Chuyện cải cách thủ tục hành chính ở Tổng cục Hải quan

13:30 | 17/09/2018

690 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ông Nguyễn Trần Hiệu - Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan có một số chia sẻ với về công tác cải cách hành chính (CCHC) của Tổng cục Hải quan thời gian qua.

PV: Xin ông chia sẻ một số giải pháp cụ thể mà ngành hải quan đã thực hiện nhằm cải cách thủ tục hành chính (TTHC) qua đó rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa XNK?

Ông Nguyễn Trần Hiệu: Thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trong những năm qua, Tổng cục Hải quan luôn coi cải cách TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thường xuyên, đồng bộ. Trong thời gian qua, với sự triển khai quyết liệt, ngành hải quan đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, về thể chế, đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Hải quan năm 2014. Các phương thức quản lý hải quan hiện đại đã được đưa vào Luật Hải quan năm 2014, qua đó, số lượng TTHC hải quan đã giảm đáng kể, từ 239 thủ tục trước khi có Luật Hải quan năm 2014 xuống còn 183 thủ tục hiện nay. Phần lớn, các TTHC đã được điện tử hóa, tạo thuận lợi cho DN.

Bên cạnh việc tập trung cải cách thể chế, ngành Hải quan đã quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện thủ tục hải quan. Từ năm 2014, Tổng cục Hải quan đã triển khai quản lý, vận hành có hiệu quả hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS với 100% Chi cục hải quan thực hiện, đảm bảo vận hành 24/7. Hệ thống thông quan tự động này cho phép tiếp nhận và xử lý thông tin tờ khai hải quan trong vòng từ 1- 3 giây.

Chuyện cải cách thủ tục hành chính ở Tổng cục Hải quan
Ông Nguyễn Trần Hiệu, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan trả lời phỏng vấn

Hiện nay, việc kết nối các hệ thống thông tin hải quan với hệ thống thông tin của các ngân hàng thương mại đã cho phép các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nộp thuế 24/7, giảm thời gian từ 2 ngày để nộp thuế trước đây xuống còn 15 phút. Cùng với đó, việc triển khai kết nối hệ thống công nghệ thông tin của hải quan và các DN kinh doanh cảng, các hãng vận tải, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh cảng, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cũng đã cho phép kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Theo công bố mới nhất của Ngân hàng Thế giới, năm 2017, thời gian làm thủ tục hải quan trong tổng thời gian làm thủ tục với 1 lô hàng nhập khẩu chỉ chiếm 11%, với hàng xuất khẩu là 4%.

Chi phí TTHC trong lĩnh vực hải quan nằm trong Top 3 nhóm các Tổng cục có chi phí thấp nhất theo công bố mới nhất của Văn phòng Chính phủ.

Theo kết quả công bố Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính được công bố tại Hội nghị đẩy mạnh CCHC và công bố Chỉ số CCHC năm 2017 của Bộ Tài chính mới đây, Tổng cục Hải quan dẫn đầu khối Tổng cục với điểm số 97,5/100 điểm. Tổng cục Hải quan cũng vinh dự là một trong 7 đơn vị thuộc Bộ được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính về những thành tích tiêu biểu trong công tác CCHC năm 2017.

PV: Cũng trong đợt cải cách TTHC này thì tinh giản bộ máy và sắp xếp lại nhân sự cũng hết sức được quan tâm, xin ông cho biết, hiện TCHQ đã thắt chặt bao nhiêu tổ (đội) tại các Chi cục trong cả nước; việc xử lý nhân sự dôi dư như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Trần Hiệu: Ngành hải quan không ngừng cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Theo đó, đãrà soát, kiện toàn bộ máy tổ chức trong ngành hướng tới bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Thời gian qua, qua rà soát đã giảm được 239/606 tổ (đội) của ngành hải quan trong cả nước. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các chi cục hải quan trên cả nước.

Bên cạnh việc rà soát, tổ chức bộ máy, hải quan cũng chú trọng tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ của cán bộ hải quan thông qua việc ban hành quy chế hoạt động công vụ, quy chế kiểm soát 3 cấp hải quan, tuyên bố tuyên ngôn phục vụ khách hàng và công bố kế hoạch đối tác hải quan – doanh nghiệp.

