Chữ ĐỒNG của Bác Hồ

06:30 | 02/09/2015

19,461 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng ta cùng nhau ôn lại những chữ Đồng mà Bác Hồ đã vận dụng để giải quyết thành công vấn đề đoàn kết dân tộc, tôn giáo...

​"Dân ta nên nhớ chữ Đồng

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.

Hai câu thơ trên trích trong bài “Nên học” của Bác Hồ với 4 chữ Đồng đã thể hiện tư tưởng của Người về xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, tập hợp và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong lúc thù trong giặc ngoài đang rình rập thôn tính nước ta, đất nước đang ở trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta phải chèo chống con thuyền cách mạng lướt qua sóng to gió lớn, để đưa con thuyền đến bến bờ vinh quang. Chiến lược sáng suốt lúc này là làm sao củng cố, giữ vững chính quyền cách mạng đang còn trong “trứng nước”.

Tư duy chiến lược của Hồ Chí Minh là quy tụ cho được lực lượng toàn dân không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc, đánh tan giặc Pháp - Nhật xâm chiếm nước ta. Sự liên minh tất cả lực lượng của các giai cấp, đảng phái, các nhóm cách mạng cứu nước, các tôn giáo các dân tộc kháng Nhật, đó là công việc cốt yếu của Đảng ta. Nhiều nhân vật nổi tiếng được Hồ Chí Minh sáng lập đã thu hút một số nhà tư sản lớn, một số chức sắc cao trong tôn giáo, cựu quan lại cao cấp của chế độ cũ như Bảo Đại, Bùi Bằng Đoàn, v.v…

chu-dong-cua-bac-ho

Sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều tổ chức và đảng phái chính trị phản động chống phá cách mạng quyết liệt. Nổi bật nhất là các đảng Việt Quốc, Việt Cách dựa thế của Tưởng Giới Thạch chống Việt Minh, chống Đảng Cộng sản, hòng lật đổ Chính phủ cách mạng do Hồ Chủ tịch đứng đầu. Chính phủ liên hiệp lâm thời được thành lập ngày 1-1-1946 và cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 đã lập nên Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quốc hội Khóa I đã dành cho Việt Quốc, Việt Cách 70 ghế đại biểu không qua bầu cử. Ngày 2-3-1946, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa I, theo đề nghị của Hồ Chủ tịch, Quốc hội đã chấp nhận thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến, trong đó, Nguyễn Hải Thần (Việt Cách) giữ chức Bộ trưởng Bộ Xã hội kiêm Y tế - Cứu tế và Lao động; đảm nhiệm cố vấn tối cao là Vĩnh Thụy (Bảo Đại), Vũ Hồng Khanh (Việt Quốc) giữ chức Phó chủ tịch Kháng chiến ủy viên hội. Nhìn lại cơ cấu Hội đồng Chính phủ lâm thời, những chức vụ quan trọng đều do hai đảng Việt Quốc và Việt Cách nắm giữ. Điều đó cho thấy sách lược thỏa hiệp của Hồ Chí Minh thật là cao tay, sáng suốt, ít nhất tạm thời cũng giữ được hòa khí, làm dịu đi âm mưu phá phách, chống đối của bọn chân tay Tưởng Giới Thạch.

Về việc ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, Người nói: “Trong giờ phút nghiêm trọng một mất một còn, quốc gia dân tộc phải đứng trên hết mọi sự… Trước nguy cơ dân tộc, là dân tộc mất nước, phải hy sinh hết cả ý riêng, tâm tính riêng, lợi ích riêng cho đến tính mạng cũng không tiếc. Hơn nữa, còn phải làm thế nào cho tất cả các tầng lớp nhân dân đều chung đúc tâm trí và lợi ích của dân tộc mà phấn đấu. Những lời nói đầy tâm huyết của Người đã thuyết phục được Quốc hội và Hội đồng Chính phủ chấp nhận việc Người đã ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và đã nhận được sự nhất trí cao. Nghiêm Kế Tố - người thuộc Đảng Việt Quốc, một trong số 70 đại biểu Quốc hội không qua bầu cử - đã nhận xét: “Mọi phản ứng, mọi bất mãn của các lực lượng đối lập đều bị dẹp sau khi Hồ Chí Minh đã thực hiện các chủ trương sách lược nhân nhượng, hòa giải. Đang từ tư tưởng phản đối hoàn toàn, các đảng phái đối lập bỗng nhiên chịu nửa phần trách nhiệm về việc ký với người Pháp... chính trị khôn khéo của Việt Minh thật là vô bờ bến khiến cho đang phản đối chuyển sang đồng tình”.

