Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: "Cơ hội cho Việt Nam là có nhưng không phải quá lớn"

11:04 | 24/09/2018

682 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các chuyên gia cho rằng, đúng là Việt nam đang có chút cơ hội trước mắt nhưng thực chất quy mô sản xuất của chúng ta hiện nay là quá nhỏ nên cũng chẳng tận dụng được bao nhiêu.
chien tranh thuong mai my trung co hoi cho viet nam la co nhung khong phai qua lon chia se
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung có thể mang lại nhiều tác động tiêu cực cho Việt Nam.

Bình luận về câu chuyện chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, ở Việt nam, nhiều người trong chúng ta đang nhìn thấy cơ hội cho hàng hoá xuất khẩu vào thị trường Mỹ khi cuộc chiến thương mại này xảy ra.

"Đúng là Việt nam đang có chút cơ hội trước mắt nhưng thực chất quy mô sản xuất của chúng ta hiện nay là quá nhỏ nên cũng chẳng tận dụng được bao nhiêu", ông đánh giá.

Ông Hưng cho rằng, trong tình hình này nếu chúng ta không tỉnh táo vẫn tiếp tục kêu gọi FDI bằng các chính sách ưu đãi và theo đuổi tăng trưởng kinh tế bằng gia công hàng xuất khẩu thì lợi sẽ là rất ngắn hạn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta hiện tại đã là 200% GDP.

Trong khi đó, thị trường Trung quốc lại luôn gắn chặt với thị trường Việt nam, nên điều quan trọng nhất lúc này là cần có chiến lược gì để các doanh nghiệp Việt nam không đánh mất vị thế tại thị trường 100 triệu dân của mình, đây mới chính là lợi ích bền vững và lâu dài cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp Việt nam nói riêng.

"Với các chính sách ưu đãi như hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước đang mơ ước được hưởng các ưu đãi như doanh nghiệp FDI thì thật khó cho các doanh nghiệp nội địa đạt được lợi ích lâu dài", ông bình luận thêm.

Còn theo TS Lê Hải Mơ - Viện Chiến lược và chính sách tài chính, không nên chỉ xem “chiến tranh” thương mại là giữa Mỹ và Trung Quốc, mà đây là trận chiến nhiều tuyến. “Cuộc chiến” giữa Mỹ với châu Âu, giữa Mỹ và Canada, tức là “cuộc chiến” nhiều chiều chứ không chỉ giữa Mỹ - Trung Quốc.

Theo TS Lê Hải Mơ, cả Mỹ và Trung Quốc, EU... đều là những thị trường lớn của Việt Nam, do đó, nếu các nền kinh tế lớn này bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại thì tác động rất lớn đến Việt Nam chứ không chỉ giản đơn. Tác động với Việt Nam thế nào là một đề tài rất rộng lớn phải nghiên cứu rất sâu và có đối sách bài bản, toàn diện.

Tuy nhiên, tác động tiêu cực có thể nhận thấy đầu tiên, Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế mở nhất thế giới với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu gần 200% (năm 2018 dự kiến GDP khoảng 240 tỷ USD, xuất - nhập khẩu 475 tỷ USD); năm 2017 đầu tư FDI chiếm 24% GDP là mức rất cao (hiện nay FDI chiếm hơn 50% giá trị sản lượng công nghiệp và hơn 70% giá trị xuất khẩu) nên diễn biến kinh tế thế giới đương nhiên tác động ngay đến Việt Nam. Vấn đề này khác hẳn nhiều nước khác.

"Bên cạnh đó, cục diện quan hệ quốc tế đang trở nên phức tạp hơn rất nhiều trong khi Việt Nam lại nằm ở tâm điểm của cạnh tranh địa chính trị - kinh tế ( biển Đông và châu Á - Thái ình Dương). Ngoài ra, tác động tiêu cực rất cần quan tâm là sự xáo động về tiền tệ, tài chính - tiền tệ, vốn là vấn đề rất nhạy cảm bởi nó ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô nếu không có giải pháp điều hành phù hợp", ông cho biết.

Chung quan điểm, TS Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia cũng cho rằng: “Tác động tới Việt Nam, cơ hội mặc dù có nhưng không phải là quá lớn”.

Theo ông Thắng tính toán cho thấy, cuộc chiến có tác động tiêu cực tới GDP của Việt Nam, làm giảm khoảng -0.5% tăng trưởng thời điểm cao nhất (2022, 2023) sau đó tác động giảm dần. Tác động này không tính đến vấn đề biến động tỷ giá cũng như các đối sách tức thời của các đối tác của Việt Nam. Nhìn vào tăng trưởng của 2018, cho thấy có thể xuất khẩu sẽ tăng cao hơn một chút so với mục tiêu trên 8%, tuy nhiên, lợi ích của xuất khẩu cho tăng trưởng hiện nay đã có xu hướng giảm.

Vì thế, ông Thắng cho rằng tác động rủi ro tỷ giá sẽ rất lớn, ảnh hưởng tới lãi suất và lạm phát, kéo theo đó là tăng trưởng.

“Có ngành được lợi, có ngành thiệt hại, vì vậy cần nhiều thời gian để phân tích hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn cần tìm mọi cách để có phản ứng tỷ giá phù hợp với diễn biến mới, đặc biệt là chú ý tới dự trữ ngoại hối và thu hút thêm FDI để cái thiện cán cân ngoại hối. Đồng thời phải phân tích sâu hơn”, ông Trần Toàn Thắng lưu ý.

Theo Dân trí