Chủ đầu tư "phản pháo" Kiểm toán về kết luận tại dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

09:46 | 20/03/2014

1,357 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước về những sai phạm tại dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, ngày 19/3, Tổng Công ty Phát triển và Đầu tư đường cao tốc Việt Nam đã có văn bản giải trình về những sai phạm trong dự án này.

Đội vốn đầu tư lên 2,5 lần so với ban đầu

Ngày 16/1, Kiểm toán Nhà nước có văn bản số 28/TB-KTNN gửi Bộ Giao thông Vận tải về kết quả kiểm toán Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn I. Theo Kiểm toán Nhà nước, Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng chiều dài 56 km đi qua thành Hà Nội, tỉnh Hà Nam và Nam Định. Dự án được thông xe toàn tuyến vào ngày 30/6/2012, với tổng mức đầu tư cho dự án là 8.974 tỉ đồng. Tổng Công ty Phát triển và Đầu tư đường cao tốc Việt Nam là đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ thiết kế, giải phóng mặt bằng và thi công.

Sau khi dự án được đưa vào khai thác, Kiểm toán Nhà nước đã vào cuộc kiểm toán toàn bộ dự án trong thời gian ngày 1/10/2013 đến 9/12/2013. Kết quả cho thấy, vốn đầu tư có sự chênh lệch do áp dụng định mức không đúng quy định làm tăng chi phí, sai đơn giá, sai khối lượng, chưa có đơn giá thanh toán chính thức. Phần bù giá trong khoảng thời gian chậm tiến độ chưa làm rõ nguyên nhân, việc tổng hợp số liệu lập báo cáo vốn đầu tư thực hiện của dự án đến ngày 30/6/2013 bị sai lệch.

Công tác khảo sát đến lập đề cương dự án không có nội dung khảo sát thủy văn mà sử dụng số liệu điều tra, tính toán của một số dự án tương tự là không tuân thủ quy trình khảo sát đường ô tô. Công tác khảo sát địa chất của dự án không thực hiện khoan bổ sung khi gặp nền đất yếu hay tận dụng tài liệu khảo sát địa chất của tuyến đường khác cũng được phía kiểm toán chỉ ra khi nói về những điểm còn tồn tại của công tác chuẩn bị dự án. Công tác thiết kế cơ sở chưa đề xuất được  phương án hướng tuyến tối ưu đã dẫn tới dự án phải thay đổi hướng 2 lần.

Kiểm toán Nhà nước vạch rõ những sai phạm tại dự án được cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (ảnh dự án).

Qua đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, những hạn chế trên khiến thời gian lập dự án khả thi kéo dài từ năm 1999 đến năm 2005 mới được phê duyệt. Công tác khảo sát bước lập dự án và lựa chọn phương án thiết kế ban đầu chưa tối ưu dẫn đến kéo dài thời gian lập dự án khả thi, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến phải điều chỉnh dự dự án và tổng mức đầu tư 2 lần với giá trị tăng 3.734 tỉ đồng lên 8.974 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, trong công tác khảo sát, thiết kế và lập, phê duyệt dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã áp dụng định mức hạng mục “giếng cát đường kính D400 mm” không đúng quy định và không phù hợp với thực tế, làm ảnh hưởng đến chi phí đầu tư. Kiểm định chất lượng công trình phát hiện rất nhiều mẫu bê tông nhựa và thành phần hạt của các lớp kết cấu không đạt yêu cầu. Một số mẫu được kiểm định có hàm lượng hạt lọt qua các cỡ sàng tiêu chuẩn và nhỏ hơn quy định. Chiều dày bình quân từng lớp kết cấu cũng thiếu so với quy định của gói thầu số 5 đã được kiểm toán chỉ ra rất cụ thể là lớp đá dăm đen thiếu 0,21 mm, lớp bê tông nhựa hạt mịn thiếu 2,38 mm.

Cơ quan Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện việc dự toán bóc tách sai khối lượng so với khối lượng trên hồ sơ thiết kế kỹ thuật làm tăng giá trị dự toán công trình trên 1,7 tỉ đồng. Việc áp dụng sai hệ số quy đổi đất đắp tại công trình dẫn tới làm tăng giá trị dự toán trên 1,6 tỉ đồng... Tổng hợp các sai lệch trong công tác dự toán so với tổng dự toán tính đúng của các gói thầu được duyệt có tổng mức chênh lệch là hơn 300 tỉ đồng và chênh lệch so với giá trúng thầu là hơn 283 tỉ đồng.