Theo cố Giáo sư Trần Nhâm, chuyên gia nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, trong rất nhiều bài nói, bài viết, Người thường nhấn mạnh chữ đồng. Người quan tâm đến chữ “đồng” tìm ra cái chung, cái đồng nhất để chân thành hợp tác, cố kết họ lại vì lợi ích đại cục. Trong thư gửi đồng bào Nam bộ, tháng 6-1946, Bác Hồ viết như sau: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang”. Đây quyết không phải là một sách lược “khôn khéo” nói cho dễ nghe, mà chính là tư tưởng lớn ở tầm chiến lược của Hồ Chí Minh...

Giáo sư Trần Nhâm nhấn mạnh, đặc biệt là đối với các tôn giáo, Người luôn tìm thấy sự đồng nhất, sự tương đồng giữa mục tiêu, lý tưởng của cách mạng Việt Nam với những niềm tin, khát vọng chính đáng của tôn giáo. Người không bao giờ để cho sự đối đầu giữa hai hệ tư tưởng ấy phát triển, ảnh hưởng đến đại cục, đến sự nghiệp chung. Nhận xét về lý thuyết của các tôn giáo, bao giờ Người cũng nhìn từ hai mặt trái và mặt phải của họ, không thiên lệch, cực đoan một mặt nào. Người mạnh dạn đưa ra những luận điểm mà thời ấy người ta đang e dè, đố kỵ với các tôn giáo, thời mà quan điểm “giai cấp chống giai cấp” đang thịnh hành, thì rõ ràng bản lĩnh và trí tuệ Hồ Chí Minh thật đáng để cho người ta khâm phục. Tôn giáo và Tổ quốc, tôn giáo và độc lập dân tộc thống nhất với nhau. Đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc là nguyện vọng, thiết tha của mọi người dân, trong đó có tín đồ các tôn giáo. Chính trên ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh đã nói: “Nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã”. Để đập tan sự chia rẽ dân tộc, chia rẽ lương - giáo của bọn thực dân, phong kiến, Người nhấn mạnh: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương - Giáo đoàn kết”.

Trong thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Giáng sinh năm 1956, Người viết: “Nhân dịp lễ Giáng sinh này, tôi mong các hàng giáo sĩ và đồng bào, đã đoàn kết nay càng đoàn kết hơn, đoàn kết giữa nhân dân và cán bộ, giữa đồng bào giáo và đồng bào lương để... mau thống nhất nước nhà, cho Bắc Nam sum họp”. Giáo sư Trần Nhâm cho biết.

Giáo sư Wifried Lulei của Trường đại học Humboldt (Đức) - đã viết: “Ở đây tôi thấy lý do chính là sự định hướng trọn đời của ông cho độc lập, dân chủ, hòa bình và thống nhất. Sự định hướng đó không bao giờ là sách lược tạm thời mà là sự biểu hiện của một tư tưởng nhân văn sâu sắc. Đó là lý do giải thích vì sao đối với ông là sự chung lưng đấu cật với mọi người từ đáy lòng yêu thiết tha quê hương mình, không giành riêng hay thiên vị sắc tộc, gạt sang bên những gì họ đã vấp phải trong quá khứ”.

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng ta cùng nhau ôn lại những chữ Đồng mà Bác Hồ đã vận dụng để giải quyết thành công vấn đề đoàn kết dân tộc, tôn giáo, tập hợp quần chúng lại thành những tổ chức cách mạng rộng lớn, mạnh mẽ, những tổ chức hoạt động tích cực, tự giác, với nhận thức rõ ràng về mục đích chiến đấu của mình và được giáo dục theo tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Bảo Văn

Năng lượng Mới 452+453