Chữ BỤT của Sư ông Thích Nhất Hạnh

07:05 | 17/08/2014

|
Bạn đọc: Tôi nghe nói sư Thích Nhất Hạnh chủ trương và đã thực hiện việc gọi Phật là Bụt. Không biết chuyện này có đúng sự thật không nhưng nếu đúng thì liệu một cách gọi như thế có ổn không, thưa ông An Chi? Xin cảm ơn. Huệ Mẫn (Thị Nghè, TP HCM)

Năng lượng Mới số 348

Học giả An Chi: Ðúng là Sư Ông Thích Nhất Hạnh đã chủ trương gọi Phật là “Bụt” nhưng rất tiếc rằng những lý lẽ mà ông đưa ra để biện minh lại không thể đứng vững được.

1. Sư Ông nói:  “Sở dĩ chúng tôi dùng chữ đạo Bụt mà không dùng chữ đạo Phật, vì chúng tôi nghĩ rằng chữ Bụt có tính dân tộc hơn chữ Phật”.

Lý do này của ông hoàn toàn không thích đáng vì giữa hai từ này chẳng có từ nào “dân tộc” hơn từ nào cả. Cả hai từ chỉ là những cách đọc khác nhau theo thời gian (lịch đại) của chữ [佛] trong tiếng Hán mà thôi. Về vấn đề này, cách đây hơn 20 năm, trên Kiến thức Ngày nay số 84 (15-5-1992), chúng tôi đã phân tích rành mạch trong bài “Bụt & Phật” như sau: “Sự đối lập giữa “Bụt” và “Phật” không phải là sự đối lập đồng đại kiểu như hôtel với hôpital, hoặc giữa écouter với ausculter, v.v... chẳng hạn. Nó là sự đối lập lịch đại kiểu như sự đối lập giữa hôtel với các hình thái tiền thân là *osptel → ostel → hostel; hoặc như giữa écouter với *ascoltare → *escoltare →escolter → escouter, v.v... Ðể lấy một thí dụ gần hơn, xin nói rằng sự đối lập giữa “Bụt” với “Phật” cũng giống như sự đối lập giữa “mô” với “vô” (đều là âm của chữ
[無]) trong “Nam mô Phật” mà có sách và có người đọc là “Nam vô Phật”. Vì vậy mà hai tác giả Thích Minh Châu và Minh Chi đã nhận xét rằng “Nam mô Phật” cũng có khi viết “Nam vô Phật”, cho nên có người giải thích sai rằng nước Nam không có Phật (Từ điển Phật học Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr. 436). Chẳng qua “mô” là âm xưa còn “vô” là âm nay của cùng một chữ đó thôi.

“Cũng vậy, “Bụt” là âm xưa còn “Phật” là âm nay của cùng một chữ. Sự tương ứng “Bụt ↔ Phật” là sự tương ứng về phụ âm đầu “B xưa ↔ PH nay” và về nguyên âm chính “U xưa ↔ Â nay” mà người ta hoàn toàn có thể chứng minh được bằng nhiều cứ liệu cụ thể và xác thực. Và phụ âm đầu, Bụt ↔ Phật cũng giống như: (trói) buộc ↔ (thúc) phọc (cũng đọc phược), bây (= liều, không đúng lý) ↔ phi (= sai, quấy); (bóng) bảy ↔ phỉ (= vẻ đẹp đẽ); buồm ↔ phàm; buồng ↔ phòng; bưng (bít) ↔ phong (tỏa), v.v... Về nguyên âm chính, Bụt ↔ Phật cũng giống như bún (trong bún bò, bún ốc, bún riêu) ↔ phấn (= bột - có chuyển nghĩa); lùm (cây) ↔ lâm (rừng, bụi cây, khóm cây); sún (răng) ↔ sẩn 齔 có nghĩa là «thay răng») v. v...”

Tóm lại, trong hai từ “Bụt” và “Phật”, chẳng có từ nào “có tính dân tộc” hơn từ nào cả. Ta không thể chỉ dựa vào cảm nhận cá nhân để khẳng định tính dân tộc của nó.

2. Sư Ông nói: “Dân Việt Nam cho đến thế kỷ thứ XIII-XIV vẫn còn gọi Buddha là Bụt. Chỉ từ khi quân Minh sang chiếm nước ta, chúng ta mới bắt đầu bắt chước họ gọi là Phật thôi. Nếu quý vị đọc Ðắc Thú Long Tuyền Thành Ðạo Ca của vua Trần Nhân Tông, quý vị thấy rằng ngài vẫn dùng chữ Bụt. Tổ thứ ba của phái Trúc Lâm ngài Huyền Quang cũng dùng chữ Bụt”.

