thủ kỷ luật trong điều hành sản xuất, tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị, giảm bớt sự chồng chéo trong sản xuất. Tăng cường hợp tác chiều sâu, hạn chế việc khép kín trong sản xuất để phát huy các lợi thế về công nghệ, thiết bị; tăng cường sự phối hợp, hợp tác giữa các các đơn vị tư vấn, các viện nghiên cứu, các đơn vị sản xuất chế tạo và các đơn vị sử dụng sản phẩm, dịch vụ cơ khí để tạo ra sự liên kết chặt chẽ, phát huy được những lợi thế của từng đơn vị để tạo ra các sản phẩm mới thay thế nhập khẩu. Căn cứ vào nhóm sản phẩm chủ lực và khả năng hấp thụ của thị trường để các doanh nghiệp lựa chọn quy mô trong đầu tư và trình độ công nghệ phù hợp nhất. Ưu tiên các công nghệ tiên tiến, có khả năng tự động hóa cao, sử dụng ít lao động và thân thiện với môi trường.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác tổ chức bộ máy và quản trị doanh nghiệp, khối cơ khí TKV xây dựng các mô hình quản lý tiên tiến, ứng dụng các phần mềm quản lý, quản trị trong sản xuất để kiểm soát quá trình sản xuất sản phẩm, kiểm soát chất lượng và chi phí trong từng khâu sản xuất để không ngừng tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Củng cố bộ máy điều hành, hoàn thiện đội ngũ cán bộ làm công tác thị trường, nâng cao mức độ chuyên môn hóa trong công tác tiếp cận thông tin và lập hồ sơ chào giá, chào thầu để cung cấp vật tư, thiết bị. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm, tính toán tỷ lệ nội địa hóa và triển khai xây dựng thương hiệu để giúp thị trường có thêm thông tin nhận diện các sản phẩm cơ khí mang thương hiệu TKV.
Trong suốt quá trình phát triển của ngành Than - Khoáng sản, những người thợ cơ khí luôn đồng hành cùng những người thợ khai thác để chế tạo, cung cấp, sửa chữa thiết bị, vật dụng phục vụ công tác đào lò, khai thác, vận tải khoáng sản. Với đội ngũ cán bộ, công nhân tâm huyết với nghề, trên chặng đường phía trước, cơ khí TKV quyết tâm không ngừng đổi mới, phát huy sức mạnh trí tuệ, tiếp tục sắp xếp lại theo hướng phân công nhiệm vụ sâu hơn, chuyên môn hóa cao hơn để đẩy mạnh phát triển cơ khí đáp ứng cho sản xuất than - khoáng sản, cho các ngành nghề khác trong TKV và phát triển thị trường ngoài ngành.
P.V