Chiến đấu cơ tàng hình J20 của Trung Quốc "khoe" vũ khí

19:00 | 28/07/2013

1,062 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm qua đã đăng tải ảnh chiếc chiến đấu cơ tàng hình J-20 của nước này “khoe” khoang chứa tên lửa. Theo đó, khoang tên lửa chính của J-20 được trang bị 4 tên lửa tầm trung, ít hơn so với F-22 của Mỹ.

J-20 là thế hệ máy chiến đấu cơ tàng hình hai động cơ mới nhất của Trung Quốc được phát triển bởi tổ hợp công nghiệp hàng không Thành Đô. Phiên bản mẫu đầu tiên đã cất cánh tháng 1/2011 trong khi phiên bản chính thức dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong giai đoạn từ 2017 đến 2019.

J-20 bay với khoang vũ khí chính mở toang

Trong loạt ảnh được hãng thông tấn Tân Hoa Xã công bố hôm qua, phiên bản mẫu thứ hai của chiếc chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 4 của Trung Quốc, số hiệu 2002, đã mở toang khoang vũ khí chính dưới thân, để lộ 2 quả tên lửa đã được gắn sẵn trong một nửa khoang, trong khi một nửa khoang còn lại bỏ trống.

Như vậy, cùng với những hình ảnh được hé lộ hồi tháng 3, có thể khẳng định J-20 có khả năng mang tối đa 6 quả tên lửa không đối không. Trong đó 2 tên lửa được gắn ở hai bên thân là các tên lửa không đối không tầm ngắn. Trong khi đó 4 quả tên lửa chính trong khoang cũng chỉ là loại tầm trung do radar dẫn đường. So với chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor của Mỹ, J-20 có phần yếu thế hơn bởi F-22 Raptor có thể mang 6 tên lửa trong khoang chính.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa khoang vũ khí bên hông của J-20 so với F-22 Raptor của Mỹ được cho là ở cơ chế phóng tên lửa. Trong khi F-22 Raptor phải mở khoang vũ khí trước khi tên lửa khóa mục tiêu và phóng, khiến khả năng lẩn tránh radar và bẻ lái bị giảm, thì J-20 sẽ sử dụng một động cơ đẩy các tên lửa từ trong khoang ra giá treo bên ngoài rồi đóng khoang vũ khí lại. Như vậy tên lửa có thể được phóng đi trong khi khoang vũ khí vẫn đóng kín.

Mô phỏng cơ chế phóng tên lửa bên hông của J-20

Loại tên lửa được trang bị có thể là tên lửa không đối không hồng ngoại PL-10, một tên lửa thế hệ mới của Trung Quốc có thể được so sánh với với AIM-9X của Mỹ.

Trong khi đó 4 tên lửa trong khoang chính sẽ phải được thả ra ngoài máy bay trước khi kích hoạt để phóng, tương tự như các tên lửa hành trình.

Trước đó, hồi đầu tháng này, tờ Thời báo hoàn cầu từng khẳng định J-20 đã hoàn tất đợt bay thử lần hai hôm 2/7 với hai chuyến bay, mỗi chuyến kéo dài một tiếng. Trong cuộc thử nghiệm này J-20 được cho mang số lượng tên lửa tối đa để kiểm tra khả năng bay ổn định khi mở khoang vũ khí hoặc bắn tên lửa.

Sau đó, đến hôm 6/7, chiếc J-20 số hiệu 2002 tiếp tục cất cánh tại nhà máy ở Thành Đô để đến trung tâm thử nghiệm bay tại Tây An. Điều này cho thấy việc thử nghiệm chiếc J-20 đã bước vào giai đoạn mới.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với một kênh truyền hình tại Bắc Kinh, chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Xinzhi cho biết khi được đưa vào biên chế, J-20 có tầm bay có thể bao phủ các hòn đảo mà nước này có tranh chấp trên biển Đông.

Ông Song khẳng định trong khi các chiến đấu cơ Su-27 và J-11 có tầm bay khoảng 3600 km, J-20 có tầm bay tới hơn 4000 km. Và điều đó có nghĩa là nếu nó cất cánh từ đảo Hải Nam, phạm vi chiến đấu của nó sẽ từ 1500 – 2000 km, đủ để vươn tới quẩn đảo Trường Sa của Việt Nam.

Một số hình ảnh về khoang vũ khí của chiến đấu cơ J-20

J-20 trong lần khoe tên lửa hồi tháng 3

Khoang tên lửa bên hông của F-22 Raptor của Mỹ

 

(Theo Dân trí)