Khi nói cho đến thế kỷ thứ XIII-XIV dân Việt Nam vẫn còn gọi Buddha là Bụt và chỉ từ khi quân Minh sang chiếm, ta mới bắt đầu bắt chước chúng mà gọi là Phật thì Sư Ông Thích Nhất Hạnh đã đưa ra một lời khẳng định hoàn toàn vô căn cứ. Việc ông nhắc đến từ “Bụt” trong “Ðắc Thú Long Tuyền Thành Ðạo Ca” của vua Trần Nhân Tông và trong thơ của Thiền sư Huyền Quang chứng tỏ ông hoàn toàn khiếm khuyết khi viện dẫn. Thực ra, cả bài ca của Trần Nhân Tông lẫn thơ của Huyền Quang đều có dùng từ “Phật”.

Trong “Ðắc thú long tuyền thành đạo ca” thì, ở trên, vua nhà Trần viết:

“Thờ phụng Bụt trời

Ðêm ngày hương hỏa

Tụng kinh niệm Bụt

Chúc thánh khẩn cầu”.

Nhưng ở một đoạn dưới, Ngài lại viết:

“Học đòi chư Phật,

Cho được viên thành;

Xướng khúc vô sinh

An thiền tiêu sá (sái)”.

Còn trong “Vịnh Vân Yên tự phú” thì Huyền Quang đã dùng từ “Bụt” 4 lần nhưng đặc biệt trong đoạn dưới đây thì Ngài lại dùng cả “bụt” lẫn “Phật”:

“Quán thất bảo vẽ bao Bụt hiện;

Áo lục thù tiếng gió tiên phiêu.

Thầy tu trước đã nên Phật quả;

Tiểu tu sau còn vị tỳ - kheo”

Ðiều này chứng tỏ việc Sư ông Thích Nhất Hạnh đưa chữ “Bụt” trong bài ca của Trần Nhân Tông và bài phú của Huyền Quang ra để phủ nhận từ “Phật” là một việc làm hoàn toàn không có giá trị nếu không nói là ông không trung thực vì đã cố tình cố ý làm lơ trước sự hiện diện của từ “Phật”, là từ mà ông muốn phủ nhận. Thời thuộc Minh chính thức bắt đầu từ năm 1407 và chấm dứt năm 1427. Trần Nhân Tông (1258-1308) qua đời trước khi nhà Minh chính thức cai trị nước ta đến 99 năm còn Huyền Quang (1254-1334) trước 73 năm thì các vị làm sao biết mấy anh Tàu gọi Buddha như thế nào mà bắt chước, thưa Sư ông?

Huống chi, về mặt ngữ học, ta còn phải biết rằng, ở đây, “Bụt” và “Phật” dứt khoát không phải là những từ đồng nghĩa tuyệt đối vì một lý do đơn giản là hai từ đồng nghĩa tuyệt đối không thể cùng song song tồn tại trong từ vựng của một ngôn ngữ. “Phật” thì đúng là “Buddha” chính tông chứ “Bụt” thì… không còn hoàn toàn như thế. Vì vậy cho nên trong những câu của Trần Nhân Tông và Huyền Quang thì “Phật” mới là từ chính thức và chính xác dùng để chỉ “Buddha”.

3. Sư ông viết: “Thiền sư Khuy Cơ là đệ tử lớn của Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang nói: Chữ Buddha đáng lý phải dịch là Bụt Ðà nhưng người ta đã dịch lầm là Phật. Chính những vị cao tăng bên Trung quốc đời Ðường đã thấy. Như vậy sự sai lầm của một nước không có lý gì một nước khác cũng phải sai lầm theo?”.

Thực ra thì chính Thiền sư Khuy Cơ đã nhầm, rồi theo đó là những vị cao tăng bên Trung quốc đời Ðường và cuối cùng là Sư ông Thích Nhất Hạnh người Việt Nam. Vâng, tất cả các vị đều nhầm. Thiền sư Khuy Cơ, dù có uyên bác đến đâu về Thiền lý, thì cũng không phải là một nhà ngữ âm học lịch sử về tiếng Hán. Trong bài đã dẫn, chúng tôi đã viết rõ: “Thiết âm của nó (tức chữ [佛]) trong các vận thư như Ðường vận, Tập vận, Vận hội, Chính vậnKhang Hy tự điển thu thập đều là “phù vật thiết”[符勿切], nghĩa là “ph[ù] + [v]ật = phật”. Nhưng âm xưa của “phù” [符] là “bùa” còn âm xưa của “vật” [勿] là “mụt” cho nên âm xưa của chữ [佛] phải là “b[ùa] + [m]ụt = BỤT”.”

