Có còn không “Ngôi nhà Hạnh Phúc”!?

07:05 | 11/07/2015

1,925 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian qua dư luận xôn xao khi “Ngôi nhà Hạnh Phúc” (ngụ tại số B7/16AD4, tổ 129, ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) nằm trong Dự án khu Đô thị Hạnh Phúc phải đóng cửa vì theo quyết định mới nhất của UBND TP Hồ Chí Minh là mái ấm này thiếu giấy phép và chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí được quy định trong luật khi mở mái ấm, nhà mở ngoài công lập.  

Năng lượng Mới 438

“Mẹ” của đàn trẻ bất hạnh

“Mẹ” của đàn trẻ bất hạnh

Chị có đến hơn 50 đứa con, từng bị bà con hàng xóm gọi là “hâm” vì trốn chồng đi theo tổ chức từ thiện, thậm chí chị còn “chôm” cả đàn lợn của gia đình bỏ đi cả tuần để làm việc “dở hơi”. Cho đến khi nhà chị Đoàn Thị Hoa chật kín người khuyết tật, nhiều người mới nhận ra tấm lòng Bồ Tát trong những công việc của chị làm thời gian qua.

Chiều ngày 3-7 tôi đến Ngôi nhà Hạnh Phúc đúng vào bữa cơm chiều, nhìn các bé ăn uống ngon lành, chơi trò chơi, rồi quấn quýt bên nhau càng thấy thương cho các cháu khi một mai mỗi đứa một nơi.

Những mảnh đời cơ nhỡ

Trò chuyện với vợ chồng anh Nguyễn Văn Hoàng và chị Ngô Thị Kim Vân hiện đang là chủ Ngôi nhà Hạnh Phúc tôi mới vỡ lẽ nhiều điều. Đúng là cuộc đời có những duyên kỳ ngộ. Năm 1999 khi kinh tế gia đình khó khăn, anh chị đành bán căn nhà nhỏ trong nội thành để về vùng ven mua mảnh đất cắm dùi. Lúc này, xung quanh khu vực này rất vắng vẻ, dân cư thưa thớt, anh chị may gia công cũng đủ chi phí cho sinh hoạt gia đình. Một ngày tình cờ anh chị gặp bé Minh Thương, lúc này khoảng 6 tuổi đang đi lượm ve chai với người cha già. Lúc đầu anh chị cũng không để ý lắm nhưng những ngày sau cứ thấy hai cha con lang thang khu vực quanh nhà để lượm ve chai, hôm nào không lượm được ve chai bán có tiền mua đồ ăn thì hai cha con lục mấy túi rác lượm cơm thừa để ăn qua ngày. Thấy thương hoàn cảnh hai cha con một già - một trẻ, vợ chồng chị Vân - anh Hoàng bảo vào nhà cho cơm ăn no và hỏi chuyện. Thì ra, bé Minh Thương là con nuôi được một cặp vợ chồng già làm nghề ve chai nhặt được đem về nuôi. Thấy hoàn cảnh đáng thương, vợ chồng chị Vân - anh Hoàng để bé Minh Thương ở lại cùng anh chị, để anh chị chăm sóc và cho bé được học hành.

Có còn không “Ngôi nhà Hạnh Phúc”!?
Các bé trong Ngôi nhà Hạnh Phúc đang ăn cơm chiều (ngày 3/7)

Trò chuyện với Minh Thương, em tâm sự: “Ở đây con hạnh phúc vì sống chung với ba Hoàng - mẹ Vân, được anh chị em yêu thương và được đến trường. Được đến trường là niềm vui và là ước mơ lớn nhất của con”. Khi hỏi về gia đình, bé Minh Thương nhìn về khoảng xa xăm phía sau căn nhà Hạnh Phúc là một ao nước và cánh đồng cỏ còn khá vắng vẻ. Em bảo, ba mẹ em đã qua đời. Mẹ em bị nhiều bệnh hiểm nghèo mà không có tiền đi bệnh viện nên bệnh ngày càng nặng hơn và mất cách đây 2 năm. Còn ba em bị tai biến và té, sau mất trí nhớ và mất cách đây một năm rưỡi lúc ông 70 tuổi. Trước khi mất, ba nuôi Minh Thương gửi em cho gia đình anh Hoàng - chị Vân vì biết rằng, em sẽ không còn ai nương tựa trên cuộc đời này. Khi hỏi về kết quả học tập, Minh Thương rất tự hào và nói: “Ai cũng nói con thông minh, từ lớp 1 đến lớp 7 đều đạt kết quả học sinh giỏi. Con thích nhất môn Sinh, môn Toán, môn Hóa nhưng lên lớp 8 con mới được học Hóa học. Con thích 3 môn này vì thi khối B làm nghề bác sĩ. Ba mẹ con mất vì nhà con không có tiền. Lúc ba bệnh nặng, con ước gì có được nhiều tiền để dẫn ba đi bệnh viện”.