PV: Thời gian qua, liên quan đến cải cách hành chính, VCCI cũng như cộng đồng DN có nhiều ý kiến cho rằng khi cải cách TTHC, khá nhiều Bộ, ngành đã không lấy ý kiến DN. Vậy trong quá trình cải cách TTHC, ngành hải quan đã lấy ý kiến và nhận được ý kiến góp ý từ DN ra sao để cải cách TTHC?

Ông Nguyễn Trần Hiệu: Để cải cách TTHC, ngành hải quan đã làm bằng nhiều biện pháp. Khi xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý hải quan, chúng tôi thực hiện đúng quy định về lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội. Trong quá trình thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi thường xuyên rà soát, tiếp nhận các ý kiến phản ánh về các vướng mắc và kịp thời xử lý những vướng mắc đó.

Hiện nay, doanh nghiệp, người dân có thể phản ánh vướng mắc đến ngành hải quan bằng nhiều con đường: qua Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan; website hoặc thông qua đường dây nóng 19009299. Đặc biệt, thông qua đường dây nóng này, người dân, doanh nghiệp có thể hỏi các vướng mắc về thủ tục cũng như phản ánh các hành vi tiêu cực, sách nhiễu nếu có của cán bộ hải quan nếu có. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa hải quan và doanh nghiệp. Hằng năm, Tổng cục Hải quan tổ chức 1-2 cuộc đối thoại với các doanh nghiệp trên cả nước; các Cục Hải quan tỉnh/thành phố cũng chủ động trong việc đối thoại với các doanh nghiệp trong địa bàn quản lý của mình.

Chuyện cải cách thủ tục hành chính ở Tổng cục Hải quan

PV: Cách đây hơn 1 tháng, Thủ tướng Chính phủ dự hội nghị về phát triển xuất nhập khẩu trong đó có chỉ đạo với ngành Hải quan là giảm dần việc tiền kiểm sang hậu kiểm cũng như giảm bớt kiểm tra chuyên ngành (KTCN) xuống còn 15-20% trên tổng số kiểm tra. Vậy, ngành Hải quan đã thực hiện chỉ đạo này ra sao?

Ông Nguyễn Trần Hiệu: Việc thực hiện chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm luôn là 1 phương pháp mà tất cả các cơ quan hải quan hiện đại trên thế giới áp dụng. Ngành hải quan Việt Nam cũng đã chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên quản lý rủi ro từ khá lâu. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay của chúng ta là mất khá nhiều thời gian vào thời gian thực hiện các thủ tục KTCN.

Thời gian qua, Hải quan đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành để cải cách hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, tính đến nay đã đã có 13 Bộ, ngành thực hiện sửa đổi 81/87 văn bản pháp luật liên quan đến quản lý, KTCN theo hướng giảm danh mục hàng hóa phải KTCN trước thông quan, nhiều mặt hàng đã được chuyển từ thời điểm kiểm tra từ giai đoạn trước thông quan sang sau thông quan, một số quy định không phù hợp cũng đã được bãi bỏ.

Tuy nhiên, thời gian tới, tôi nghĩ rằng còn nhiều việc phải làm. Về phương pháp, cần tăng cường áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, công nhận lẫn nhau, công nhận kết quả kiểm tra của các nước tiên tiến khi hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Bên cạnh đó, trên thực tế, danh mục hàng hóa có KTCN chưa được ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn đi kèm gây khó khăn cho công tác thông quan hàng hóa. Thời gian tới, các Bộ, ngành phải ban hành Danh mục đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến hàng hóa quản lý, KTCN.

Xin cảm ơn ông!

Hùng Phan

Bộ Tài chính tiếp tục triển khai 4 nhóm giải pháp trọng tâm trong công tác CCHC
Bộ Tài chính đi đầu về cải cách thủ tục hành chính
Thủ tướng: Quảng Ninh đã tạo nguồn cảm hứng cho cả nước trong cải cách hành chính