Kiểm toán Nhà nước khẳng định, để xảy ra các tồn tài dẫn đến kéo dài thời gian lập dự án và tăng tổng mức đầu tư thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án 1, Ban quản lý dự án Thăng Long và nhà thầu tư vấn khảo sát thiết kế.

Riêng Tổng Công ty Phát triển và Đầu tư đường cao tốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước đề nghị điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán vốn đầu tư thực hiện đến 30/6/2013 của dự án phù hợp với kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Khẩn trương thu hồi số tiền tạm ứng chưa thu hồi hết với một số gói thầu giá trị hơn 30 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh giảm số thuế giá trị gia tăng đầu vào tương ứng với giá trị chi phí đầu tư giảm trừ qua kiểm toán đối với các gói thầu.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của Ban quản lý Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình, các cá nhân được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, quản lý, nghiệm thu tại hiện trường và nhà thầu tư vấn giám sát là Công ty Quality Couriers Interational S.E.A. Bộ Giao thông Vận tải kiểm điểm xử lý trách nhiệm với tập thể, cá nhân liên quan trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án. Cơ quan này đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo ổng Công ty Phát triển và Đầu tư đường cao tốc Việt Nam và các đơn vị liên quan kiểm tra lại quy trình nghiệm thu các lớp bêtông nhựa đảm bảo yêu cầu thiết kế.

Điều chỉnh vốn là việc bất khả kháng...?

Liên quan đến kết quả kiểm toán dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Tổng Công ty Phát triển và Đầu tư đường cao tốc Việt Nam cho biết, dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bắt đầu nghiên cứu từ năm 1999 theo Quyết định số 167/QĐ/BGTVT-KHĐT của Bộ Giao thông Vận tải về việc cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 1A đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình. Trong quá trình nghiên cứu khả thi dự án, các phương án hướng tuyến đã được xem xét, gồm: nâng cấp đường hiện tại, xây dựng mới tuyến đường phía Tây và xây dựng mới tuyến đường phía Đông quốc lộ 1A. Tuy nhiên, do định hướng xây dựng tuyến đường này theo hướng phát triển thành đường cao tốc nên phương án tuyến phía Đông được tập trung nghiên cứu.

Trong tiến trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Tổng Công ty Phát triển và Đầu tư đường cao tốc Việt Nam cũng đã phân tích các phương án này để đưa ra được hướng tuyến tối ưu và hợp lý nhất. Cụ thể, phương án đường cao tốc phía Tây là phương án tuyến mới đi tách hoàn toàn khỏi tuyến quốc lộ 1A cũ. Tận dụng được cụm nút cầu Giẽ vượt mới được xây dựng. Tuy nhiên phương án này có nhiều đoạn các yếu tố hình học tuyến không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của đường cao tốc. Phương án này đi qua khu quy hoạch phía tây thị xã Phủ Lý, đi vào phạm vi các khu di tích Địch Lộng, Hoa Lư, Bích Động. Khối lượng giải phóng mặt bằng lớn hơn phương án cao tốc phía Đông, đồng thời phải vượt qua vùng hoạt động mạnh của sông Đáy và khu vực có mật độ sông ngòi, đường giao dày đặc nên khối lượng công trình phải xây dựng mới rất lớn.

Lý giải về việc đội vốn lên 2,5 lần so với ban đầu, Tổng Công ty Phát triển và Đầu tư đường cao tốc Việt Nam khẳng định đó là việc bất khả kháng.

Còn phương án đường cao tốc phía Đông khắc phục được các tồn tại của phương án phía Tây, ngoài ra nó còn có các ưu điểm sau, các yếu tố tuyến đều đạt tiêu chuẩn của đường cao tốc tốc độ 100-120 km/h, khối lượng đắp nền thấp hơn phương án phía Tây, đền bù giải phóng mặt bằng thấp. Ngoài ra, phương án phía Đông phù hợp với quy hoạch mạng đường cao tốc phía Bắc, tăng tính kết nối với mạng đường hiện tại cũng như quy hoạch các đô thị, khu công nghiệp của các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Trước những phân tích về phương án và kết quả thiết kế cụ thể khi so sánh và đánh giá giữa hai phương án, các chỉ tiêu kỹ thuật, kinh tế và tổng thể mạng đường cao tốc theo phương án đường cao tốc phía Đông là hợp lý nhất. Do đó, phải khẳng định việc lập, thẩm định dự án theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, việc thu thập số liệu và khảo sát thực địa đã được tiến hành để phục vụ cho so sánh, phân tích lựa chọn phương án tuyến. Ngoài ra, cơ quan tư vấn là Tổng Công ty Tư vấn và Thiết kế Giao thông Vận tải còn sử dụng số liệu khảo sát thủy văn, địa chất của một số dự án (quốc lộ 10, 38, 21A, 1A, Đường sắt Bắc Nam…) để hoạch định phương án thiết kế là phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành.

