Chủ tịch PVN: Chúng tôi mong được như doanh nghiệp tư nhân

15:08 | 15/11/2019

3,932 lượt xem
|
Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh ví von đang sống trong gia đình "ngũ đại đồng đường", doanh nghiệp đã lớn nhưng làm gì cũng phải xin tới "ông cố".

Tại buổi họp về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Quốc hội ngày 15/11, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch PVN chia sẻ: "Doanh nghiệp tư nhân hiện mong như doanh nghiệp Nhà nước còn doanh nghiệp Nhà nước lại chỉ mong được như tư nhân".

Ông phân tích, doanh nghiệp Nhà nước hiện nay, như ngành dầu khí, bản chất làm ra bao nhiêu nộp lại bấy nhiêu, chỉ giữ lại một phần để tái đầu tư, còn lại nộp ngân sách, chứ "cũng không thấy ưu ái hơn gì cả".

Trong khi đó, thủ tục với doanh nghiệp Nhà nước thì vô cùng phức tạp. "Doanh nghiệp Nhà nước như sống trong một ngôi nhà "ngũ đại đồng đường. Thế hệ thứ 5 cũng làm ăn tốt, trưởng thành rồi, va đập rồi nhưng động tới cái gì cũng phải xin, không phải xin bố mình, mà phải xin tới "ông cố", ông Thanh ví von.

chu tich pvn chung toi mong duoc nhu doanh nghiep tu nhan
Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch PVN. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Chủ tịch PVN dẫn chuyện thực tế tại một doanh nghiệp thành viên để minh chứng bất cập trong thủ tục, quy định pháp luật hiện nay. Một đơn vị thuộc tập đoàn này chuyển khoản 800 tỷ đồng về Việt Nam sau khi hoàn tất hợp đồng liên doanh tại nước ngoài, nhưng một năm qua vẫn chưa thể rút ra để tiêu. Do đó, doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng bù vào khoản tiền này.

"Hệ thống luật của mình cực kỳ phức tạp, doanh nghiệp muốn rút tiền của mình về thôi mà không chi được. Luật luôn thay đổi, nay thế này, mai thế khác thì khó có ai theo kịp", ông Thanh nói và nhấn mạnh bất cập trong thủ tục với doanh nghiệp Nhà nước.

Đề cập đến Luật Doanh nghiệp sửa đổi, từ kinh nghiệm thực tiễn, theo ông Thanh, nhiều khi không sửa lại ít sai, càng sửa càng sai. Vì khi đưa ra bàn, mỗi người chỉ tiếp cận một góc vấn đề, hoặc một hiện tượng, hoặc vấn đề gì đó, nhưng lại chưa đặt trong tổng thể trong sự vận hành cả bộ máy hành chính, bộ máy của các doanh nghiệp, thậm chí của cả cơ quan tư pháp, khối nội chính.

Theo ông, Chính phủ nên dành thời gian, công sức để thiết lập các mô hình giả định, giao cho nhóm công tác của các bộ ngành chạy song song với luật cũ và mới để đánh giá. "Trước khi ban hành luật mà làm như vậy, tôi tin rằng sẽ phát hiện ngay xung đột pháp luật và để luật mới ban hành chặt chẽ", ông Thanh nhấn mạnh.

Cũng tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này Chính phủ đề xuất sửa lại khái niệm loại hình doanh nghiệp Nhà nước. Theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự Luật Doanh nghiệp sửa đổi quy định, doanh nghiệp Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết cũng được tính là doanh nghiệp Nhà nước, thay vì phải sở hữu 100% vốn như trước.

Thẩm tra sau đó, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp Nhà nước là vấn đề lớn, quan trọng nên đề nghị cần có đánh giá tác động kỹ.

Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước trên 50% chưa đảm bảo sự chi phối của Nhà nước với các quyết định quan trọng như thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông... Do đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị, dự luật cần xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước phù hợp (thấp nhất là 75%), bảo đảm được sự chi phối của Nhà nước trong quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, hài hoà lợi ích, quyền lợi của các cổ đông.

Còn ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM thì cho rằng, dự luật cần làm rõ hơn tính chất, hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước để đảm bảo lấy tiêu chí, hiệu quả kinh tế làm định lượng, đánh giá. Vấn đề minh bạch, công khai của doanh nghiệp Nhà nước cũng cần được đưa ra, luật hoá.

Ngoài ra, ông còn đề nghị triệu tập các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để Quốc hội chất vấn, đột xuất, bất thường như với các bộ trưởng.

Theo VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc