Chiến lược xây dựng thương hiệu gạo?

15:22 | 12/12/2020

182 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thông tin gạo ST25 của Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua giành giải nhì tại cuộc thi gạo ngon thế giới năm 2020 tổ chức tại Mỹ đã gây ngạc nhiên cho nhiều người.
Kỹ sư Hồ Quang Cua (thứ hai từ phải sang) nhận giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019.
Kỹ sư Hồ Quang Cua (thứ hai từ phải sang) nhận giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019.

Bởi, năm 2019, ST25 đại diện cho Việt Nam đã giành giải nhất cuộc thi World’s best rice contest 2019 - Gạo ngon nhất thế giới 2019, được tổ chức tại Manila, Philippines.

Vì sao Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại đưa gạo ST25, vốn đã ở ngôi vị số một thế giới đi thi, để rồi thất thế và đánh mất vị thế quán quân về tay gạo Hom Mali của Thái Lan?

Lý giải về việc đưa ST25 đi thi, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA cho biết, trước khi đưa ST25 đi thi, VFA đã tổ chức thi chọn và không có gạo nào chất lượng tốt hơn ST25, nên việc đưa loại gạo này đi thi là đương nhiên.

Nên nhớ rằng, Việt Nam phải mất rất nhiều năm mới giành được vị trí gạo ngon nhất thế giới, và việc đưa ST25 đi thi như vừa qua đã tạo ra hiệu ứng ngược. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, sự kiện này gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh gạo của họ. Bởi các chương trình marketing đã làm trong năm qua, đến nay gần như rất khó để có bước tiến mới.

“Sai một ly, đi một dặm”, có lẽ đây sẽ là bài học đắt giá trong việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt trên thị trường quốc tế. Nhưng nó cũng đặt ra yêu cầu ngành nông nghiệp nói chung và lúa gạo Việt Nam nói riêng phải có chiến lược đầu tư, nghiên cứu phát triển các giống cây trồng để có thể cạnh tranh và xây dựng chiến lược tiếp theo chuyên nghiệp và dài hơi.

Theo enternews.vn