Về việc điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư, Tổng Công ty Phát triển và Đầu tư đường cao tốc Việt Nam cho biết, hồ sơ nghiên cứu khả thi của dự án đã được hoàn thành năm 2004 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Ngày 20/4/2005, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 323/QĐ-TTg về việc đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư là 3.733,3 tỉ đồng. Dự án được lập vào thời điểm trước năm 2005 với hình thức đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước có mức đầu tư là 3.733,3 tỉ đồng. Sau đó, do ngân sách Nhà nước gặp khó khăn nên đã chuyển sang hình thức đầu tư bằng vốn trái phiếu công trình do Tổng Công ty Phát triển và Đầu tư đường cao tốc Việt Nam phát hành. Theo dự án điều chỉnh được phê duyệt năm 2007 có tổng mức đầu tư là 7.723 tỉ đồng và năm 2010 là 8.974 tỉ đồng.

Lý giải về điều này, Tổng Công ty Phát triển và Đầu tư đường cao tốc Việt Nam khẳng định, việc tăng tổng mức đầu tư chủ yếu là do các nguyên nhân cộng thêm lãi suất huy động vốn và thay đổi bất khả kháng về giá vật liệu, nhân công, bổ sung khối lượng hạng mục, thể chế chính sách... Nguyên nhân gây tăng tổng mức lớn nhất do giải phóng mặt bằng chậm, tăng khối lượng công trình cầu vượt, cống chui theo yêu cầu của địa phương, địa chất, biến động giá bất thường vào thời điểm năm 2007-2008 dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án đã được duyệt không còn phù hợp với thực tế.

Về vấn đề đơn giá lập dự toán đối với hạng mục “giếng cát đường kính D400mm” báo cáo kiểm toán cũng cho rằng, trong hệ thống định mức hiện hành của Nhà nước chưa có định mức thi công giếng cát nên phải sử dụng định mức của “cọc cát đường kính D400 mm” để lập và phê duyệt dự toán gói thầu. Tổng Công ty Phát triển và Đầu tư đường cao tốc Việt Nam lý giải, thực tế xây dựng ở nước ta hiện nay, thiết bị công nghệ và trình tự thi công cọc cát, giếng cát là như nhau và không có tính chất đặc thù riêng cho bất kỳ dự án nào trong công trình giao thông cũng như các lĩnh vực xây dựng cơ bản khác.

Đối với các sai lệch khác trong công tác nghiệm thu, thanh toán, phía Tổng Công ty Phát triển và Đầu tư đường cao tốc Việt Nam cho rằng, dự án được thực hiện trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lãi suất vay các ngân hàng tăng cao, để tạo điều kiện cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, Tổng Công ty Phát triển và Đầu tư đường cao tốc Việt Nam đã thực hiện tạm ứng, tạm thanh toán một số khối lượng hạng mục cho nhà thầu, các khối lượng thi công được chuẩn xác ở bước hoàn công.  Về các kết quả kiểm toán đo đạc hiện trường có sai lệch về độ dày kết cấu nền, mặt đường, song Tổng Công ty Phát triển và Đầu tư đường cao tốc Việt Nam co hay, hiện tượng này chỉ xảy ra cục bộ ở một số vị trí, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có ý kiến chỉ đạo Tổng Công ty Phát triển và Đầu tư đường cao tốc Việt Nam mời Tư vấn độc lập kiểm định chất lượng công trình xác định chi tiết các khiếm khuyết và xử lý trách nhiệm đúng quy định của pháp luật.

Tổng Công ty Phát triển và Đầu tư đường cao tốc Việt Nam đã gửi văn bản tới từng đơn vị về các tồn tại được nêu trong báo cáo kiểm toán và yêu cầu các đơn vị kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đồng thời yêu cầu các đơn vị hoàn thành việc khắc phục các tồn tại đã nêu trong báo cáo kiểm toán Nhà nước trước ngày 10/5 tới.

Thiên Minh