Chuyện nóng ứng phó biến động của ngành dệt may

12:14 | 08/08/2019

425 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tình hình của Ngành Dệt may Việt Nam trong nửa năm thị trường đầy biến động vừa qua đã trở nên rất nóng, vậy ngành này sẽ có những ứng phó ra sao trong nửa năm 2019 còn lại.    

Vào cuối năm 2018, ngành dệt may đặt ra con số kim ngạch xuất khẩu (KNXK) cho năm 2019 là 40 tỷ USD. Cho đến nửa năm qua đi, con số kỳ vọng này có khả năng đạt được, nhưng biến động dữ dội trong thị trường khiến những người điều hành của Ngành và các doanh nghiệp (DN) khá đau đầu.

6 tháng đầu năm 2019 kim ngạch xuất khẩu toàn Ngành dệt may Việt Nam (DMVN) ước đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,3 % so với cùng kỳ 2018. Trong đó xuất khẩu đi Mỹ ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 11,7%; Xuất khẩu sang EU đạt 2,56 tỷ USD, tăng 4,52%; Xuất khẩu Nhật Bản đạt 1,89 tỷ USD, tăng 5,20 %; Xuất đi Hàn Quốc đạt 1,63 tỷ USD, tăng 4,6 %; Và xuất khẩu tới Trung Quốc đạt 2 tỷ USD, tăng 10,3 %.

chuyen nong ung pho bien dong cua nganh det may

Như vậy, DMVN đã tận dụng tốt cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của các Hiệp định Thương mại tự do (TMTD) như CPTPP và EVFTA nhằm tăng xuất khẩu vào các thị trường dệt may phi truyền thống. Hiện tại Việt Nam còn nhiều cơ hội phát triển ở các thị trường mới như EU, Úc, Canada.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung vẫn tiếp tục căng thẳng và ngày càng leo thang gây khó khăn trở ngại cho cả chuỗi dệt may toàn cầu nói chung và dệt may Việt Nam nói riêng. Tình hình thị trường nguyên phụ liệu (NPL) thế giới như bông, xơ, sợi vải diễn ra nhiều kịch bản khó lường. Ngành sợi của VN bị ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất khi có tỉ lệ tới hơn 70% xuất khẩu tới Trung Quốc.

Ngoài ra, vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm mạnh cũng khiến các doanh nghiệp sợi rất đau đầu khi bị người mua ở Trung Quốc ép giá đòi chia sẻ mức lỗ.

Giải pháp quan trọng nhất mà một doanh nghiệp trong ngành có thể thực hiện, đó là tự giác nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp như: cắt giảm chi phí đầu vào với tối ưu hóa, chuẩn hóa quy trình sản xuất, quy trình quản lý chuẩn theo thực trạng của doanh nghiệp. Chỉ khi quản lý sản xuất, quản lý con người chuẩn chỉ theo tinh thần cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới mục tiêu biến nhà máy sản xuất thông thường thành nhà máy sản xuất thông minh, không để lãng phí bất kỳ nguồn lực nào thì các doanh nghiệp mới có thể tồn tại được trong thị trường đầy biến động như hiện nay. Các bài toán về chi phí, bài toán thị trường, bài toán đầu tư cần phải được tính toán thật kỹ lưỡng, đo lường tất cả các kịch bản thị trường có thể xảy ra và cần có phương án cụ thể đối với từng kịch bản thị trường, tránh lúng túng hay đưa ra giải pháp đối phó mà cần nhìn vào các mục tiêu dài hơi hơn nữa.

Đặc biệt với các doanh nghiệp nhóm sợi: Hiện đang sản xuất khá cầm chừng, mục tiêu là giải quyết hết sợi tồn kho và tiêu thụ được lượng sợi đã và đang sản xuất.

Với các doanh nghiệp nhóm may, ở thời điểm hiện tại tâm lý của các nhà nhập khẩu tại các thị trường lớn là chờ đợi xem xét tình hình thị trường sẽ diễn biến ra sao, do vậy họ thường đặt lượng đơn hàng nhỏ lẻ, thậm chí rất nhỏ với số lượng ít, thời gian ngắn. Nếu ở giai đoạn trước kia thường các doanh nghiệp may lớn đã có các đơn hàng đến hết cuối năm thì nay nhiều doanh nghiệp may lớn mới có đơn hàng hết quý III.2019, còn các doanh nghiệp quy mô nhỏ thì gặp khá nhiều khó khăn về đơn hàng, chủ yếu sản xuất khá cầm chừng hoặc chịu để trống chuyền.

Trước tình hình đó, các DN DMVN đã bước đầu chú trọng đến công tác nghiên cứu nguy cơ và thách thức từ các tác nhân gây biến động thị trường. Ngành DMVN thời gian qua thường tổ chức các buổi Hội thảo chuyên đề và thành lập một nhóm chuyên nghiên cứu về các tác động của biến động thị trường đối với doanh nghiệp. Định hướng lâu dài là thành lập các chuỗi liên kết từ NPL, sử dụng sản phẩm theo chuỗi hướng tới mục tiêu cùng nâng cao chất lượng cũng như giá thành sản phẩm bán ra. Định hướng xuất khẩu theo hướng FOB, ODM, không giới hạn ở gia công, cũng từ lâu là kim chỉ nam để doanh nghiệp hướng tới.

Bên cạnh đó, xuất khẩu các DN nhóm sợi phụ thuộc rất nhiều vào tình hình chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. Nếu như sắp tới quan hệ Mỹ - Trung chuyển biến tốt, thị trường sợi mới được cải thiện và ấm trở lại. Và khi Mỹ áp nốt 300 tỷ còn lại lên cả hàng may mặc từ Trung Quốc thì bức tranh xuất khẩu của doanh nghiệp sợi và các đơn hàng của doanh nghiệp may còn bị chông chênh.

Hiệp định EVFTA mà Việt Nam vừa ký với châu Âu sẽ mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới vì hiện tại thị phần của Việt Nam tại EU còn thấp: ở quanh mức 2%. Xu hướng nhập khẩu EU trong 6 tháng gần đây (tính đến hết quý I/2019) cho thấy Trung Quốc cũng đang mất thị phần tại thị trường này. Bangladesh là nước được hưởng phần ưu đãi về thuế quan với EU do đó Bangladesh đang là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi Trung Quốc mất thị phần tại EU. Thời gian chờ để Hiệp định EVFTA thực sự có hiệu lực là tới năm 2020 vì Hiệp định vẫn cần phải được tất cả các nước thành viên EU thông qua lần cuối. Tuy nhiên, nhiều khả năng EVFTA sẽ mang tới các cơ hội tốt cho DMVN bởi quy tắc xuất xứ để dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi trong hiệp định EVFTA là quy tắc dễ đáp ứng hơn so tương quan với Hiệp định CPTPP, đó là quy tắc từ vải trở đi, còn được cộng gộp NPL nhập từ Hàn Quốc.

Tuy nhiên, với EVFTA không phải không có khó khăn cho DMVN. Theo đánh giá EU không phải là một thị trường dễ tiếp cận vì có nhiều nước thành viên, đơn hàng có số lượng tương đối nhỏ nếu so với đơn hàng đi Mỹ, thời gian thay đổi mẫu mã tương đối dầy, khách hàng lại khá kỹ và khó trong các khâu quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm. EU lại có lợi thế là đơn giá nhập khẩu trung bình khá tốt, do đó trong tương lai với thêm lợi thế từ việc cắt giảm thuế, các DN của VN sẽ mạnh dạn hơn trong công tác xúc tiến, khai thác thêm thị trường EU.

Đặng Thanh