Cô giáo “truyền lửa” cho học sinh mê Sử với dự án “Sóc Trăng quê hương tôi”

20:23 | 17/11/2020

135 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhằm giúp học sinh học tốt môn Lịch sử, một cô giáo trẻ ở Sóc Trăng đã mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học, tự lập ra dự án “Sóc Trăng quê hương tôi” để thổi lên đam mê học Sử trong học sinh.

Sau khi tốt nghiêp đại học loại Xuất sắc chuyên ngành Sư phạm Lịch sử vào năm 2011, cô Nguyễn Thị Thiên Ân (32 tuổi, quê tỉnh Hậu Giang) quyết định chọn ngôi trường THPT Mai Thanh Thế (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) - nơi cô từng theo học thời THPT làm “bến đỗ” trong nghề giáo của mình.

Điều này đã làm nhiều người ngạc nhiên bởi gia đình ở tận huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), cách trường Mai Thanh Thế mấy chục cây số, trong khi đó thị xã Ngã Năm lúc đó là vùng sâu, vùng xa nhưng cô Ân vẫn chọn làm nơi để giảng dạy.

Thêm nữa, với tấm bằng tốt nghiệp loại Xuất sắc thì có thể nói không khó trong việc chọn trường dạy thuận lợi hơn, nhưng theo cô Ân giãi bày: "Chọn Ngã Năm bởi đây là nơi tôi đã được theo học, được thầy cô yêu thương, dạy dỗ tận tâm nên tôi muốn tiếp bước thầy cô của mình trong sự nghiệp gieo chữ.

Cũng có trường ở gần nhà gợi ý nhận tôi về, nhưng tôi từ chối vì muốn được “trả nợ” trường cũ, thầy cô cũ”.

Cô giáo “truyền lửa” cho học sinh mê Sử với dự án “Sóc Trăng quê hương tôi” - 1
Cô Nguyễn Thị Thiên Ân, giáo viên dạy Lịch sử của trường THPT Ngã Năm (Sóc Trăng).

Năm 2015, sau khi trường THPT Ngã Năm được thành lập, cô Thiên Ân lại khăn gói lên đường về trường mới, với tâm thế của một người nguyện gắn bó với mảnh đất Ngã Năm, với học sinh Ngã Năm.

Mỗi ngày, cô Ân đi về tổng cộng khoảng 30km, rồi còn qua phà sang sông, có lúc mưa, gió rất vất vả, nhưng cô vẫn đều đặn đến trường, đạt kết quả giảng dạy tốt.

Theo chuyên ngành Lịch sử, cô Thiên Ân xác định, môn Lịch sử là môn học được học sinh xem là khô khan, chỉ có những con số, sự kiện nên có nhiều em không thích học, không có đam mê. Vì thế, cô đề ra cho mình mục tiêu là phải giúp các em ham học, yêu thích môn Lịch sử như lời dạy của Bác Hồ là “dân ta phải biết sử ta”.

Từ đó, cô Ân luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, tạo điều kiện bằng nhiều cách để cho các em có “lửa” đam mê Lịch sử. Đặc biệt, từ năm học 2017 - 2018, cô bắt đầu triển khai phương pháp dạy học theo dự án do mình lập ra mang tên “Sóc Trăng quê hương tôi”, hình thành từ kinh nghiệm hiểu biết có sẵn, kết nối vào bài học nên đã giúp học sinh học rất hứng thú.

Cô giáo “truyền lửa” cho học sinh mê Sử với dự án “Sóc Trăng quê hương tôi” - 2
Cô Ân hướng dẫn các em học môn Lịch sử.

Chia sẻ về dự án "Sóc Trăng quê hương tôi" của mình, cô Ân cho biết, tham gia dự án là những học sinh khối 12, chia ra nhóm đảm trách đến thực tế tận địa điểm là di tích lịch sử, văn hóa lễ hội… thu thập thông tin, chụp ảnh, quay clip.

Mỗi sản phẩm báo cáo do chính học sinh chủ động, đóng vai trò dẫn chương trình, phóng viên, hướng dẫn viên tương tác với người dân địa phương cùng thực hiện nên các em rất hứng thú.

Em Lê Hồng Nhẫn (học sinh lớp 12, từng đạt giải Nhì môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh) cho biết: “Được học môn Lịch sử của cô Thiên Ân là niềm vui của chúng em.

Cô có cách dạy rất ấn tượng, vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật nên học tới đâu nhớ tới đó, rất khó quên. Ai cũng nghĩ môn Lịch sử khô khan, không có sức hấp dẫn nhưng được học với cô Thiên Ân thì ngược lại”.

Theo thầy Trần Minh Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Ngã Năm, dạy học môn Sử theo dự án của cô Thiên Ân thời gian qua đã gặt hái nhiều kết quả tích cực, mang lại triển vọng cho phương pháp dạy học thực tiễn.

"Qua đó, các em học sinh nhận thấy môn học Lịch sử thật sự thú vị, từ đó các em yêu thích bộ môn này hơn”, thầy Hiếu đánh giá.

Theo Dân trí

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.