Khi hỏi, nếu mai này “Ngôi nhà Hạnh Phúc” phải đóng cửa thì Minh Thương bật khóc và nói rằng: “Con không muốn đi đâu hết. Con không muốn đến mái ấm, nhà mở khác. Con chỉ muốn ở đây với ba Hoàng - mẹ Vân và các bạn thôi”. Bé Minh Thương còn bảo, con xem trên tivi, Internet và nhiều bạn con cũng kể nhiều chỗ có cái vỏ bề ngoài chất lượng lắm nhưng bên trong con người sống ít tình cảm. Nhiều người gọi đây là mái ấm nhưng tụi con gọi đây là căn nhà có đầy đủ ba mẹ và các anh chị em.

Hiện nay, hằng ngày Minh Thương đi xe buýt qua quận 5 học tại Trường Trần Bội Cơ. Mỗi tháng tiền học phí của em là 280.000 đồng/tháng, học một buổi một buổi em về nhà. Em khoe với tôi kết quả học tập cuối năm lớp 7 của em là 8,75. Một kết quả quá tốt xứng đáng với một cô bé đầy nghị lực, ánh mắt sắc và sáng, đầy bản lĩnh.

Có còn không “Ngôi nhà Hạnh Phúc”!?
Các bé trong Ngôi nhà Hạnh Phúc đang ăn cơm chiều (ngày 3/7)

Theo chị Ái là cô giáo cũng là bảo mẫu của các bé thì hiện tại “Ngôi nhà Hạnh Phúc” có 32 trẻ, trong đó có 17 em gái và 15 em trai. Có 17 em đang học cấp III, 7 em đang học cấp II và 3 em học cấp I. Thường khi học cấp I các bé học bổ túc sau lên cấp II mới chuyển sang hệ chính quy còn những em nào quá tuổi thì học tại trung tâm giáo dục thường xuyên của quận.

Nguồn sống yêu thương

Chị Vân chia sẻ: “Bạn bè biết vợ chồng tui làm việc nhân nghĩa nên mỗi người giúp một ít. Còn thức ăn thì nhiều tiểu thương ở chợ đầu mối Bình Điền cho. Rồi người hảo tâm khắp nơi trên thành phố tìm đến giúp đỡ. Nhất là sau khi họ đọc báo về ngôi nhà Hạnh Phúc”. Nhờ những tấm lòng tốt bụng của các tiểu thương ở chợ Bình Điền mà căn nhà có 32 đứa con không tốn nhiều tiền chợ. Có người còn chở gạo đến tận nơi để cho. Số tiền được cho anh chị dành đóng tiền học cho các bé, cũng như học thêm Anh văn tại các trung tâm. Do đó, hiện tại 32 đứa con của “Ngôi nhà Hạnh Phúc” không em nào bị thất học. Chị Vân ngồi tính chi ly, ngoài thu nhập hai vợ chồng mỗi tháng 10 triệu thì các mạnh thường quân giúp đỡ khoảng 20 triệu nữa, mỗi tháng chi cho 32 đứa con cũng khoảng đó, cả tiền ăn, tiền điện nước và tiền học phí khoảng 30 triệu/tháng.

Khi đề cập đến việc Ngôi nhà Hạnh Phúc sẽ có thể bị đình chỉ hoạt động, anh Hoàng mắt hoe đỏ và nhìn về hướng xa, nói chậm rãi: “Nếu ngôi nhà bị giải tán tôi thấy không cam tâm. Nhiều người nói là hợp tình - hợp lý nhưng tôi thấy không can tâm”. Theo quy định, diện tích tối thiểu dành cho mỗi người (khu vực nông thôn) là 30m2 đối với các mái ấm nhà mở và hoạt động phải có giấy phép trong khi “Ngôi nhà Hạnh Phúc” chỉ 200m2 cho 32 đứa trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế “Ngôi nhà Hạnh Phúc” tồn tại được 9 năm. Theo nhiều người đánh giá thì các em lớn lên trong căn nhà tuy chưa quá đầy đủ về vật chất nhưng luôn có nhiều niềm vui, bình an, hạnh phúc, quan trọng hơn là các bé đều được đến trường.

