Chiến tranh Syria lan rộng ra khu vực

11:00 | 02/06/2013

631 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cuộc xung đột đẫm máu kéo dài hơn hai năm ở Syria lại một lần nữa lan sang Liban, nơi các giới chức nói rằng nhiều quả đạn pháo đã rơi xuống một khu vực ở miền đông trong ngày 31/5. Trong khi đó, hội nghị hòa bình về Syria vẫn đang bế tắc.

Một căn nhà ở thị trấn Hermel, đông bắc Liban, bị trúng đạn rocket bắn từ Syria hôm 31/5/2013

Các giới chức an ninh Liban ngày 31/5 cho biết ít nhất 6 quả rocket bắn đi từ Syria đã rơi xuống một cánh đồng trong thung lũng Bekaa của Liban nhưng không gây thương vong hay thiệt hại nào. Bekaa là một cứ địa của nhóm chủ chiến Hezbollah ở Liban. Nhóm này đang chiến đấu ở Syria bên cạnh binh sĩ của Tổng thống Bashar al-Assad để chống lại các chiến binh của phe nổi dậy.

Liban không chính thức ngả về bên nào trong cuộc nội chiến Syria. Trong vài tháng qua nhiều quả rocket từ Syria đã rơi trúng Liban, phần lớn là những vùng mà phe Hezbollah có nhiều ảnh hưởng.

Trong khi đó, các binh sĩ chính phủ Syria và đồng minh Hezbollah ngày 1/6 đã tìm cách chiếm thị trấn chiến lược Qusair trong các cuộc giao tranh kịch liệt với phe nổi dậy. Binh sĩ Syria và các chiến binh Hezbollah tiến gần hơn tới chỗ chiếm được Qusair, nơi những vụ giao tranh ác liệt đã diễn ra trong vài ngày qua. Thị trấn này rất quan trọng đối với tuyến tiếp tế của phe nổi dậy đang tìm cách lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Trước đó, ngày 26/5, chỉ một ngày sau khi thủ lĩnh phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah cam kết sẽ đưa Tổng thống Syria Bashar al-Assad đi tới chiến thắng trong cuộc nội chiến ở Syria, hai quả tên lửa đã được bắn vào thành trì của nhóm này ở phía Nam thủ đô Beirut của Liban.

Bất chấp những nguy cơ đó, thủ lĩnh nhóm Hezbollah Hassan Nasrallah tỏ rõ rằng sẽ không quay đầu trở lại. Nhóm Hồi giáo dòng Shi'ite này đang làm gia tăng cuộc đua tranh phe phái ở Liban khi tuyên chiến với quân nổi dậy ở Syria, phần lớn trong số đó là người Hồi giáo dòng Sunni. Trong cuộc chiến với phe nổi dậy, ông Assad phải dựa vào sự hậu thuẫn của người Hồi giáo thiểu số dòng Shi'ite, người Thiên chúa giáo, và người Alawite.

Các quan điểm về chiến lược mới của Hezbollah dường như đang chia theo các dòng tôn giáo. Mahmoud Masoud, người Hồi giáo Sunni, nói rằng ông sợ Liban sẽ trở nên bất ổn. Phát biểu về nhóm Hezbollah, ông nói: "Tôi không muốn thấy mọi thứ tôi đã phục vụ vì chúng và đất nước tôi bị tan rã bởi lợi ích của một nhóm nào đó". Tamam Alameh, người Shi'ite, lại đứng về phía Hezbollah: "Syria đã giúp đỡ Liban rất nhiều. Chúng ta cần phải giúp đỡ họ và đưa họ thoát ra khỏi cuộc xung đột ở nước mình".

Vụ tấn công bằng tên lửa sáng 26/5 vào Beirut là một kiểu tấn công bất thường. Trong các vụ xung đột phe phái thỉnh thoảng diễn ra kể từ khi chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 15 năm ở Liban năm 1990, các nhóm thù địch thường đa phần đánh nhau trên đường phố. Trong hai quả tên lửa được bắn, một quả bắn trúng một đại lý ôtô ở quận Mar Mikhael, làm 4 công nhân Syria bị thương, phá hỏng hai ôtô và làm vỡ các ôtô khác. Quả thứ hai bắn xuyên qua một căn hộ tầng hai ở quận Chiyah, cách đó khoảng 2 km, làm hỏng căn hộ, song không ai bị thương tích.

Theo các quan chức an ninh, hệ thống phóng tên lửa sau đó được tìm ra ở trong rừng thuộc khu vực phía đông nam Beirut, nơi người Thiên chúa giáo và Hồi giáo Druse chiếm đa số. Chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm về vụ bắn tên lửa, song vụ này được cho là sự trả đũa trước phát biểu đầy thách thức của Nasrallah và sự tham gia của nhóm Hezbollah vào một cuộc tấn công hồi tuần trước của chính quyền vào thị trấn Qusayr của Syria do quân nổi dậy nắm giữ ở gần Liban. Chính quyền Syria đã đẩy lùi được quân nổi dậy nhưng chưa đánh bật được họ ra khỏi Qusayr. Tuy nhiên, ánh mắt nghi ngờ cũng dồn về Israel. Và cũng chỉ vài giờ sau khi địa bàn của Hezbollah bị tấn công, một quả tên lửa được xác nhận phóng đi từ phía Liban hướng vào lãnh thổ của Israel. Theo truyền thông và các nguồn tin quân sự Liban, một quả đạn pháo có thể được phóng đi từ thị trấn Marjayoun của nước này, cách biên giới Israel khoảng 10km, hướng thẳng về phía Israel. Trong khi đó, quân đội Israel cho biết đang điều tra các báo cáo của cư dân thị trấn Metula ở miền bắc về một tiếng nổ mà họ nghe được. Chưa có thông tin gì về thương vong.

Trong một đoạn băng video được đưa lên mạng vài ngày trước, một chỉ huy quân nổi dậy Syria đã đe dọa sẽ tấn công vào các mục tiêu Hezbollah ở phía nam Beirut để trả đũa cho sự tham dự của nhóm này trong trận chiến ở Qusair. Một số người cho rằng vụ bắn tên lửa chỉ là một tín hiệu cho thấy Liban đang trở thành một trận địa.

Nadim Koteich, nhà báo làm việc cho đài truyền hình trung ướng Liban, nói: "Nasrallha tuyên bố ông ta là một thành phần trong cuộc nội chiến ở Syria. Ông ta không cho người Liban biết tại sao ông ta cho rằng cuộc nội chiến này sẽ không lan sang Liban". Hezbollah vẫn là phong trào mạnh nhất ở Liban, được một nhóm quân sự hậu thuẫn với hàng chục nghìn tên lửa của Iran. Mặc dù có nguy cơ bị suy yếu do tham gia hoạt động tại Syria song Hezbollah vẫn được sự ủng hộ của người Shi'ite Liban, những người được hưởng hệ thống bảo trợ xã hội rộng rãi của nhóm này.

Kheikh Nabil Kaouk, Chỉ huy phong trào Hezbollah ở Nam Liban hôm 26/5 đã phát đi một tín hiệu cứng rắn khi phát biểu tại buổi họp của lực lượng này: "Nếu những quả rốckét nhằm đe dọa và gây áp lực lên chúng tôi, buộc chúng tôi phải thay đổi quan điểm ở Syria thì chúng đã vô tác dụng".

Không rõ có bao nhiêu tay súng đã được Hezbollah đã cử tới Syria nhưng những tay súng được huấn luyện chu đáo này vô cùng cần thiết đối với quân đội của Assad vì quân đội của Syria bị thiếu hụt do một số binh lính đảo ngũ ngay từ khi cuộc chiến bắt đầu và do chỉ những người trung thành về chính trị mới được cử ra chiến trường.

Nhà phân tích Peter Harling thuộc Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế băn khoăn hiện không rõ chiến lược mới của Hezbollah sẽ như thế nào. Ông nói: "Họ (Hezbollah) thấy rằng có thể phải xem xét lại 'luật chơi" trong khu vực, họ đang tập trung lực lượng để giành chiến thắng. Tuy nhiên, điều đáng nghi ngờ là liệu với chỉ lực lượng của mình họ có thể giành chiến thắng được không khi mà thể chế sụp đổ".

Binh sĩ Syria và phe Hezbollah gần chiếm được Qusair, thị trấn chiến lược trên tuyến tiếp tế của phe nổi dậy chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad (31/5/2013)

Không chỉ có Liban bị ngọn lửa chiến tranh từ Syria lan sang, một số quốc gia láng giềng khác của Syria cũng đang lo ngại. Jordani thông báo là đang đàm phán về việc cho phép một số nước triển khai tên lửa Patriot trên lãnh thổ của mình, phòng ngừa xung đột từ Syria tràn sang. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định xây hàng rào trên một phần đường biên giới chung với Syria sau khi xảy ra vụ khủng bố ở Reyhanli, ngày 11/5 vừa qua, làm 51 người thiệt mạng. Ankara hiện đang cưu mang khoảng 400.000 người tị nạn Syria.

Trong khi đó nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria vẫn bế tắc. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ngày 30/5 thừa nhận rằng tiến bộ thấp trong việc dàn xếp cuộc hòa đàm quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria. Lên tiếng tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, ông Ban nói rằng những yếu tố quan trọng của cuộc hòa đàm do Liên Hiệp Quốc bảo trợ vẫn còn chưa quyết định, trong đó có việc không biết phe đối lập Syria có tham gia hay không và ai sẽ đại diện họ.

Trước đó, các nhà lãnh đạo phe đối lập đã nhắc lại một đòi hỏi là Tổng thống Bashar al-Assad từ chức và nói rằng họ sẽ không đồng ý tham gia cuộc hòa đàm mà không có một thời biểu cho việc rút lui của ông ta.

Chính phủ của ông Assad đã thỏa thuận, trên nguyên tắc, là tham gia cuộc hòa đàm. Nhưng, hôm 31/5, Bộ trưởng Ngoại giao Syria, ông Walid al-Moallem, đã khẳng định rằng ông Assad vẫn còn là Tổng thống cho tới ít nhất là cuộc bầu cử năm 2014, và rằng, ông có thể ra tranh cử một nhiệm kỳ nữa.

H.Phan (Tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc