Chuyện những người “bắt bệnh ông trời”

07:00 | 14/09/2019

1,093 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thầm lặng, gian khổ… để quan trắc từng ngọn gió, đo từng cơn mưa đến lưu lượng mực nước, phân tích diễn biến thời tiết…, những quan trắc viên khí tượng thủy văn không chỉ có chuyên môn cao mà còn cả tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh.

Nghề nhọc nhằn

Sau nhiều lần kết nối, chúng tôi theo chân những người làm nghề “bắt bệnh ông trời”. Vượt cả trăm cây số đến Trạm thủy văn Phước Hòa (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), trạm trưởng Nguyễn Mộng Thủy chở tôi trên chiếc xe máy cà tàng, băng qua hết dãy cao su thăm thẳm đến nghĩa trang âm u, vào khu rừng cạnh bìa sông Bé, nơi làm việc của anh.

“Hồi mới vô nghề, đi ngang qua nơi đây... sợ lắm. Ngót nghét cả chục năm nên quen dần, giờ nhắm mắt cũng đi được” - anh Thủy vui vẻ. Anh cho biết, trời khô ráo còn dễ đi, chứ hôm nào mưa là nơi đây mịt mù ruộng nước...

chuyen nhung nguoi bat benh ong troi
Nhân viên Trạm thủy văn Phước Hòa mỗi ngày đều phải đo mực nước, bất kể nắng mưa

Dòng sông Bé rộng mênh mông, phù sa cuồn cuộn chảy siết dù bầu trời vẫn bình yên. Những ngày mưa bão, nơi này chẳng khác gì con thuồng luồng khổng lồ, ai cũng khiếp. Khệ nệ bê dụng cụ xuống con thuyền cũ kỹ, neo giữa dòng sông, nhân viên trạm thủy văn nối máy vào dây cáp, thả cá sắt nặng cả trăm kilôgam xuống dòng nước, quan sát chướng ngại vật... ghi chép số liệu mà chỉ người trong nghề mới hiểu được, tùy theo mực nước mà xác định số lần đo, ví dụ như nước từ 3m trở lên thì đo 5 điểm, từ 1-3m thì đo 3 điểm…

Trạm thủy văn Phước Hòa là trạm cấp 1, có 5 cán bộ, người làm lâu nhất là gần 30 năm, còn lại đều hơn 10 năm. Công việc chủ yếu của họ là đo các yếu tố thủy văn như: Mực nước, tốc độ dòng chảy, nhiệt độ nước, hàm lượng phù sa, lượng mưa và các yếu tố liên quan đến hướng chảy, hướng gió cùng các hiện tượng thời tiết khác.

“Vài năm trở lại đây, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, cường độ công việc tăng lên. Nhưng nghề này cần độ chính xác cao, không cho phép sai trong đo thông số, bởi nếu chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của nhân dân trong vùng và khu vực. Vì vậy, dù là 1 - 2 giờ sáng, chúng tôi vẫn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất” - anh Nguyễn Thành Đô, người có thâm niên 13 năm trong nghề, bộc bạch.

Chị Hà Thị Nhiên, quan trắc viên Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Dương kể, do thích nghề này từ nhỏ nên khi thi đại học, chị đã chọn học ngành khí tượng, rồi ra trường, làm nghề quan trắc đến nay. Người phụ nữ có thâm niên 13 năm trong nghề tâm sự: “Có người bảo đây là nghề nhàn hạ, nhưng với tôi, nghề nào cũng có cái khó khăn của nó. Quan trọng là mình làm hết sức bằng cả cái tâm. Mỗi khi gửi số liệu chính xác, kịp thời giúp dự báo đúng thời tiết để người dân kịp thời phòng chống mưa bão là mình lại thấy vui. Đó cũng chính là động lực để mình bám nghề”.

Đo thời tiết bằng radar ít cực nhọc hơn nhưng cũng không kém phần căng thẳng. Công việc chính là trực theo dõi hình ảnh mây, thông tin về mây cho các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. “Trong ca trực, chúng tôi không bao giờ được rời mắt khỏi màn hình. Thường ngày đã “căng” như thế, những khi mưa bão, đêm hôm thì lại càng vất vả hơn, nhất là đối với phụ nữ” - chị Đồng Thị Lản (31 năm tuổi nghề), nhân viên Trạm radar Nhà Bè tâm sự.