Các bé sẽ về đâu?

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 53 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, trong đó có 32 cơ sở đã được cấp phép. Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh thực hiện kiểm tra hoạt động các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Theo đó, đối với những cơ sở đủ điều kiện hoạt động nhưng chưa thực hiện thủ tục cấp phép, Sở hướng dẫn thực hiện thủ tục theo quy định. Còn đối với những cơ sở không đủ điều kiện hoạt động như cơ sở vật chất không đảm bảo, hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng chưa phù hợp… Sở kiến nghị UBND thành phố đề nghị chấm dứt hoạt động. Đó là về lý nhưng về tình, xét ở trường hợp “Ngôi nhà Hạnh Phúc” thì...

Trò chuyện hồi lâu anh Hoàng mới cho biết anh là mục sư đạo Tin Lành, sinh hoạt và thờ phụng tại gia. Và anh cũng cho biết là trong xóm đang ở có nhiều người theo đạo Tin Lành. Anh kể ngày xưa khu này rất ít tệ nạn xã hội, cuộc sống của người dân rất yên bình nhưng từ khi có dân tứ xứ đổ về, thuê phòng trọ nhiều rồi các thành phần phức tạp sống xen lẫn nên không yên bình như xưa nữa. Vợ chồng anh cũng chia sẻ thật lòng là khi bán nhà ở trong nội thành về đây mua đất xây nhà sinh sống vào năm 1999 cũng không nghĩ sẽ mở “Ngôi nhà Hạnh Phúc”. Nhưng vì cái duyên trong cuộc đời và cuộc sống ở vùng quen có quá nhiều cảnh đời khó khăn, thiếu may mắn, nhất là các bé nên anh chị không cầm lòng mới quyết định đưa các bé về nuôi. Lúc đầu chỉ 1 - 2 bé, sau lan dần lan dần và nhiều người muốn đưa con, cháu đến gửi gắm vì không có khả năng nuôi nổi, có trẻ mất ba hoặc mẹ, có trẻ mất của hai, có trẻ được người ta vô tình nhặt đâu đó đem về nuôi. 32 đứa trẻ đang sống trong “Ngôi nhà Hạnh Phúc” là 32 hoàn cảnh xuất thân khác nhau với nhiều éo le, trắc trở.

Trời nhá nhem tối và ánh mặt trời sụp hẳn, nơi đây bóng tối có vẻ dày hơn vì thiếu những căn nhà cao lớn với đèn điện sáng choang. Cái xóm nhỏ nghèo nghèo, nhiều mái tôn lụp xụp khác xa nhiều khu đô thị Phú Mỹ Hưng dành cho tầng lớp thượng lưu cách đó chưa đầy 10 cây số. Bên cạnh “Ngôi nhà Hạnh Phúc” nhỏ bé là hai block nhà của khu dân cư Hạnh Phúc thuộc khu đô thị Hạnh Phúc đang vào giai đoạn hoàn thiện nhưng cũng chưa một bóng người, tối sập xuống, vắng tanh lạnh lẽo. Khu chung cư sau 10 năm xây dựng đến nay mới cơ may gần xong. Và những con người lam lũ trong cái xóm nhỏ ấy chưa biết sẽ thế nào khi người ta giải tỏa, đền bù chưa xong… vì nó vẫn thuộc diện quy hoạch treo. Tại TP Hồ Chí Minh còn hàng chục khu dân cư nằm trong diện quy hoạch treo. Người dân sống trong khu dân cư quy hoạch treo cứ thấp thỏm chờ đợi, có nơi quy hoạch treo lên đến 20 năm. Cũng như các bé trong “Ngôi nhà Hạnh Phúc”, cái tên quá đẹp, quá ấm cúng nhưng các em cũng đang trong tâm trạng hồi hộp đợi chờ. Sau khi có quyết định đình chỉ hoạt động mái ấm này của UBND TP Hồ Chí Minh (hạn cuối vào ngày 10-7) thì em nào có gia đình sẽ quay về, em nào không có gia đình thì được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội trong thành phố, còn vợ chồng anh Hoàng - chị Vân thì tiếp tục hành trình đi xin các cấp chính quyền gia hạn thời gian đình chỉ hoạt động để gắn bó với các bé ngày nào mừng ngày ấy. Và biết đâu có cách giải quyết tối ưu hơn là phải giải tán “Ngôi nhà Hạnh Phúc”.

Mỗi em sẽ có một cuộc đời, số phận riêng mà cuộc đời, số phận của một đứa trẻ trước hết phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của người lớn.

Thiên Thanh