Chiến lược Indonesia đối phó Trung Quốc ở Biển Đông

09:01 | 17/01/2020

526 lượt xem
|
Indonesia dùng lực lượng trên thực địa kết hợp với sự ủng hộ của dư luận trong nước để xua đuổi đội tàu Trung Quốc xâm phạm EEZ trên Biển Đông.

Indonesia và Trung Quốc tháng trước nhất trí củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, khi ngoại trưởng hai nước gặp nhau bên lề Diễn đàn Hợp tác Á - Âu ở Madrid, Tây Ban Nha. Quan hệ song phương càng trở nên tích cực hơn khi Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto cuối tháng 12/2019 thăm Bắc Kinh với mong muốn Trung Quốc giúp hiện đại hóa quân đội nước này.

Tuy nhiên, căng thẳng song phương bất ngờ leo thang ngay sau đó, khi Jakarta tố Bắc Kinh xâm phạm vùng biển phía bắc quần đảo Natuna. Tàu hải cảnh Trung Quốc đã hộ tống nhiều tàu cá đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ở đảo Ranai, mà Bắc Kinh gọi là "ngư trường truyền thống".

EEZ của Indonesia ở ngoài khơi quần đảo Natuna chồng lấn với "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra, bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp quy định của luật pháp quốc tế.

Có thời điểm, khoảng 50 tàu cá Trung Quốc dưới sự bảo vệ của hai tàu hải cảnh cỡ lớn ngang nhiên khai thác tại vùng biển này. Đây được coi là một phần trong chiến lược "vùng xám" của Trung Quốc nhằm lợi dụng lực lượng tàu cá, dân quân biển để củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của Biển Đông.

Chiến lược Indonesia đối phó Trung Quốc ở Biển Đông
Tàu chiến Indonesia chạm mặt tàu hải cảnh Trung Quốc (màu trắng) ở phía bắc quần đảo Natuna hôm 12/1. Ảnh: Reuters.

Trước động thái bất ngờ này của Trung Quốc, Indonesia ban đầu dường như lép vế. Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla), lực lượng có chức năng hành pháp trên biển, không thể ngăn cản số lượng tàu cá Trung Quốc quá đông, do hạn chế về lực lượng.

"Động thái của Trung Quốc ở quần đảo Natuna có thể là để thăm dò chính quyền Tổng thống Joko Widodo sau khi ông tái đắc cử hồi năm ngoái", Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, nhận định.

Quan hệ song phương Trung Quốc - Indonesia duy trì ổn định trong nhiều năm qua. Bắc Kinh đã dành nhiều năm để "lấy lòng" Jakarta sau căng thẳng hồi năm 2016, khi tàu chiến Indonesia bắn tàu cá Trung Quốc xâm phạm EEZ, khiến một ngư dân bị thương.

Quan hệ kinh tế song phương cũng khởi sắc từ đó. Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư chính của Indonesia, với 2,3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019, chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài.

Phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những cam kết giúp Widodo tái đắc cử. Vai trò của Trung Quốc trong lĩnh vực này dường như không thể phủ nhận. Hồi đầu tháng 12/2019, Ban Điều phối Đầu tư Indonesia (IICB) đưa ra các dự án cơ sở hạ tầng trị giá 91,1 tỷ USD cho các nhà đầu tư Trung Quốc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Trên thực tế, hồi năm 2019, chính quyền Widodo còn kỳ vọng Trung Quốc tham gia vào kế hoạch di dời thủ đô từ Jakarta đến Đông Kalimantan. Vào tháng 7/2019, Widodo đề xuất Chủ tịch Tập Cận Bình thành lập "quỹ lãi suất thấp" để tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở 4 hành lang đầu tư trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Theo chuyên gia Koh, những động thái này khiến Bắc Kinh tin rằng nội các mới của Widodo có thể "thân thiện" với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông hơn trước đây. Các lãnh đạo Bắc Kinh dường như cho rằng Jakarta sẽ phải cân nhắc "thiệt hơn" trong vụ 50 tàu cá Trung Quốc xâm phạm EEZ ngoài khơi Natuna.

Tuy nhiên, phản ứng của Indonesia có vẻ như nằm ngoài dự liệu của Trung Quốc. Trước hành vi xâm phạm EEZ đó, chính quyền Tổng thống Widodo đã ngay lập tức có động thái phản đối mạnh mẽ về ngoại giao.

Bộ Ngoại giao Indonesia hai lần gửi công hàm phản đối hoạt động đánh cá phi pháp của Bắc Kinh vào ngày 30/12/2019 và 2/1. Bộ này khẳng định Trung Quốc đã vi phạm EEZ của Indonesia, chỉ ra rằng EEZ đó được thiết lập theo luật quốc tế thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Cơ quan ngoại giao Indonesia kêu gọi Trung Quốc tôn trọng việc thực thi UNCLOS mà nước này là thành viên.

Jakarta cũng viện dẫn phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".