Những hy sinh âm thầm

Nếu chỉ nhìn thoáng qua thì thấy công việc dự báo thời tiết quả là lặng lẽ, nhàn hạ. Nhưng thực tế, nó lại nóng lên từng giờ bởi công việc được thực hiện liên tục từng giờ, từng phút suốt 24/24 giờ. Trung bình mỗi ngày, các quan trắc viên phải thực hiện 8 lần quan trắc, phát báo (OBS), trong đó có 4 OBS chính và 4 OBS phụ. Những ngày bình thường, cứ 3 giờ đồng hồ, quan trắc viên mới thực hiện 1 OBS. Trong những ngày mưa bão thì cứ 30 phút lại phải thực hiện 1 OBS.

chuyen nhung nguoi bat benh ong troi
Chị Nguyễn Dương Liên, quan trắc viên khí tượng Nhà Bè

Mỗi bộ phận mỗi nhiệm vụ, phải quan trắc và phát báo về những yếu tố khí hậu, thời tiết như: Gió, mưa, nắng, độ ẩm, nhiệt độ (nhiệt độ đất và không khí)… Một niềm vui nho nhỏ là phụ nữ tham gia vào lĩnh vực khí tượng thủy văn khá nhiều. Chị Nguyễn Dương Liên, quan trắc viên khí tượng Nhà Bè có thâm niên 24 năm, tự hào vì ba mẹ và chồng đều công tác trong nghề.

“Tôi làm khí tượng, chồng làm thủy văn, nên nhiều người thường đùa cả hai “ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời”. Chúng tôi đều hiểu tính chất quan trọng của nghề, do vậy luôn tự bảo nhau bảo phải làm hết lòng hết sức. Bởi nếu để xảy ra sơ suất dù là rất nhỏ, không chỉ có hậu quả nghiêm trọng về kinh tế mà còn gây thiệt hại đến tính mạng con người” - chị Liên tâm sự.

“Mong sống được với nghề” là kỳ vọng của người làm công tác khí tượng thủy văn hiện nay. Người mới ra trường, lương chưa tới 3 triệu đồng/tháng; người làm trên 30 năm, lương cũng chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Để theo nghề khí tượng thủy văn, họ phải tìm việc làm thêm như cạo mủ cao su, bán hàng nước...

Có thể thấy, phía sau những dự báo viên thời tiết là những quan trắc viên làm việc ở các trạm thủy văn và trạm khí tượng. Mặc dù tên của họ không được đề dưới các bản tin thời tiết, nhưng vai trò và trách nhiệm của họ rất lớn. Số liệu quan trắc của họ là cơ sở để các dự báo viên cho ra các bản tin dự báo. Vì thế, công việc đòi hỏi họ phải tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt, phải chính xác tuyệt đối từ giờ giấc đến con số.

Dự báo thời tiết là “làm dâu trăm họ”. Do tính chất công việc là ít được giao hòa với xã hội trên diện rộng dẫn đến “chậm vợ, chậm chồng và muộn con”, trừ khi trạm “gặp may” có đủ cả nam lẫn nữ. Cũng do công việc đặc thù nên họ ít được cộng đồng thấu hiểu và chê nhiều hơn khen, vì cho dù con người có am tường đến đâu và máy móc hiện đại đến mấy thì việc dự báo cũng vẫn có sai số nhất định, nên họ chỉ là… “Gia Cát Dự”.

“Lúc dự báo thời tiết đúng thì không ai khen, nhưng hễ trật là rất khổ. Dẫu biết mình không thể làm hài lòng được tất cả mọi người nhưng đôi lúc cũng cảm thấy rất buồn. Nghề này thầm lặng, khó khăn, lắm thị phi, ấy vậy mà khi đã chọn nghề, ít ai bỏ giữa chừng vì đa số đều đến với nghề bằng tình yêu, bằng tấm lòng” - ông Nguyễn Doãn Hậu, Trạm trưởng Trạm Khí tượng thủy văn Nhà Bè nói.

chuyen nhung nguoi bat benh ong troi
Làm nghề dự báo thời tiết tuy nhọc nhằn nhưng đã trót theo nghề là khó dứt ra được

“Mong sống được với nghề” là kỳ vọng của người làm công tác khí tượng thủy văn hiện nay. Theo tìm hiểu, người mới ra trường, lương chưa tới 3 triệu đồng/tháng; người làm trên 30 năm, lương cũng chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Cũng vì những khó khăn ấy, để theo nghề khí tượng thủy văn, nhiều người phải tìm việc làm thêm như cạo mủ cao su, bán hàng nước... Thế nhưng, làm thêm cũng không dễ vì công việc chính đã chiếm gần như toàn bộ thời gian trong ngày, chưa kể khi mưa bão, họ gần như phải ăn ngủ ngay tại trạm.

Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, khẳng định: “Những bản tin dự báo thời tiết đưa ra hằng ngày, thậm chí hằng giờ, là minh chứng sống động nhất, chứng tỏ đội ngũ cán bộ, viên chức trong ngành khí tượng thủy văn luôn biết cách vượt lên mọi gian khó trong cuộc sống và công tác, thực hiện các hoạt động dự báo, thông tin khí tượng thủy văn, quan trắc, giám sát biến đổi khí hậu, phục vụ phòng, chống thiên tai chính xác và hiệu quả”.

Hoàng Mai