Vậy xin khẳng định rằng người ta đã dịch đúng là BỤT; rồi về sau cách đọc mới chuyển thành “Phật”.

4. Sư ông viết: “Chúng tôi đã cương quyết sử dụng chữ Bụt và đạo Bụt. Nếu chúng ta cần dùng danh từ Hán Việt thì chúng ta dùng Phật giáo, còn nếu đạo là đạo Bụt. Ngày Phật đản hay là ngày đản Bụt, Phật tử hay là con Bụt. Như vậy ngôn ngữ của chúng ta được giàu có thêm lên vì chúng ta không bỏ chữ Phật mà chúng ta phục hồi được chữ Bụt. Trong tác phẩm Ðường Xưa Mây Trắng, chúng tôi sử dụng chữ Bụt và chữ Bụt có vẻ thân thương, gần gũi hơn chữ Phật nhiều lắm”.

Nhưng chữ “Bụt” đã bị xếp vào viện bảo tàng đâu mà Sư ông Thích Nhất Hạnh đòi phục hồi nó! Thì đây, xin mời Sư ông đọc tên các bài báo: “Ông bụt của trẻ nghèo” (Người lao động, chủ nhật 7-7-2013) nói về ông Ðoàn Minh Hùng ở khu phố 5, phường Bình Trị Ðông, quận Bình Tân, TPHCM với lớp học tình thương và những việc làm tốt tự nguyện. “Ông Bụt giữa đời thường (Quân đội nhân dân, 31-7-2014), nói về ông Lê Văn Ý, thương binh ở ấp Mỹ Sơn Ðông, xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. “Ông bụt sông Hàn vá xe miễn phí cho người nghèo” (Petro Times, 5-4-2014). “Ông Bụt của đứa trẻ suýt bị chôn sống ở Gia Lai” (Tin ngắn, 7-8-2014) V.v… và v.v... Cứ như thế thì, chẳng cần phải dùng để thay cho chữ “Phật”, chữ “Bụt” cũng đã làm cho ngôn ngữ của chúng ta giàu có thêm lên… tự bao giờ. 

5. Sư ông nói: “Chắc quý vị cũng biết rõ là trong kho tàng truyện cổ tích, ca dao của nước ta, dân chúng vẫn còn duy trì cách gọi Buddha là Bụt”.

Xin thưa với Sư ông là, về quan điểm này của ông thì, trong bài đã nêu, chúng tôi đã viết như sau (có sửa một vài chữ): “Trong ca dao, tục ngữ, không thiếu gì từ ngữ bác học mà - trong hai tác phẩm quen thuộc chúng tôi đang sử dụng - cái từ bác học “Phật” lại xuất hiện trong văn học dân gian với một tần số cao hơn cả cái từ dân gian “Bụt” nữa. Trong Tục ngữ Việt Nam của Chu Xuân Diên, Lương Văn Ðang và Phương Tri (Hà Nội, 1975), phần “Sưu tập”, mục “Mê tín - dị đoan” (tr. 281-284), “Phật” xuất hiện 5 lần còn “Bụt” chỉ có 2 lần. Trong Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan (Hà Nội, 1971), phần sưu tập của mục “Về vũ trụ, con người và xã hội”, ở những câu có liên quan đến vấn đề đang xét (tr. 109-113), “Phật” xuất hiện 7 lần còn “Bụt” cũng chỉ có 2. Chính hai tác giả Thích Minh Châu và Minh Chi cũng đã phải thừa nhận rằng “trong văn học dân gian, từ “Phật” được dùng rất nhiều” (Sđd, tr.526)”.

Dĩ nhiên là ta có thể thấy tần số của “Bụt” còn cao hơn nữa nếu có một sự thu thập đầy đủ hơn. Còn ở đây, chúng tôi chỉ muốn chứng minh rằng từ “Phật” vẫn có mặt trong văn học dân gian, chứ không phải chỉ có “Bụt” mà thôi. Ðồng thời, cũng xin minh định rõ rằng, riêng trong chuyện cổ tích thì “Bụt” không còn phải là “buddha” trăm phần trăm nữa rồi. Ở đây, “Bụt” gần như là một Ông Tiên mang điều tốt đến cho những người ăn ở hiền lành, thật thà. Trong tâm thức dân gian xưa thì “Bụt” là như thế chứ không phải là Ðức Thích-ca Mâu-ni.

Xin mạo muội có những ý kiến như trên để nhận xét về việc Sư ông Thích Nhất Hạnh gọi Phật (Buddha) là … “Bụt”.