Chiến lược Indonesia đối phó Trung Quốc ở Biển Đông
Vị trí quần đảo Natuna của Indonesia. Đồ họa: Google Map.

Kết hợp với phản ứng về ngoại giao, Indonesia đã tiến hành chiến lược "đối phó kiềm chế" trên thực địa, khi các quan chức cấp cao trong chính phủ quyết định tại cuộc họp hôm 3/1 rằng lực lượng chức năng nước này sẽ tránh đối đầu trực tiếp hoặc bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Bakamla, một cơ quan dân sự, sẽ phụ trách hoạt động đẩy đuổi tàu cá Trung Quốc, trong khi tàu chiến Indonesia sẽ hiện diện ở phía sau để hỗ trợ.

Không giống như sự cố năm 2016, khi tàu chiến Indonesia bắn cảnh cáo làm ngư dân Trung Quốc bị thương, lực lượng chức năng Indonesia lần này đã rút kinh nghiệm và ưu tiên giải quyết tình hình ngoài khơi Natuna bằng biện pháp ngoại giao hòa bình. Jakarta coi việc đối phó một cách quyết liệt và tương xứng là chìa khóa để giải quyết vấn đề.

Trên mặt trận truyền thông, các bộ trưởng trong chính phủ Indonesia liên tục xuất hiện trên truyền hình, trấn an dư luận bằng các tuyên bố mạnh mẽ với người dân rằng họ có thể đối phó được với Trung Quốc. Để thể hiện quyết tâm bảo vệ quyền chủ quyền, nước này thông báo kế hoạch đưa ngư dân từ Tây Java tới đánh bắt ở vùng biển phía bắc Natuna để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế.

Trước những lo ngại trong nước rằng Indonesia đang trở nên quá phụ thuộc vào vốn đầu tư của Trung Quốc, Luhut Panjaitan, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư, khẳng định Indonesia sẽ không đánh đổi chủ quyền lãnh thổ để đổi lấy nguồn tiền từ Trung Quốc.

Tổng thống Widodo gia tăng mức độ phản ứng của Indonesia lên một bậc khi đến thăm đến quần đảo Natuna và lên tàu chiến KRI Usman Harun tại căn cứ hải quân Lampa Strait hôm 8/1.

Ngay sau đó, hải quân Indonesia đưa 8 chiến hạm đến quần đảo Natuna để "tuần tra và cứu nạn" nhằm tăng cường hiện diện. Không quân Indonesia cũng thông báo triển khai các chiến đấu cơ F-16 đến quần đảo Natuna để "tuần tra thường nhật".

Chiến lược Indonesia đối phó Trung Quốc ở Biển Đông
Tổng thống Widodo (áo đen) lên thăm tàu chiến ở Natuna hôm 8/1. Ảnh: AFP/Presidential Palace.

Trước những phản ứng mạnh mẽ trên nhiều mặt trận của Indonesia, sau khoảng 20 ngày xâm phạm EEZ nước này, hầu như toàn bộ đội tàu cá Trung Quốc cùng tàu hải cảnh hộ tống đã lẳng lặng rút khỏi khu vực hôm 9/1.

Jefferson Ng, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại đại học công nghệ Nanyang, cho rằng thông qua ngoại giao hòa bình và xử lý các vấn đề trong nước, Indonesia đã khiến Trung Quốc phải chùn bước trên vùng biển ngoài khơi Natuna. Lợi ích quốc gia của Indonesia ở EEZ được bảo vệ, trong khi mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh không bị ảnh hưởng, cũng như không khiến dư luận trong nước bất bình với các hoạt động đầu tư của Trung Quốc.

Để tránh các sự việc tương tự xảy ra trong tương lai, Jefferson cho rằng Indonesia sẽ có thêm các biện pháp phòng bị để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trên Biển Đông.

Indonesia đã nỗ lực tăng cường sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về vấn đề chủ quyền trên biển. Nước này dự định hợp tác với Nhật Bản để phát triển một cơ sở đánh cá và tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật đối với lực lượng cảnh sát biển, điều cho thấy hai nước có chung lợi ích trong việc duy trì nguyên trạng khu vực.

Theo Jefferson, Indonesia sẽ tìm cách đa dạng hóa nguồn đầu tư nước ngoài để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Mặc dù nợ tư nhân Indonesia với Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2014-2018 lên 16,1 tỷ USD, con số này vẫn ở mức thấp so với các nhà đầu tư dài hạn như Singapore và Nhật Bản. Indonesia cũng đang tìm kiếm đầu tư từ Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Nhật Bản và Mỹ.

"Người ta thường nói 'mềm nắn, rắn buông'. Việc kết hợp giữa sự ủng hộ của dư luận trong nước với sức mạnh của mình sẽ giúp Indonesia có chiến lược đối phó cứng rắn nhưng vẫn linh hoạt với Trung Quốc", Jefferson nhận định.

Theo VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc