Có giải được hạn?

07:10 | 13/02/2014

3,803 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đầu năm nào cũng vậy, dâng sao giải hạn là một nghi lễ gần như không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh. Thế nhưng có một điều rất oái oăm, theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đạo Phật không có quan niệm dâng sao giải hạn mà chỉ đề cao luật nhân quả. Vậy việc cúng sao giải hạn đầu năm có thực sự hiệu quả hay không?

Năng lượng Mới số 295

Lo âu và tốn kém

Từ cuối năm trước, nhiều người đã nhờ nhà chùa hoặc những cá nhân có khả năng “dự đoán tương lai” xác định mình sẽ có sao gì chiếu mệnh trong năm mới và từ việc xác định đó phân loại ra thành sao xấu, sao tốt. Đương nhiên, nếu rơi vào sao xấu, dự báo một năm sẽ gặp nhiều trúc trắc, khó khăn, thậm chí là mất mạng theo quan niệm của nhiều người. Chả thế có câu: “Nam la hầu, nữ kế đô”, nghĩa là nam hoặc nữ bị những sao như vậy chiếu là hạn nặng nhất trong số các sao. Bởi vậy, những ai bị sao xấu thường phải sửa lễ giải hạn.

Lễ giải hạn trước đây, thường chỉ lễ tại gia và chỉ thực hiện với những sao “nặng” như la hầu, kế đô với những lễ vật đơn giản, chỉ mang tính chất tượng trưng như hoa, quả, nước trắng, cốt là thành tâm. Nhưng bây giờ, lễ dâng sao giải hạn đúng với tiêu chí rất… trần tục: “tốt lễ dễ kêu” với ngồn ngộn đồ vàng mã, hình nhân thế mạng, hình nộm nào voi, ngựa… to như thật, cỗ mặn lẫn ngọt tràn lan và sao nào cũng lễ. Có buổi lễ dâng sao giải hạn, người ta đã tính tổng số tiền bỏ ra lên tới ngót nghét hàng chục triệu đồng, chưa kể tiền thuê “thầy” cúng riêng.

Lại nói đến chuyện thuê “thầy cúng”, nếu như lễ dâng sao giải hạn ở chùa (lễ chung với mọi người) mỗi người phải nộp khoảng 200-500 nghìn đồng, tùy theo từng chùa thì thuê thầy lễ riêng hoặc tại nhà hoặc tại điện thờ của “thầy” phải lên tới gần chục triệu đồng.

Hàng nghìn người dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội (Ảnh: Hiền Anh)

Chị Nguyễn Hồng Anh, ở Trần Quý Cáp, Hà Nội quả quyết rằng: “Lễ dâng sao giải hạn ở chùa rẻ hơn nhưng lại phải chung với hàng trăm người trong một khóa lễ. Còn lễ riêng, tổ chức tại điện của “thầy” (những người có “căn”) tiền có thể lên đến hàng chục triệu đồng (cả tiền lễ vật lẫn tiền thuê thầy) nhưng chỉ có một mình “tín chủ”, dễ lễ, dễ kêu, sự “linh ứng” cũng có vẻ hơn… Đặc biệt là với những trường hợp bị sao nặng thì càng nên làm lễ riêng một buổi dâng sao giải hạn”. Thế nên buổi lễ dâng sao giải hạn của chị Hồng Anh đã được làm riêng ngay tại nhà với số tiền được chị tiết lộ tới 20 triệu đồng để lễ cho cả nhà, kể cả người có sao tốt. Chị giải thích: “Đã sao tốt chiếu mệnh rồi nếu lễ thì bản thân người đó sẽ càng tốt hơn”!?

Không chỉ chị Hồng Anh mà nhiều người có suy nghĩ như vậy, ngay cả người già, những người được xem là “nằm lòng” những nghi lễ, tập tục trong sinh hoạt tâm linh. Có một số cụ không phủ  nhận rằng, thời của các cụ trước đây không làm lễ phô trương như bây giờ nhưng vì dự nhiều khóa lễ hoành tráng hiện nay quá nên dần dần cũng theo. Và không chỉ theo về mặt hình thức mà các cụ còn theo cả về tư duy, cũng cho rằng “tốt lễ dễ kêu” chứ không chỉ “thành tâm” với nước trắng, nén hương như thời trước nữa.

Một cụ bà đã ở tuổi xưa nay hiếm, đã quy Phật hơn 30 năm, vậy mà để làm lễ dâng sao giải hạn cho năm mới, bà đã dành dụm toàn bộ số tiền con cháu cho để bồi dưỡng trong năm trị giá hơn chục triệu đồng. Bà tâm sự: “Tôi già rồi không ăn uống được gì nữa, cũng chẳng giúp gì được con cháu. Nên thôi, số tiền chúng nó biếu tôi, không có gì “thiết thực” hơn là lấy nó ra làm lễ giải hạn cho chính con cháu. Lễ càng to hạn của con cháu càng “nhỏ” đi vì mình thể hiện tất cả lòng thành có bao nhiêu lễ hết bấy nhiêu.

Điều đó cũng phần nào thể hiện lòng yêu thương đối với con cháu”. Ôi trời! đúng là “thương nhau kiểu ấy bằng mười hại nhau”. Bởi bà cụ không hiểu rằng, tiền con cháu dành biếu cụ để bồi dưỡng, cụ lại không bồi dưỡng mà lại để làm lễ hết. Nếu không may vì điều ấy, cụ lăn ra ốm vì thiếu chất dinh dưỡng, suy nhược cơ thể thì có khác nào cụ càng khiến con cháu gặp hạn!

Liệu pháp tâm lý

Vậy lễ sao có thực sự “giải hạn” như người ta nghĩ không?

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khẳng định: “Đạo Phật không có quan niệm dâng sao giải hạn. Đạo Phật chỉ có luật nhân quả - làm điều thiện thì gặp điều tốt lành, làm điều ác sẽ gặp “ác giả ác báo”. Để giải thích thêm, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết, tai họa hay phúc lành đều do con người tạo ra. Không có chuyện ngôi sao nào chiếu mà mang phúc hay họa đến cho con người. Như chuyện lưu thông trên đường, không quan sát, phóng nhanh vượt ẩu ắt sẽ bị tai nạn. Ngược lại, đi xe cẩn thận, làm chủ tốc độ khả năng an toàn lớn hơn. Cho nên việc làm lễ dâng sao giải hạn thực ra chỉ là một phép tinh thần, biện pháp tâm lý để cho mọi người yên tâm. Còn thực tế không có chuyện cúng sao giải được hạn.

Trả lời câu hỏi vậy tại sao các chùa vẫn tổ chức lễ dâng sao giải hạn thì Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, người đi chùa thường có câu: “Đi chùa cầu an”, an ở đây trước hết làm tâm an. Mà tâm an cũng đã là một hạnh phúc của con người. Bởi vậy, nhà chùa tổ chức lễ dâng sao giải hạn như đã nói chỉ là giúp mọi người bình tâm, thoải mái trong tinh thần. Chứ không phải đồng tình reo rắc tư tưởng mê tín dị đoan.

Tuy nhiên, trước việc tổ chức rềnh rang, rườm rà, phô trương như nhiều gia đình hiện nay, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhận định: Sư trụ trì ở các chùa phải giải thích rõ với Phật tử điều này, không được để diễn ra những buổi lễ mang tính khuếch trương hơn là thành tâm dẫn đến gây tốn kém, lãng phí. Và điều đặc biệt quan trọng là: “Thần thánh là những bậc vĩ nhân, không thể đem cái phàm phu của con người đối xử với các bậc vĩ nhân. Bậc vĩ nhân không tham tiền, vàng, lễ vật giống như người phàm phu. Chỉ cần cái tâm hướng thiện, lòng thành kính Phật là đủ…”.

Hòa Thượng còn nói: “Điều ngược đời là xã hội ngày nay càng phát triển thì những hoạt động mê tín càng tăng theo. Xã hội càng văn minh, con người lại càng lạc hậu. Ngày càng có nhiều người mất tiền của, thời gian, công sức vào những điều phi lý, không thực tế. Trước đây không có hiện tượng lễ bái tốn kém, phô trương như bây giờ”.

Nói về tình trạng “con nhang đệ tử” xếp hàng dài dằng dặc, thậm chí tràn cả xuống đường để bái vọng làm lễ cầu an hay dâng sao giải hạn, đặc biệt ở chùa Phúc Khánh, một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội, vị Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam giải thích đại ý: Phật ở tại tâm. Tâm thanh tịnh ở đâu thì có Phật tại đó nên thay vì đứng ra đường, lên trên cầu bái vọng, cầu nguyện thì về nhà lễ còn hơn. Tâm thành kính, dù lễ ở đâu Phật cũng chứng và độ cho, không cần phải chọn chùa to hay nhỏ, ở nông thôn hay thành thị…

Cho nên, để giải được “hạn”, suy đi tính lại không có cách nào khác là con người phải sống tốt, có ý thức để “nhân định thắng thiên”, để “gieo nhân nào gặt quả nấy”, để “ở hiền gặp lành” đúng theo đạo lý nhà Phật. Đó cũng chính là tư tưởng mà đức Phật muốn răn dạy chúng sinh.

Dâng sao giải hạn xuất xứ từ Đạo giáo của Trung Quốc. Theo quan niệm, có 9 vì sao chiếu bản mệnh con người. Trong đó có những vì sao “hung tinh” như la hầu, thổ tú, kế đô, thái bạch, vân hán. Các sao tốt là thủy diệu, thái dương, thái âm, mộc đức. Mỗi năm có một vì sao chiếu mạng vào một tuổi của từng người, theo chu kỳ 9 năm sẽ trở lại sao ban đầu. Tập tục này được truyền sang Việt Nam và ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người và trở thành một nghi lễ đầu năm.


Nguyễn Bách

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc